Chuyên mục
Nga dồn dập 'xuất chiêu' giải cứu kinh tế
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga dồn dập 'xuất chiêu' giải cứu kinh tế

Thứ ba 23/12/2014 23:16 GMT + 7
Dựng hàng rào thuế quan đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tung gói cứu trợ ngân hàng..., Nga đang khẩn trương giải cứu nền kinh tế khủng hoảng.

Lương thực, túi tiền

Ngày 22/12, chính phủ Nga cho biết sẽ dựng các hàng rào thuế quan để hạn chế hoạt động xuất khẩu ngũ cốc nhằm kiềm chế giá cả trong nước đang tăng cao do đồng Rúp mất giá.

Các hãng tin Nga dẫn lời Phó Thủ tướng nước này Arkadi Dvokovitch cho hay biện pháp trên nhiều khả năng sẽ được áp đặt trong vòng 24 giờ đồng hồ. 

Đồng Rúp mất giá khiến cho việc xuất khẩu ngũ cốc đem lại nhiều lợi nhuận cho các nông dân Nga, đồng thời khiến giá ngũ cốc trong nước tăng vọt cho dù nước này đang có một trong những vụ mùa bội thu kỷ lục.


Nga đang cố gắng "hãm phanh" đà lao dốc của đồng Rúp

Cùng ngày, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Igor Shuvalov cho biết ông hy vọng đồng Rúp sẽ tiếp tục đà tăng giá hiện nay và Mátxcơva không có kế hoạch áp dụng các biện pháp kiểm soát tiền tệ đối với các công ty nội địa. 

Trả lời báo giới, ông Shuvalov khẳng định rằng Chính phủ Nga "phản đối" việc coi các biện pháp kiểm soát tiền tệ là cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng đồng Rúp.

Ở một động thái khác, Ngân hàng Trung ương Nga thông báo sẽ đặt Ngân hàng Trust Bank dưới sự giám sát, đồng thời sẽ giải cứu ngân hàng này trước nguy cơ phá sản bằng gói cứu trợ trị giá 30 tỷ Rúp (430 triệu USD).

Các biện pháp này "sẽ giúp Trust Bank tiếp tục hoạt động thanh toán. Tất cả khách hàng của nhà băng, trong đó có người gửi tiền, vẫn có thể sử dụng dịch vụ như bình thường", Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố hôm 22/12.

Trust Bank là ngân hàng lớn thứ 32 tại Nga về giá trị tài sản, theo Interfax. Đây cũng là nhà băng lớn thứ 15 về tài khoản cá nhân. Tính đến ngày 1/12, Trust Bank nắm giữ 145 tỷ Rúp (2,63 tỷ USD) tiền gửi cá nhân. Tuần trước, Bộ Tài chính Nga đã đề xuất tăng gấp đôi bảo hiểm tiền gửi, lên 1,4 triệu Rúp (25.000 USD) nếu một nhà băng phá sản.

Dưới áp lực của đồng Rúp lao dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc khủng hoảng Ukraine, ngành ngân hàng Nga có thể sẽ nhận được 1.000 tỷ Rúp (18 tỷ USD) hỗ trợ vốn, theo luật mới được Chính phủ thông qua cuối tuần trước. 

Suy thoái sâu, giá cả tăng vọt và hệ thống ngân hàng mong manh là tình trạng hiện nay của Nga. Mới đây nhất, Ngân hàng Trung ương Nga đã can thiệp vào thị trường tiền tệ khi tăng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17% vào nửa đêm. Nhưng điều này không ngăn được sự hoảng loạn khi đồng Rúp tiếp đà lao dốc. 

Từ đầu năm đến nay, đồng Rúp đã mất gần 50% giá trị so với đồng USD. Các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhập khẩu đang dần trở nên xa xỉ. Ngay cả các ngân hàng trung ương cũng ước tính nền kinh tế có thể sẽ tăng trưởng âm 5% trong năm tới, nếu giá dầu vẫn ở mức hiện tại.

Putin có toát mồ hôi vì chiến tranh kinh tế?

Nước Nga đang phải hứng đòn trừng phạt kinh tế nặng nề từ Mỹ và phương Tây sau vụ nước này sáp nhập Crimea, đồng thời bị cáo buộc hỗ trợ quân ly khai tại miền đông Ukraine.

Theo Bloomberg, chiến tranh kinh tế đã dần phổ biến từ đầu thế kỷ 21. Trừng phạt là biện pháp nằm giữa lên án và không kích. Chúng rất khó bị kiểm soát, khó đo lường ảnh hưởng, có thể ảnh hưởng đến dân thường và các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp. 

Không một quốc gia nào sử dụng công cụ này nhiều hơn Mỹ, với đủ các kiểu trừng phạt, từ hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu, đầu tư, giao dịch tài chính, với tổng cộng hơn 110 lần trong thế kỷ trước. Mục đích của họ là buộc các quốc gia khác thay đổi chính sách, chấm dứt các chương trình vũ khí, hay thậm chí lật đổ cả Chính phủ.

Bộ Tài chính Mỹ đã trở thành cơ quan an ninh quốc gia nổi bật nhất từ sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Họ tự gọi mình là "những người lính du kích trong bộ vest xám", quản lý tới 37 chương trình trừng phạt nhắm vào các Chính phủ, cá nhân, nhóm khủng bố và tội phạm ở 20 quốc gia.

Các biện pháp trừng phạt hiệu quả nhất là những kiểu được áp dụng bởi nhiều quốc gia cùng lúc. Những cuộc tranh luận về loại trừng phạt nào có thể khiến Nga ngừng can thiệp vào Ukraine đã cho thấy việc áp dụng thành công cần phải khéo léo đến mức nào. Mối quan hệ thương mại mật thiết của EU, trong đó có phụ thuộc vào khí đốt Nga, đã làm dấy lên mối lo cấm vận quy mô lớn có thể phản tác dụng với các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu. Ban đầu, các lệnh trừng phạt chủ yếu nhắm vào các cá nhân, ngành công nghiệp và tổ chức tài chính, không bao gồm lương thực và hàng hóa nhân đạo.

Tháng 7/2014, Mỹ và EU tăng gấp đôi quy mô trừng phạt, khi hạn chế các công ty Nga tiếp cận thị trường, vốn và công nghệ phương Tây. Đến tháng 9, các lệnh trừng phạt thắt chặt hơn vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng. Việc này đã khiến nhiều công ty Mỹ và châu Âu phải ngừng hợp tác khai thác dầu với Nga.

Đến tháng 11, khi Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết luận Nga đã gửi xe tăng và quân đội sang miền đông Ukraine, các bộ trưởng EU đã đồng ý áp nhiều lệnh trừng phạt và cấm đi lại lên các cá nhân Nga. Tháng này, tác động kép của lệnh trừng phạt và giá dầu giảm đã khiến đồng Rúp Nga mất giá kỉ lục.

Câu hỏi đặt ra là liệu thế đã đủ để khiến Tổng thống Nga - Vladimir Putin toát mồ hôi hay chưa?

Trung Quốc "đánh tiếng" muốn giúp Nga

Trong một sự kiện ở Bangkok, Thái Lan hôm 20/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói sẽ giúp Nga nếu Nga cần, đồng thời bày tỏ tin tưởng nước Nga sẽ vượt qua được những khó khăn kinh tế hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Hucheng thì nói việc mở rộng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa đồng Rúp và Nhân dân tệ và tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thương mại song phương sẽ giúp ích nhiều cho Nga.
 

Khải An (Tổng hợp)
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.