Chuyên mục
Nga đã đẩy bóng ma lạm phát ra sau lưng
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga đã đẩy bóng ma lạm phát ra sau lưng

Thứ ba 10/02/2015 05:01 GMT + 7
Những ngày này, cả thế giới đều đổ dồn sự chú ý vào tình hình Ukraine, với hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa EU gồm đại diện là Đức và Pháp với Nga tại Moscow, và sau đó là hội nghị chính thức tại Minsk, sẽ giải quyết được cuộc xung đột đang chia Châu Âu làm hai nửa.


Những cuộc đàm phán, mặc cả cùng những màn đấu trí quyết liệt sẽ diễn ra giữa các nhà lãnh đạo quyền lực nhất Châu Âu, khi mà mọi điểm yếu của đối phương sẽ được phơi bày như những chiến thuật đàm phán. Nhưng khi mà cả Nga lẫn EU đều đang gặp trục trặc về kinh tế, thì Nga lại đang có lợi thế hơn, khi bóng ma lạm phát đã ở phía sau lưng họ.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn mới nhất, thống đốc Ngân hàng trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina đã tuyên bố: “Chúng tôi không thấy những yếu tố nghiêm trọng có thể dẫn đến tiếp tục tăng trưởng lạm phát. Đó là nguyên nhân tại sao chúng ta không có lý do gì để nói về việc tăng lãi suất một cách tất yếu”. 

Đây được xem là lời giải thích chính thức cho việc Ngân hàng trung ương Nga đã bất ngờ giảm lãi suất trong những ngày đầu tiên của tháng hai, từ 17% xuống còn 15%, một điều khiến giới phân tích trên thế giới ngạc nhiên. Hãng S&P khi khảo sát ý kiến của 32 chuyên gia kinh tế về khả năng Nga giảm lãi suất trước đó đã đạt kết quả là chỉ 1/32 chuyên gia được hỏi cho rằng lãi suất sẽ giảm.

Sự điều chỉnh lãi suất một cách đột ngột ấy không chỉ gây ngạc nhiên cho các chuyên gia khi nó xảy ra, mà còn gây ngạc nhiên kể cả khi nó đã diễn ra được hơn một tuần lễ. Đối với nhiều người, lời giải thích của bà Nabiullina về việc không có các yếu tố gây lạm phát kéo dài là không thích đáng, khi mà chỉ ngay trong tháng 1.2015 mức lạm phát ở Nga đã tăng 15% so với năm 2014, với mức lạm phát trong tháng Giêng cao như thế, lẽ ra ngân hàng trung ương Nga cần xiết chặt hơn nữa lãi suất mới là thích hợp. 

Giải thích điều này, thống đốc Nabiullina – được mệnh danh là “người đàn bà thép” – cho rằng, đây là kết quả dựa trên sự phân tích và đánh giá dài hạn các yếu tố có thể gây tăng trưởng lạm phát, theo đó tháng 1.2015 sẽ là thời điểm lạm phát đạt đỉnh trước khi suy giảm, và đó là thời điểm phù hợp để giảm lãi suất như một biện pháp kích thích nền kinh tế.

Sở dĩ như vậy, là vì giá dầu lửa trên thị trường thế giới – yếu tố gây lạm phát hàng đầu ở Nga – đã đi vào ổn định trong thời gian qua. Dù vẫn dao động ở mức 50 USD/thùng trong thời gian qua, nhưng chính sự ổn định đó của giá dầu đã thể hiện rằng một sự sụt giảm sâu hơn là điều khó có thể xảy ra. Cả OPEC lẫn hầu hết các chuyên gia trên thế giới đều nhận định giá dầu sẽ không giảm sâu thêm, mà sẽ bắt đầu hồi phục trong giai đoạn tới. 

Điều này được xem là mấu chốt đối với phân tích của Ngân hàng trung ương Nga, theo đó, mức lạm phát cao 15% của Nga trong tháng 1.2015 trùng khớp với giai đoạn giá dầu sụt giảm nghiêm trọng nhất, có lúc đã gần chạm mốc 40 USD/thùng, lạm phát vì thế liên quan đến giá dầu chứ không phải do các nguyên nhân nội tại của kinh tế Nga.

Lạm phát ở Nga, vì thế không diễn ra theo đường thẳng, mà theo một đồ thị liên hệ với đồ thị lên xuống của giá dầu. Bản chất gây ra lạm phát ở Nga vì thế cũng khác với hầu hết các cuộc lạm phát khác trên thế giới là do những lỗi điều hành trong nội tại nền kinh tế của các quốc gia, và lạm phát do các nguyên nhân nội tại ở những quốc gia này thường có xu hướng diễn ra theo một đồ thị thẳng. 

Bà Nabiullina bác bỏ suy đoán rằng lạm phát ở Nga sẽ tiếp tục tăng trong tháng 2.2015 chỉ vì nó đạt mức cao trong tháng 1, thống đốc Ngân hàng trung ương Nga nhận định dự đoán đó chỉ đúng với các trường hợp lạm phát khác, chứ không đúng với trường hợp của Nga, nơi lạm phát phụ thuộc phần lớn vào sự biến động của giá dầu. 

Ở thời điểm hiện tại, khả năng giá dầu giảm thêm là gần như không thể xảy ra, vì vậy tiếp tục giữ lãi suất cao là điều không cần thiết. Tuy vậy, người đứng đầu hệ thống ngân hàng Nga cũng thể hiện sự thận trọng, khi cho rằng lạm phát vẫn có thể có những “vùng vẫy lần cuối” khi có thể sẽ xuất hiện một lần chót vào quý II, nhưng đó là do các hệ quả tích tụ từ các biến động trong quá khứ như khấu hao của đồng Rup, chứ không do các yếu tố cơ bản như giá dầu hay điều hành.

Các chuyên gia thì đang cho rằng, việc hạ lãi suất ở thời điểm này không chỉ cho thấy kinh tế Nga đã loại bỏ được bóng ma lạm phát ở sau lưng và đi vào ổn định trở lại, mà còn mang một ý nghĩa chính trị quan trọng. Việc cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế Nga hồi phục trở lại sau quãng thời gian thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát có thể tăng sự ủng hộ của người dân Nga với tổng thống Putin, đồng thời cũng tránh để xảy ra việc EU sử dụng điều này để gây sức ép với Nga trong những cuộc đàm phán về tình hình Ukraina và nối lại quan hệ kinh tế song phương Nga - EU.

Theo đó, Nga có thể gây sức ép với EU về khó khăn mà liên minh Châu Âu đang gặp phải do nguy cơ giảm phát, cùng với đó là trường hợp Hy Lạp khi Kremlin đang bỏ nhỏ vào tai Athens rằng sẽ hỗ trợ nước này hết mức nếu rời khỏi khu vực đồng tiền chung. Giới phân tích cho rằng kết quả đàm phán giữa Nga và EU về tình hình Ukraine và nối lại quan hệ kinh tế sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế tài chính thì có vẻ như Nga đang dẫn trước EU ít nhất là một bàn.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Nguồn: Một thế giới
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.