Chuyên mục
Nga chống tham nhũng bằng hàng loạt biện pháp
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga chống tham nhũng bằng hàng loạt biện pháp

Thứ hai 17/02/2014 16:20 GMT + 7
Những năm gần đây, Nga đã tích cực thực hiện các biện pháp nhằm đấu tranh hiệu quả với nạn tham nhũng, nhận hối lộ. Hàng loạt đối tượng công chức phải kê khai tài sản, thu nhập (và cả những khoản chi phí lớn); cấm có tài khoản ở ngân hàng ngoại quốc; không được tiến hành kinh doanh ở nước ngoài; luân chuyển cán bộ; giao nộp những quà tặng đắt tiền nhận được. Có điều, những biện pháp này xem ra vẫn chưa đủ…


Nga chống tham nhũng bằng hàng loạt biện phápÔng Vladimir Pekhtin đã phải từ chức sau khi xuất hiện cáo buộc có nhà ở Mỹ. Ảnh:ria.ru

Trừng phạt quan chức tham nhũng “chìm”

Đầu tháng 2 vừa qua, Đài Tiếng nói nước Nga cho biết, điều khoản quy định các mức độ trừng phạt quan chức tham nhũng “chìm” đang được xem xét bổ sung vào Bộ luật Hình sự Liên bang Nga. 

Khi được thông qua, các đối tượng nhận hối lộ sẽ không thể trốn tránh trách nhiệm nếu bị bắt quả tang hứa hẹn dùng uy thế và địa vị bản thân “giúp” ai đó. 

Với hy vọng mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng, dự thảo do một nhóm nghị sĩ của Đảng Nước Nga Thống nhất đưa ra. Sau khi các chuyên gia đến từ các bộ, ngành liên quan đóng góp ý kiến, văn bản này sẽ được đưa vào Đuma Quốc gia Nga (Hạ viện) để thảo luận.
 
Trong một hành vi phạm tội tham nhũng bao giờ cùng có ít nhất hai đối tượng: Người đút lót và người nhận hối lộ. Ở Nga, tội hối lộ có mức phạt hình sự đến 8 năm tù giam và số tiền phạt không nhỏ. Ảnh: RIA Novosti

Hiện nay, các đối tượng tham nhũng ở Nga đối mặt với án tù từ 7 đến 12 năm, nếu cơ quan bảo vệ pháp luật chứng minh được họ đã lợi dụng chức quyền phục vụ vào mục đích phạm pháp. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, một quan chức nhận đút lót cho hành động vượt ngoài thẩm quyền, ví dụ, hứa sử dụng sự quen biết trong cơ quan hành chính, có thể sẽ chỉ bị tòa xác nhận là đối tượng lừa đảo thông thường. Khi đó, mức án nặng nhất đe dọa người này chỉ là 2 năm tù giam. Mặc dù vậy, thường thì kết luận của tòa sẽ hạn chế ở mức độ phạt tiền. 

Khẳng định đến nay vẫn không dễ chứng minh sự hiện diện yếu tố tham nhũng trong mỗi vụ án, ông Boris Shmelev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Nga, được dẫn lời cho biết thêm: Tham nhũng thể hiện dưới nhiều hình thức: Nhận hối lộ thẳng, quan chức gợi ý làm trung gian giải quyết vấn đề của nhà kinh doanh, dàn xếp trở ngại phát sinh giữa công dân và Nhà nước. Đây là một hình thức tham nhũng “chìm”, khó bị phát hiện và ngăn chặn. Xuất phát từ yếu tố này, những giải pháp đang được Đuma Quốc gia xem xét có ý nghĩa rất quan trọng. “Khó đấu tranh chống tham nhũng nếu thiếu hụt những cơ sở pháp lý phù hợp” - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Nga nhấn mạnh.

Thu hồi tài sản của thân nhân người bị kết án tham nhũng

Liên quan đến việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, các nhà lập pháp Nga thậm chí đã bàn tới việc tước tài sản của thân nhân người bị kết án tham nhũng. Theo các chuyên gia, biện pháp này sẽ làm cho kẻ tham nhũng cân nhắc nhiều hơn về hậu quả hành vi của mình. Ngoài ra, điều đó sẽ giúp bù đắp thiệt hại do các quan chức lạm dụng quyền lực gây ra.

Trước việc không dễ thu hồi tài sản tham nhũng vì đối tượng tham nhũng thường để đứng tên người thân, vào tháng 11/2013, một dự luật về tịch thu tài sản của tội phạm tham nhũng được hỗ trợ bởi Điện Kremlin và Cơ quan Kiểm toán, đã được trình lên Đuma Quốc gia. Theo đó, các nghị sĩ đề xuất mở rộng phạm vi tịch thu, kê biên tài sản có giá trị của thành viên gia đình kẻ ăn hối lộ. 

Tất nhiên, đây là việc làm không dễ vì theo Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Nga Kirill Kabanov, “hầu hết các tài sản có nguồn gốc tham nhũng đều bị quan chức Nga tuồn ra nước ngoài. Hàng tỷ USD đang nằm ở Pháp, Anh… Có thể tịch thu tài sản về Nga, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ….”. Theo quan chức này, để tội phạm tự nguyện trả lại những thứ đã ăn cắp, cần phải tuyên xử án tù từ 10 đến 20 năm. Khi một người bị đi tù về tội làm giàu bất hợp pháp, kẻ đó không thể được ân xá hoặc được thả với bất cứ lý do gì, cho đến khi bồi thường đầy đủ”.

Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ

Trong nỗ lực chống tham nhũng, hồi năm 2013, Nga đã qui định luân chuyển các nhà quản lý của cơ quan kiểm tra, giám sát của liên bang. Nhưng nay, với quyết tâm cao hơn, danh sách đối tượng luân chuyển công chức ở Nga sẽ được mở rộng. 

Thay đổi chỗ làm sau một khoảng thời gian nhất định không chỉ là chuyện của các quan chức thuộc các cơ quan giám sát và quản lý mà còn gồm cả lãnh đạo của tất cả các tổ chức Nhà nước của Liên bang. 

Ngoài ra, Nga còn dự kiến phê chuẩn kế hoạch điều chuyển ngay từ trước khi ký hợp đồng với quan chức. “Cần phải có những quy tắc được chuẩn hóa và thủ tục bổ nhiệm rõ ràng với những định mục cụ thể, tập hợp hội đồng nhân sự ra sao, cần tính đến những yếu tố gì, cần đưa ra những thông số nào để thu hút mọi người, song hành với cần cắt bỏ chỗ nào. Khi đó, hệ thống chính sách nhân sự sẽ hoạt động”, ông Mikhail Delyagin, Giám đốc Viện Các vấn đề toàn cầu hóa của Nga nói.

Thu hồi quà tặng có giá trị

Về vấn đề quà tặng, Chính phủ Liên bang Nga mới đây đã ban hành nghị định quy định quan chức phải nộp những món quà được tặng để định giá. 

Quan chức được phép giữ lại những món quà tặng trị giá dưới 3.000 rúp (khoảng 100 USD), nếu đắt hơn thì phải nộp vào kho tài sản liên bang hoặc khu vực để bán định giá. Tất nhiên, các quan chức này được quyền ưu tiên mua món quà tặng nếu thấy thích.


Quan chức Nga được phép giữ lại những món quà tặng trị giá dưới 3.000 rúp (khoảng 100 USD), nếu đắt hơn thì phải nộp vào kho tài sản liên bang hoặc khu vực để bán định giá. Ảnh: https://www.lakewood-center.org

Nghị định mới của Chính phủ Liên bang Nga quy định cán bộ, công chức được tặng quà phải thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trong vòng 3 ngày sau khi nhận quà hoặc 3 ngày sau khi trở về từ chuyến công tác, nơi người đó đã được tặng quà cáp. 

Trên cơ sở đó, Đài Tiếng nói nước Nga cho biết, các nhân viên tổ chức Nhà nước được ủy quyền sẽ định giá món quà. Và, tùy thuộc vào giá trị, món quà hoặc được trả lại cho quan chức hoặc bị đưa ra bán và tiền được chuyển vào kho bạc. Nếu quà bị hư hỏng sẽ trở thành vô giá trị trong quá trình làm thủ tục này và bị phá hủy. 

Riêng hoa, giải thưởng, văn phòng phẩm được tặng trong các sự kiện chính thức sẽ không bị đưa vào danh sách quà tặng. Cho rằng đây có thể là kẽ hở, chính trị gia Vladimir Zhirinovsky, người đứng đầu Đảng Tự do Dân chủ Nga được Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời cảnh báo: “Cần phải cấm hoàn toàn không được nhận bất kỳ quà tặng nào, bao gồm cả hoa, kẹo, rượu, văn phòng phẩm… Bởi vì, nếu chúng ta cho phép nhận các loại quà tặng như vậy, bên trong có thể có chiếc phong bì với 5.000 USD, 10.000 USD hoặc có thể nhiều hơn nữa…”.

Hồi năm 2013, BBC từng dẫn lại thông tin cho biết, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Sergei Ignatiev nói rằng, 49 tỷ USD đã bị tuồn khỏi nước này một cách bất hợp pháp vào năm 2012. Các vụ chuyển vốn này bằng khoảng 2,5% sản lượng kinh tế hàng năm của Nga, được điều khiển bởi các nhóm có tổ chức cao.

Nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Nga đánh giá các dòng tiền ra - vào Nga cho biết, quá nửa lượng tiền được chuyển đi dưới dạng các khoản chuyển vốn "mơ hồ", hay "các khoản thanh toán được thực hiện bởi các tổ chức của Nga cho những người không phải là cư dân, mục đích được nêu của các giao dịch này đều sai rõ ràng", theo ông Sergei Ignatiev.

Tuy nhiên, Người Phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin là Dmitry Peskov đã bác bỏ nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Nga khi cho rằng con số này đã bị "phóng đại quá cao".

Hồi tháng 2/2013, Chủ tịch Ủy ban Đạo đức - Nghị sỹ Vladimir Pekhtin nổi tiếng với lập trường chống phương Tây mạnh mẽ - đã phải từ chức sau khi xuất hiện cáo buộc có nhà ở Mỹ.

Dù từng lên tiếng bác bỏ việc sở 2 căn hộ và 1 căn biệt thự ở tiểu bang Florida và nói rằng đó là tài sản của con trai, song trước những chứng cứ thuyết phục, ông Vladimir Pekhtin đành phải rời bỏ chức vụ của mình. 

Chỉ rõ việc ông Vladimir Pekhtin đã không đưa tài sản này vào bản kê khai bắt buộc hàng năm đối với các nghị sỹ, phe đối lập tại Nga đồng thời cáo buộc cựu quan chức này là đạo đức giả vì một mặt lên tiếng chống phương Tây, mặt khác lại bí mật mua nhà ở Mỹ. 

Hà Thu - Hà Anh (Tổng hợp)
Nguồn: chongthamnhung.thanhtra.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.