Chuyên mục
Khaisilk với cơn địa chấn ''lụa Tàu'' và bài học thương hiệu Việt
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Khaisilk với cơn địa chấn ''lụa Tàu'' và bài học thương hiệu Việt

Thứ năm 26/10/2017 15:10 GMT + 7
Từ một thương hiệu được xem là quốc hồn quốc tuý của lụa Việt Nam, giờ đây Khaisilk đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bởi bán sản phẩm “Made in China” nhưng gắn mác Việt Nam trong suốt nhiều năm liền. Đây không chỉ là thiệt hại của một doanh nghiệp mà là của cả thương hiệu Việt trong mắt khách hàng quốc tế.

Ông chủ Khaisilk đã chính thức thừa nhận bán lụa Trung Quốc từ những năm 90.

Những ngày qua, cộng đồng mạng khá sôi sục trước thông tin khăn lụa mua từ thương hiệu Khaisilk có sản phẩm vừa gắn mác thương hiệu Việt vừa gắn mác Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số khăn khác cũng mua từ Khaisilk bị nghi ngờ có dấu hiệu bị cắt tem mác “Made in China”.

Từ một thần tượng “sụp đổ”

Sau đó, ông chủ thương hiệu này đã chính thức lên tiếng thừa nhận việc bán lụa Trung Quốc từ giữa thập niên 90 và hiện trong các cửa hàng Khaisilk 50% là lụa Việt Nam thật và 50% là Trung Quốc. Điều này khiến người tiêu dùng vốn tin tưởng sử dụng thương hiệu này khá “sốc”. Bởi lẽ, Khaisilk là thương hiệu tơ lụa Việt định hướng xây dựng thượng hiệu Việt Nam sang trọng, đẳng cấp, mang quốc hồn quốc tuý Việt Nam và nó như niềm tự nào của những người Việt.

Thương hiệu Việt sang trọng, "đỉnh của đỉnh", làm gì cũng phải "đụng nóc" và luôn gắn liền với chữ Silk - Tơ lụa là những gì mà người ta thường nói về Khaisilk. Tuy nhiên, sau sự cố nói trên, thương hiệu lụa Khaisilk còn đọng lại gì trong lòng khách hàng, những người đã tin tưởng sử dụng sản phẩm của thương hiệu này, thậm chí lựa chọn nó làm những món quà biếu tặng đối tác hoặc người thân.

Trước tiên, phải nhìn nhận việc nhận sai, xin lỗi và nhận bồi hoàn cho khách hàng của ông chủ Hoàng Khải đã thể hiện sự thẳng thắn, có trách trách nhiệm của người đứng đầu thương hiệu này. Tuy nhiên, "mua danh ba vạn bán danh ba đồng", hẳn ông chủ Khaisilk đã từng vất vả suốt 30 năm để xây dựng được một thương hiệu lụa mang quốc hồn quốc tuý Việt Nam.

Được xem là một trong những doanh nhân tiên phong trong việc phát triển phố Hàng Gai, Hàng Bông thành nơi tập trung nhiều cửa hàng lưu niệm tơ lụa tại Hà Nội. Định vị theo phân khúc cao cấp, những sản phẩm của Khaisilk đều do chính ông Khải thiết kế và thuê gia công từ làng lụa Vạn Phúc hoặc Đà Nẵng.

Từ cửa hàng hàng đầu tiên mở năm 1989, Khaisilk đã hiện diện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, tại nhiều địa điểm đẹp như Đồng Khởi (TPHCM) hay khách sạn Intercontinental Peninsula Đà Nẵng và JW Marriott Phú Quốc... Thậm chí, từ “nền móng” xây dựng được của “đế chế lụa”, ông Hoàng Khải đã phát triển sang cả bất động sản, ẩm thực và giải trí.

 Ấy vậy mà, trớ trêu thay, khởi nghiệp từ lụa, dựng lên đế chế nghìn tỷ từ lụa nhưng cũng chính vì lụa mà ông lâm vào tình trạng khủng hoảng danh dự, khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng thương hiệu. Scandal “treo lụa ta bán lụa Tàu” của Khaisilk sẽ là một đòn đau đánh vào ông Hoàng Khải nói riêng và Khaisilk nói chung.

…tới chuyện xây dựng thương hiệu Việt

Phải thừa nhận, trên thị trường hiện nay, việc hàng loạt hàng hóa Trung Quốc gắn mác Made in Việt Nam, đặc biệt hàng tiêu dùng, may mặc... không phải là hiếm thấy. Không khó để tìm thấy những bộ đồ “hàng hiệu” bán trong các cửa hàng lớn với giá hàng triệu đồng – trong khi chỉ mấy bước chân ra hè phố, chợ, ngách nhỏ, có thể dễ dàng tìm thấy những bộ đồ giống hệt với cùng chất liệu, giá chỉ bằng 1/3, thậm chí còn rẻ hơn rất nhiều.

Việc làm giả, hay bán hàng giả, nhập hàng Trung Quốc về gắn mác thương hiệu Việt bán trôi nổi trên thị trường là rất nhiều, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt cũng khó để truy quét hết được.

Tuy nhiên, điều tiếc nuối nhất chính là giá trị của suốt 30 năm xây dựng thương hiệu của Khaisilk. Nói như bà Lương Thanh Hạnh- Giám đốc Công ty Hanhsilk (làng nghề Đũi Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình): “Làm được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Bởi trước cơn địa chấn của “lụa Tàu”, lụa Việt khó lòng mà chống đỡ nổi”.

Điều này cũng được ông Hoàng Khải thừa nhận: “Xuất phát từ ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái. Doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước. Trong khi đó nhu cầu thị hiếu của thị trường luôn luôn thay đổi và đòi hỏi cao hơn. Do vậy mà tôi quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về”.

Trao đổi với DĐDN, bà Hạnh thẳng thắn nhìn nhận, sản phẩm lụa Trung Quốc rõ ràng đang có lợi thế về mẫu mã và cạnh tranh giá quá lớn so với lụa Việt Nam. Trong khi đó, các cơ sở lụa của Việt Nam mới đang dò dẫm vào thị trường.

“Sự phát triển của ngành công nghiệp này tại Trung Quốc, Hồng Kông đã đi trước Việt Nam mấy chục năm, vậy nên sản phẩm tạo ra rất bóng và mượt mà, màu sắc cũng đậm nét, do tra nhiều hàm lượng lụa. Trong khi đó, sản phẩm lụa của Việt Nam lại chủ yếu được sản xuất thủ công, sợi tơ tằm là chính, do đó dù chất lượng cao, mềm nhưng lại dễ nhăn và họa tiết không được sắc nét. Đặc biệt, giá thành cao hơn nhiều so với sản phẩm lụa Trung Quốc”, bà Hạnh nói rõ.

Khác với lụa Trung Quốc, lụa Việt thường nhăn, hoa văn không đậm nét và giá thành cao hơn.

Cũng theo giám đốc thương hiệu HanhSilk, ngành lụa của Việt Nam “đi lên từ làng” dẫn tới còn nhiều thụ động. Vẫn còn các cơ sở chỉ ngồi chờ ai đặt gì làm nấy, chứ chưa có ý thức phát triển sản phẩm ra sao để thu hút.

Có thể thấy, câu chuyện khủng hoảng “treo lụa ta bán lụa Tàu” của Khaisilk sẽ không chỉ là câu chuyện riêng của một doanh nghiệp, mà sẽ ảnh hưởng tới các thương hiệu Việt Nam nói chung và lụa Việt Nam nói riêng. Bởi đây vốn là thương hiệu lớn, đại diện cho các doanh nghiệp lụa Việt đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài. Khi Khaisilk sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt trong mắt bạn bè thế giới. Từ đó nhiều người nước ngoài cũng sẽ băn khoăn khi chọn mua các sản phẩm Việt, ngay cả ở các thương hiệu lớn. Điều này sẽ gây thiệt hại rất nhiều đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Câu chuyện xử lý scandal của ông chủ Hoàng Khải- Khaisilk cũng là tiếng chuông cảnh báo nguy cơ chung của các doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với khủng hoảng truyền thông bất cứ lúc nào. Điều mà doanh nghiệp cần chuẩn bị để đối phó là một chiến lược quản trị thương hiệu và các phương án quản trị rủi ro để sẵn sang đối phó với khủng hoảng truyền thông.

Về phía doanh nghiệp, theo bà Lương Thanh Hạnh, doanh nghiệp trong ngành cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước để tăng cường nội lực, nâng sức cạnh tranh. Bởi để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đa dạng hàng hoá thì những đơn vị làm lụa-đa phần ở các làng nghề thủ công của Việt Nam lại không có quy mô để đầu tư lớn.

 Đặc biệt, điều mà doanh nghiệp Việt cần làm ngay lúc này là xây dựng thương hiệu lụa Việt Nam. “Tôi đi rất nhiều nước, nhưng chưa thấy ai nhắc về lụa Việt Nam, họ chỉ nói lụa Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia. Quốc tế biết nhiều về anh Khải với thương hiệu Khaisilk nhưng điều lạ là họ lại không biết nhiều về lụa Việt Nam. Tôi mong muốn thời gian tới hàng lụa Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trên thế giới”, bà Hạnh chia sẻ.

Thy Hằng
Nguồn: enternews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.