Chuyên mục
Boris Berezovsky qua đời: Chấm hết thời của các đại gia Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Boris Berezovsky qua đời: Chấm hết thời của các đại gia Nga

Thứ hai 25/03/2013 16:37 GMT + 7
Nhà tài phiệt người Nga Boris Berezovsky đã vừa đột ngột qua đời tại nhà riêng ở Anh, nơi ông đang sống lưu vong. Khi còn sống, ông là gương mặt tiêu biểu nhất của nhóm các đại gia Nga giàu nhanh dưới thời hậu Liên Xô và cái chết của ông được đánh giá đã khép lại thời lực lượng này làm mưa làm gió ở nước Nga. 

Quá trình chuyển đổi của Boris Berezovsky từ một giáo sư toán với thu nhập còm chỉ 500 rouble (gần 30 USD) mỗi tháng thành một tỷ phú trong vòng có một thập kỷ là câu chuyện hết sức đặc biệt. 

Bước đường thành tỷ phú

Boris Berezovsky sinh tại Moskva vào năm 1946, trong một gia đình Do Thái ở Nga. Ông nghiên cứu về toán tại Đại học Moskva và đã lấy bằng tiến sĩ vào năm 1984, trước khi ở lại giảng dạy trong trường.

Sự nghiệp kinh doanh của Berezovsky bắt đầu trong những năm 1980, khi ông tham gia vào hoạt động nhập khẩu phần mềm máy tính từ phương Tây. Nhưng chính sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến ông phất lên. 

Trong cảnh lộn xộn của xã hội thời cuối Liên Xô, Berezovsky nhận thấy cơ hội làm giàu từ việc buôn xe. Ông thấy xe hơi Nga xuất khẩu ra nước ngoài có giá  rất rẻ, trong khi ở quê nhà mức giá lại cao hơn. Ông bèn thành lập đại lý buôn xe Logovaz, bán những chiếc Lada vốn được phục vụ cho xuất khẩu và ăn chênh lệch. Logovaz dần phình to thành một tập đoàn tài chính, kinh doanh quy mô, khiến Berezovsky trở thành triệu phú.


Berezovsky (phải) thời còn nồng ấm quan hệ với Yeltsin

Berezovsky gặp Boris Yeltsin lần đầu vào năm 1993 và nhanh chóng hình thành mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Tổng thống Nga cùng vòng tròn quyền lực của vị Tổng thống này. Ông trợ giá cho việc xuất bản hồi ký của Yeltsin và có mối quan hệ bạn bè rất tốt với con gái Yeltsin Tatyana Dyachenko cùng Chánh văn phòng tổng thống Valentin Yumashev. Việc này khiến Berezovsky có một vị trí chủ chốt trong bộ máy ra quyết định điều hành ở Kremlin.

Năm 1995, nhờ quan hệ và ảnh hưởng, Berezovsky thâu tóm được 49% cổ phần trong đài truyền hình quốc gia ORT và mua công ty dầu khí Sibneft với giá siêu "bèo": chỉ 100 triệu USD.

Berezovsky trở nên nổi tiếng vào năm 1996, khi Yeltsin, người chỉ có tỷ lệ ủng hộ là 6%, bắt đầu tái tranh cử và cơ hội chiến thắng vô cùng mong manh. Berezovsky đã huy động các đại gia bạn mình để bơm hàng triệu USD cho Yeltsin, phát động một chiến dịch tranh cử hoành tráng gồm các buổi hòa nhạc rock và các quảng cáo đã đánh gục phe đối lập, giải cứu thành công Yeltsin khỏi thất bại cay đắng. 

Đổi lại, các đại gia đòi Yeltsin phải trả giá đắt cho sự ủng hộ của họ. Họ đã được nhận cổ phần trong các công ty thuộc sở hữu nhà nước có giá nhất, như một biện pháp đảm bảo cho các khoản vay mà họ đổ vào ngân sách nhà nước. Sau khi Yeltsin đắc cử, các công ty này bị rao bán và các đại gia đã chia nhau khối tài sản béo bở. Năm 1997, Berezovsky mua được công ty hàng không quốc gia Aeroflot. Cùng năm đó, Forbes gọi ông là doanh nhân quyền lực thứ 9 thế giới với khối tài sản 3 tỷ USD.

Tới cuối tiến trình tư hữu hóa, Berezovsky và các bạn đại gia của mình đã sở hữu hơn nửa Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Nga.

Đào tẩu khỏi quê hương

Berezovsky về cơ bản đã nắm quyền kiểm soát một vị Tổng thống ốm yếu. Yeltsin đã trao cho Berezovsky vị trí Phó Tổng thư ký Hội đồng An ninh Nga. 

Berezovsky nghiễm nhiên trở thành người của Kremlin xử lý vấn đề ly khai của Chechnya, với một lệnh ngừng bắn đã đạt được sau 20 tháng giao tranh. Ông đã giúp hình thành lệnh ngừng bắn, trong đó Aslan Maskhadov được bầu làm Tổng thống Chechnya và Nga hứa sẽ viện trợ kinh tế cho nơi này. Tuy nhiên những người phê bình Berezovsky nói rằng ông dính líu tới Chechnya chỉ vì dầu khí ở vùng đất này.


Berezovsky đang có cuộc chiến pháp lý với Gorbunova trước khi qua đời

Việc năm 1997 Berezovsky được chỉ định làm Tổng thư ký Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) - một tập thể gồm 12 nước cộng hòa tách ra khỏi Liên Xô - là dấu hiệu nữa cho thấy quyền lực của ông. 

Mối quan hệ giữa Berezovsky và nhà Yeltsin lẽ ra đã rất tốt đẹp, cho tới khi chuyện xấu đi sau một cuộc đột kích của cảnh sát vào một công ty an ninh ở Moskva vào năm 1998. Trong một kho các thiết bị nghe lén, máy quét và máy ảnh, cảnh sát tìm được một thư viện video và băng ghi âm, chứa thông tin liên quan tới nhiều nhân vật cấp cao, gồm cả thành viên nhà Yeltsin. Chủ công ty này lại chính là Berezovsky.

Kết quả của vụ tấn công là nền tảng quyền lực của Berezovsky, chính là khả năng tiếp xúc gần với Kremlin của ông này, đã bị lay động dữ dội. Chi tiết cuộc đột kích rò rỉ lên mặt báo. Dưới sự chỉ đạo của Công tố viên trưởng Yuri Skuratov, cảnh sát đã tấn công nhiều công ty liên quan tới Berezovsky. 

Ban đầu, chính quyền Yeltsin và các đồng minh đã sa thải Berezovsky khỏi vị trí ở Hội đồng An ninh. Tiếp đó vào năm 1999, một lệnh bắt được ban ra đối với Berezovsky vì tội thu lợi trái phép ở công ty Aeroflot, trước khi lệnh này bị hủy bỏ.

Trong thời gian này, Berezovsky đã bắt đầu "để ý" tới Vladimir Putin. Tuy nhiên trong chiến dịch tranh cử, ông Putin được lòng dư luận nhờ lời hứa sẽ trấn áp ảnh hưởng của các đại gia Nga. Tháng 6/2000, ông mở cuộc điều tra chống lại nhiều nhân vật đã làm giàu quá nhanh, quá dễ dàng dưới thời Yeltsin. 

Berezovsky là mục tiêu được đặc biệt chú ý. Tháng 7/2000, Berezovsky từ chức khỏi Quốc hội và tới năm 2001 đã trốn sang Pháp, trước khi tới Anh, nơi ông tự nhận mình là người "bảo vệ các giá trị dân chủ". Năm 2002, chính quyền Nga ban lệnh bắt Berezovsky dựa trên các cáo buộc rửa tiền và làm ăn phi pháp.

Khốn quẫn lúc cuối đời

Trong thời gian sống lưu vong tại Anh, Berezovsky vẫn bận bịu tham gia các cuộc chiến mới. Năm 2007, ông đâm đơn kiện chủ CLB bóng đá Chelsea Roman Abramovich, người ông đã gặp trên du thuyền của một đại gia Nga khác hồi năm 1995.

Abramovich, một trong những người giàu có và kín tiếng nhất thế giới, bị buộc tội tống tiền Berezovsky, ép ông phải bán cổ phần trong công ty dầu khí và tập đoàn thép mà hai người thành lập cùng nhau sau khi mua lại một công ty nhà nước với giá rẻ mạt. Berezovsky đòi bồi thường 6,5 tỷ USD và đây là vụ kiện dân sự lớn nhất trong lịch sử tòa án Anh.

Tới lượt mình, Abramovich cáo buộc Berezovsky phạm tội tống tiền mình và thông báo việc đã trả 1,3 tỷ USD để mua lấy sự tự do. Sau cuộc chiến pháp lý kéo dài này, Abramovich đã thắng cuộc.

Sau khi đi lưu vong, khối tài sản hang tỷ USD của Berezovsky dần dần teo tóp cũng vì rắc rối trong đời tư của ông này. Năm 2011, Berezovsky đã phải trả khoản tiền dàn xếp ly dị lớn nhất trong lịch sử cho vợ cũ Galina Besharova, được cho là lên tới hàng trăm triệu USD. 

Tháng 1/2013, cựu nhân tình Elena Gorbunova cũng đâm đơn kiện đại gia này, nói rằng ông nợ cô hàng triệu USD. Berezovsky đã đâm đơn xin tòa xử kín vụ kiện giữa ông và Gorbunova, nhưng đơn bị tòa bác vào ngày 22/1 vừa qua. Chánh án phiên tòa, Justice Mann, đã mô tả Berezovsky là người "đang gặp áp lực tài chính".

Tuần này, Berezovsky lại lên mặt báo khi có tin ông phải bán một bức chân dung hiếm do Andy Warhol vẽ Vladimir Lenin tại cuộc đấu giá của Christie's.  Bức chân dung chỉ có giá ước tính chừng 50.000 bảng và việc ông phải bán nó cho thấy phần nào sự khốn quẫn mà ông đang lâm phải, trước khi qua đời.

Do ảnh hưởng lớn, Boris Berezovsky trở thành ông hoàng vận động ngầm ở Kremlin, bị nhiều kẻ thù xem là Rasputin thời hiện đại (Rasputin là kẻ tự phong mình là tu sĩ với thần lực của thượng đế, được Sa hoàng Nikolai II và hoàng hậu Alexandra tôn sùng).

Về mặt ngoại hình, Berezovsky trông rất giống tỷ phú Italia Silvio Berlusconi. Nhưng trong khi Berlusconi có chỗ đứng sâu trong tâm hồn người Italia, Berezovsky lại bị người Nga bình thường ghét bỏ, nghi ngờ. Họ nói rằng ông là nguyên nhân khiến nền kinh tế đất nước rơi vào tình trạng khốn đốn. 

Sự thù ghét khiến Berezovsky đã từng bị ám sát. Năm 1994, một quả bom đã phát nổ trên chiếc xe riêng của Berezovsky, khiến tài xế của ông mất đầu, nhưng ông thì không bị thương. Kể từ đó, Berezovsky vẫn sợ bị ám sát. 

Tường Linh (theo Telegraph)
Nguồn: thethaovanhoa.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.