Chuyên mục
Yếu huyệt Kaliningrad trong chiến lược của Nga với NATO
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Yếu huyệt Kaliningrad trong chiến lược của Nga với NATO

Thứ ba 20/01/2015 13:47 GMT + 7
Không phải ngẫu nhiên khi Nga liên tiếp tập trận tại Kaliningrad - bởi đây là vùng lãnh thổ nằm giữa 2 quốc gia thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania.

Kaliningrad - con bài để Nga 'đe' phương Tây

Trong năm 2014, Quân đội Nga đã tiến hành liên tiếp gần 10 cuộc tập trận quy mô lớn tại Kaliningrad - vùng lãnh thổ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược nhằm đối trọng với phương Tây của Moscow.

Ngay từ đầu tháng 3/2014, hơn 10 vạn lính Nga đã tham gia một cuộc tập trận tại các khu vực sát biên giới với Ba Lan và Lithuania ở Kaliningrad. Cả 2 quốc gia đã xem động thái này là một mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh của mình.

Lập tức Ba Lan và Lithuania đã yêu cầu NATO phải có phản ứng với các động thái của Nga bằng cách viện dẫn Điều 4 trong hiệp ước của khối này, trong đó kêu gọi tổ chức hiệp thương nếu 1 thành viên trong liên minh cho rằng "toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh của mình" bị đe doạ.

Trước khi kết thúc năm 2014, Quân đội Nga đã kịp tổ chức một cuộc tập trận có quy mô lớn lớn và chớp nhoáng ở vùng Kalinindrad để thử tính sẵn sàng chiến đấu. Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 5 đến 10/12/2014 với sự tham giua của khoảng 9.000 lính Nga và 642 xe thiết giáp, kể cả hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đã được triển khai nhanh từ đại lục.

Cuộc tập trận liên quan đến các đơn vị tên lửa và pháo binh, bộ binh kỹ thuật, không quân và thủy quân lục chiến, tình báo, viễn thông, hậu cần, cũng như các ê kíp chiến đấu, máy bay và trực thăng vận tải quân sự, tàu chiến của Hạm đội Baltic.

Trong khi đó, các lực lượng phòng không đã đẩy lùi một cuộc tấn công giả định của kẻ thù vào các cơ sở chiến lược của quân đội và chính phủ. Các bài tập bảo vệ biên giới chiến thuật cũng bao gồm cả các cuộc diễn tập trên biển và dưới nước.

Ngoài hai cuộc tập trận hồi đầu năm và cuối tháng 12/2014 vừa qua, Quân đội Nga còn thực hiện tổng cộng gần 10 diễn tập lớn nhỏ khác nhau tại Kaliningrad.

Hạm đội Baltic phô diễn sức mạnh trong cuộc tập trận hồi đầu năm 2014.

Liên tiếp những cuộc tập trận được Nga thực hiện khiến phương Tây cảm thấy bất an và cho rằng, đây là những hành động của Moscow nhằm vào liên minh này. Tuy nhiên, trên thực tế, theo Moscow Times, trong nhiều năm qua, Moscow đã sử dụng Kaliningrad để khiêu khích và cảnh cáo phương Tây.

Hồi năm 2013, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã khiển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M tới Kaliningrad, đặt Ba Lan và các quốc gia Baltic vào tình trạng báo động cao. Tuy nhiên, Tổng thống Putin sau đó đã bác bỏ tuyên bố này.

Trước đó, năm 2008, Nga cũng đe doạ triển khai tên lửa tầm ngắn tới Kaliningrad nếu Mỹ thực hiện kế hoạch xây dựng căn cứ phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Séc.

Trước những động thái cứng rắn của Nga tại Kaliningrad, nhà khoa học chính trị Vladimir Abramov, người chuyên nghiên cứu vùng lãnh thổ tách rời tại châu Âu này của Nga nói rằng: "Phương Tây coi Kaliningrad là một khẩu súng hạt nhân tại trung tâm châu Âu. Song trên thực tế, không có vũ khí hạt nhân nào ở đó. Lithuania lo sợ Nga, và gián tiếp là Kaliningrad, sẽ huy động dân cư của mình. Mọi việc vẫn vậy kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ".

Tuyên bố của Vladimir Abramov khó có thể mang lại sự ‘yên tâm’ cần thiết cho các nước Baltic khi Nga liên tục tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực này.

Sức mạnh quân sự Nga ở Kaliningrad

Là một thành phần của Quân khu Tây, có sở chỉ huy đặt tại thành phố Baltiysk thuộc khu vực Kaliningrad, Hạm đội Baltic đóng vai trò quan trọng trong biên chế của hải quân Nga nói riêng và lực lượng vũ trang Nga nói chung, là lực lượng chủ yếu góp phần bảo đảm an ninh quân sự vùng lãnh hải Tây-Bắc của quốc gia rộng lớn này.

Lữ đoàn tàu mặt nước 128: Được trang bị 2 tàu khu trục là Nastoichivy và Bespokoiny. Trong đó, Nastoichivy - kỳ hạm của Hạm đội Baltic là tàu khu trục thứ 16 thuộc project 956-A Saryche hoặc theo cách phân loại của NATO thì nó thuộc lớp tàu khu trục Sovremenny.

Tàu được hạ thủy ngày 19/1/1991, gia nhập Hải quân Nga vào ngày 30/12/1992. Tàu đã tham gia nhiều cuộc diễn tập của quân đội Nga và quốc tế. Trong biên chế của Lữ đoàn 128 còn có các tàu tuần tra Neustrashimy project 11540, phục vụ từ năm 1993, Neukrotimy project 1135M, phục vụ từ năm 1977 và Pylki project 11 352, phục vụ từ năm 1978.

Lữ đoàn tàu đổ bộ 71: Lữ đoàn tàu đổ bộ bao gồm 3 tàu đổ bộ lớn thuộc project 775 là BDK-43 Minsk (phục vụ từ năm 1983), BDK-58 Kaliningrad (phục vụ từ năm 1984); BDK-100 Alexander Shabalin (phục vụ từ năm 1986) và 1 tàu đổ bộ lớn dự án 775M Korolev (phục vụ năm 1992).

Lữ đoàn tàu tên lửa 36: Lữ đoàn bao gồm Tiểu đoàn hộ vệ hạm tên lửa 1 và tiểu đoàn tàu tên lửa nhỏ 106. Tiểu đoàn tàu tên lửa 106 bao gồm các hộ vệ hạm tên lửa Volna, Raduga, Molniya, Grad, Skaval (project 1234).

Lữ đoàn tàu ngầm 123: Thành phần của Lữ đoàn gồm có ba tàu ngầm diesel bao gồm tàu ngầm B-227 project 877, phục vụ từ năm 1983, B-806 project 877 EKM, phục vụ từ năm 1986 và B-585 St Petersburg project 677, phục vụ từ năm 2010...

Tiêm kích F-16 tại Ba Lan

Sức mạnh NATO tại Baltic

Trước việc Nga liên tiếp tăng sức mạnh quân sự tại Baltic, NATO cũng có những động thái cứng rắn nhằm đáp trả Moscow. Cụ thể, hồi đầu tháng 11/2014, chín nước thành viên của NATO đã tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn tại Lithuania.

Cuộc tập trận này được tiến hành chủ yếu ở hai địa điểm là bãi huấn luyện Silvestras Zukauskas ở Pabrade và tại Tiểu đoàn Cơ khí Bộ binh Duke Algirdas của Lithuania ở Rukla.

Sau cuộc tập trận, khoảng 140 thành viên của Lữ đoàn Bộ binh Bocskai Istvan số 5 của Hungary sẽ ở lại Lithuania cho tới cuối năm nay, thành lập một sư đoàn bộ binh NATO chung, cùng với một lực lượng đặc nhiệm bao gồm binh lính của cả Mỹ và Lithuania hiện đã được triển khai tới nước này.

Với những cuộc tập trận gần đây của các nước NATO ở Đông Âu và các nước Baltic, Mỹ đang tiếp tục chiến lược tăng cường sự hiện diện quân sự ở gần biên giới Nga.

Trước đó, hồi tháng 3/2014, Mỹ đã triển khai 12 chiến đấu cơ F-16 và gần 300 quân nhân tới Ba Lan. Bộ Quốc phòng Ba Lan giải thích rằng, động thái trên nằm một phần trong chương trình huấn luyện đối phó với cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Ukraine.

Cùng lúc, 4 chiến đấu cơ F-15 của Mỹ cũng được triển khai tới Lithuania để đáp trả cái mà NATO coi là “sự hiếu chiến của Nga ở Ukraine cũng như việc nước này tăng cường các hoạt động quân sự ở Kaliningrad”, Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết.

Vào tháng 6/2014, Bộ Chỉ huy Mỹ-Âu (EUCOM) cho biết khoảng 100 cố vấn quân sự đã sẵn sàng huấn luyện cho binh lính các nước cựu thành viên Liên bang Xô-viết nhằm “gửi thông điệp” cho Moscow về vấn đề Ukraine.

Tiếp đến, hồi tháng 9/2014, sau một hội nghị của NATO ở Wales, khối liên minh quân sự này đã chia sẻ kế hoạch thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh mới gồm ít nhất 4000 binh lính. Lực lượng này sẽ được thành lập ở Đông Âu, sẵn sàng triển khai trong vòng 48 giờ.

Vào tháng 10/2014, nhiều thiết bị quân sự của Mỹ cũng đã được chuyển đến Latvia. Đội chiến đấu Cavalry Division số 1 của Mỹ đã được triển khai tới Adazi, gần thủ đô Riga của Latvia. 150 binh lính Mỹ sử dụng 5 xe tăng M1A2 Abrams và 11 xe bọc thép Bradley Fighting cũng đang tập luyện tại Latvia.

Đến giữa tháng 10/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel tuyên bố, lực lượng vũ trang Mỹ phải hiện đại hoá vũ khí và tăng cường khả năng chiến đấu ở biên giới các nước NATO.

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu đã lập tức phản ứng rằng, người đồng cấp Mỹ có ý khiêu khích Moscow và đang kêu gọi quân đội tiến gần tới biên giới Nga.

”Luận điệu của Chuck Hagel về việc Mỹ triển khai sức mạnh quân sự đối phó với lực lượng vũ trang 'hiện đại và uy lực' của Nga ở cửa ngõ của NATO là một điều vô cùng đáng quan ngại”, hãng tin Itar-Tass dẫn lời ông Shoigu cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga đồng thời nhấn mạnh: “Điều này chứng tỏ một thực tế rằng Lầu Năm Góc đang lên kịch bản cho một chiến dịch ở khu vực biên giới của chúng tôi”.

Hòa Sơn
Nguồn: Báo đất việt
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.