Chuyên mục
Ukraine đấu súng, Nga-phương Tây so găng kinh tế
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ukraine đấu súng, Nga-phương Tây so găng kinh tế

Thứ hai 19/01/2015 15:53 GMT + 7
Phương Tây bắt đầu dồn Nga vào một cuộc chiến kinh tế mới, một cuộc chiến của những nhà tư bản mà lợi ích chồng lấn lên lợi ích.

Thế giằng co của nội chiến Ukraine

Ngày 17/1/2015, Kiev và cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng đã tự thỏa thuận với nhau về việc ngừng bắn trong hai ngày lễ Chúa Hiển linh 18 và 19/1/2015. Và sau hai ngày nghỉ xả hơi, Kiev bắt đầu nổ súng trở lại.

Hàng loạt cứ điểm của quân ly khai bắt đầu nhận pháo kích từ quân đội, và họ cũng đáp trả ra trò. Ngày 18/1/2015, tại Donetsk, khi không có thỏa thuận ngừng bắn hai ngày như Lugansk, tất cả các đơn vị quân đội của Kiev đã đồng loạt nổ súng.

Sân bay Donetsk tiếp tục rung chuyển, quân đội lên tiếng họ đã mở rộng kiểm soát của khu vực này, dù mới cuối tuần qua, ly khai tuyên bố họ đã giành lại sân bay này từ phía quân đội.

Những nhà quan sát cho biết tại sân bay Donetsk, những đường băng chi chít hố bom, các tòa nhà điều hành bay, các nhà ga gần như bị san phẳng. Sân bay này đã không còn khả năng hoạt động, tuy nhiên giá trị của địa điểm này là biểu tượng của sự thắng thế trong cục diện chiến trường Ukraine. Vì lẽ đó, các bên luôn dành hết sức mạnh để chiếm cứ "xác chết của nền hòa bình" này.

Quân Ukraine ở Lugansk đào cộng sự giữa bão tuyết

Còn tại Lugansk, các đơn vị quân đội của Kiev được lệnh vào vị trí, họ sẽ tái chiến khi lệnh ngừng bắn kết thúc. Những động thái của hai khu vực Donetsk và Lugansk cho thấy cục diện cuộc nội chiến ở Ukraine đã bước sang một trang mới, sẽ không còn những thỏa thuận Minsk, không còn những lời hoa mĩ hẹn hò đàm phán, nội chiến là điều không tránh khỏi.

Nó còn thể hiện rằng khả năng chấm dứt cuộc chiến của một trong hai bên là không thể. Sự dai dẳng đến khó chịu đã được chứng minh ở chỗ nếu thích, họ có thể ngừng bắn ở nơi này, nhưng đánh nhau ở nơi kia. Đánh thêm một vài ngày, hay hòa hoãn một vài ngày cũng không tác động nhiều đến kết quả cuộc chiến.

Ý nghĩa duy nhất chỉ biểu hiện ở chỗ, Ukraine và ly khai không đội trời chung, và Kiev không buông tha cho tư tưởng thân Nga tồn tại trên quốc gia của họ.

Cuộc chiến kinh tế Nga - phương Tây bước vào trang mới

Tương tự như cuộc nội chiến Ukraine, khi các nhà hoạt động của "Nhóm tiếp xúc" vẫn kiên trì tìm kiếm các giải pháp đàm phán, thì người Ukraine vẫn tự giết nhau mỗi ngày, và các thế lực còn lại cũng đẩy nhau vào cao trào của cuộc chiến kinh tế nhằm triệt hạ lẫn nhau.

Ngày 18/1/2015, phát biểu trên truyền thông phương Tây, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Ryszard Czarnecki đã tuyên bố họ (EU) và Mỹ đang xem xét việc tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga. Theo đó, phương Tây đang tính toán đến việc loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Mục đích mà châu Âu hướng đến đó là đưa đồng ruble của Nga - vốn đang trượt giá thảm hại trở thành đối tượng bị kiểm soát tương tự như vũ khí hạt nhân hay vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí hóa học. EU nhấn mạnh rằng "Nga sẽ nhận những hậu quả vô cùng tiêu cực và đau đớn".

Thực tế thì ngày 13/1/2015, đồng ruble của Nga đã nhích lên 65 ruble/USD, lần tăng giá ấn tượng nhất kể từ giữa tháng 12/2014, bất chấp giá dầu vẫn giảm mạnh. Tuy nhiên, để có sự tăng giá này, Nga đã phải mở két dự trữ ngoại tệ và bán ra tổng cộng 27,2 tỷ USD và 1,6 tỷ euro từ tháng 10/2014.

Đồng ruble Nga giảm mạnh, người dân Nga bắt đầu thấy hoang mang

Việc EU tuyên bố sẽ cùng Mỹ loại Nga ra khỏi SWIFT đã chứng tỏ họ không thân thiện, hào nhoáng như những gì đã tuyên bố. Bởi đầu tháng 1/2015, sau hàng loạt tín hiệu phá băng từ phía Tổng thống Pháp Hollande khi nói Nga tích cực, và Thủ tướng Đức Merkel nói trừng phạt Nga không còn cần thiết, và phía Anh xem xét nghiêm túc về việc nối lại hợp tác châu Âu - Nga, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, quân sự để chống khủng bố... thì cuối cùng, họ vẫn chứng minh rằng ý chí Mỹ, mục đích Mỹ vẫn là thứ để EU theo đuổi.

Tín hiệu mà EU phát đi đã đẩy mối quan hệ Nga - phương Tây vào một giai đoạn mới trong cuộc chiến tiền tệ, căng thẳng và khốc liệt hơn. Tất nhiên, Nga không chịu ngồi yên để bị bắt nạt.

Hành động đáp trả đầu tiên của Nga là đánh tiếng với Hy Lạp. Moscow khẳng định sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nông sản, cung cấp các khoản tín dụng lãi suất thấp, thời hạn dài để Hy Lạp tái thiết đất nước, cứu vãn nền kinh tế với điều kiện duy nhất: Rời bỏ EU.

Hiện Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ bị tống cổ khỏi khu vực đồng tiền chung Eurozone và liên minh châu Âu EU. Sở dĩ có biến cố này bởi các khoản vay từ phía EU và chủ nợ quốc tế để Hy Lạp cứu nền kinh tế thoát phá sản hồi năm 2010 đã đến lúc phải trả.

Dù Hy Lạp đã thắt lưng buộc bụng hết cỡ nhưng họ không có khả năng phục hồi, đồng nghĩa với việc không thể trả nợ. Cuộc bầu cử sắp tới ở Hy Lạp với khả năng chiến thắng của "Đảng không kham khổ" đã khiến EU nổi giận, và những đầu tàu kinh tế đe dọa từ chối thành viên yếu ớt này trong liên minh.

Việc Nga dang rộng vòng tay đón Hy Lạp chỉ thể hiện một điều duy nhất, Moscow muốn ép ngược EU. Bởi cả hai bên đều hiểu rằng khi Hy Lạp bước chân rời Eurozone, cùng với khủng hoảng ở Ukraine, và sự trỗi dậy của châu Âu sẽ khiến EU hoàn toàn bất ổn. Và sự bất ổn đó không đảm bảo cho sự an toàn của những dòng vốn đầu tư.

Tiếp đến, Nga chính thức tuyên bố đòi nợ khẩn cấp Ukraine. Theo đó, Nga đòi chính quyền Kiev trả khoản nợ thông qua trái phiếu chính phủ phát hành cuối năm 2013, ước tính có giá trị khoảng 3 tỷ USD. Đồng thời đòi tiếp vài tỷ USD tiền nợ khí đốt mà Kiev chưa thanh toán.

Moscow lấy lý do Kiev đã vi phạm thỏa thuận khi nợ của Ukraine đã tăng lên 60% tổng GDP, vi phạm mức quy định trong các giao ước mà hai chính phủ đã ký trước đây. Nga đang làm đúng luật, viện dẫn hợp đồng để tạo sức ép.

Tổng thống Poroshenko đau đầu vì nguy cơ phá sản, và để cứu Ukraine chỉ có thể là EU và Mỹ

Khó có thể biết điều gì đang đón chờ Ukraine trước mắt, khi mà Kiev đứng trước nguy cơ vỡ nợ, phá sản. Chỉ có điều chắc chắn rằng muốn cứu được Ukraine lúc này, phương Tây buộc phải chi tiền trả nợ, và số tiền đó tất nhiên yên vị trong túi của gấu Nga.

Chưa dừng ở đó, Nga tiếp tục đại náo châu Âu. Thủ tướng Đức Merkel phát biểu trên truyền thông nước này rằng mối lo mới của phương Tây là việc Nga đang gia tăng ảnh hưởng đến khu vực Tây Balkan, bao gồm các quốc gia Bosnia và Herzegovina, Serbia, Montenegro, Kosovo...

Moscow đang áp dụng các chính sách phụ thuộc kinh tế và đe dọa quân sự tương tự như cách họ đã làm với Ukraine. Tây Balkan là điểm nóng tiếp theo trong cuộc tranh đấu địa chính trị giữa Nga và phương Tây. Điều này chẳng tốt đẹp gì, đặc biệt với các nhà đầu tư quốc tế, khi cái họ muốn nhìn thấy nhất là sự yên ổn.

Các chỉ số tín nhiệm kinh tế của Nga gần đây đã sắp tụt xuống mức "rác". Sau khi Fitch và Standard&Poor's, và hiện là Moody's hạ tín nhiệm của Nga. Việc cả ba tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới cùng đánh tụt hạng nước Nga đã khiến Moscow lao đao trong việc tìm kiếm các nguồn đầu tư mới từ bên ngoài. Tuy nhiên, không riêng Nga đau khổ, EU cũng chịu cảnh tương tự.

Điều mà Moscow đang nỗ lực thực hiện lúc này là đảm bảo EU cũng chịu tác động tương tự như cách mà Nga đang hứng chịu. Những quân bài Hy Lạp, Ukraine, Tây Balkan, và thêm trường hợp của khủng bố ở châu Âu đã đủ sức làm EU đứng ngồi không yên.

Cuộc chiến kinh tế giữa hai bên vào thời điểm này mới chỉ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.

Khu vực Tây Balkan mà Nga muốn gia tăng ảnh hưởng

Bản chất cuộc chiến kinh tế

Dù EU có theo đuôi Mỹ đối đầu kinh tế với Nga, thì họ cũng phải nhìn nhận sự thật rằng đây là cuộc chiến của các nhà tư bản với nhau, không còn giữa Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa thời chiến tranh Lạnh.

Nga không phải là Liên Xô, và hơn 20 năm kể từ khi "đế chế" Liên Xô sụp đổ, Nga đã giàu lên nhanh chóng qua việc phát triển kinh tế thị trường, kinh tế quốc tế và hợp tác kinh tế với châu Âu. Sự thịnh vượng hay tồn vong của kinh tế Nga đều tác động trực tiếp tới những người láng giềng châu Âu. Khác với việc một Liên Xô sụp đổ là niềm hạnh phúc của tư bản phương Tây như trước đây.

Thực chất thì cả hai bên EU hay Nga đều gánh chịu tổn thất nghiêm trọng, và họ vẫn đang cắn răng chịu đau để nói mạnh rằng họ ổn, và đối phương sẽ chết trước. Và người ý thức được vấn đề nghiêm túc nhất lúc này lại chính là nhân dân. Không phải ngẫu nhiên 5 vạn nông dân Đức mang cả xe tải, máy cầy để đi biểu tình chống chính phủ.

Dân Nga chịu thiếu thốn nông sản nhưng nó chỉ tác động đến cái miệng, cái bụng, còn dân EU, họ bị lẹm vào túi tiền, vào kế sinh nhai hàng ngày của họ. Từ việc hào hứng làm ăn, họ lâm vào cuộc khủng hoảng thừa và tất cả thành quả nông sản, mà cụ thể sẽ được quy đổi thành những đồng euro bỗng dưng phải đem đi đổ bỏ.

Đó là với nông dân, còn giới công nhân, doanh nghiệp, và thậm chí là tài phiệt châu Âu cũng sẽ lao đao vì dòng vốn đầu tư bị đình trệ, lãi suất tăng... Tất cả đều xuất phát từ cuộc đối đầu kinh tế giữa Mỹ - Nga, và EU vô tình bị cuốn theo.

Đến thời điểm này, Đức vẫn là quốc gia tỉnh táo nhất của châu Âu. Đức quyết định trừng phạt Nga khi xảy ra vụ việc máy bay MH17 của Malaysia bị bắn hạ dẫn đến cái chết của 300 người vô tội. Đức muốn trừng phạt để giải quyết khủng hoảng Ukraine cho nhanh, gọn. Thủ tướng Đức đã nhiều lần nhấn mạnh không trừng phạt với mục đích tiêu diệt kinh tế Nga.

Giá dầu tiếp tục xuống thấp, và Nga tiếp tục mất tiền

Và khi mục đích của các biện pháp trừng phạt đó đang bị biến tướng thì tờ Kyodo News đăng tải nguồn tin đáng tin cậy từ G7 cho rằng Đức sẽ đơn phương chấm dứt các biện pháp trừng phạt Nga. Berlin khẳng định các biện pháp tốt nhất lúc này là đối thoại, không phải đối đầu.

Việc chán ngán của đồng minh khi theo đuổi lợi ích Mỹ cũng được thể hiện khi Nhật Bản tuyên bố sẽ chấm dứt trừng phạt Nga. Nếu EU cần Nga về kinh tế, thì Nhật cần Nga về các vấn đề địa chính trị khác. Ít nhất, có mối quan hệ tốt với Moscow, Tokyo sẽ tránh được thế hai đầu có địch trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh.

Trong khi đó, bản thân Thủ tướng Shinzo Abe khi quyết định thay đổi sách lược quốc phòng để vươn đến một quân đội mạnh, thiện chiến đã nói thẳng "trông chờ vào cái ô quân sự của Mỹ chẳng khác gì thấy chết và ngồi yên."

Lòng tin vào Mỹ của đồng minh mất dần, sự mệt mỏi đã thấm đượm khi phải theo chân các lợi ích Mỹ mà quên mất lợi ích của mình. Vấn đề lúc này là Washington sẽ làm gì để níu chân đồng minh. Tuy nhiên, họ vẫn im lặng.

Đỗ Minh Tú
Nguồn: Báo đất việt
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.