Chuyên mục
Tổng hợp bài tin về quan hệ Nga-Đức-Châu Âu
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tổng hợp bài tin về quan hệ Nga-Đức-Châu Âu

Chủ nhật 18/01/2015 14:20 GMT + 7
Châu Âu đang đánh cược tương lai của chính mình

Châu Âu với 2 định chế căn bản EU và NATO đang đánh cược tương lai vào định hướng chống Nga với con bài chủ yếu là Ukraine. Hàng trăm tỷ Euro, thậm chí với thời gian sẽ là hàng nghìn tỷ tiền thuế sẽ đổ vào chiến lược này, nhưng trước mắt, hàng chục tỷ Euro sẽ phải đổ vào Ukraine để cứu chính quyền thân phương Tây thoát khỏi vỡ nợ để tồn tại. Trong khi chính mình còn đang phải vật lộn để thoát khỏi suy sụp về kinh tế, việc phải gánh thêm một nền kinh tế, thực tế đã sụp đổ như Ukraine, giống như hành động “cắt thịt” chính mình để nuôi chim ưng. Chỉ có điều con chim ưng hung dữ này sẽ mang lại điều lành gì cho chủ nuôi? Chắc chắn Ukraine chỉ mang lại cho châu Âu những mong manh và u ám, chưa kể một dự cảm đáng sợ về chủ nghĩa phát xít mới, làn sóng đen đã dìm châu Âu và cả thế giới vào địa ngục đại chiến.


Châu Âu, thập diện mai phục 

Ngay trong những ngày đầu năm mới, nước Pháp và cả thế giới bàng hoàng bởi các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Thủ đô Paris. Sau 53 giờ cả nước Pháp ở vào tình trạng chiến tranh, 17 người đã chết. Không dừng ở nước Pháp, vụ tấn công đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh châu Âu.

Mạng thông tin tình báo Stratfor cho rằng một vụ tấn công như vậy ở Paris không đáng ngạc nhiên. Thực chất, mối đe dọa của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Pháp và một số khu vực của châu Âu đã tăng cao. Các cuộc tấn công như ở Paris có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra ở các nước phương Tây, khi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vẫn tồn tại. Trong khi đó, nguy cơ giảm phát đang rình rập châu Âu. Ngay trong những ngày đầu năm mới 2015, đồng Euro đã giảm giá thấp nhất so với đồng USD trong gần 9 năm qua, khiến dư luận và các nhà đầu tư vô cùng lo ngại. Những yếu tố tiêu cực vẫn đang tạo áp lực lên nền kinh tế của lục địa già.

Theo các nhà phân tích, tồn tại một bài toán vô cùng khó đối với châu Âu và cả Ngân hàng Trung ương châu Âu khi phải tính toán để làm sao vừa kích thích được nền kinh tế Eurozone tăng trưởng, duy trì lạm phát từ 0-2% và cân bằng nhiều yếu tố khác nữa mà vẫn không làm đồng Euro bị rớt giá thêm. Có thể thấy, nền kinh tế EU nói chung, Eurozone nói riêng trong năm qua rơi vào tình trạng sát ngưỡng của suy thoái và thiểu phát. Việc EU cùng với Mỹ tiến hành bao vây cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Nga không những không đem lại lợi gì về kinh tế cho EU mà ngược lại nền kinh tế nhiều nước EU còn lao đao.

Còn Ukraine thì sao? Những màu sắc đang phủ lên Ukraine nghèo đói, bệnh tật. Hàng vạn người đã phải rời khỏi ngôi nhà của mình, tá túc trong những trại tị nạn. Họ không có lương thực, quần áo, thuốc men, nước sạch... Ánh mắt của những người dân này chất chứa nỗi sợ hãi và cả căm hờn. Ukraine đang có đầy đủ những bất hạnh của một đất nước: nội chiến, bạo loạn, đói rét, nghèo khổ, chia cắt, bất ổn... Và trên hết, quốc gia này đang đứng trước bờ vực vỡ nợ, phá sản. Để khôi phục lại, Ukraine cần hàng trăm tỷ Euro, thứ mà châu Âu không thể có ngay.

Trong bức tranh đầy ảm đạm ấy, một màu sắc dần xuất hiện rõ nét: Chủ nghĩa phát xít, với đại diện là phe Cánh Hữu (Right Sector). Tất cả các cuộc bạo loạn, các cuộc chiến trong năm vừa qua đều có “bàn tay đen” của Right Sector. Đừng quên rằng nghèo đói, bất ổn xã hội, bạo loạn... chính là cái nôi khởi nguồn, dung dưỡng cho mọi chủ nghĩa cực đoan. Bởi ở đó, con người bị đẩy xuống cùng cực của bất hạnh, sợ hãi, và họ dễ bị lôi kéo theo những tư tưởng trả thù. 

Đã có những tiếng nói thức tỉnh

Mỗi ngày lại có thêm nhiều nguyên thủ quốc gia châu Âu phản đối việc trừng phạt Nga và những cố gắng đối đầu với Nga. Thậm chí, Tổng thống Áo còn khẳng định: Trừng phạt Nga, loại Nga ra khỏi châu Âu sẽ là thảm họa với châu Âu. 

Nhưng biểu hiện tích cực hơn cả là châu Âu và Nga đang có những hợp tác tích cực để giải phẫu “khối u” mang tên Ukraine. Mặc dù cuộc họp 4 bên nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề Ukraine ngày 12-1 chưa tổ chức được do vẫn còn sự khác biệt giữa 2 bên đối kháng trong nội bộ Ukraine, nhưng các bên đều cam kết sẽ nỗ lực thu hẹp khoảng cách để đem lại hòa bình cho cánh đồng trù phú nhất châu Âu này.

Tuy nhiên ở vị trí của châu Âu, người đang tự “cắt thịt” nuôi con chim ưng hung dữ, việc cần làm đầu tiên là phải “lọc máu” con chim ưng này, loại tất cả thành tố phát xít ra khỏi đời sống xã hội Ukraine cũng như châu Âu.

An Ninh Thủ Đô

NATO vòi tiền Đức sau khi cuộc họp với Nga đổ vỡ
 
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vừa có chuyến thăm Berlin hồi giữa tuần. Báo chí Đức khá lạnh nhạt với chuyến đi của ông Stoltenberg. Lý do là NATO vòi tiền Đức sau khi cuộc họp 4 bên giải quyết khủng hoảng Ukraine bị đổ bể.

Thật vậy, mục đích chính của chuyến ông Stoltenberg tới Đức vừa qua không gì khác ngoài việc muốn Berlin chi thêm ngân sách quốc phòng cho khối. Hiện giờ, Đức chỉ chi 1,3% GDP cho quốc phòng và hầu hết các nước giàu mạnh khác ở Tây Âu đều bỏ ít tiền dưới mức 2,5% GDP như chuẩn của khối.

Hiện mối quan tâm của Đức không phải là gia tăng ngân sách quốc phòng để chống lại đe dọa bên ngoài và họ cũng không cho rằng Nga đang đe dọa an ninh châu Âu. Cái Đức cần là hợp tác làm ăn với Nga, thị trường lớn của họ và ổn định tại châu Âu.

Bà Merkel và ông Stoltenberg

Trước thái độ của Đức muốn đối thoại với Moscow, ông Stoltenberg cũng không tiện chỉ trích Nga như trong các bài phát biểu trước. Thay vào đó, ông cho biết: “Chúng tôi kêu gọi Nga tôn trọng thỏa thuận Minsk, sử dụng tất cả các ảnh hưởng của họ để khiến phe ly khai tôn trọng lệnh ngừng bắn và ngưng hỗ trợ cho lực lượng ly khai”.

“NATO không tìm cách đối đầu với Nga. NATO mong chờ một mối quan hệ mang tính xây dựng hơn và hợp tác với Nga. Tuy nhiên, để đạt được thì Nga phải muốn như thế”.

Ý định NATO vòi tiền rõ nhất bị báo chí Đức vạch trần là phát biểu của Stoltenberg khi ca ngợi vai trò của Đức tại NATO. Tổng thư ký NATO nhấn mạnh rằng Đức sẽ đóng “vai trò hàng đầu” trong việc xây dựng lực lượng phản ứng nhanh của NATO và đó là đáp ứng quan trọng nhất của NATO đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

“Đức là một quốc gia quan trọng ở châu Âu, Đức có nền kinh tế mạnh nhất ở châu Âu và Đức đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực ở châu Âu”, Stoltenberg nói, “Nhưng chúng tôi cũng đang trông đợi vai trò dẫn dắt của Đức trong việc đầu tư vào quốc phòng bởi vì chúng ta cần phải đầu tư vào quốc phòng mạnh hơn để có thể bảo vệ tất cả các đồng minh và duy trì an ninh, ổn định của châu Âu”, ông tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Một thế giới

Ukraine kéo Đức-Nga lại gần nhau?

Loại trừ khả năng mời ông Putin tham gia hội nghị G7 nhưng Thủ tướng Đức đã điện đàm với Tổng thống Nga để thảo luận tình hình Ukraine.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 16/1, cuộc điện đàm trước đó 1 ngày giữa hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.

Ông Lavrov nói: "Cần thống nhất về việc khôi phục kinh tế Donbass, đưa cuộc sống của các vùng lãnh thổ này (Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk) trở lại bình thường, thiết lập quan hệ kinh tế giữa các nước cộng hòa tự xưng với phần lãnh thổ còn lại của Ukraine, cũng như tạo điều kiện cho tiến trình chính trị".

Ông Lavrov cho biết một loạt vấn đề đã được thảo luận trong cuộc điện đàm trên.

Đức đang nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga

Hiện Đức vẫn tiếp tục ý định tìm kiếm đối thoại với Nga bất chấp NATO, do Mỹ chỉ huy, luôn giữ quan điểm cứng rắn với Moscow. Vào giữa tuần, bà Merkel nói rằng các cuộc họp bốn bên (Nga, Ukraine, Đức, Pháp) về khủng hoảng Ukraine (ban đầu được lên kế hoạch vào hôm 15/1 nhưng sau đó bị hoãn lại), vẫn có thể diễn ra trong tương lai.  

"Chúng tôi chưa sẵn sàng, nhưng chúng tôi sẽ giúp nối lại cuộc họp bằng tất cả sức mạnh của mình", bà nói.

Trong một diễn biến khác, giới chức Ukraine ngày 16/1 thông báo ít nhất 11 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các vụ giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi độc lập tại miền Đông, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ cuộc xung đột kéo dài đang biến thành các vụ bạo lực đẫm máu tại vùng chiến sự này.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Quân đội Ukraine, ông Andrei Lysenko cho biết 6 binh sỹ thuộc quân đội Ukraine đã thiệt mạng và 18 người bị thương trong các cuộc giao tranh với lực lượng đòi độc lập trong vòng 24 giờ qua.

Quân đội Ukraine gần đây đã chịu nhiều tổn thất nặng nề sau các cuộc giao tranh ác liệt với lực lượng đòi độc lập tại khu vực sân bay Donetsk. 

Sáng 16/1, lực lượng đòi độc lập tuyên bố đã "tịch thu" sân bay Donetsk, song Kiev đã phủ nhận thông tin cho rằng quân đội chính phủ mất kiểm soát hoàn toàn đối với cơ sở chiến lược này.

Trong khi đó, chính quyền địa phương cho biết các vụ nã pháo hạng nặng xung quanh sân bay Donetsk đã gây thiệt hại tới cả khu vực Đông Bắc tỉnh này, khiến ít nhất 4 dân thường thiệt mạng và 6 người khác bị thương. Ngoài ra, một số dân thường cũng thiệt mạng trong các cuộc giao tranh khác tại tỉnh Lugansk.

Trước những dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy nguy cơ leo thang bạo lực tăng cao tại miền Đông Ukraine, dự kiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về tình trạng đáng lo ngại này tại quốc gia Đông Âu. 

Theo nguồn tin ngoại giao, cuộc gặp của Hội đồng gồm 15 thành viên Liên hợp quốc sẽ diễn ra vào ngày 21/1 tới theo đề xuất của Litva.

Trong tuần qua, các vụ đụng độ bạo lực liên tiếp nổ ra tại miền Đông Ukraine, khiến nhiều binh sĩ và dân thường thiệt mạng, bất chấp lệnh ngừng bắn mới nhất đã được hai bên ký kết hôm 9/12 vừa qua. 

Mới đây nhất là vụ tấn công bằng rốc-két vào chiếc xe buýt chở dân thường ở thành phố Volnovakha thuộc tỉnh Donetsk khiến 11 dân thường thiệt mạng và 17 người bị thương. 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên án mạnh mẽ vụ việc, trong khi nhóm quan sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 16/1 đã phải quay lại hiện trường điều tra vụ tấn công.

Các cuộc xung đột, bùng phát giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông từ tháng 4/2014 đến nay đã làm hơn 4.700 người thiệt mạng. Hai bên thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về các vụ nã pháo và bắn tên lửa gây thương vong cho dân thường.

An Nhiên (Tổng hợp)
Báo đất việt

31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.