Chuyên mục
Truy ’bệnh lạ’:Cảm động bác sĩ không dám uống nước dân mời!
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Truy ’bệnh lạ’:Cảm động bác sĩ không dám uống nước dân mời!

Thứ ba 15/05/2012 11:08 GMT + 7
Tìm ra hàng loạt nguyên nhân… không gây ra bệnh lạ tại Quảng Ngãi, các y bác sĩ từ Trung ương đến tận nơi không dám uống nước  già làng mời, không dám ngồi chiếu già làng trải, hẳn là vì thuộc nằm lòng câu dạy không tơ hào cái kim sợi chỉ của dân...


Một bệnh nhân
Một bệnh nhân "bệnh lạ" tại Quảng Ngãi mệt mỏi khi đi lấy nước sinh hoạt.

Thông tin đáng chú ý nhất trong ngày đầu tuần đến từ Bộ Y tế. Cho dù, trái với tiêu chuẩn thông thường của những thứ vốn được các nhà báo và dư luận coi là “thông tin”, kết luận của Bộ Y tế về bệnh “lạ” tại Quảng Ngãi lại có thể trở thành tin là vì nó… không có gì mới! Thế mới chúa chứ, nếu tìm ra vài nguyên nhân gây bệnh thì còn nói làm quái gì? Các nước khác, lúc nào họ chả tìm ra vài nguyên nhân để xã hội biết mà tránh và tròng trách nhiệm vào cổ các nhà khoa học của họ?  Mình nhân ái bao dung, ai lại làm thế bao giờ?

Không biết có phải Bộ Y tế đang có ý định học hỏi ngành giao thông hay không, nhưng cứ nhìn vào cái cách Bộ này tổ chức họp báo sau một năm trời truy tìm nguyên nhân bệnh lạ, người ta thật khó mà kiềm lòng để không liên tưởng.

Này, bạn có nhớ các cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận như thế nào về vai trò của xăng dầu trong các vụ cháy xe trong hơn một năm qua hay không?

Cuối tháng 4, các cơ quan chức năng tuyên bố “chưa có bằng chứng xăng dầu là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy nổ xe cơ giới thời gian qua”. Tới đầu tháng 5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra giả thiết, “xăng dầu có thể là nguyên nhân gián tiếp gây cháy xe”.

Ừ nói như thế thì đúng quá, chả ai vặn vẹo được gì thật, nhưng hóa ra cũng bằng không, hệt như câu chuyện kết án với bằng chứng “có lẽ có” từng nổi danh trong lịch sử Tàu. “Có lẽ có”, tức cũng “không hẳn là không”, tóm lại là chẳng biết đường nào mà lần. Ở mà nghĩ tới nghĩ lui một hồi rồi sẽ thấy..quá chuẩn vì ở đời này ai dám chắc như đinh đóng cột về một cái gì nào? Có thể thế này mà cũng có thể thế kia, có thể bệnh nhân đã chết mà cũng có thể bệnh nhân còn sống...lâm sàng thì sao nào?

Nay, không giống ngành Giao thông chỉ đưa ra một ví dụ vỏn vẹn về xăng dầu, Bộ Y tế hùng hồn chỉ ra hàng loạt những nguyên nhân… không gây ra bệnh lạ. Kể sơ sơ, cũng thấy danh sách đã khá dài dòng: không thấy các yếu tố chứng tỏ là bệnh truyền nhiễm (virus, vi khuẩn); chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhiễm từ không khí; chưa tìm thấy bằng chứng nhiễm bệnh từ nguồn nước; không tìm thấy bằng chứng lây từ người sang người; không phải do nhiễm kim loại nặng; không phát hiện thấy hóa chất bảo vệ thực vật…Như vậy là không có nguyên nhân khách quan gây bệnh lạ nào hết, xin người dân đừng có nhạy cảm quá mà tự suy ra kết luận tất yêu là: Bệnh lạ là do dân gây nên! Không! Chắc chắn đoàn kiểm tra không có ý đổ riệt do dân tạo ra bệnh lạ đâu mà chỉ đơn giản là: Bệnh lạ! Đã là lạ mà lại biết tuốt nguyên nhân rồi chỉ ra cách khắc phục thì còn quái gì là lạ nữa cơ chứ!

Dĩ nhiên, xã hội không thể phủ nhận công lao của cả ngành y tế trong suột một năm dài vừa qua, đã cử một đội ngũ cán bộ hùng hậu, không quản ngại khó khăn gian khổ để tiến hành điều tra, can thiệp tại thực địa, mà danh sách những công việc này cũng dài không kém cái danh sách nguyên nhân… không gây bệnh ở trên: các nhóm điều tra về dịch tễ học, bệnh học, côn trùng và môi trường, thu thập các mẫu nước, đất, mẫu máu, mẫu phân để xét nghiệm tìm căn nguyên và các yếu tố liên quan, tiến hành các biện pháp can thiệp dự phòng tại cộng đồng.

Chỉ hiềm một nỗi, chả biết các cán bộ vui sướng như thế nào mỗi khi tìm ra được bằng chứng để có thể kết luận hùng hồn rằng một thứ gì đấy không phải là nguyên nhân gây bệnh, nhưng người dân thì cứ phải thở dài thườn thượt theo những thống kê dông dài kể trên.

Đến đây, có người đã nói nhỏ với tác giả rằng, xin đừng vội cho rằng tất cả mọi người dân đều thất vọng, vẫn có những người chả thất vọng tẹo nào đâu, ít nhất là những người ở Ba Tơ, Quảng Ngãi, chính là nơi bệnh lạ đang hoành hành.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị hôm nay dẫn lời già Phạm Văn Mai, làng Rêu, xã Ba Điền, một trong những địa chỉ được các y bác sĩ từ Trung ương tới thăm nhiều nhất, tả lại: “Già có mời nước, nó không uống, có đứa không dám ngồi dưới chiếu do già trải ra…”

Ra khỏi nhà sàn của đồng bào, có vị vội dùng nước suối rửa sạch tay. Thậm chí, có người vứt bỏ cả vớ mang trong chân, do đã trót bước vào nhà sàn của bà con Hre.

Hiển nhiên, cái lắc đầu ngậm ngùi của già Mai chẳng có một tí tẹo thuyết phục nào. Già ơi già, “bệnh lạ” thì ai chả sợ, hàng chục người đã chết vì nó rồi chứ có phải chuyện đùa đâu, chưa kể hơn 200 người mắc bệnh cũng chưa biết tương lai thế nào?

Đời người ai cũng chỉ được chết… có một lần, các y bác sĩ Trung ương dại gì mà ngồi vào cái chiếu già trải, cũng tiếc gì chai nước suối hay cái vớ để đến nỗi mang họa vào thân, cuộc đời còn nhiều thú vui phải hưởng lắm, già ạ.

Chân lý: Người ta hoàn toàn có thể chết vì đói nghèo! 
Chân lý: Người ta hoàn toàn có thể chết vì đói nghèo!

Mà, các y bác sĩ thì vốn được tiếng là sạch sẽ, tuyệt nhiên không ở bẩn bao giờ, mà “ăn bẩn” thì lại càng không!

Những kẻ hay buông lời đàm tiếu về tệ nạn phong bì ở bệnh viện hẳn sẽ phải im thin thít, bởi như lời già Mai kể, thì rõ là các từ mẫu của chúng ta nào có bao giờ dám tơ hào một li một mảy của dân!

Mặt khác, người ta cũng có thể chém đinh chặt sắt mà thề rằng, những người dân ở làng Rêu, ở xã Ba Điền và có lẽ ở cả huyện Ba Tơ nữa, sẽ tuyệt đối không thất vọng, dù chỉ là một tí ti gọi là có, khi nghe tin về buổi họp báo hôm nay của Bộ Y tế.

Không như chúng ta ở chốn Thủ đô văn minh ngời ngời cứ nghển cổ lên chờ ngành y tế đưa ra kết luận, những người dân Ba Tơ vừa đói nghèo, vừa lạc hậu chắc chắn sẽ chẳng mong chờ gì.

Vì dù có lạc hậu, nhưng hơn ai hết, họ biết người ta  đã về nơi họ ở, đã nghiên cứu với một tấm lòng “lương y như từ mẫu” như thế nào? Họ cũng biết, hóa ra cái thái độ “sợ như sợ hủi” không phải chỉ là chuyện của một thời lạc hậu tăm tối xa xưa, cũng không phải chỉ là chuyện của đám dân đen ít học dốt nát!

Tuy vậy, cũng xin nhắc nhở bạn đừng quá bi quan kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe thì lại khổ, bởi không phải mọi thứ đã hẳn đi vào ngõ cụt. Tờ Tuổi Trẻ, với một sự lạc quan hiếm có, nhận định Bộ Y tế đã đưa ra một kết luận rõ ràng hơn: các hội đồng khoa học đã xác định nguyên nhân bệnh lạ ở Quảng Ngãi do nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu máu, thiếu vi chất.

Có thể chứ, ít nhất cũng phải tìm ra được một lý do nào đó khả dĩ để yên lòng dân chứ, để người ta có chỗ mà hy vọng. Nếu không, thì làm sao mà Bộ Y tế có thể hiên ngang ban hành ra một phác đồ điều trị, vì một lẽ đơn giản như 1+1=2: không tìm ra nguyên nhân thì sao mà điều trị cho được, hay thầy thuốc thời nay trị bệnh theo cách thầy bói thời xưa xem voi chăng?

Và nếu không, thì làm sao mà trách những người dân vẫn đang đổ xô tới những “khu vườn kỳ lạ” ở nơi này nơi kia để chữa bệnh: có bệnh thì vái tứ phương, với “bệnh lạ” mà Bộ Y tế không tìm ra được nguyên nhân, thì dân còn biết làm gì ngoài việc đi tìm “phép lạ”?

Đến đây, chỉ còn một điều duy nhất khiến người ta phải lăn tăn, ấy là tại sao các y bác sĩ từ Trung ương lại sợ lây cái bệnh này đến thế? Có người đã mạn phép đề nghị, nếu quả nhiên các vị lương y này đều bị suy dinh dưỡng đến nỗi về Ba Tơ mà cứ lo ngay ngáy bị… bệnh lạ, thì Bộ Y tế hãy bồi bổ cho họ thật béo tốt đã rồi hãy cử họ về.

Nếu các vị ấy đều đủ chiều cao cân nặng theo tiêu chuẩn, sức đề kháng cũng ngon lành, mà vẫn sợ bệnh lạ như sợ hủi, thì dân tình ai dám tin rằng bệnh ấy là do suy dinh dưỡng như chính kết luận của các vị.

Kết luận chắc chắn nhất mà người ta có thể rút ra sau vụ việc này, ấy là nghèo đói không chỉ khiến người ta khổ, không chỉ khiến người ta hèn, mà còn có thể khiến người ta… chết. Chân lý chả có gì mới, nhưng trộm nghĩ vẫn có thể thành tin trên báo được, bởi bây giờ đang là thế kỷ 21 chứ không phải là năm Ất Dậu.

Cùng ngày, theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, khi thảo luận về tình hình hình kinh tế xã hội, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Trần Du Lịch kể lại, câu chuyện về 5 em bé nhà nghèo ở Đồng Nai vì muốn giúp gia đình nên rủ nhau đi mót hạt điều và té xuống mương chết đuối hôm 12/5 đã làm ông cảm thấy miệng mình đắng ngắt – dù đang thưởng thức bữa sáng.

Theo bạn, 5 em bé chết vì đuối nước, chết vì muốn giúp gia đình, chết vì được nghỉ học, chết vì Đồng Nai có trồng hạt điều, hay chết vì nhà các em nghèo? Để lương tâm quý vị không phải thức giấc thì quý vị nên học cách nhìn sự vật như đoàn kiểm tra y tế tại Ba Tơ ấy: Có rất nhiều nguyên nhân để 5 em bé này không chết....

  • Tam Thái
Nguồn: phunutoday.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.