Chuyên mục
Thành lập AIIB: Mỹ, Nhật
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Thành lập AIIB: Mỹ, Nhật "bó tay" trước tham vọng Trung Quốc?

Thứ ba 07/04/2015 16:31 GMT + 7
Một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới mà không có vai trò gì trong các tổ chức tài chính quốc tế là điều Trung Quốc không thể chấp nhận.

Tham vọng lâu dài

Hồi tháng 10/2014, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, 21 quốc gia châu Á đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với vốn điều lệ lên tới 100 tỷ USD và vốn đăng ký ban đầu dự kiến khoảng 50 tỷ USD.

Ngân hàng này có chức năng cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực

Đến ngày 31/03, Trung Quốc xác nhận rằng 30 quốc gia đã được chấp thuận làm thành viên sáng lập AIIB do Bắc Kinh đề xuất.


AIIB thu hút sự quan tâm của rất nhiều quốc gia

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, việc sáng lập AIIB là "động thái mang tính xây dựng sẽ bổ sung cho trật tự kinh tế quốc tế hiện nay và giúp Trung Quốc có khả năng gánh vác thêm trách nhiệm toàn cầu".

Trước đó, giới chức Bắc Kinh cũng nhiều lần khẳng định AIIB sẽ là một sự bổ sung chứ không cạnh tranh với những định chế khác đang tồn tại, đồng thời cho biết AIIB hướng tới mục tiêu thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, viễn thông và cơ sở hạ tầng khác tại các nước đang phát triển ở châu Á.

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố trên, việc Trung Quốc khởi xướng thành lập AIIB với ý định đóng góp tới khoảng 50% số vốn của AIIB vẫn khiến nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản lo ngại.

Chia sẻ nỗi lo này, PGS Nguyên Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, trước mắt, AIIB  phục vụ cho chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc. Chiến lược này được bắt nguồn từ lịch sử như là sự tồn tại một con đường tơ lụa trên bộ và một con đường tơ lụa trên biển kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. 

"Tuy nhiên, về lâu dài, đây là một thể chế tài chính mà tham vọng của nó là cạnh tranh không chỉ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vốn chịu ảnh hưởng của Nhật, mà còn cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Mỹ chi phối.

Trung Quốc mạnh về tài chính và trước mắt, họ muốn đầu tư ở châu Á, châu Âu, phục vụ cho con đường tơ lụa. Hiện nay Trung Quốc đã xuất vốn để xây dựng toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông trên bộ xuyên lục địa Á-Âu, một mạng lưới đường sắt cao tốc sang châu Âu và cả đường sắt sang Đức dài 11.000km. Các nước châu Âu, đặc biệt là 5 nền kinh tế lớn (Anh, Pháp,  Đức, Ý, Nga) sau một thời gian do dự thì xuất phát từ lợi ích trong quan hệ thương mại với Trung Quốc đã tham gia AIIB".

Đồng quan điểm, ông Ngô Duy Ngọ, nguyên đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Hungary cũng cho rằng, nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở, kết nối các nước châu Á với nhau quá lớn, ước tính chừng 8.000 tỷ USD, thậm chí lớn hơn nhiều. 

"Nhưng quan trọng hơn, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhưng tỷ lệ sở hữu chỉ 5,5% trong ADB, so với 15,7% của Nhật Bản. Tình trạng tương tự cũng lặp lại ở IMF, trong khi Mỹ chiếm tới 17%.

Không có vai trò gì trong các tổ chức tài chính quốc tế là điều Trung Quốc không thể chấp nhận. Nhưng tại sao Bắc Kinh không thay đổi tỷ lệ bỏ phiếu trong IMF hay ADB? Sẽ là không thể bởi với tỷ lệ sở hữu như trên, các quyết định của hai định chế tài chính này đều có thể bị Mỹ hoặc Nhật Bản phủ quyết. Nếu tăng quyền lực của Trung Quốc trong IMF chẳng hạn, đương nhiên Mỹ sẽ không đồng ý, riêng Mỹ đã có quyền phủ quyết, chưa nói đến các nước thân Mỹ".

Bởi không muốn chịu sức ép hay phụ thuộc vào Mỹ trong khi bản thân đang có rất nhiều tiền, dự trữ ngoại tệ lên tới gần 4.000 tỷ USD, nên Trung Quốc đã sáng lập ra AIIB.

"Khi ngân hàng này hình thành và nguồn vốn của nó không phải 50 tỷ USD như ban đầu nữa, mà sau này có thể tăng lên 100 tỷ USD, thậm chí hơn thì vai trò của ADB chẳng là gì hết. Nhật Bản sẽ mất đi vai trò trong việc cung cấp vốn cho các dự án hoặc các nước châu Á. Tương tự, Mỹ cũng vậy. Do đó, khi Trung Quốc đưa ra ý tưởng này, Mỹ và Nhật Bản đã phản đối kịch liệt, thậm chí Mỹ còn gây sức ép lên các nước đồng minh", ông Ngọ nói.

Về mục tiêu Trung Quốc sẽ sử dụng AIIB phục vụ cho mục tiêu quốc tế hoá đồng nhân dân tệ, nguyên đại sứ Việt Nam tại cộng hoà Hungary tỏ ra không đồng tình.

"Trong IMF, Mỹ chỉ chiếm tầm 17% tỷ lệ vốn góp nhưng đã có quyền phủ quyết, còn trong AIIB, Trung Quốc muốn chiếm đến 50%. Không phải tự nhiên Trung Quốc đòi tỷ lệ này, họ có mục đích của họ nhưng tôi cho rằng, vấn đề quốc tế hoá đồng nhân dân tệ không nằm trong này.

Nguồn vốn chính của AIIB vẫn là đồng USD chứ không phải nhân dân tệ, sau nay AIIB có thể cho vay bằng nhân dân tệ nhưng vẫn phải quy đổi ra USD. Thứ nữa, nếu nước nào đó đi vay tiền, Trung Quốc sẽ có cái lợi là bởi nước này là cổ đông lớn nhất nên không loại trừ nước vay sẽ phải sử dụng thiết bị, công nghệ, nhân công... của Trung Quốc".

"Rất nhiều lần Trung Quốc muốn quốc tế hoá đồng nhân dân tệ, nói cách khác Trung Quốc muốn đồng nhân dân tệ chuyển đổi một cách tự do như các đồng tiền khác nhưng Trung Quốc rất thận trọng, mặc dù vốn dự trữ của họ cực lớn.

Nếu không cẩn thận, nguồn vốn đó sẽ chảy đi rất nhiều, khi nền kinh tế biến động, người ta sẽ chuyển đổi từ đồng nhân dân tệ sang USD và rút USD ra bên ngoài. Nước Nga vừa rồi cũng thực hiện chính sách tự do chuyển đổi đồng rúp sang USD nhưng đó là một sai lầm! Có những ngày Nga mất tới cả trăm tỷ vì khi phương Tây trừng phạt, các nhà đầu tư đã rút tiền ra bên ngoài".

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Quý khẳng định, chiến lược lâu dài của Trung Quốc là tiến tới đồng nhân dân tệ có thể chuyển đổi được và về lâu dài, làm cho đồng nhân dân tệ chiếm vị trí ngang hàng hoặc vượt lên USD. Tuy nhiên, ông cho rằng Trung Quốc đã không nóng vội trong việc này mà tiến từng bước một. 

"Lâu nay, nhân dân tệ là đồng tiền được sử dụng phổ biến thứ năm trong các thanh toán quốc tế, tuy nhiên sau Tết, nó đã tụt xuống vị trí thứ bảy do đồng franc Thụy Sĩ và đôla Canada vượt lên. Xét về xu thế, đồng nhân dân tệ sẽ vượt lên bởi theo quy luật, một nền kinh tế mạnh thì đồng tiền của nó sẽ lên. Nhưng đó là quá trình lâu dài, hiện nhân dân tệ giữ 1,81% thị phần thanh toán trên thế giới, trong khi USD trên 60%. Mục tiêu của Trung Quốc là thế, còn nó có thay thế được đồng USD hay không và vào lúc nào không ai có thể đoán trước được.

Trung Quốc có thể muốn thông qua AIIB thúc đẩy mục tiêu quốc tế hoá đồng nhân dân tệ nhưng mục đích của AIIB không phải chỉ như thế. Nó còn có những mục tiêu về đầu tư, thương mại, mà trong năm nay hay vài năm tới, trọng tâm hoạt động kinh tế đối ngoại của Trung Quốc là thực hiện sáng kiến "Một vành đai, một con đường" và AIIB sẽ giải quyết mặt về tài chính, mở đường cho việc thực hiện mục tiêu đó", ông chỉ rõ.

Không dễ ép các nước tuân theo "luật chơi" của Trung Quốc

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, tổng số vốn và tỷ lệ vốn góp trong AIIB có thể thay đổi, tuỳ theo đóng góp của các nước khác. Về hình thức giao dịch của ngân hàng này, có những quy định chung nhưng đồng thời cũng tuỳ thuộc vào từng đối  tác.

"Luật chơi, quy định cụ thể của AIIB chưa cố định. Trung Quốc có thể có ý kiến của họ, nhưng không phải sau khi thành lập tất cả các nước đều phải tuân theo luật chơi của Trung Quốc.

Khi các nền kinh tế lớn tham gia, họ sẽ thông qua đàm phán với Trung Quốc để hình thành nên hệ thống các quy tắc hoạt động của ngân hàng. Hiện tại Trung Quốc chỉ cần tập hợp các nước tham gia, thành lập ngân hàng còn sau này là cả một quá trình cố gắng phát triển, có thể phải nhân nhượng, lôi kéo để hình thành nên ngân hàng có tính chất quốc tế, vượt khỏi phạm vi chi phối của WB, IMF do Mỹ khống chế hay ADB do Nhật chủ trì, nghĩa là sẽ có sự cạnh tranh về mặt tài chính của Trung Quốc đối với Mỹ và Nhật Bản".

PGS Nguyễn Huy Quý cũng cho rằng, AIIB đặt trụ sở tại Bắc Kinh và Trung Quốc sẽ bỏ ra 50% số vốn để nắm quyền chi phối, do đó, Trung Quốc có thể sẽ thực hiện chính sách đối ngoại của họ thông qua ngân hàng này, như lo ngại của Mỹ trước đây.

"Tuy nhiên, không phải tất cả đều áp đặt bởi Trung Quốc đủ khôn ngoan để các nước tham gia đều có lợi ích. Không loại trừ khả năng Nhật, Mỹ cũng sẽ tham gia ngân hàng này.

Có thể các nước phát triển châu Âu như Pháp, Anh, Đức, Ý một mặt tham gia ngân hàng để kiếm lời, mặt khác họ muốn luồn vào tổ chức này để tham gia một quy tắc, trật tự tài chính trong tương lai. Khi họ đã vào thì không phải Trung Quốc muốn làm gì cũng được, luật chơi, quy tắc vận động của AIIB sẽ không phải chỉ Trung Quốc quyết định. Tương tự, đối với các nước muốn vay vốn từ AIIB sẽ phải thông qua đàm phán chứ không dễ gì để Trung Quốc áp đặt", ông nhận định.

Thành Luân
Nguồn: baodatviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.