Chuyên mục
Quân Nga chạm trán NATO tại Nam Tư thời hậu Xô viết

Quân Nga chạm trán NATO tại Nam Tư thời hậu Xô viết

Thứ năm 28/03/2024 03:07 GMT + 7

Cuộc chạm trán nguy hiểm này giữa quân Nga và lực lượng NATO tại Nam Tư vào năm 1999 đã thay đổi dứt khoát quan điểm của Nga về phương Tây.


Tình hình rối ren tại Nam Tư trước khi Nga chạm trán NATO

Các sự kiện tại Nam Tư vào thập niên 1990 thường bị xem nhẹ trong các thảo luận vê mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày nay. Nhiều người không nắm rõ vì sao công luận ở Nga, vốn có cái nhìn thiện cảm với Mỹ và Tây Âu sau khi Liên Xô sụp đổ, lại đột ngột chuyển sang thái độ ngày càng hoài nghi phương Tây.

 

Lính Nga ở Nam Tư năm 1999. Ảnh: RT.


Điều làm thay đổi quan điểm ngây thơ của nhiều người Nga khi ấy là chiến dịch khét tiếng của NATO ném bom Nam Tư vào năm 1999.

Cái cớ chính thức do phương Tây đưa ra cho việc NATO ném bom Nam Tư là Cuộc chiến Kosovo. Quân giải phóng Kosovo (KLA) - một nhóm quân nổi dậy của những người tộc Albania, khi ấy tiến hành một cuộc chiến du kích và tổ chức tấn công vào các lực lượng của chính quyền Serbia, còn phía người Serbia thì nỗ lực trả đũa. Hai bên đều có những thái quá nhất định, nhưng phương Tây do các tính toán chính trị của riêng mình đã lựa chọn ủng hộ nhóm Albania.

Từ ngày 24/3 đến 10/6/1999, quân NATO thực hiện chiến dịch ném bom ồ ạt vào Nam Tư (khi ấy gồm Serbia và Montenegro). Số người tử vong do cuộc ném bom ấy dao động từ 270-1.000 quân nhân, cảnh sát và 450-2.000 dân thường. Cơ sở hạ tầng và nền kinh tế Nam Tư hứng chịu nhiều tổn thất to lớn. Belgrade đành chấp nhận tất cả các điều khoản do bên chiến thắng đưa ra. Sau đó, lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO được triển khai tới Kosovo, thay thế các lực lượng của Serbia.

Người Nga khi ấy xem đây là một thảm kịch. Về mặt lịch sử, Nga có mối quan hệ chặt chẽ cũng như những kết nối về tình cảm với Serbia.

Liên Xô vừa mới tan rã và cuộc nổi loạn Chechnya vẫn là một mối quan tâm lớn đối với Nga, nên Nga hiểu rất rõ tình thế của Serbia. Thời đấy và cả bây giờ, nhiều người tin rằng Nga tránh được kịch bản bị can thiệp giống như Nam Tư là vì Nga sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nhiều người Nga đã biểu tình trước đại sứ quán Mỹ và các phái đoàn ngoại giao của các đồng minh nước này đã tham gia chiến dịch ném bom nói trên. Một số người Nga thậm chí còn tới Nam Tư để tình nguyện chiến đấu bên cạnh những người Serbia. Tuy nhiên, ở cấp độ nhà nước, Nga không có thế để làm được bất cứ điều gì đáng kể nhằm hậu thuẫn cho những người bạn lâu năm của mình.

Điện Kremlin bí mật ra tay


Nga lúc ấy vẫn phải vật lộn để phục hồi sau một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Bối cảnh chính trị nội bộ của Nga cũng đang rất căng thẳng, còn quân đội thì non yếu sau khi Nga tách khỏi Liên Xô.

Mặc dù vậy, Moscow vẫn muốn tham gia chiến dịch kiến tạo hòa bình ở Kosovo và mong được ủy quyền triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của mình ở Kosovo - nơi có cư dân Serbia sinh sống.

Ý tưởng Nga nêu ra có cơ sở hợp lý ở chỗ người tộc Serbia tại Kosovo không còn ai bảo vệ họ nữa sau khi quân đội Nam Tư bị đẩy ra khỏi đây. Tuy nhiên, NATO không hợp tác với Nga. Do vậy, điện Kremlin quyết định động thủ theo cách riêng.

Kế hoạch của Moscow khá đơn giản, huy động sự tham gia của quân Nga nằm trong Lực lượng Ổn định tình hình ở Bosnia và Herzegovina (SFOR). Một tiểu đoàn binh chủng hợp thành Nga sẽ tiến vào Kosovo, tới thành phố Pristina và chiếm lĩnh sân bay tại đây, lấy đó làm đòn bẩy cho các cuộc thương lượng về việc để cho Nga tham gia nỗ lực gìn giữ hòa bình.

Vào ngày 10/6/1999, nhóm SFOR Nga nhận được chỉ dẫn mật phải chuẩn bị 200 quân và xe thiết giáp hạng nhẹ để tiến tới căn cứ không quân Slatina ở Pristina. Tiểu đoàn lính dù Nga sẽ thực thi nhiệm vụ dưới sự chỉ huy của Đại tá Sergey Pavlov.

Về mặt chính trị, kế hoạch trên do Bộ Ngoại giao Nga và cơ quan tình báo quân sự Nga soạn thảo, mặc dù có những phái đáng kể trong chính phủ Nga khi ấy không tán đồng ý tưởng này. Người Nga cố gắng thận trọng cao độ để tránh rò rỉ thông tin. Chỉ có 6 người được tiếp cận đầy đủ thông tin về bản kế hoạch này.

Một đơn vị nhỏ độc lập của Nga đã đứng chân sẵn tại Kosovo. Đơn vị này gồm 18 quân nhân của đặc nhiệm tình báo quân đội Nga do Yunus-Bek Yevkurov chỉ huy. Như đã thống nhất với Serbia, Yevkurov được chỉ định làm chỉ huy của nhóm này, với nhiệm vụ trinh sát và ngăn ngừa những diễn biến không mong muốn xảy ra tại sân bay khi lực lượng chủ lực tới đó.

Nhóm đặc nhiệm hành động hiệu quả và suôn sẻ, tiến hành trinh sát và kiểm soát chặt chẽ tình hình trong khi cố gắng tránh chạm trán với quân NATO và chiến binh KLA.

Trong khi đó, hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch đã định diễn ra tại Bosnia. Đơn vị lính dù Nga tổ chức diễn tập quân sự để tạo bình phong cho phép chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị và nhân sự để ra tay. Mỗi quân nhân được cấp lương đạn gấp đôi và số lương khô đủ dùng cho 10 ngày.

Lúc 4h sáng 11/6/1999, nhóm gồm 206 quân nhân Nga rời khỏi thị trấn Ugljevik của Bosnia, ngồi trên 35 xe tải quân sự và 15 xe bọc thép chở quân của riêng họ đi trong lãnh thổ Nam Tư hướng tới Pristina. Ngoài xe vận tải quân sự thông thường, đoàn xe còn có vài xe tiếp nhiên liệu và một xe liên lạc. Đoàn vượt chặng đường hơn 600km thì mới tới nơi. Kế hoạch ban đầu là huy động một đoàn lớn, nhưng do nhấn mạnh đến tốc độ nên cuối cùng họ quyết định chỉ sử dụng những chiếc xe thực sự cần thiết.

Đoàn xe di chuyển với tốc độ rất cao, khoảng 80km/h do cảnh sát Serbia đã dọn sẵn đường cho họ, bảo đảm “hành lang xanh”.

Tại Nam Tư, đoàn xe nhận được sự đòn tiếp nồng hậu của đám đông dân địa phương. Tại Pristina, người Serbia còn tặng cho đoàn xe bọc thép Nga những con mưa hoa khi họ đi qua. Điều này mặc dù là trải nghiệm dễ chịu với binh lính Nga nhưng lại làm chậm đà hành quân của họ.

Cuối cùng đoàn xe bọc thép chở quân Nga tới được mặt sân bê tông của căn cứ không quân Slatina ngay trước hoàng hôn. Binh lính Serbia thân thiện chào đón quân Nga, bàn giao quyền kiểm soát sân bay cho họ rồi rời khỏi đây.

 

Cuộc đối đầu nghẹt thở với quân NATO


Trong lúc ấy, khoảng 11h, quân Anh và Pháp di chuyển từ Macedonia tới Pristina. Người Anh cố gắng dùng đường băng Slatina để hạ cánh máy bay trực thăng nhưng xe bọc thép Nga tuần tra tại đây đã ngăn cản điều đó.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton sau này nhớ lại: “Tướng Wesley Clark lúc ấy rất điên tiết, và tôi cũng không thể trách cứ ông ấy được. Nhưng may thay, chúng tôi không rơi vào bờ vực Thế chiến III”.

Sau đó, tướng Michael Jackson - chỉ huy lực lượng Kosovo của NATO, ra lệnh cho các kíp xe tăng Anh tiến tới sân bay. Đúng lúc ấy, phiên dịch của quân Nga, sĩ quan Nikolay Yatsikov, nói với phía Anh rằng nếu họ tiến lên, hậu quả sẽ tàn khốc. Một binh sĩ Nga tên là Ivanov bước ra phía trước xe tăng Anh, cầm lấy một khẩu súng B-41 và sẵn sàng khai hỏa.

Tất nhiên lực lượng Anh ở đó có thể đủ sức đè bẹp một tiểu đoàn Nga chỉ có 200 người. Tuy nhiên, hành động đó có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân. Và tướng Jackson đã nói như sau với cấp trên của mình: “Tôi sẽ không để cho binh lính của mình phải chịu trách nhiệm về việc khơi mào Thế chiến III”.

Quân Anh bao vây sân bay và lính dù Nga trong vài ngày tiếp theo. Cùng lúc đó, chính trị gia các bên tiếp tục đàm phán.

Kết quả thương lượng khá thất vọng đối với Nga. Theo đó, Nga có thể phái một nhóm binh sĩ tới Kosovo nhưng lại không có khu vực riêng. Nói cách khác, người Serbia tại Kosovo sẽ không nhận được sự bảo vệ đầy đủ trước các hành động của chiến binh Albania. Nga lúc đó đang khá yếu, không thể dựa vào vài động thái táo bạo để bù đắp cho thế yếu về chính trị, kinh tế và quân sự.

Vài năm tiếp theo, một lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga gồm tổng cộng 650 quân tiếp tục phục vụ ở Kosovo và chỉ rút đi vào năm 2003.

Trong quãng thời gian ấy, đa số người Serbia rời khỏi Kosovo, nhiều người đã bị giết chết. Nhiều đài tưởng niệm và các di tích lịch sử khác của Serbia đã bị phá bỏ.

Như vậy, việc Nga chiếm được sân bay Pristina đã không dẫn tới thay đổi chính trị lớn nào.

Tuy nhiên những nỗ lực của Nga trong giai đoạn này vẫn có ý nghĩa đối với họ. Lần đầu tiên sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã tham gia vào các vấn đề ở nước ngoài, theo đuổi chính sách của riêng mình. Chiến dịch quân sự của NATO ở Kosovo cũng làm tỉnh ngộ nhóm người Nga thân phương Tây.

Nga cho đến nay vẫn có tình cảm sâu nặng với người Serbia. Do vậy những gì người Serbia phải hứng chịu vào cuối thập niên 1990 khiến người Nga rất phẫn nộ. Việc NATO chọn phe, ủng hộ người tộc Albania và thờ ơ với người Serbia đã khiến nhiều người Nga cho rằng phương Tây theo đuổi tiêu chuẩn kép.

 

Trung Hiếu

Nguồn: vov.vn
1 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.