Chuyên mục
Mỹ lo lắng khi Nhật Bản trỗi dậy?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Mỹ lo lắng khi Nhật Bản trỗi dậy?

Thứ ba 05/05/2015 02:36 GMT + 7
Nhật Bản ngày càng hùng mạnh và độc lập có thể vượt khỏi tầm kiểm soát của Mỹ.

Nhật Bản là một trong những đồng minh chủ chốt và đóng vai trò quan trọng trong chính sách xoay trục của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thế nhưng, thái độ của Mỹ đối với Nhật Bản luôn chứa đựng những mâu thuẫn, đặc biệt là trước vai trò an ninh ngày càng lớn của Tokyo.

Một tài liệu của Lầu Năm Góc hồi năm 1991 từng nhấn mạnh việc cần thiết phải ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào thách thức vị thế chi phối của Mỹ. Dù một số nhà quan sát cho rằng mục tiêu của Lầu Năm Góc là Bắc Kinh, song với sự yếu kém của Trung Quốc khi đó, tài liệu này dường như nhằm vào Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một siêu cường đang lên vào thời điểm đó.

Thủ tướng Nhật Bản Abe (phải) và Tổng thống Mỹ Obama họp báo chung tại Vườn Hồng,
Nhà Trắng hôm 28/4

Giới phân tích cho rằng, bên cạnh việc kiềm chế Trung Quốc thì Mỹ cũng hướng tới giám sát nhằm kiềm tỏa và ngăn Nhật Bản trở thành một siêu cường quân sự độc lập và hùng mạnh.

Trong những năm gần đây, giới lãnh đạo Mỹ đã từng bước chấp nhận việc Nhật Bản đóng một vai trò an ninh tích cực hơn. Lập trường vừa ủng hộ vừa cảnh giác với Tokyo đã giảm đi đáng kể dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và xu thế này tiếp tục thể hiện trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama.

Trọng tâm chính trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương và các điểm khác trong chính sách ngoại giao của Mỹ tại Đông Á là kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Washington đã có một cái nhìn khá ôn hòa khi Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe điều chỉnh đường lối quân sự, như việc phát triển các tàu chở máy bay trực thăng mới, bắt đầu ký thỏa thuận bán vũ khí cho các nước khác và “diễn giải lại” Điều 9 trong Hiến pháp Hòa bình của Nhật Bản cho phép triển khai những sứ mệnh quân sự vượt ra ngoài khuôn khổ tự vệ đơn thuần.

Tuy nhiên, người Mỹ vẫn phản ứng trái chiều đối với việc Tokyo đảm đương vai trò an ninh lớn hơn. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây của Viện Pew cho kết quả 47% số người Mỹ được hỏi nói rằng họ hoan nghênh một sự thay đổi của Nhật Bản, một phần để chia sẻ gánh nặng tài chính và hậu cần với Mỹ. Tuy vậy, cũng có tới 43% tin rằng, với lịch sử gây hấn của mình, Nhật Bản nên bị hạn chế về quân sự.

Tàu chở trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản

Hành động thời gian qua của Chính phủ Abe có lẽ không thể giải tỏa được tâm lý lo lắng của Mỹ hay Trung Quốc. Tokyo đã thể hiện một lập trường không thỏa hiệp trong hai cuộc tranh chấp lãnh thổ, một với Hàn Quốc về chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo, một với Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Sau khi Nhật Bản đưa hai tranh chấp này vào nội dung sách giáo khoa, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đã cảnh báo rằng hành động của Tokyo là nguy hiểm.

Bên cạnh đó, việc các quan chức Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng Abe, đến thăm Đền Yasukuni, cũng như việc tiếp tục chối bỏ trách nhiệm đối với các nạn nhân bị ép buộc làm “nô lệ tình dục” thời Thế chiến II, càng làm gia tăng tâm lý hoài nghi Nhật Bản.

Giới phân tích nghi ngại rằng những động thái liên tiếp như kể trên cho thấy Tokyo đang theo đuổi một chương trình hành động ngày càng mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa.

Điều này khiến Trung Quốc, Hàn Quốc và các quốc gia châu Á láng giềng lo lắng, đồng thời tạo những quan điểm trái chiều tại Washington.

Mỹ có lẽ thích một đồng minh ngày càng mạnh mẽ và có tiềm lực tại Đông Á, nhưng sự quyết đoán của Nhật Bản cũng có thể khiến Mỹ bối rối trong một số vấn đề mà Washington muốn né tránh. Ví dụ như lập trường không thỏa hiệp của Tokyo trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang đặt Mỹ vào thế khó xử.

Nhật Bản gây sức ép để Chính quyền Obama phải khẳng định hiệp định phòng thủ song phương Mỹ-Nhật bao trùm cả quần đảo này, dù trên thực tế quy chế pháp lý của Senkaku/Điếu Ngư vẫn còn tranh cãi. Mọi cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới tranh chấp này đều sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tức thời cho Mỹ.

Nhật Bản đang tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự, đồng nghĩa với việc Mỹ phải chấp nhận một đồng minh sẽ trở thành một siêu cường có tư duy độc lập hơn với một chính sách riêng.

Người Mỹ hoàn toàn có cơ sở để lo ngại một Nhật Bản sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của họ, thậm chí có thể gây ra những xung đột với chính sách và lợi ích then chốt của chính nước Mỹ.


Tiểu Bảo
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.