Chuyên mục
Mỹ chơi xấu Nga bằng mọi cách ở Trung Đông
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Mỹ chơi xấu Nga bằng mọi cách ở Trung Đông

Chủ nhật 27/05/2018 11:01 GMT + 7
Mỹ nên thuyết phục Iran hợp tác với mình và các đồng minh thay vì đặt hy vọng vào một trật tự khu vực được Nga hậu thuẫn.

Nhìn nhận sai lầm về Iran

Mỹ tiếp tục thể hiện vai trò “cảnh sát” thế giới khi lên tiếng chỉ trích hết nước này đến nước khác theo các nguyên tắc mà Washington coi là chuẩn mực. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ thì thấy những nước nằm trong “danh sách đen” của Mỹ chính là các đối tác “cứng đầu” và các đối thủ “truyền kiếp”.

Tờ Foreign Affairs của Mỹ trong bài phân tích mới đây đã chỉ ra sai lầm trong chính sách của Washington đối với Iran vốn được xây dựng dựa trên những đánh giá cũng sai lầm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã từng gọi Iran là “nhà nước tài trợ khủng bố hàng đầu thế giới”. Ông Trump coi thỏa thuận hạt nhân này là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay” và từ chối xác nhận rằng Iran đang tuân thủ các nghĩa vụ bất chấp sự xác nhận của cơ quan có trách nhiệm là IAEA.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 8/5.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thì miêu tả Iran là “mối đe dọa dai dẳng nhất đối với sự ổn định và hòa bình ở Trung Đông”. Trong phiên điều trần phê chuẩn chức vụ của mình, ông Mattis cho rằng mục tiêu của Iran là “mở rộng ảnh hưởng xấu của họ để tái tạo khu vực này theo hình dung của họ”.

Trong mắt Chính quyền Tổng thống Trump, các nhà quan sát và quan chức khác ở Washington, Iran là thủ phạm gây ra “sự hỗn loạn” ở Trung Đông với những cáo buộc như Tehran tài trợ cho các nhóm khủng bố, hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và giúp đỡ quân nổi dậy Houthi chống lại Saudi Arabia ở Yemen.

Washington dường như tin rằng việc giảm bớt ảnh hưởng của Iran sẽ khôi phục trật tự cho Trung Đông. Nhưng Foreign Affairs cho rằng kỳ vọng đó lại dựa trên sự hiểu biết sai lầm về điều đã khiến nó tan vỡ ngay từ đầu.

Theo đó, Iran không gây ra sự sụp đổ và việc kiềm chế Iran sẽ không mang sự ổn định quay trở lại dù các động thái của Tehran gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với Mỹ.

“Những thách thức” mà tạp chí Mỹ nhắc tới có thể hiểu là một “chướng ngại vật” khiến Mỹ không thể chi phối hoàn toàn Trung Đông. Ngoài ra, thật khó có cách hiểu nào thỏa đáng trong bối cảnh Mỹ nằm cách xa khu vực này hàng ngàn cây số, được bao bọc bởi hai đại dương và hiện vẫn là cường quốc số một thế giới về kinh tế và quân sự!

Tên lửa Shahab-3 của Iran.

Foreign Affairs cho rằng Iran thực dụng hơn nhiều so với mức độ mà nhiều người ở phương Tây cảm nhận được. Như việc Iran sẵn lòng can dự với Mỹ về chương trình hạt nhân của họ đã cho thấy, họ được thúc đẩy bởi những tính toán thực dụng về lợi ích quốc gia, chứ không phải khát khao lan tỏa cuộc Cách mạng Hồi giáo ra nước ngoài.

Trung Đông sẽ chỉ ổn định khi Mỹ làm nhiều hơn để xử lý xung đột và khôi phục sự cân bằng ở đây. Điều đó sẽ đòi hỏi phải có một cách tiếp cận tinh tế, bao gồm cả việc hợp tác với Iran, chứ không phải đối đầu với nước này theo phản xạ.

Cái lý của Iran

Theo Foreign Affairs, giống như Nga và Trung Quốc, Iran có những ký ức sống động về quá khứ của họ dưới thời đế quốc và những khao khát về vị thế nước lớn đi cùng với những ký ức đó. Và giống như 2 nước này, Iran nhìn nhận một trật tự khu vực do Mỹ lãnh đạo như là một chướng ngại vật trên con đường đi đến các mục tiêu của mình.

Các mục tiêu mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa của Iran đi cùng với những quan ngại sâu sắc hơn về an ninh quốc gia. Quân đội Israel và quân đội Mỹ gây ra những mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với Iran.

Các cuộc xâm lược Afghanistan và Iraq của Mỹ đã đưa hàng trăm nghìn binh lính Mỹ đến biên giới Iran và thuyết phục Tehran rằng sẽ là ngây thơ nếu họ nghĩ rằng các lực lượng của Iran có thể ngăn cản quân đội Mỹ trên chiến trường.

Trước thách thức này, Iran đã buộc phải làm việc cần làm là cung cấp vũ khí và huấn luyện lực lượng dân quân dòng Shiite và quân nổi dậy dòng Sunni để tiêu diệt và làm hàng nghìn binh lính Mỹ bị thương trong Chiến tranh Iraq. Có lẽ đây là điều đã khiến Chính quyền của Tổng thống Trump “ác cảm” đối với Iran đến như vậy.

Iran cũng nhận thấy những mối đe dọa từ thế giới Arab. Từ năm 1958, khi một cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ Iraq, cho đến năm 2003, Iraq liên tục đe dọa Iran.

Quân đội Iran bắn pháp D-20 152 mm trong cuộc chiến tranh với Iraq.

Ký ức về cuộc Chiến tranh Iran-Iraq kéo dài 8 năm trong những năm 1980 định hình quan điểm của Iran về thế giới Arab. Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Iran là các cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh này, mà trong đó Iraq đã thôn tính lãnh thổ Iran, sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào binh lính Iran, và đe dọa tấn công các thành phố của Iran bằng tên lửa.

Kể từ năm 2003, chủ nghĩa ly khai mà người Kurd đang ấp ủ ở Iraq và Syria cùng với căng thẳng Shiite-Sunni ngày càng tăng trên khắp khu vực đã củng cố nhận thức của Iran về mối đe dọa của thế giới Arab.

Iran cũng lo lắng sẽ bị các đối thủ truyền thống của mình đánh bại. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, vào năm 2016, Iran đã chi 3% GDP của nước này cho quân đội, ít hơn Saudi Arabia (10%), Israel (6%), Iraq (5%) và Jordan (4%), đặt Iran vào vị trí thứ 8 ở Trung Đông về chi tiêu quốc phòng tính theo tỷ lệ phần trăm GDP.

Mức chi tiêu của Iran cũng tụt hậu xét về con số tuyệt đối. Chẳng hạn, vào năm 2016, Saudi Arabia chi 63,7 tỷ USD cho quốc phòng, gấp 5 lần con số 12,7 tỷ USD của Iran.

Lực lượng vệ binh cách mạng Iran.

Để bù đắp cho bất lợi này, Iran đã thông qua chiến lược “phòng thủ phía trước”. Chiến lược này đòi hỏi phải hỗ trợ cho các lực lượng dân quân và các nhóm nổi dậy thân thiết trên khắp Trung Đông, kể cả Hamas và Hezbollah, vốn đều đe dọa biên giới Israel.

Tạp chí Mỹ phải thừa nhận sự sụp đổ trật tự kéo dài hàng thập kỷ ở Trung Đông bắt đầu bằng việc Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003 kéo theo tình trạng bất ổn xã hội, các cuộc lật đổ, phá vỡ các thể chế nhà nước và châm ngòi cho các cuộc xung đột sắc tộc và phe phái mà trong một số trường hợp đã leo thang thành các cuộc nội chiến thực sự.

Người Mỹ hiện vẫn “tranh công” trong cuộc chiến chống IS nhưng tờ Foreign Affairs cho rằng không có tầm với quân sự của Iran và sức mạnh của mạng lưới các đồng minh của họ và các bên được họ bảo trợ ở Iraq và Syria, IS hẳn đã nhanh chóng tràn vào Damascus, Baghdad và Erbil (thủ phủ của người Kurd ở Iraq).

Cách hành xử của Mỹ đã tỏ ra không đáng tin cậy bởi sau khi ký được thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, Washington ngay lập tức ký kết các thỏa thuận vũ khí lớn với Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).

Iran không tránh khỏi thất vọng bởi họ đã từ bỏ một phương tiện quan trọng chỉ để nhận thấy khoảng cách quân sự thông thường với các đối thủ khu vực trở nên lớn hơn.

Vào năm 2015, Saudi Arabia và các đồng minh lần đầu tiên tỏ ra sẵn lòng sử dụng ưu thế quân sự đó bằng cuộc chiến ở Yemen. Iran liệu có lựa chọn nào khác ngoài việc can dự ở Yemen bằng cách hậu thuẫn lực lượng Houthi?

Mọi con đường đều dẫn tới Nga!

Tạp chí Mỹ còn đặc biệt nhấn mạnh tới mối quan hệ của Iran với Nga trong bối cảnh khu vực hiện nay. Theo Foreign Affairs, sự hiện diện của Iran trên thực địa đã mang lại chiến thắng cho Nga ở Syria. Ở Afghanistan, Trung Á và Caucasus, Iran và Nga đã làm việc chặt chẽ với nhau để chống lại tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Nga hiểu được giá trị của Iran đối với các mục tiêu lớn hơn của mình. Iran có vị trí địa lý quan trọng và là một nước giàu năng lượng với trên 80 triệu dân cùng một mạng lưới các đồng minh và các nước được bảo trợ trải rộng khắp Trung Đông – tất cả đều nằm ngoài khu vực ảnh hưởng của Mỹ.

Máy bay Tu-22M3 được Nga triển khai tại Iran để tấn công các mục tiêu tại Syria.

Iran được tạp chí Mỹ gọi là một “phần thưởng” đối với Nga vốn đang nóng lòng muốn đẩy lùi Mỹ bất kỳ nơi nào có thể.

Bằng việc hợp tác với nhau trong cuộc nội chiến Syria, quân đội và các cộng đồng tình báo của Iran và Nga đã xây dựng mối quan hệ sâu sắc với nhau, điều sẽ giúp Iran chống lại sự ép buộc của Mỹ trong tương lai.

Trong năm qua, khi Mỹ quay lưng lại với thỏa thuận hạt nhân và gây áp lực ngày càng tăng đối với Iran, một sự đồng thuận đã xuất hiện ở Tehran xung quanh mối quan hệ thân thiết hơn với Nga. Iran đang hướng tới việc gia tăng trao đổi thương mại với Nga và mua vũ khí tinh vi từ nước này để đối phó với sự gia tăng chi tiêu quân sự trong khối do Saudi Arabia lãnh đạo.

Iran còn có thể ký kết một hiệp ước phòng thủ với Nga, trong đó bao gồm việc hợp tác chặt chẽ về mặt quân sự, tình báo và quyền tiếp cận của Nga đối với các cơ sở quân sự của Iran.

Thừa nhận sai lầm trong chính sách đối với Iran chỉ là "chiêu" của Mỹ nhằm triệt hạ sức mạnh Nga?

Tạp chí Mỹ cho rằng chính sách của Mỹ có thể thành ra trao sức mạnh cho Nga mà không thu hẹp tầm ảnh hưởng của Iran. Mỹ không có đủ binh lính ở Trung Đông để tác động đến các diễn biến ở Iraq hay Syria, chưa kể đến việc ngăn chặn Iran.

Đề xuất được đưa ra là Mỹ nên chấp nhận vai trò của Iran (điều này đồng nghĩa với vai trò của Nga) tại Trung Đông. Thay vì dựa vào vũ lực, Mỹ nên dựa nhiều vào ngoại giao, đặc biệt là nên thuyết phục Tehran rằng tốt hơn nên làm việc với Washington và các đồng minh của Washington thay vì đặt hy vọng vào một trật tự khu vực được Nga hậu thuẫn.

Đông Triều
Nguồn: baodatviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.