Chuyên mục
Ngăn chặn việc mưu sinh bất hợp pháp của lao động Việt tại Đài Loan: Tính toán lộ trình giảm phí
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ngăn chặn việc mưu sinh bất hợp pháp của lao động Việt tại Đài Loan: Tính toán lộ trình giảm phí

Thứ ba 19/04/2016 02:23 GMT + 7
Tình trạng lao động (LĐ) Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan (Trung Quốc) và gửi đơn khiếu nại đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ xuất khẩu lao động năm 2016 (xem NTNN số ra ngày 14, 15.4). Trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp (ảnh) khẳng định, tới đây sẽ có lộ trình giảm phí cho LĐ sang Đài Loan.
    
Thưa ông, thời gian qua nhiều LĐ Việt Nam làm việc tại Đài Loan (ĐL) khiếu nại nhiều vấn đề, trong đó bức xúc nhất là mức phí sang thị trường này bị các doanh nghiệp đẩy lên quá cao. Bộ LĐTBXH đã giải quyết vấn đề này thế nào?

- ĐL là thị trường trọng điểm xuất khẩu lao động (XKLĐ) của VN. Mỗi năm chúng ta đưa được gần 70.000 LĐ đi ĐL trên tổng số hơn 100.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Nhìn chung, LĐ sang đây được bố trí công ăn việc làm, được công ty môi giới chăm sóc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết, vẫn còn có khiếu nại, phàn nàn của người LĐ xung quanh câu chuyện phí thu cao hơn Bộ LĐTBXH quy định. Ngoài ra, người LĐ khiếu nại đến Bộ LĐTBXH, Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc các công ty môi giới không chăm sóc, hỗ trợ chu đáo những lúc tai nạn, ốm đau… Cũng có một số LĐ khiếu nại, hợp đồng ký với công ty XKLĐ trong nước, nhưng sang ĐL công việc không như hứa hẹn.


Đại diện Bộ LĐTBXH trao quà cho người lao động đang làm việc tại Đài Loan. Ảnh: H.M

Ngoài nỗ lực của DN, của môi giới, chúng tôi cũng mong muốn LĐ Việt Nam cố gắng tuân thủ luật pháp, tôn trọng những điều mình đã cam kết. Tôi cũng khuyên người LĐ đừng vì sức ép nộp thêm tiền để đi ngay mà đồng ý bỏ qua hóa đơn chứng từ. Nếu có bất kỳ hiện tượng nào như vậy, người LĐ nên thông báo cho Cục Quản lý LĐ ngoài nước và Thanh tra Bộ, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp

Bộ LĐTBXH rất quan tâm vấn đề này nên đã có chấn chỉnh để giảm phí, không tạo sức ép tài chính cho người LĐ; đồng thời, yêu cầu các công ty XKLĐ làm việc với môi giới hỗ trợ tốt hơn cho người LĐ, làm sao để họ yên tâm tại nơi làm việc của mình. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các công ty XKLĐ minh bạch tất cả các thông tin, trung thực với người LĐ về các hợp đồng ký với công ty và công ăn việc làm khi sang ĐL…

Thưa ông, năm 2012, Bộ LĐTBXH quy định các DN đưa LĐ sang thị trường ĐL chỉ được thu phí môi giới tối đa 4.000 USD. Thực tế, thời gian qua vì sao vẫn xảy ra tình trạng các DN thu phí cao hơn quy định?

- Bộ LĐTBXH ấn định mức phí 4.000USD, còn phí trả bao nhiêu là do thỏa thuận, bởi đây là cơ chế thị trường giữa DN Việt Nam và môi giới ĐL. Nhưng quả thực, chi phí của LĐ Việt Nam hiện nay sang ĐL là quá cao. Có những LĐ phải đóng 4.300 - 4.500USD, nhưng cũng có người đi ở mức 5.000 USD, thậm chí lên 6000USD.  Mức phí 5.500 - 6.000USD theo tôi là quá cao.

Nhiều năm rồi, tỷ lệ LĐ Việt Nam bỏ trốn khỏi nơi làm việc, bỏ hợp đồng khá cao. Đấy cũng là sức ép từ phía ĐL đòi các DN Việt Nam phải trả phí. Bên cạnh đó, chất lượng của LĐ Việt Nam so với LĐ của Indonesia, Thái Lan thì không bằng. Bởi vậy, ngoài nâng cao chất lượng LĐ, chúng ta cũng đang cạnh tranh bằng phí. Tuy nhiên, mức phí trong giới hạn chấp nhận được, chứ nếu đẩy phí cao quá chắc là không ổn.

Trách nhiệm của Bộ là thanh tra, kiểm tra, sắp tới Bộ sẽ yêu cầu Cục Quản lý LĐ ngoài nước chỉ đạo Ban quản lý LĐ tại ĐL thống kê tình trạng bỏ hợp đồng. Những doanh nghiệp nào có LĐ bỏ hợp đồng cao hơn mức trung bình của thị trường hiện nay sẽ xem xét dừng đưa LĐ sang ĐL. Bộ cũng yêu cầu Ban quản lý LĐ ở ĐL thăm hỏi người LĐ, nhận đơn khiếu nại của LĐ và phân loại các công ty môi giới, nếu công ty nào thiếu chăm sóc người LĐ, để họ bỏ khỏi nơi làm việc quá nhiều, sẽ dừng các công ty môi giới đó.

Mức phí đang ở mức cao, Bộ LĐTBXH có tính đến giảm phí cho người LĐ hay không, và theo ông mức chi phí nào hợp lý?

- Chúng tôi có gặp một số LĐ khi về nước, họ cho rằng mức 4.000 - 4.500 USD có thể chấp nhận được. Vì nếu người LĐ làm bình thường, họ cũng có thể tích lũy được khoảng 20.000 đài tệ/tháng (khoảng 14 triệu đồng). Còn làm thêm giờ có thể thu nhập cao hơn. Rất nhiều người LĐ nói vì phí cao quá nên phải bỏ ra ngoài để bù đắp lại khoản chi phí. Chắc chắn Bộ LĐTBXH sẽ phải tính có lộ trình giảm phí, đảm bảo người LĐ có thể trả được nợ, có thể tích lũy và cải thiện điều kiện sau này.

Bộ LĐTBXH đã đề nghị Bộ Lao động phía bạn nỗ lực cùng Bộ LĐTBXH giảm sức ép tài chính cho người LĐ. Ban quản lý LĐ có trách nhiệm rà soát, thường xuyên kiểm tra, lắng nghe người LĐ, phân loại các công ty môi giới.

Vậy những DN thu phí sai quy định sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?


- Chúng ta cũng đã có Nghị định 95 về xử phạt vi phạm hành chính, công ty nào có nhiều LĐ bỏ trốn, không kịp thời hỗ trợ họ, thu phí cao… đều bị xử phạt.  DN nào tạo sức ép, sát ngày đi yêu cầu người LĐ nộp phí cao cũng sẽ kiên quyết xử lý. Đối với các môi giới ĐL, chủ trương của Bộ là không cung cấp LĐ cho họ, chỉ công ty môi giới nào làm tốt, chăm lo cho người LĐ, nỗ lực cùng phía VN giảm phí mới được tiếp tục làm. Những công ty sai phạm, Ban quản lý LĐ sẽ liệt kê danh sách, công bố trên trang web để các DN VN biết. Ngược lại, các công ty VN nếu có sai phạm, bị xử phạt cũng công khai trên trang web của Cục Quản lý LĐ ngoài nước và Bộ LĐTBXH để người LĐ biết.

Chúng tôi đang chỉ đạo Cục Quản lý LĐ ngoài nước, Ban quản lý LĐ VN tại ĐL rà soát các DN, nghe phản ánh từ phía  người LĐ xem hiện nay phí của các công ty thu của người LĐ như thế nào? Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát, phân loại, tiến hành thanh tra, kiểm tra và có biện pháp mạnh dừng các DN, công ty môi giới lạm thu đối với  người LĐ.

 Xin cảm ơn ông!

Hải Minh
Nguồn: danviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.