Chuyên mục
Mục đích Đài Loan bắt giữ tàu chở dầu Liên Xô năm 1954 trên Biển Đông

Mục đích Đài Loan bắt giữ tàu chở dầu Liên Xô năm 1954 trên Biển Đông

Thứ tư 16/06/2021 06:23 GMT + 7

Tình báo Hoa Kỳ và Đài Loan đã không vội vàng thực hiện những yêu cầu của Moskva về việc trả lại tàu. Hàng ngày, các thủy thủ bị tác động tâm lý, buộc phải nộp đơn xin cấp tị nạn chính trị tại Mỹ, một số người 34 năm sau mới được trở về nhà.

Ngày 23-6-1954 xảy ra một sự kiện làm rúng động toàn Liên Xô. Tại vùng lãnh hải trung lập ở khu vực Biển Đông, tàu chở dầu “Tuapse” của Liên Xô đã bị bắt giữ. Hành động này không phải do cướp biển gây ra, mà là của Hạm đội Hải quân Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Vì sao một vùng lãnh thổ Đài Loan nhỏ bé lại dám công khai đối đầu với một cường quốc thế giới như Liên Xô? 

 

 


Tàu chở dầu “Tuapse” của Liên Xô. Ảnh: korabley.net


Trở thành kẻ đối địch


Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc từng không phải lúc nào cũng là kẻ thù của nhau. Vào nửa cuối những năm 1930, Moskva tích cực ủng hộ Quốc dân đảng cầm quyền của Tưởng Giới Thạch chống lại sự xâm lược của Nhật Bản, cung cấp cho hòn đảo này nguồn tài chính, vũ khí và chuyên gia quân sự.


Tuy nhiên, về sau hai bên đi theo hai con đường khác nhau. Liên Xô đứng về phía những người cộng sản của Mao Trạch Đông có tư tưởng gần gũi với mình. Do vậy, những người bạn của ngày hôm qua nay trở thành những kẻ đối địch.


Năm 1949, những người đi theo Tưởng Giới Thạch bị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đánh đuổi ra khỏi lục địa và chạy đến đảo Đài Loan, nhưng vẫn không chấp nhận thất bại. Được sự ủng hộ từ trước của đồng minh Hoa Kỳ, những thành viên Quốc dân đảng nỗ lực phong tỏa đường biển đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và bắt giữ các tàu chở hàng của những nước theo chế độ cộng sản. Sau khi tịch thu hàng hóa, những chiếc tàu đó thường được thả ra.


Chỉ có những chiếc tàu của Liên Xô là Tưởng Giới Thạch rất ngại động vào. Tuy nhiên, sự lo ngại này biến mất vào mùa xuân năm 1953, khi nhà lãnh đạo Joseph Stalin qua đời và ở Liên Xô bắt đầu cuộc chiến tranh giành quyền lực.


Bắt giữ tàu chở dầu


Rời cảng Odessa tháng 5-1954, tàu chở dầu Liên Xô mang tên “Tuapse” lên đường đến Thượng Hải, mang theo 10.000 tấn nhiên liệu máy bay cho Lực lượng không quân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Khi còn cách điểm đến không xa, tàu chở dầu bị hai chiếc khu trục hạm của Đài Loan chặn lại.


Sĩ quan Tùy Thường Lâm là người tham gia vào chiến dịch bắt giữ tàu dầu và sau một thời gian đã chạy sang Trung Quốc đại lục. Anh ta kể lại khi bị thẩm vấn: “Trong tôi bỗng nhiên xuất hiện câu hỏi, làm sao mà Bộ chỉ huy của Tưởng Giới Thạch lại táo bạo như vậy. Không lâu sau, tôi nhận được câu trả lời cặn kẽ từ thuyền trưởng. Sự việc xảy ra vào sáng sớm ngày 23-6, khi chúng tôi phát hiện thấy tàu “Tuapse” và bắt đầu tiếp cận nó. Lúc đó, tôi đứng ở vị trí tuyền trưởng và qua ống nhòm đã nhìn thấy từ xa bóng dáng của hai con tàu nữa, rồi ngay lập tức tôi báo cáo cho thuyền trưởng. Ông ấy nói rằng, những con tàu này thuộc sở hữu của Hạm đội hải quân Hoa Kỳ. Thuyền trưởng tuyên bố rằng, hai tàu của Mỹ đã gặp tàu chở dầu “Tuapse” trên đường đi và theo sát cho đến địa điểm bắt giữ đã định trước, sau đó thông báo tọa độ của tàu Liên Xô cho Bộ chỉ huy Quốc dân đảng”.


Những chiếc tàu Đài Loan bắn vài phát súng cảnh cáo, yêu cầu tàu chở dầu dừng lại. Lính nhảy dù được vũ trang nhảy lên tàu và đoạt quyền kiểm soát. Từ buồng vô tuyến điện trên tàu dầu, các thủy thủ Liên Xô chỉ kịp gửi về nước thông báo duy nhất là tàu đã bị bắt giữ.


Tàu “Tuapse” được dẫn về cảng Cao Hùng của Đài Loan. Theo lời kể lại của sĩ quan Tùy Thường Lâm, trên tàu chở dầu xuất hiện một vài cố vấn quân sự Hoa Kỳ, họ tịch thu toàn bộ tài liệu và kiểm tra kỹ chiếc tàu.


Tàu chở dầu “Tuapse” neo đậu tại cảng Cao Hùng, Đài Loan. Ảnh: korabli.ucoz.ru


Bê bối ngoại giao 


Liên Xô ngay lập tức phản ứng về vụ việc. Moskva không công nhận chính phủ Đài Loan, nên đã trực tiếp gửi công hàm phản đối cho Hoa Kỳ.


“Rõ ràng, việc tàu quân sự bắt giữ tàu chở dầu của Liên Xô tại vùng biển do Hạm đội Hải quân Hoa Kỳ kiểm soát chỉ có thể do Lực lượng Hải quân Mỹ thực hiện. Chính phủ Liên Xô mong rằng, chính phủ Hoa Kỳ sẽ có biện pháp nhanh chóng trả lại tàu, hàng hóa và thủy thủ đoàn liên quan đến vụ tấn công tàu thương mại của Liên Xô ở ngoài khơi này”, nội dung công hàm được đăng trên báo “Sự Thật” ngày 25-6-1954 cho biết.


Do Tưởng Giới Thạch vẫn tiếp tục giữ tàu và thủy thủ đoàn, nên Liên Xô và một số nước phe xã hội chủ nghĩa đã gia tăng áp lực ngoại giao, trong đó có cả thông qua Liên hợp quốc. Thậm chí, Australia và New Zealand, vốn có quan hệ hữu hảo với Hoa Kỳ, cũng âm thầm bày tỏ quan ngại rằng, sự việc có thể tạo cho Liên Xô cái cớ để gia tăng hoạt động Hạm đội của mình tại khu vực Tây Thái Bình Dương.


Số phận của thủy thủ đoàn


Tuy nhiên, cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Đài Loan đã không vội vàng thực hiện những yêu cầu của Moskva. Họ có kế hoạch riêng của mình đối với các thủy thủ Liên Xô.


49 thành viên thủy thủ đoàn được chia thành các nhóm từ 10 đến 15 người và ngay lập tức bị cách ly khỏi nhau. Hàng ngày, các thủy thủ bị tác động tâm lý, buộc phải nộp đơn xin cấp tịn nạn chính trị tại Mỹ. Mục đích là tấn công vào hình ảnh của Liên Xô, nơi mà công dân có vẻ như sẵn sàng bỏ chạy khi có bất kỳ cơ hội nào.


Các thủy thủ bị chuyển sang chế độ tù binh, cho khẩu phần ăn thiếu thốn, bị đánh đập. Ngược lại, nếu quy thuận thì được hứa sẽ có một cuộc sống sung túc ở phương Tây. Thậm chí, có lúc họ còn bị dọa là Chiến tranh thế giới thứ ba sắp nổ ra, và nếu họ không chấp nhận thì sẽ bị xử bắn.


Một năm sau, với sự trung gian của Pháp, Liên Xô đã đưa được 29 thành viên thủy thủ đoàn về nước, trong đó có thuyền trưởng Vitaly Kalinin. Mặc dù chịu áp lực, họ kiên quyết từ chối ký tên bất cứ giấy tờ gì.


Những người được trả tự do được đón tiếp tại quê nhà như những người hùng. Họ được bồi thường cho khoảng thời gian bị bắt làm tù binh, được tặng thưởng và phong vị trí xứng đáng trong quân đội. “Có những lúc chúng tôi còn không hy vọng được trở về. Chúng tôi phần lớn là sợ chết đói, do ai ai cũng bị suy kiệt đến mức còn trơ xương sống”, thủy thủ Yury Boriskin nhớ lại.


Số phận của 20 người còn lại chấp nhận ký đơn thì trở nên buồn thảm hơn. 9 người trong số họ đã được đưa đến Mỹ, tại đó có hai người thậm chí còn phát biểu trên đài phát thanh chỉ trích Nhà nước Xô viết. Năm người ngay sau đó đã quyết định trở về nước, và vào tháng 4-1956, họ đã chạy đến Đại sứ quán Liên Xô. Ở quê nhà, họ được đón tiếp một cách thận trọng, chịu sự kiểm soát và không được phép bay trên những chuyến bay quốc tế nữa. Năm 1963, Nikolai Vaganov, một trong hai người phát biểu trên đài phát thanh ở Mỹ, đã bị bắt giữ và kết án 10 năm tù giam về tội phản quốc.


Bốn người ở lại Mỹ bị Liên Xô kết án tử hình vắng mặt. Trong đó có một người là Mikhail Ivankov Nikolov không lâu sau đó bị hóa điên, năm 1959 được chính người Mỹ trao trả cho Liên Xô. Tại quê nhà, người này không bị xử bắn, mà được đưa vào bệnh viện tâm thần và sống ở đó 20 năm.


Năm 1957, thêm 4 thủy thủ ký vào đơn xin cấp tị nạn đã rời Đài Loan đến Mỹ Latin, rồi từ đó trở về Liên Xô. Ban đầu họ được tổ chức một cuộc họp báo lớn, nhưng sau đó bị kết án 15 năm tù về tội phản quốc.


Hai thủy thủ ở lại trên đảo Đài Loan đã chết và một người nữa tự tử. Bốn người từ chối ký đơn xin cấp tị nạn tại Mỹ và bị đưa vào nhà tù địa phương. Sau khi được thả, họ sống tại một ngôi làng trên bờ biển dưới sự giám sát của cảnh sát Đài Loan. Mãi 34 năm sau, năm 1988, Lãnh sự quán Liên Xô tại Singapore mới đưa được họ về nhà.


Tàu chở dầu “Tuapse” cuối cùng vẫn không được trở về Liên Xô. Sau khi phục vụ trong biên chế của Hải quân Đài Loan với tên gọi là “Kuaizi”, tàu được neo đậu thường xuyên tại cảng Cao Hùng cho đến ngày nay.


Quốc Khánh (Theo RBTH)

26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.