Chuyên mục
Lãi suất tiền gửi USD về 0% có giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Lãi suất tiền gửi USD về 0% có giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ?

Thứ hai 28/09/2015 10:57 GMT + 7
Ảnh: VnExpress

Doanh nghiệp không có nhiều dư tiền gửi ngoại tệ, người dân gửi USD không phải mục đích chủ yếu là nhận lãi sẽ khiến việc giảm lãi suất không tác động nhiều tới việc giảm găm giữ ngoại tệ.

Chiều tối muộn hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo giảm trần lãi suất tiền gửi USD với tổ chức từ 0,25%/năm về 0% và với các nhân từ 0,75%/năm về 0,25%/năm. Lãi suất 0% được hiểu là đối với các hợp đồng phát sinh kể từ hôm nay, doanh nghiệp không thu được lãi với các khoản tiền gửi bằng USD tại ngân hàng. 

Chính sách được công bố và áp dụng gần như ngay lập tức (từ hôm nay, 28/9/2015), tương tự như động thái tăng tỷ giá hay nới biên độ giao dịch giữa USD và VND trong tháng 8/2015.

Trên thế giới, Nhật Bản từng áp dụng lãi suất tiền gửi 0% để khuyến khích người dân tiêu dùng trong nước, chống lại tình trạng giảm phát. Hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từng áp dụng lãi suất tiền gửi dự trữ với các ngân hàng thương mại ở mức âm 0,1% để khuyến khích các ngân hàng cho vay.

Với động thái hạ lãi suất có hiệu lực từ hôm qua, NHNN cho biết mục tiêu để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.

Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chương trình Fulbright - chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, duy trì lãi suất USD ở mức thấp như trong thời gian vừa qua giúp tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm xuống. Việc giảm tình trạng găm giữ USD trong nền kinh tế giúp NHNN thực hiện các chính sách điều hành hiệu quả hơn vì có thể tác động lên khối tiền của nền kinh tế ở mức cao hơn thông qua các nghiệp vụ trên thị trường mở. Tuy nhiên, ông Tuấn đánh giá, tình trạng đô la hóa nền kinh tế hiện tại vẫn ở mức cao.

Theo nguyên tắc, khi một kênh đầu tư có hiệu quả sinh lời giảm đi, nhà đầu tư có xu hướng sẽ chuyển sang các tài sản khác có mức sinh lời lớn hơn. Lãi suất tiền gửi USD giảm đi, trong khi lãi suất tiền gửi VND có xu hướng tăng nhẹ trong thời gian gần đây, thì người dân hay doanh nghiệp sẽ chuyển từ gửi USD sang gửi tiền đồng, hoặc đầu tư vào các sinh lời khác như chứng khoán, bất động sản hay vàng. 

Tuy nhiên, về mục tiêu giảm găm giữ ngoại tệ, trao đổi với Vinanet, nhiều chuyên viên tín dụng mảng khách hàng doanh nghiệp cho biết, hầu hết các doanh nghiệp không có các khoản tiền gửi USD tại ngân hàng, hoặc nếu có thì không nhằm mục đích hưởng lãi suất.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu nếu có nguồn thu ngoại tệ sau khi thu về thì dùng để trả chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu cũng như các khoản nợ bằng ngoại tệ đã vay để đầu tư. Khoản dư thừa hầu như rất ít. Một số doanh nghiệp xuất khẩu khác mà nguồn nguyên liệu từ từ trong nước thì cũng thường đổi ngoại tệ lấy tiền đồng để thanh toán chi phí đầu vào, trả lương nhân công.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng có khoản tiền gửi ngoại tệ tại các các ngân hàng, nhưng về cơ bản thì khoản tiền gửi này dùng để giải ngân theo tiến độ của các dự án.

Về phía doanh nghiệp, trao đổi với Vinanet, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ - một doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may cho biết, chênh lệch giữa khoản thu ngoại tệ và chi cho nhập nguyên liệu, trả nợ vay cho ngân hàng không lớn.

Đối với cá nhân, những người được phỏng vấn cho rằng không quá quan tâm tới lãi suất khi gửi USD tại ngân hàng, mục đích gửi USD là để ngân hàng đảm bảo an toàn và tránh việc mất giá. 

Với cả nền kinh tế, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng tác động giảm găm giữ ngoại tệ là có nhưng sẽ không nhiều. Với các khoản tiền gửi chưa đáo hạn, nhà đầu tư vẫn nắm giữ vì vẫn được hưởng mức lãi suất như trước đây (tối đa 0,25%/năm với tổ chức và 0,75%/năm với cá nhân). Với những khoản tiền gửi sắp đáo hạn, người gửi sẽ cân nhắc vì áp lực giảm tỷ giá trong 3 tháng cuối năm là thấp, khiến gửi tiền đồng hấp dẫn hơn gửi USD.

Với mục tiêu ổn định tỷ giá, theo ông Tuấn, giảm lãi suất tiền gửi USD sẽ giảm áp lực lên tỷ giá giao ngay nhưng sẽ dồn áp lực lên tỷ giá kỳ hạn. Bởi lẽ, việc giảm lãi suất sẽ khiến có những khoản đầu tư được chuyển từ USD sang VND, cung tăng khiến giảm tỷ giá.

Tuy nhiên, TS Tuấn phân tích, lãi suất tiền gửi USD giảm thì nhiều khả năng, lãi suất cho vay USD cũng giảm theo, càng khuyến khích vay USD để đầu tư. "Theo quy định những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ mới được vay USD để đầu tư, tuy nhiên thực tế, họ vẫn có khả năng lách quy định này. Chính những doanh nghiệp này do không có nguồn thu ngoại tệ trả nợ nên buộc phải mua ngoại tệ trả nợ, tạo áp lực tỷ giá trong tương lai", ông Tuấn phân tích.ng quá hấp dẫn so với khoản tiền gửi USD".

Về lâu dài, cả phía chuyên gia khuyến nghị cũng như mong muốn của doanh nghiệp đều hi vọng những chính sách từ phía NHNN tạo sự chủ động hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

"Khi mà thâm hụt vãng lai vẫn lớn, áp lực trả nợ ngoại tệ nhiều và lạm phát tích lũy 5 năm qua vẫn rất lớn như thế thì thị trường vẫn kỳ vọng tiền đồng vẫn sẽ giảm giá hơn nữa (giảm giá chứ không phải mất giá - nghĩa là trở về đúng giá trị thực). Khi tiền đồng vẫn neo ở cao thì sẽ làm giảm cạnh tranh của nền kinh tế trong nước", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích.

Ông Đặng Triệu Hòa cũng chia sẻ, Sợi Thế Kỷ nhiều khi không dám mạnh dạn thực hiện đầu tư mà chỉ "nằm chờ vì không biết ngày mai sẽ như thế nào" bởi những thay đổi không tiên liệu được từ chính sách.

Sau khi điều chỉnh tỷ giá thêm 2% và nới biên độ giao dịch từ 1% lên 3%, tiền đồng đã giảm giá hơn 5% so với USD, trần tỷ giá ở mức 22.547 đồng/USD. Sau điều chỉnh, nhiều thời điểm trong tháng 8 và tháng 9, tỷ giá điều chỉnh lên mức giá kịch trần này. NHNN đã nhiều lần bán ngoại tệ trong thời gian qua để hỗ trợ tỷ giá.

Thái Hà
Nguồn: vinanet.vn

“Rút ngoại tệ về để cất kho ư? Không có chuyện đó”

Từ hôm nay (28/9), Ngân hàng Nhà nước quy định các tổ chức tín dụng chỉ được áp lãi suất 0%/năm đối với tiền gửi USD của các tổ chức, với tiền gửi USD của các cá nhân chỉ còn 0,25%/năm.

Theo nhận định của lãnh đạo ngân hàng thương mại, chính sách mới sẽ tác động để dòng vốn luân chuyển nhanh hơn, nguồn vốn đi vào sản xuất kinh doanh sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã dùng đến biện pháp gần như cuối cùng về phía lãi suất USD tại Việt Nam để trực tiếp nới chênh lệch với lãi suất VND theo hướng có lợi hơn cho đồng nội tệ, qua đó tác động đến tỷ giá.

Thông cáo của nhà điều hành về quyết định trên cũng nêu rõ, việc áp trần lãi suất USD 0%/năm như vậy là để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ.

Tuy nhiên, có một số câu hỏi khác được đặt ra. Tín dụng ngoại tệ tăng cao từ đầu năm, nay một cấu phần của yếu tố nguồn có tác động lớn từ chính sách lãi suất nói trên có dẫn đến mất cân đối và ảnh hưởng đến thanh khoản hay không?

Liên quan, yếu tố nguồn của tín dụng ngoại tệ trong thời gian tới sẽ xác định như thế nào? VnEconomy đã trao đổi với chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng thương mại về những câu hỏi trên.

Đích đến đã định trước

Theo TS. Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước cần được đặt trong cả một quá trình, cũng như đích đến của chính sách.

Chống đô la hóa trong nền kinh tế là chủ trương mà Việt Nam đã theo đuổi chục năm qua, với mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng đồng tiền Việt Nam, sâu xa hơn nữa là từng bước nâng cao tính chuyển đổi của VND.

Lộ trình thực hiện chủ trương đó đã thể hiện và đạt được những kết quả nhất định; lãi suất tiền gửi USD đã từng bước giảm dần, chính sách tín dụng ngoại tệ cũng từng bước thiết lập các điều kiện chặt chẽ hơn.

“Thời gian vừa qua là giai đoạn quá độ. Nay, lãi suất tiền gửi USD giảm xuống 0%/năm đối với tổ chức và 0,25%/năm đối với cá nhân là một đích đến, nhất quán với chủ trương và lộ trình đó mà thôi, một đích đến đã được xác định từ trước”, TS. Trương Văn Phước nhìn nhận.

Với lãi suất 0%/năm, liên quan là nguồn vốn huy động, ông nói: “Không nên lo các tổ chức, doanh nghiệp rút tiền gửi ngoại tệ mà ảnh hưởng đến thanh khoản. Rút ngoại tệ về để cất kho ư? Không có chuyện đó. Họ sẽ tính toán lợi ích để chuyển đổi. Ngoại tệ vẫn nằm đó chứ có ra khỏi Việt Nam đâu, khi doanh nghiệp chuyển đổi thì nó vẫn là một khoản mục nằm trong cơ cấu vốn của ngân hàng”.

Theo đó, quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước tạo thêm lợi thế cho VND, kích thích thêm nguồn cung ngoại tệ và liên quan là tạo điều kiện để kiểm soát tỷ giá. Đây cũng là một đích đến trực tiếp bên cạnh chống đô la hóa nói trên.

“Theo tôi thấy, Ngân hàng Nhà nước đã chọn thời điểm, có thể nói là thời điểm quá tốt cho người dân và doanh nghiệp chuyển đổi. Họ có ngoại tệ, đã hưởng lãi suất thời gian qua và tỷ giá đã được điều chỉnh lên mức cao”, ông Trương Văn Phước nhìn nhận.

Khi chuyển đổi, vốn ngoại tệ huy động thành vốn ngoại tệ thương mại, vẫn nằm trong cấu phần vốn của các ngân hàng, nên không quá lo ngại về ảnh hưởng đối với thanh khoản và tín dụng ngoại tệ thời gian tới.

Vốn sẽ luân chuyển hơn

Cùng với nhận định trên, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), cho rằng điểm đến đầu tiên của chính sách mới này là quá trình giảm đô la hóa trong nền kinh tế tiến thêm một bước, tạo thêm điều kiện để có thể gia tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Mục đích chung, theo ông Thọ, Ngân hàng Nhà nước muốn kiểm soát tốt hơn sự chu chuyển của các dòng vốn, góp phần thực hiện các chính sách tiền tệ phục vụ phát triển kinh tế vĩ mô, chứ không chỉ riêng mục tiêu của chính sách điều hành tỷ giá.

Ở góc nhìn của một ngân hàng thương mại, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, vốn ngoại tệ của các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu có tính chất lưu động, dùng để hoàn trả cho những nguồn ứng trước. Trong quá trình này, thời gian qua có hiện tượng găm giữ nhất định, nên chính sách mới sẽ tác động để dòng vốn luân chuyển nhanh hơn, nguồn vốn đi vào sản xuất kinh doanh sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.

“Về vấn đề thanh khoản, hay mối liên hệ là tín dụng ngoại tệ, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đã tính toán kỹ rồi. Cái chính ở đây là doanh nghiệp cần tính toán lợi ích, chuyển đổi để có lợi ích cao hơn. Bởi lẽ, với quyết định này, vị thế VND tiếp tục được khẳng định, tỷ giá sẽ giao động phù hợp và được kiểm soát trong biên độ định hướng”, ông Thọ nói với VnEconomy.

Tổng giám đốc VietinBank giải thích thêm, nếu doanh nghiệp và người dân tăng cường chuyển đổi, ngoại tệ vẫn nằm trong cơ cấu vốn của các ngân hàng. Mặt khác, dù giảm xuống còn 0,25%/năm, nhưng tiền gửi ngoại tệ từ dân cư vẫn là một cấu phần quan trọng. Cùng đó, hiện các ngân hàng thương mại trong nước cũng đã và đang tiếp cận các nguồn vốn quốc tế.

Vậy nên, theo ông Lê Đức Thọ, yếu tố nguồn đối với tín dụng ngoại tệ không phải là vấn đề đáng quan ngại, mà dòng chảy của nó như thế nào trong thời gian tới tùy thuộc vào điều kiện và chính sách của Ngân hàng Nhà nước - hiện chưa có thay đổi.

Nguồn: Vneconomy.vn

26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.