Chuyên mục
Toàn cảnh hậu quả Brexit: Anh suy thoái 2 năm tới, Nga, Trung Quốc 'vạ lây'
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Toàn cảnh hậu quả Brexit: Anh suy thoái 2 năm tới, Nga, Trung Quốc 'vạ lây'

Thứ sáu 24/06/2016 08:51 GMT + 7
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong Liên minh châu Âu (EU) công bố sáng 24/6 với phần thắng nghiêng về phe những người ủng hộ Anh ra khỏi "ngôi nhà chung" đang gây ra những cú sốc liên hoàn trên các thị trường dầu mỏ và tài chính toàn cầu.


Đồng bảng Anh tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, khi kịch bản Brexit đã cận kề.


* Cơn ác mộng "tan đàn xẻ nghé" với EU và với chính nội bộ Liên hiệp Vương quốc Anh

Thiệt hại về kinh tế, sụt giảm ngân sách, hạn chế trong việc mở rộng quy mô cũng như ảnh hưởng uy tín trên trường quốc tế là những nguy cơ mà EU sẽ phải đối mặt khi Anh rời khỏi liên minh này.

Sự ra đi của Anh chắc chắn sẽ giáng một đòn nặng nề đối với sự hội nhập châu Âu và có thể gây ra sự đổ vỡ cho một quá trình vốn đã mong manh. Việc người dân Anh quyết định rời khỏi EU không chỉ tác động tiêu cực đến nền kinh tế khu vực và toàn cầu mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị của cả nước này lẫn EU.

Tác động rõ ràng đầu tiên đối với Anh là nguy cơ “tan đàn xẻ nghé". Brexit có thể tạo ra một tiền lệ không tốt cho các thành viên trong Liên hiệp Vương quốc Anh như Scotland và Xứ Wales đang manh nha ý định muốn tách khỏi Anh. 

Sự chia tay của Anh cũng sẽ đẩy EU vào giai đoạn bất ổn mới. Anh ra đi đồng nghĩa với việc EU mất đi một thành viên quan trọng vốn có tiếng nói lớn trong các quyết sách của EU. 

Hiệu ứng dây chuyền của Brexit còn ảnh hưởng trực tiếp tới một số nước châu Âu khác, dễ dàng nhất là trường hợp của Tây Ban Nha. Sự lựa chọn của cử tri Anh có thể là tiền lệ xấu cho một số vùng như xứ Catalonia và xứ Basque đòi độc lập và tách khỏi Tây Ban Nha. 

Bản thân các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với sự mất ổn định chính trị trong nước, trong khi EU sẽ suy yếu bởi sự gắn kết lỏng lẻo giữa các quốc gia thành viên. Việc Anh rời EU sẽ khiến liên minh này phải phụ thuộc vào một hoặc một số cường quốc trong khi giảm vai trò của các nước "nhỏ" còn lại. EU cũng sẽ mất dần "sức nặng" trên trường quốc tế, trong khi Anh sẽ trở thành quốc gia riêng rẽ với EU khi ngồi vào bàn đàm phán với các đối tác quốc tế.

Khi tiếng nói của Anh không còn nhiều "trọng lượng" như khi còn nằm trong EU thì rõ ràng vai trò của Anh trên các diễn đàn quốc tế cũng suy giảm.

Đối với Thủ tướng David Cameron, đây là một thất bại đáng hổ thẹn. Những bước đi chính trị sai lầm trong ngắn hạn đang khiến ông rơi vào cái bẫy do chính mình đặt ra. Về cơ bản, ông Cameron không sai khi đấu tranh cho quyền lực của London. 

Tuy nhiên, ông không có chiến lược để đạt được mục tiêu. Khi tuyên bố sẽ trưng cầu dân ý, ông Cameron nghĩ rằng lời hứa này sẽ chấm dứt những bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ và buộc EU phải thay đổi theo mong muốn của Anh. Nhưng điều đó lại chỉ khiến làn sóng “bài châu Âu” tăng cao hơn bao giờ hết ở trong nước. 

Sau thất bại này, ông Cameron chắc chắn chịu áp lực rất lớn từ nội bộ đảng Bảo thủ yêu cầu ông từ chức.

Năm 1953, Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng: "Chúng tôi đồng hành với châu Âu, nhưng không phải là một phần của nó. Chúng tôi có mối liên hệ với châu Âu, nhưng không phải bị hòa vào nó”. 

Mãi tới năm 1973, Anh mới gia nhập EU (khi đó lấy tên là Cộng đồng Than Thép châu Âu) một cách do dự, không hề nhiệt tình và đầy sự hoài nghi. 43 năm sau "cuộc hôn nhân gượng ép", cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6/2016 càng chứng minh rằng nhận định của Churchill là chính xác. Anh và EU không thể có mối quan hệ hòa hợp và gắn bó.

* Anh đối mặt với lệnh trừng phạt của EU

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nếu như Anh quyết định rời EU sẽ kéo theo hậu quả “lớn và tiêu cực” cho nền kinh tế nước này, làm giảm thu nhập của người dân và nguy hại đến nền kinh tế của các nước châu Âu khác.

Trong ngắn hạn, việc rời bỏ EU sẽ khiến nền kinh tế Anh rơi vào tình trạng suy thoái trong hai năm tới.

Về mặt lâu dài, những tổn thất trong giai đoạn bất ổn và chi phí thương mại lớn sẽ “quét sạch” toàn bộ lợi nhuận mà Anh thu được từ việc không phải đóng góp cho EU trong trường hợp không còn là thành viên.

Bên cạnh đó, một khi rời xa “người tình lâu năm” EU, Anh sẽ phải thiết lập một mối quan hệ mới. Bởi theo lãnh đạo EU, “một khi đã đi là không được trở lại”.

Như vậy, Anh sẽ phải đưa ra ký kết những hiệp định thương mại hoàn toàn mới với châu Âu và mất nhiều thời gian cho việc sửa đổi lại các điều luật.

Ngoài ra, Anh còn có thể đối mặt với lệnh trừng phạt từ EU, để làm gương răn đe cho các quốc gia nhen nhóm ý định rời khỏi khối này.

* Trung Quốc cũng bị 'dính chưởng"

Ngoài Anh và EU, nhiều nhà phân tích dự đoán quyết định dứt áo ra đi lần này của Anh còn là một đòn giáng mạnh lên nền kinh tế của nhiều cường quốc, trong đó điển hình là Nga và Trung.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang xoay trục sang châu Âu, Anh được Trung Quốc lựa chọn là “hành lang vận động”, hỗ trợ trong việc thúc đẩy EU công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, cho phép giảm thuế nhập khẩu đánh vào hàng của Trung Quốc xuất sang châu Âu.  

Năm 2015 Anh đã mở cửa đón nhận hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc, trị giá hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, Anh cũng là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Trung Quốc dễ tràn vào thị trường châu Âu khó tính. Nếu như Anh chấm dứt mối quan hệ với EU, thì sợi dây kết nối thương mại của Trung Quốc và EU cũng bị cắt đứt.

* Nga "tiêu tan" tiền đầu tư

Nga – bạn hàng chính của EU trong nhiều thập niên – cũng bị đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ kịch bản Brexit.

Dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga hiện lên đến 360 tỷ USD, với phần lớn (80%) trong đó số đó gửi tại các ngân hàng nước ngoài và hơn 40% trong số đó là bằng đồng euro.

Theo ông Andrey Sushentsov, Giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế Moskva, “hai bạn hàng chính còn lại của Nga trong EU là Hà Lan và đảo Cyprus. Anh ra khỏi EU sẽ gây ra chiến thương mại giữa hai bên và hệ quả là làm "tiêu tan" tiền đầu tư của Nga ở ba đối tác quan trọng này”.

* Nhật Bản sớm đối phó với Brexit

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã tuyên bố sẽ cùng hợp tác với các giới chức trong và ngoài nước để theo dõi sát sao những biến động trên các thị trường toàn cầu sau khi kết quả chính thức được công bố tại Anh. Ngân hàng này thậm chí còn khẳng định đã chuẩn bị nhiều biện pháp nhằm tăng cường tính thanh khoản để đảm bảo ổn định các thị trường tài chính.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính nước này Taro Aso cũng khẳng định Tokyo đã sẵn sàng tung thêm các biện pháp mạnh mẽ để giải quyết những tác động trên các thị trường tài chính do Brexit gây ra. 

* Tại thị trường châu Á, tính đến 11 giờ Hà Nội, giá dầu đã giảm hơn 6%. Dầu Brent Biển Bắc giao tháng 8/2016 đã giảm 3,14 USD (6,17%) xuống còn 47,77 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao cùng thời điểm giảm 3,11 USD (6,21%) xuống còn 47,00 USD/thùng.

Nguy cơ Brexit bao trùm thị trường chứng khoán Tokyo, khiến chỉ số Nikkei giảm 8,3% (tương đương 1.347,79 điểm) xuống còn 14,890.56 điểm. Chỉ số Topix gồm những cổ phiếu hàng đầu cũng giảm 6,37% xuống còn 1.215,92 điểm. Trong khi đó, đồng yên tăng giá lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm qua, với tỷ giá ghi nhận được tại thời điểm mới nhất là 101,77 yên / 1 USD. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (Ta-rô A-xô) sẽ tổ chức họp báo khẩn vào chiều 24/6 để trao đổi về tình hình hiện nay.

* Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng giá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 230,24 điểm (1,3%) lên 18.011,07 điểm; Chỉ số Standard and Poor's 500 tăng 27,87 điểm (1,3%) lên 2.113,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 76,72 điểm (1,6%) lên 4.910,04 điểm. Tại châu Âu, chỉ số CAC của Pháp tăng 2%, chỉ số DAX của Đức tăng 1,8% trong khi chỉ số FTE 100 của Anh tăng 1,2%.

* Tại nước Anh, đồng bảng Anh đã sụt giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Theo số liệu thống kê tại thời điểm kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh tạm nghiêng về phe ủng hộ nước Anh ra khỏi EU, một bảng Anh hiện chỉ đổi được 1,3466 USD, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua.

ĐK
Nguồn: thethaovanhoa.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.