Chuyên mục
FTA: Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

FTA: Cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga

Thứ năm 25/06/2015 15:10 GMT + 7
Sau hơn 2 năm đàm phán, cuối tháng 5/2015, Việt Nam đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) gồm 5 nước là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Sự kiện này đã mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga trong kinh doanh và đầu tư. 

Triển vọng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga.

Liên bang Nga là thị trường truyền thống của Việt Nam và là quốc gia tập trung số lượng lớn người Việt Nam sinh sống, học tập và kinh doanh tại đây. Cộng đồng người Việt ở LB Nga nói chung và Mátxcơva nói riêng chủ yếu sinh sống bằng nghề bán buôn, bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng như giày dép, hàng may mặc và các loại hàng nông, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ…Điểm đặc trưng của hàng Việt hấp dẫn người tiêu dùng Nga là giá rẻ, nhanh nhậy về mẫu mã.
 Nhưng xu hướng ngày càng rõ nét của người Nga, nhất là người Mátxcơva, là mua sắm hàng chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có nguồn gốc từ các nước phát triển hoặc có nghề truyền thống, do các hãng có uy tín, có thương hiệu lâu năm và phổ biến toàn cầu. Các trung tâm thương mại, siêu thị của các tập đoàn kinh tế lớn mọc lên nhan nhản ở các thành phố, thu hút khách hàng từ bình dân đến thượng lưu. Đối tượng khách hàng mà người Việt nhắm tới mỗi năm một thu hẹp. Và chúng ta không cạnh tranh được ngay trong lĩnh vực mà mình đã đi tiên phong. Cộng đồng Việt Nam ở Nga phải nhường những thị phần ngon lành còn lại cho cộng đồng người Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan… Người Việt trở thành đội quân đi “bán hàng hộ” cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Phần thu của người Việt rất ít tính theo giá một mặt hàng tiêu thụ được nhưng mọi rủi ro thì người Việt hứng chịu.



Sau khi FTA được ký kết, thị trường EEU nói chung và thị trường LB Nga nói riêng trở thành câu chuyện nóng hổi trên “bàn tròn” kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Sự hụt hẫng về “vị thế truyền thống” khá rõ ràng do sức cạnh tranh ở ngay chính “sân nhà” của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự tốt. Bởi vậy, FTA chính là một cú hích mạnh mẽ đối với doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động kinh doanh tại Nga và các nước EEU. 

Một trong những lợi ích chính của  FTA là cam kết của các nước tham gia cùng dỡ bỏ các hàng rào thuế quan, đơn giản hóa quá trình tiếp cận hàng hóa và dịch vụ trong quan hệ thương mại song phương, giảm thuế nhập khẩu. Có tới 90% dòng thuế sẽ được cắt giảm. Đối với mặt hàng thủy sản, phía EEU sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng và số lượng không hạn chế, trong khi đó dệt may, da giầy phần lớn cũng có thuế suất về 0%, số còn lại cũng sẽ giảm dần theo lộ trình cam kết. Ví dụ: các mặt hàng làm từ sản phẩm dệt may hiện đang áp mức thuế nhập khẩu 10%; đồ gỗ gia dụng 15%, giày thể thao, giày vải, dép đi trong nhà 5,2%; da tự nhiên 16,3%, chè 16%, cà phê hạt đã sấy 8,7%, gốm sứ 15% sẽ được miễn hoàn toàn thuế (0%). 



Dự kiến sau khi giảm thuế, các mặt hàng truyền thống trong hoạt động kinh doanh của người Việt tại Nga như dệt may, da giày, đồ gỗ,  hàng tiểu thủ công mỹ nghệ sẽ có mức giá cạnh trang với hàng của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…


Hiện nay, hàng năm các nước trong Liên minh nhập khẩu khoảng 12 tỷ USD các mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ (giày dép, quần áo,…), trong đó tỷ trọng hàng Việt Nam chỉ đạt 4% tương đương 500 triệu USD. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất sang Nga 119 triệu USD các sản phẩm dệt may. Trong khi Việt Nam xuất khẩu mỗi năm 27 tỷ USD hàng dệt may ra thế giới, là nước đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu mặt hàng này thì kết quả kinh doanh tại thị trường các nước thuộc Liên minh quả là khiếm tốn. Đánh giá một cách khách quan, dệt may Việt Nam đã đứng được ở những thị trường khó tính nhất thì không thể không đứng được tại thị trường của Liên minh Kinh tế Á – Âu. Giảm thuế nhập khẩu, cắt bỏ các hàng rào thuế quan chính là những yếu tố giúp cho hàng dệt may Việt Nam có sức cạnh tranh với hàng của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên hiệp định được thực thi và tăng trung bình 20% trong 5 năm tiếp theo. Giá trị kim ngạch tăng từ 400 triệu USD hiện nay lên một tỷ USD trong 1-2 năm tới và Việt Nam sẽ từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 hiện nay tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường này.



Đối với các sản phẩm đồ gỗ, nhiều chuyên gia cho biết các khách hàng Nga nhập khẩu rất nhiều sản phẩm gỗ cao cấp từ châu Âu, trong đó có sản phẩm do Việt Nam xuất sang châu Âu. Lý do khiến đồ gỗ Việt chưa vào Nga nhiều là bởi nước này áp dụng hệ thống giám sát đánh vào trọng lượng, trong khi đồ gỗ rất nặng nên mức thuế, phí cao. Khi FTA được ký kết với mức thuế ưu đãi sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gỗ đẩy mạnh xuất khẩu.

Quay trở lại sự kiện ký kết FTA, tuy rằng đây được coi là cú hích, nhưng để cú hích đó có thể tạo đà thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự tìm giải pháp tốt nhất cho mình trên lộ trình này.

Nhìn nhận rõ thách thức của thị trường

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia và những doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu với Nga, thị trường Nga tuy tiềm năng lớn nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn và trở ngại. Một trong những tồn tại cần sớm được tháo gỡ đó là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại thị trường này. Phương thức tiêu thụ chủ yếu dựa vào tầng lớp tiểu thương “buôn chuyến” về các địa phương rồi đến tay người  tiêu dùng thông qua các chợ lẻ, chợ tạm. Hàng Việt không được phân phối qua các kênh như siêu thị, cửa hàng chuỗi đã phần nào bị giảm giá trị thực tế.  Thêm vào đó, Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự Việt Nam về chủng loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả... Người tiêu dùng tại Nga vài năm gần đây có thói quen chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm. Hàng chất lượng cao với kiểu dáng đẹp thường được ưa chuộng hơn và tiêu thụ nhanh hơn, và hàng với chất lượng thấp dù giá thấp sẽ ngày càng khó thu hút sự quan tâm trên thị trường. Doanh nghiệp cần đảm bảo đủ chất lượng, kiểu dáng độc đáo, và đăng kí thương hiệu để cạnh tranh với các loại hàng hóa đã có sẵn trên thị trường Nga.

Về phương thức trao đổi, hàng hoá Việt Nam nhập khẩu sang Nga sang chủ yếu thông qua con đường phi mậu dịch và tiểu ngạch của cộng đồng người Việt nên hoạt động còn manh mún và thiếu bài bản.

Thiết lập hướng kinh doanh bền vững 

Rõ ràng, để thâm nhập, mở rộng thị trường, tăng thị phần hàng hóa tại thị trường Nga và EEU đầy tiềm năng, không thể thiếu công tác xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực xúc tiến thương mại hơn nữa sẽ tìm được cơ hội tốt để hội nhập vào thị trường Nga và phát triển một cách vững chắc, ổn định.

Đáp ứng nhu cầu này của doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Ngân hàng CPTM Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga và công ty INCENTRA tổ chức Hội chợ - bán hàng “Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015”. Hội chợ sẽ đươc tổ chức từ  ngày 12 tháng 11 đến 12 tháng 12 năm 2015 tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Mátxcơva với nhiều hoạt động xúc tiến thương mại: bán hàng, giới thiệu sản phẩm, hội thảo, tiếp xúc doanh nghiệp, khảo sát thị trường… 

Hội chợ được tổ chức là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga làm quen với các kênh phân phối hàng hóa hiện đại, văn minh, tiếp cận trực tiếp và tìm kiếm khách hàng tiềm năng, từng bước xây dựng mạng lưới đại lý, phân phối tại LB Nga và EEU. Tại Hội chợ, các sản phẩm thương hiệu Việt sẽ được trưng bày, giới thiệu và bán trực tiếp cho người tiêu dùng vì thế cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm hiểu thị hiếu, thói quen tiêu dùng và sức mua của khách hàng cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp phân phối hàng hóa tại Nga. 


Tham dự Hội chợ các doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga có cơ hội giao lưu, hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, mở rộng các kênh cung cấp hàng hóa có chất lượng cao, chuyển hướng phân phối hàng hóa thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tại Trung tâm thương mại Hà Nội-Mátxcơva.

Các doanh nghiệp quan tâm đề nghị liên hệ:
-  Công ty CPĐT Trung tâm Thương mại Hà Nội – Mátxcơva.
Địa chỉ: 30 BCD Lý Nam Đế, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, Việt Nam.
Tel: + 84 4 3747 4700/ Fax: +84 4 3747 4757.
Liên hệ: Ms Lê Hà Phương. Tel. 093 687 21 88. Email: haphuongle82@gmail.com

-  Công ty “INCENTRA" - Tổ hợp Đa chức năng "Hà Nội - Mátxcơva"
Địa chỉ: Nhà 146, Đại lộ Yaroslavskoe, TP. Mátxcơva, Liên Bang Nga.
Tel: + 7 967 044 16 96. Fax: +7 495 357 05 67.
Liên hệ: Mr. Phạm Quốc Toản. Email: fedor@incentra.ru
Nguồn: INCENTRA
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.