Chuyên mục
Hiệp định FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Hiệp định FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế

Chủ nhật 31/05/2015 16:47 GMT + 7
Ngày 29 tháng 5 năm 2015 tại thị trấn Burabay, Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với Thủ tướng của các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) và Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á – Âu đã ký Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á – Âu cùng các nước thành viên (VCUFTA).

Việc ký kết Hiệp định VCUFTA tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu, đặc biệt là trong việc thực hiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Đối với Liên minh, với việc Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới ký Hiệp định FTA, với vị thế quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, việc ký kết Hiệp định này là một trong những ưu tiên hàng đầu của Liên minh về hội nhập kinh tế với thế giới trong giai đoạn hiện nay, qua đó kỳ vọng sẽ mở rộng được quan hệ thương mại, đầu tư với khu vực Đông Nam Á trong chiến lược tăng cường quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tiến trình đàm phán Hiệp định

Từ tháng 12 năm 2009, trong chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Liên bang Nga đã thống nhất cùng nghiên cứu để sớm tiến hành đàm phán FTA giữa hai nước. Trên cơ sở đó, một nghiên cứu khả thi Hiệp định FTA đã được hai Bên thực hiện trong khoảng gần 2 năm, từ tháng 10 năm 2010 đến giữa năm 2012. Tuy nhiên, ngay sau đó, do ba nước Liên Bang Nga, Cộng hòa Belarus và Cộng hòa Kazakhstan đã thành lập Liên minh Hải quan nên việc đàm phán FTA được thay đổi từ Việt Nam - Liên Bang Nga thành Việt Nam – Liên minh Hải quan.

Ngày 28 tháng 3 năm 2013, hai Bên đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Hải quan (VCUFTA) tại Hà Nội. Trải qua 8 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ ở cấp kỹ thuật được tổ chức tại các nước thành viên Liên minh Hải quan và Việt Nam; hai Bên đã cơ bản thống nhất nội dung Hiệp định vào ngày 15 tháng 12 năm 2014, tại Phú Quốc, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, các Đại sứ, đại diện của 3 Đại sứ quán (Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus và Cộng hòa Kazakhstan), lãnh đạo của một số Bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và Bộ trưởng A. Slepnhev, Trưởng đoàn đàm phán phía Liên minh Hải quan đã ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định.

Ngày 29 tháng 5 năm 2015 tại thị trấn Burabay, Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với Thủ tướng của các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu và Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á – Âu đã ký Hiệp định Thương mại tự do giữa một bên là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á – Âu cùng các nước thành viên.

Mục tiêu của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định VCUFTA

- Mở rộng cơ hội thị trường cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên Liên minh, từ đó có thể mở rộng sang các nước SNG. Liên minh Kinh tế Á – Âu là một thị trường rộng lớn có diện tích tự nhiên 20 triệu km2 với khoảng 175 triệu dân. Tổng GDP của khối hiện nay đạt trên 2.500 tỷ USD. Đây cũng là một thị trường mới mở cửa, có mức tăng trưởng GDP khá và tương đối ổn định, có cơ cấu danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu không mang tính cạnh tranh mà chủ yếu mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam;

- Thu hút đầu tư trong những lĩnh vực phía Liên minh có thế mạnh như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất năng lượng, chế tạo máy, hóa chất.... Đồng thời, thông qua Hiệp định, Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh và mở rộng đầu tư sang các nước Liên minh trong công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, khai thác dầu khí...;

- Mở rộng cơ hội tiếp thu công nghệ tiên tiến trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các nước thành viên Liên minh, nhất là Liên bang Nga, nhìn chung là những nước đã có nền công nghiệp phát triển tương đối cao trong các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật và công nghiệp như năng lượng, dầu khí, công nghệ chế tạo máy... Qua hợp tác, sẽ giúp cho doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh, học hỏi và trao đổi kiến thức quản lý tiên tiến;

- Các cam kết về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong FTA sẽ tiếp tục góp phần giúp tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư minh bạch, thông thoáng, thuận lợi; 

- Tăng cường các quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh, đặc biệt là củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Mục tiêu của Liên minh

- Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư với Việt Nam, vốn là một nước có quan hệ hợp tác truyền thống, tin cậy. Việc Liên minh đã lựa chọn Việt Nam là nước ngoài khối đầu tiên để tiến hành đàm phán FTA thể hiện Liên minh đánh giá cao quan hệ đối tác với Việt Nam, cũng như nhận thức được vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á;

- Thông qua FTA với Việt Nam để mở rộng thị trường sang các nước khu vực ASEAN nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Việc tăng cường hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đã trở thành một ưu tiên trong chính sách đối ngoại và hội nhập kinh tế của Nga và các nước thành viên khác Liên minh trong những năm gần đây;

- Tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ là bước đi ban đầu để Liên minh có cơ sở trước khi xem xét, quyết định việc mở rộng quan hệ thương mại tự do với các nước khác.

Nội dung chính của Hiệp định VCUFTA

Một nội dung quan trọng của Hiệp định này là phía Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai Bên sẽ triển khai tích cực Chương về SPS (các quy định về an toàn thực phẩm, về thú y và bảo vệ thực vật), trong đó có các nội dung về công nhận tương đương đối với các biện pháp hoặc hệ thống quản lý trong lĩnh vực liên quan, công nhận lẫn nhau về các khái niệm về thích ứng với điều kiện khu vực, sử dụng kết quả kiểm toán, thông tin của các tổ chức quốc tế lớn; thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa hai Bên.

Về hàng hóa, Liên minh đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến.  

Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Riêng đối với các mặt hàng nông sản, tuy là các mặt hàng phía Liên minh coi thuộc diện ưu tiên và đã được Việt Nam đồng ý mở cửa ngay như sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc..., nhưng trong bối cảnh hiện nay, do sản xuất nông nghiệp của phía Bạn chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và chưa tập trung cho xuất khẩu nông sản nên dự báo trong 5 năm đầu thực thi Hiệp định, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ không bị tác động rõ rệt bởi việc nhập khẩu mặt hàng nông sản từ Liên minh. 

Về tổng thể, hai Bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai Bên sẽ đạt 10 – 12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18 – 20% hàng năm.
Nội dung về dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân (được đàm phán song phương giữa Nga và Việt Nam): cơ bản dựa trên cam kết của Việt Nam trong WTO, Hiệp định đầu tư song phương Việt – Nga và tham khảo các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, Hiệp định đầu tư song phương Việt Nam – Nhật Bản và TPP. Những nội dung cam kết, một mặt, không ảnh hưởng tới các Hiệp định đang đàm phán, mặt khác, giúp đảm bảo cho Việt Nam quyền chủ động chính sách trong tương lai, tăng tính minh bạch của môi trường pháp lý, góp phần thu hút đầu tư.

Những nội dung về Sở hữu trí tuệ, Cạnh tranh, Phát triển bền vững... của Hiệp định chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và tại các FTA Việt Nam đã ký hoặc đang đàm phán, tạo khung khổ để hai Bên có thể xem xét hợp tác sâu hơn khi thấy phù hợp.

Có thể thấy rằng, Hiệp định VCUFTA mới được ký kết có ý nghĩa to lớn đối với cả Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, đáp ứng được lợi ích kinh tế cũng như chính trị của tất cả các bên tham gia.

Về chính trị, Liên minh Kinh tế Á – Âu tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển một số quốc gia thuộc SNG hướng tới một không gian kinh tế thống nhất. Việc ký kết Hiệp định VCUFTA tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu, đặc biệt là trong việc thực hiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Liên bang Nga, nước có vai trò dẫn dắt trong Liên minh. Đối với Liên minh, với việc Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới ký Hiệp định FTA, với vị thế quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, việc ký kết Hiệp định VCUFTA là một trong những ưu tiên hàng đầu của Liên minh về hội nhập kinh tế với thế giới trong giai đoạn hiện nay, qua đó Liên minh kỳ vọng sẽ mở rộng được quan hệ thương mại, đầu tư với khu vực Đông Nam Á trong chiến lược tăng cường quan hệ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về mặt kinh tế, các mục tiêu của Việt Nam trong đàm phán, ký kết và các cam kết hội nhập kinh tế nhằm đạt được lợi ích căn bản về kinh tế thông qua việc nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước, tạo cơ hội cho thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đầu tư, đa dạng hoá các thị trường xuất nhập khẩu, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường. Việc thực hiện cắt giảm theo các cam kết FTA nói chung, trong đó có Hiệp định VCUFTA nói riêng, sẽ có tác động giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó làm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, góp phần có tác động lan tỏa đa chiều trong toàn bộ nền kinh tế, trong đó có việc tăng thu ngân sách nhà nước từ các sắc thuế nội địa khác, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng tính chủ động của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, khi thực hiện Hiệp định VCUFTA, với việc phía Liên minh xóa bỏ thuế ngay đối với nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn của Việt Nam sang Liên minh sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đồng thời góp phần tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu không nhiều từ Liên minh, chủ yếu tập trung vào xăng dầu, sắt thép và chúng ta đang xuất siêu. Phần lớn các hàng hóa mà Việt Nam và Liên minh trao đổi với nhau là mang tính hỗ trợ bổ sung, không cạnh tranh nhau. Dự kiến, sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, một số mặt hàng của Liên minh sẽ cạnh tranh với hàng hóa của các đối tác khác trên thị trường Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam có thêm lựa chọn về chủng loại, giá cả.

Như vậy, cùng với các FTA khác, Hiệp định VCUFTA sẽ hỗ trợ việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sang Liên minh, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư sang các nước khác thuộc SNG, mà nhiều nước trong số đó đang tiếp tục bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của Liên minh./.


Trưởng hai đoàn đàm phần kí biên bản kêt thúc vòng 3 tại Minsk



Kết thúc vòng đàm phán thứ 5


Lễ lí kết hiệp định tại Burabay - Kazakhstan: Ảnh Thanh Chung VOV


Vòng đàm phán cấp kĩ thuật vòng 6


Vòng đàm phán 6 tại Sochi


Nhóm đàm phán kĩ thuật tại vòng 6

Đoan Hải, VOV Moscow (tổng hợp)
Nguồn: vov.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.