Chuyên mục
Giải quyết vấn đề Triều Tiên: Mỹ không có nhiều lựa chọn
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Giải quyết vấn đề Triều Tiên: Mỹ không có nhiều lựa chọn

Thứ năm 06/07/2017 10:23 GMT + 7
Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên mà Triều Tiên tuyên bố là có thể bay tới lãnh thổ Mỹ, đã làm gia tăng những thách thức đối với Mỹ cũng như đe dọa làm xoay chuyển cán cân chiến lược đã được duy trì khoảng 70 năm qua tại châu Á-Thái Bình Dương.

Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa ICBM có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ.

Diễn biến mới nhất này đẩy Tổng thống Donald Trump rơi vào cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn nhất kể từ khi ông nhậm chức và làm gia tăng chi phí của hành động quân sự chống lại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Trump không có nhiều lựa chọn trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Phải thừa nhận rằng việc Bình Nhưỡng có thể phóng thành công Hwasong-14 ngay từ lần thử đầu tiên - một loại tên lửa mới có tầm xa hơn bất kỳ tên lửa nào mà họ từng phóng - là dấu hiệu về sự tinh thông của họ. Nhiều năm qua, Triều Tiên luôn đe dọa Nhật Bản và Hàn Quốc bằng những tên lửa tầm ngắn hơn, Tokyo và Seoul có thể dựa vào khả năng răn đe hạt nhân của Washington. Nhưng nay, trước nguy cơ ngay cả San Francisco cũng nằm trong tầm bắn, các đồng minh này bắt đầu hoài nghi cam kết an ninh của Mỹ. Một vụ phóng thử thành công ICBM có thể làm đảo lộn những toan tính chiến lược giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như trên toàn Đông Bắc Á. Việc Triều Tiên có khả năng đe dọa Mỹ sẽ làm tăng đòn bẩy cho họ tại các cuộc đàm phán. Triều Tiên thường nêu rõ mục tiêu của mình là khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ phải rút khỏi Hàn Quốc.

Chính quyền Mỹ phản đối mạnh mẽ bằng những phát ngôn cứng rắn về việc trả đũa Triều Tiên, song có lẽ ông Trump không có nhiều lựa chọn trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng này. Triều Tiên đến nay đã nằm trong số các quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất, nhưng các chuyên gia đều nhất trí rằng các lệnh trừng phạt đa phương và đơn phương của Mỹ không ngăn chặn Bình Nhưỡng đạt tiến bộ về năng lực hạt nhân. Sắp tới, ông Trump sẽ siết chặt trừng phạt Triều Tiên, có thể bao gồm một lệnh cấm mua bán dầu mỏ, cấm bay, phát hiện các tàu chở hàng và trừng phạt các ngân hàng của Trung Quốc làm ăn kinh doanh với Bình Nhưỡng. Nhưng giới chức Mỹ bày tỏ nghi ngờ Trung Quốc sẽ sẵn lòng đến mức nào trong việc gia tăng sức ép đối với đồng minh của mình dù Bắc Kinh đã bày tỏ thái độ thất vọng khi Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân và phóng tên lửa thời gian gần đây.

Chính quyền Trump đã tuyên bố để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên khi "có các điều kiện phù hợp". Washington cũng nói rằng một cuộc đối thoại như thế là nhằm phi hạt nhân hóa. Triều Tiên cũng bày tỏ muốn đàm phán với Mỹ, song nhấn mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa sẽ không là một phần của cuộc đàm phán. Hai bên đã không có một cuộc đối thoại chính thức nào trong 7 năm qua. Tháng 2/2012, Mỹ và Triều Tiên đã thông báo một thỏa thuận, theo đó Triều Tiên đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, cho phép quốc tế thanh sát và tạm ngừng các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa hoặc hạt nhân. Đổi lại, Triều Tiên nhận được viện trợ lương thực mà nước này đang rất cần.

Tháng 4 cùng năm, Triều Tiên đã phóng một vệ tinh trên một tên lửa 3 tầng - hành động mà Washington cáo buộc là vi phạm thỏa thuận. Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc này, song cuối cùng thỏa thuận trên đã bị treo. Trong khi Trung Quốc phản ứng với vụ thử mới nhất của Triều Tiên rằng cần siết chặt trừng phạt của LHQ, Bắc Kinh cũng kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán với Triều Tiên. Theo một kế hoạch do Bắc Kinh đề xuất, Triều Tiên sẽ ngừng chương trình tên lửa đạn đạo đổi lại việc Mỹ - Hàn ngừng các cuộc tập trận chung. Nhưng đề xuất này đã bị cả Washington và Seoul bác bỏ.

Lựa chọn can thiệp quân sự cũng đã được chính quyền Trump cân nhắc, từ việc ngăn chặn trên biển nhằm thực thi trừng phạt đến một chiến dịch rộng hơn nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã dọa "đáp trả không thương xót" nếu Washington chọn giải pháp tấn công. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo hậu quả của một hành động quân sự sẽ là "thảm họa cực lớn" và gây nguy hiểm nghiêm trọng cho đồng minh Hàn Quốc. Cố vấn an ninh của Tổng thống Trump H.R.McMaster cũng nhấn mạnh can thiệp quân sự là lựa chọn cuối cùng, và cho rằng hiện là lúc cần nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề một cách hòa bình. 

Vĩnh Hà
Nguồn: baohaiquan.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.