Chuyên mục
“Giải mã” nguyên nhân giá dầu tăng mạnh
BÌNH LUẬN
Hoan hô nga càng cấm vận càng có lợi rau muống hơn thịt bò

“Giải mã” nguyên nhân giá dầu tăng mạnh

Thứ hai 14/03/2016 04:06 GMT + 7
Các nhà giao dịch dầu lửa giao sau đã dịch chuyển sự chú ý sang sự suy giảm sản lượng dầu thay vì bị “ám ảnh” bởi lượng dầu tồn kho gia tăng như trước kia. 

Giá dầu vẫn tăng dù lượng dầu tồn kho ở Mỹ đi lên trong 4 tuần trở lại đây - Ảnh: Clariant.

Sự dịch chuyển này có thể đã giúp đặt ra một mức sàn đối với giá dầu, khi triển vọng sản lượng nguồn cung dầu ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) suy giảm.

Theo hãng tin Bloomberg, cho tới hết tháng 12/2015, báo cáo hàng tuần về lượng dầu thô tồn kho của Mỹ do Bộ Năng lượng nước này đưa ra luôn dẫn tới phản ứng có thể đoán trước của thị trường. Khi lượng dầu tồn kho tăng, giá dầu giảm, và ngược lại, khi mức tồn kho giảm, giá dầu tăng.

Khi số thùng dầu tồn kho ở Mỹ tiếp cận những kỷ lục mới, tất cả mọi sự chú ý đều đổ dồn vào bản báo cáo được công bố hàng tuần này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giá dầu với mức tồn kho dầu của Mỹ đã bị phá vỡ một cách ngoạn mục khi năm 2016 bắt đầu. 

Số lượng dầu được chứa trong các bể chứa ở Mỹ vẫn không ngừng tăng lên những đỉnh cao mới, nhưng không còn khiến giá dầu “lao dốc không phanh” như hồi năm ngoái nữa. Ngược lại, giá dầu vẫn tăng dù lượng dầu tồn kho ở Mỹ đi lên trong 4 tuần trở lại đây.

Có thể nói, đã tạm qua một thời mức tồn kho dầu của Mỹ giữ vai trò là động lực chính chèo lái giá dầu. Cùng với đó, một mối quan tâm khác của thị trường cũng nổi lên.

Các nhà giao dịch dầu lửa có vẻ đã chuyển sự chú ý của họ từ tình trạng thừa mứa dầu hiện tại sang nguy cơ thiếu dầu trong tương lai.

Vấn đề là Bộ Năng lượng Mỹ đang tỏ ra bi quan hơn về triển vọng sản lượng của các nước ngoài OPEC. 

Năm nay là năm thứ hai liên tiếp vốn đầu tư cho ngành dầu lửa của các nước ngoài OPEC suy giảm. Chưa kể, giá dầu giảm sâu đã dẫn tới việc đóng cửa những mỏ dầu lâu năm và những giếng dầu không đem lại hiệu quả kinh tế tích cực.

Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn mới đây nhất, Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 440.000 thùng/ngày trong năm 2016, so với mức dự báo giảm chỉ 90.000 thùng/ngày đưa ra hồi tháng 1.

Ngoài ra, sự suy giảm sản lượng dầu của Mỹ vốn được dự báo từ lâu cũng đang có chiều hướng tăng tốc. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu của nước này đã giảm trong vòng 6/7 tuần trở lại đây. Nếu so với thời điểm giữa tháng 1, sản lượng dầu của Mỹ hiện đã giảm 157.000 thùng/ngày.

Không chỉ Bộ Năng lượng Mỹ trở nên bi quan về vấn đề sản lượng dầu. Trong báo cáo mới nhất công bố hôm thứ Sáu tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng nói rằng sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 750.000 thùng/ngày trong năm nay. Tháng trước, IEA dự báo sản lượng dầu của các quốc gia ngoài OPEC sẽ giảm 600.000 thùng/ngày trong năm 2016.

Vậy đâu là lý do khiến các nhà giao dịch quyết định chú ý tới các dự báo sản lượng, thay vì tập trung vào vấn đề lượng dầu tồn kho tăng cao? 

Có lẽ, một phần nguyên nhân nằm ở việc mức tồn kho dầu của Mỹ luôn tăng trong quý 1 hàng năm. Bởi vậy, việc tồn kho dầu của Mỹ tăng trong quý 1 năm nay, dù thiết lập những mức đỉnh mới, có thể cũng chỉ được coi là “chuyện bình thường”.

Và chính sự dịch chuyển chú ý sang sản lượng thay vì lượng dầu tồn kho đã lý giải tâm trạng lạc quan của thị trường về khả năng giá dầu đã chạm đáy.

Kể từ giữa tháng 2 tới nay, giá dầu thế giới đã tăng 46%, trong đó giá dầu WTI giao sau tại thị trường Mỹ đang tiến gần ngưỡng 40 USD/thùng, so với mức đáy 26,21 USD/thùng vào tháng 2. 

Tuy nhiên, theo nhận định của Bloomberg, giá dầu tăng cao hơn có thể dẫn tới việc các công ty dầu lửa đảo ngược kế hoạch giảm sản lượng. Và nếu dự trữ dầu thô của Mỹ đến đầu tháng 5 vẫn không giảm xuống, thì dữ liệu này sẽ lại trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư, và giá dầu rất có thể sẽ nhanh chóng sụt giảm trở lại.

Nga trong thế tiến thoái lưỡng nan

Trong khi cả thế giới đang tập trung vào thỏa thuận không gia tăng sản lượng dầu mỏ giữa Nga, Ả Rập Xê út và một số quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vẫn còn những cân nhắc khác phía sau gây ảnh hưởng quan trọng hơn tới ngành công nghiệp năng lượng của quốc gia này.


Đồng USD mạnh và giá dầu sụp đổ đã đặt ra thách thức mới đối với nền kinh tế nước Nga. Trước hoàn cảnh này, giới chức Nga đang có những suy tính trước khi đưa ra quyết định: buộc các công ty dầu mỏ Nga bán thêm ngoại tệ và tăng thuế. Điều này sẽ giải quyết hai vấn đề: chuyển đổi từ USD sang ruble sẽ củng cố đồng nội tệ, trong khi thuế thu thêm sẽ lấp bớt lỗ hổng ngân sách.

“Lượng tài sản có được dưới thời giá dầu cao tại ngân sách quốc gia Nga đang bốc hơi nhanh chóng. Dưới thời giá dầu cao, việc tăng doanh thu của Nga đơn giản chỉ cần cổ vũ các công ty như Rosneft OJSC và Lukoil PJSC nâng sản lượng lên cao hơn nữa”, Alexander Nazarov, chiến lược gia tại Gazprombank nói. Hiện tại, điện Kremlin và các công ty trên cần phải tìm ra cách khác để vượt qua mức giới hạn, thậm chí phải dùng tới cả các biện pháp có thể tổn hại tới sản lượng đầu ra trong dài hạn.

“Ngân khố quốc gia Nga đang thâm hụt nặng. Chính phủ Nga hiểu rằng, việc tăng thuế có thể tổn hại tới triển vọng tăng trưởng trong tương lai, tuy nhiên họ không còn lựa chọn nào khác”, Nazarov cho biết.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin lên tiếng xác nhận rằng, Chính phủ đang kiểm soát sản lượng dầu và khí đốt, thực tế, phần lớn các công ty thuộc ngành công nghiệp này vẫn nắm vai trò chủ động. Họ xoay sở để có thể cân bằng giữa việc tối đa hóa nguồn thu cho ngân sách, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng. Trong hơn một thập kỷ, chiến lược này đã thành công khi sản lượng đầu ra tăng lên tới mức kỷ lục, đồng thời đóng góp khoảng một nửa doanh thu của ngân sách quốc gia. Việc giá dầu sụp đổ đã phá vỡ sự cân bằng, đẩy Nga vào tình trạng thâm hụt ngân sách và đối diện với năm khủng hoảng thứ hai.

Để đối phó với giá giảm, các nhà sản xuất tại Nga đã phải kiềm chế hoạt động đầu tư, chỉ chi tiền cho hoạt động cần thiết nhằm duy trì sản xuất dầu mỏ và khí đốt. Tuy nhiên, việc hạn chế đầu tư có thể sẽ cần được nâng cao hơn nữa, nếu điện Kremlin tăng thuế.

Mặc dù vậy, trong số các nhà sản xuất dầu lớn, Nga có thể là nước đang gặp khá nhiều may mắn khi có thể đối phó với việc USD lên cao và giá dầu rẻ, bởi các công ty dầu mỏ Nga thanh toán bắng đồng ruble yếu và nhận về USD cho sản phẩm của mình. Lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu khí tại Nga sẽ tăng lên nhờ đồng rubles mất giá mạnh so với đồng USD, trong khi giá dầu thô được niêm yết theo USD.

Theo khảo sát từ 17 chuyên gia của Bloomberg, Rosneft, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất tại Nga, sẽ công bố lãi ròng vào khoảng 487 tỷ rubles (6,6 tỷ USD) trong năm 2015, tăng 40% so với năm 2014. Trong khi đó, Lukoil dự kiến sẽ giảm 9,5% lợi nhuận, xuống còn 4,27 tỷ USD trong năm 2015. Tuy nhiên, nếu đổi sang rubles, công ty sẽ có lợi nhuận tăng khoảng 72%, ở mức 313 tỷ rubles.

Trong khi đó, Royal Dutch Shell Plc, công ty năng lượng lớn nhất châu Âu, đã báo cáo lợi nhuận bằng USD giảm 53% trong năm 2015 so với năm trước đó.

Thông thường, điện Kremlin thường rất cẩn thận trong việc quản lý thuế đối với các nhà sản xuất dầu mỏ. Ngay cả khi nhà sản xuất tại Nga có chi phí sản xuất ở mức thấp, chính phủ vẫn giảm nhẹ thuế cho các công ty năng lượng qua các năm.

Việc tăng thuế đối với các nhà sản xuất dầu mỏ đi ngược lại với kế hoạch thuế được công bố trong năm ngoái. Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev, trong năm 2016, việc áp dụng mức thuế mới sẽ giúp thu về thêm 200 tỷ rubles từ ngành công nghiệp này so với kế hoạch trước đó. Chính phủ cũng áp dụng việc tăng thuế bán hàng đối với các loại nguyên liệu như gas và dầu diesel.

Đề nghị tăng thuế từ Bộ Tài chính có thể khiến ngành công nghiệp này tổn thất 11 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2017, theo VTB Capital. Dmitry Loukashov, chiến lược gia tại ngân hàng này cho rằng: “Chính phủ có thể thu về bao nhiều tùy ý muốn, điều đó còn phụ thuộc vào tình hình của nền kinh tế”.

“Hiện tại, Chính phủ Nga vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng xem liệu có chấp nhận đề nghị trên từ Bộ Tài chính hay không”, Phó thủ tướng Arkady Dvorkovich cho biết.

Lam Phong (Theo Báo chí nước ngoài)
Nguồn: vneconomy.vn, tinnhanhchungkhoan.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.