Chuyên mục
Federer - Nadal - Djokovic: Họ đã làm thay đổi thế giới
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Federer - Nadal - Djokovic: Họ đã làm thay đổi thế giới

Thứ tư 22/02/2012 11:27 GMT + 7
Họ sinh ra để khắc chế nhau, nhưng cũng làm cho nhau trở nên vĩ đại hơn, và cuối cùng, tennis trở nên muôn phần hấp dẫn.

Nếu không có Nadal, Federer đã có thể vô địch Roland Garros 2007, thậm chí tái lập thành tích của huyền thoại Rod Laver là vô địch cả 4 giải lớn trong cùng 1 năm, và số danh hiệu trong hệ thống Grand Slam không chỉ dừng lại ở con số 16 như hiện tại.

Hoặc nếu không có Djokovic, Nadal có thể đã bám sát thành tích 14 Grand Slam của Pete Sampras và trong tương lai rất gần, tay vợt người Tây Ban Nha sẽ vượt qua cả kỷ lục của Federer, bởi trong vòng chưa đầy 12 tháng qua, Nadal đã "mất" tới 3 danh hiệu bởi sự nổi lên kỳ vĩ của Djokovic.



Và nếu không vì sống dưới cái bóng của sự thống trị thiết lập bởi Nadal và Federer, hẳn là Djokovic cũng có thể giành được 5 danh hiệu như anh đang sở hữu, nhưng chưa chắc tay vợt người Serbia đã trở thành một trong những tay vợt chơi toàn diện và được coi là kiệt xuất nhất trong suốt chiều dài lịch sử trên một số phương diện.

Hẳn là đâu đó cũng có một vài fan trung thành của Federer không muốn thấy Nadal và Djokovic (mới đây), hoặc ngược lại, nhưng sự xuất hiện của từng cá nhân, và cả ba tay vợt đã làm nên một kỷ nguyên lịch sử mà môn thể thao này đã được nâng lên tầm mức mới.

Có một thực tế tồn tại ở bất cứ môn thể thao giàu tính đối kháng nào, là sự xuất hiện của những đối thủ truyền kiếp luôn khiến cho môn thể thao ấy hấp dẫn hơn, và qua đó, tầm mức về kỹ thuật, thể lực cũng như chiến thuật được tác động theo chiều hướng tương đối phổ biến là ngày càng cao hơn.

Như sự tồn tại của một Mike Tyson với lối đấm nhanh thần tốc (thường hạ gục các đối thủ sau vài chục giây) đã góp phần tạo nên một võ sĩ siêu chịu đòn như Evander Holyfield ở môn boxing. Như sự xuất hiện của thiên tài tấn công Maradona đã sản sinh ra những hậu vệ trứ danh, thậm chí nếu không ai phản đối gọi tiểu xảo cũng là một nghệ thuật thì chúng ta phải nhắc tới hậu vệ Gentile trong lịch sử thế giới bóng đá.

* Federer với cú trái bất tử

Khi Federer đánh bại Pete Sampras năm 2001 và hai năm sau đó lên ngôi vô địch Wimbledon, người ta đã nhận thấy đây là một thiên tài. Nhưng Federer chỉ trở nên toàn diện và cú trái của anh được mài giũa tới tầm mức thượng thừa khi anh bắt đầu gặp một Nadal chơi tay trái, liên tục dùng cú phải nhồi vào trái tay của mình. Đó là sự khởi đầu cho một quá trình tiến hóa của cú trái một tay mà người ta từng coi kỹ thuật của Sampras là chuẩn mực nhưng chỉ sau hơn nửa thập kỷ đã trở nên lạc hậu, vì nó không thể tạo ra độ xoáy lẫn lực đánh như cú trái của Federer đã kéo dài hơn công đoạn vợt theo bóng (follow through), vắt hẳn ra phía sau.

* Nadal và cú thuận tay phi thường

John Yandell, một chuyên gia gắn bó với tennis hơn 20 năm đã công bố một kết quả làm sửng sốt thế giới (không chỉ tennis) khi cho biết qua những máy móc ông sử dụng để phân tích cú thuận tay của Nadal được xây dựng để trị Federer, là nó có độ xoáy khoảng 3.700 vòng/phút.

Kết quả phi thường ấy chỉ có một phần nhỏ thành tựu của công nghệ sản xuất vợt và dây (Nadal sử dụng vợt và dây của hãng Babolat, Pháp), mà nó chủ yếu đến từ một kỹ thuật được cho là kỳ lạ: Nadal không chỉ cầm vợt sâu (western grip), mà anh còn khẽ vảy cổ tay sau khi đã mở hết vợt ra phía sau và bắt đầu đưa vợt lên phía trước để tiếp xúc bóng, và trên hết anh kết thúc cú đánh bằng cách vắt vợt qua đầu. Nadal không phải người đầu tiên vắt vợt qua đầu khi đánh thuận tay, nhưng trước đây và hiện tại, nó chỉ xảy ra khi các tay vợt thực hiện cú thuận tay vừa đánh vừa chạy (running forehand hay gọi cách khác là reverse forehand). Nadal cũng không tạo nên một trào lưu cho các tay vợt chuyên nghiệp khác áp dụng kỹ thuật đó, nhưng anh đã cho thấy vai trò của độ xoáy trong tennis hiện đại mà rất nhiều người phải theo. Top 10 thế giới hiện tại chỉ có Del Potro và Berdych trung thành với những cú bóng bạt, nhưng mới chỉ có Del Potro một lần lên ngôi ở Grand Slam.



* Djokovic và cú trả giao bóng tài tình nhất, cú trái hai tay xuất sắc nhất

Nếu như giữa Nadal và Federer, người này làm cho người kia tiến bộ và hoàn thiện hơn, thì cả bộ đôi huyền thoại này lại đẩy Djokovic tới ranh giới hoặc là phải xuất chúng, hoặc là sẽ không thể giành thêm Grand Slam nào cho tới khi Nadal và Federer đồng thời biến mất khỏi cuộc chơi.

Và từ sự chinh phục của Djokovic (không còn sợ Federer, hoàn toàn đè bẹp Nadal), thế giới đã được chứng kiến một tầm cao mới của cú trả giao bóng, tới mức người ta tin rằng nếu một kỳ nhân của kỹ năng này là Andrea Agassi cũng trả giao bóng khủng khiếp như thế, Sampras có lẽ cũng sẽ phải từ bỏ lối đánh giao bóng - lên lưới để chuyển sang cuối sân.

Mới đây người ta đã biết về một trong những cái gạch đầu dòng trong cuộc họp mà Djokovic đã triệu tập toàn bộ ê kíp huấn luyện của mình trong năm 2010 khi anh chìm trong khủng hoảng (15 giải không danh hiệu kể từ Dubai tới Bắc Kinh), đó là phải thực hiện được cú đè trái ở tầm cao nếu muốn đánh bại Nadal. Federer đã không thể vượt qua được sự hạn chế của bất cứ ai chơi trái một tay đều sợ những đường bóng nảy cao từ vai trở lên, nhưng Djokovic chơi trái hai tay lại là câu chuyện khác.

Khi Djokovic lên ngôi ở Wimbledon và US Open 2011, John McEnroe đã khẳng định rằng ở thời của ông (những năm 80) và sau đó, ông chưa thấy cú trái nào hoàn hảo ở khả năng chuyển từ phòng ngự sang tấn công, chuyển hướng cú đánh như của Djokovic.

* Sự vĩ đại của họ làm nên những kỷ lục

Trên thực tế, những kỹ năng nói trên chỉ là vài trong số những thứ mà bộ ba vĩ đại Roger - Rafa - Nole đã đạt được, trước là để mang lại vinh quang cho chính họ, và sau là thúc đẩy sự phát triển của môn thể thao vốn từng được coi là đắt đỏ và chỉ dành cho người có tiền (ngay cả với các nước phát triển), mà biểu hiện rõ nhất của nó là các kỷ lục về khán giả.



Lần cuối cùng một người Mỹ vô địch đơn nam US Open là năm 2003 (Roddick), nhưng bất chấp thực tế ấy, giải đấu năm 2009 đã lập kỷ lục về số người tới sân xem trong tuần đầu tiên tổ chức giải là 423.427 lượt người.

Hay US Open 2010 đã thu hút được 712 ngàn lượt người, giúp nó vẫn tiếp tục là giải đấu thể thao thường niên thu hút được nhiều khán giả nhất, rồi 80 triệu người Mỹ xem giải qua truyền hình, và một kỷ lục được ghi nhận khi có tới 185 quốc gia và vùng lãnh thổ truyền hình ảnh của giải đấu.

US Open 2011 đã ghi nhận một kỷ lục mới khi có tới 24.713 người có mặt ở sân Arthur Ashe xem trận chung kết giữa Nadal và Djokovic, phá vỡ kỷ lục vừa lập cách đó hai ngày khi có 24.071 người đến sân xem trận bán kết giữa Djokovic và Federer - trận đấu được ghi nhận như là trận đấu hay nhất trong lịch sử các trận bán kết của Grand Slam.

Và cũng đừng quên rằng chúng ta vừa mới được xem trận chung kết Australian Open kéo dài 5 tiếng 53 phút giữa Nadal và Djokovic - chung kết dài nhất trong lịch sử - mà vẫn thấy thòm thèm như thể vừa xem một siêu phẩm của môn nghệ thuật thứ bảy thường chỉ có độ dài 2 tiếng, hay một trận đấu bóng đá có sự góp mặt của hàng chục ngôi sao trong vòng 90 phút có lẻ.

Phạm Tấn
Nguồn: tinthethao.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.