Chuyên mục
Cơ hội cho chiến lược hướng Đông
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cơ hội cho chiến lược hướng Đông

Chủ nhật 16/09/2018 03:39 GMT + 7
Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ tư vừa diễn ra tại thành phố Vla-đi-vô-xtốc được phía Nga đánh giá là thành công hơn dự kiến, đáp ứng mục tiêu của chủ đề “Viễn Đông - Mở rộng biên giới của các cơ hội”. Thành công của EEF không chỉ đem lại cơ hội lớn cho nỗ lực “hướng Đông” của Nga, mà còn góp phần tạo môi trường tích cực cho đối thoại và gắn kết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Mới ra đời cách đây bốn năm trong nỗ lực của Nga nhằm ứng phó các biện pháp trừng phạt và cô lập của Mỹ và châu Âu, song trong lần thứ tư được tổ chức này, EEF tiếp tục khẳng định được sức hút mạnh mẽ. Thành công của EEF lần thứ tư thể hiện trên nhiều khía cạnh, nổi bật nhất là quy mô được mở rộng đáng kể, với hơn 60 quốc gia cử đoàn tham dự, đưa tổng số đại biểu lên khoảng 6.000 người.

Qua bốn kỳ diễn đàn, số lượng cũng như giá trị các hợp đồng được ký tại EEF tăng mạnh. Nếu trong lần đầu tổ chức năm 2014, chỉ 80 thỏa thuận được ký, với tổng giá trị chưa đến 20 tỷ USD, tại kỳ EEF này, các con số đã tăng lên 220 thỏa thuận và 47 tỷ USD. Tại diễn đàn, có tới bảy phiên đối thoại kinh doanh giữa Nga với các đối tác chủ chốt, như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các khu vực ASEAN, Trung Đông và châu Âu, đã chứng tỏ vị thế của EEF được nâng cao mạnh mẽ.

EEF ban đầu được thành lập với vai trò như một sân chơi để Nga thu hút đầu tư vào vùng Viễn Đông giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa được khai thác, cũng như giúp Mát-xcơ-va tìm kiếm các đối tác mới trong chính sách hướng Đông, nhằm thoát khỏi sự cô lập của phương Tây bằng những biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, liên quan cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng U-crai-na. Có vị trí địa lý và tiềm năng kinh tế thuận lợi, chiếm khoảng 36% diện tích của Nga, 27% trữ lượng khí đốt, 17% lượng dầu mỏ của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Viễn Đông được Mát-xcơ-va ưu tiên phát triển trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của Nga. Hoạt động đầu tư nước ngoài vào Viễn Đông còn được Mát-xcơ-va coi như cầu nối để khai thác và mở rộng các mối quan hệ với các nước và đối tác từ khắp nơi trên thế giới.

Bởi thế, không chỉ ở khía cạnh kinh tế, quy mô và tầm ảnh hưởng chính trị của EEF cũng không ngừng tăng. Không còn đơn thuần tập trung các vấn đề thương mại và đầu tư, EEF đã vươn tầm ra các mối quan hệ ngoại giao, hợp tác an ninh và chiến lược, trở thành một diễn đàn quốc tế quan trọng để đối thoại và hợp tác giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương. Sự góp mặt của nhiều nhà lãnh đạo các nước tại EEF, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hay Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê, người liên tiếp ba năm gần đây tham gia EEF, càng khẳng định sức hút của diễn đàn do Nga khởi xướng này.

EEF được Nga khai thác như là một cơ hội để đối thoại, giải quyết các khúc mắc trong quan hệ giữa Nga và các nước. Diễn đàn lần này đã tạo cơ hội lý tưởng để Tổng thống Nga V.Pu-tin lần lượt gặp lãnh đạo và đại diện cấp cao nhiều nước, nhất là các nước Đông - Bắc Á, khu vực đang nổi lên là trung tâm chiến lược của cả châu Á - Thái Bình Dương. EEF lần thứ tư trở thành “cú huých” cần thiết cho mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng từ vướng mắc giữa hai nước liên quan tranh chấp lãnh thổ, khi Nga đề xuất cùng lãnh đạo Nhật Bản ký Hiệp ước hòa bình vốn bị trì hoãn suốt hơn 70 năm qua. Diễn đàn cũng tạo cơ hội để Nga và Trung Quốc làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương.

EEF lần thứ tư còn là dịp để các nước trong khu vực đối thoại. Chẳng hạn, quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc có thêm bước chuyển tích cực sau cuộc gặp bên lề EEF giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng S.A-bê. Hay, thông qua loạt cuộc tiếp xúc giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng có thêm những cam kết mới. Đáng chú ý, sự có mặt của đại diện các công ty châu Âu và Mỹ được coi như điểm nhấn tích cực tại EEF năm nay. Đại diện Pháp khẳng định, Pa-ri tìm thấy cơ hội hợp tác không chỉ với Nga, mà với cả các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Với nội dung bao trùm, cả kinh tế, chính trị và an ninh, EEF trở thành công cụ bổ trợ cho chính sách hướng Đông mà Mát-xcơ-va công bố và kiên trì theo đuổi từ năm 2010. EEF đã khẳng định vai trò là cầu nối gắn kết Nga với khu vực, cũng như giữa các nước ở châu Á - Thái Bình Dương. Thành công của diễn đàn năm nay mở ra những cơ hội mới, thúc đẩy đối thoại và hợp tác cùng có lợi trong khu vực.

SƠN NINH
Nguồn: nhandan.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.