Chuyên mục
Chiếc laptop của ngày tận thế
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Chiếc laptop của ngày tận thế

Chủ nhật 24/04/2016 01:40 GMT + 7
Trước đây là al-Qaeda, giờ là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, những tổ chức Hồi giáo cực đoan này đều có tham vọng chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt để tiêu diệt “những kẻ vô đạo”

Câu chuyện sau đây được kể lại cách nay 2 năm trên tạp chí Foreign Policy. Abu Ali, chỉ huy trưởng một nhóm phiến quân Syria được phương Tây hậu thuẫn, tình cờ tìm thấy một chiếc laptop hiệu Dell phủ đầy bụi bặm sau một cuộc tấn công vào cơ sở IS ở thị trấn Idlib của Syria nằm giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1-2014...

Cẩm nang chế tạo vũ khí hóa học

Nhóm phiến quân này chống chính phủ Syria đồng thời cũng chống IS. “Chúng tôi tìm thấy chiếc laptop trong một căn phòng có vẻ là nơi trú ẩn của một tên thủ lĩnh IS. Chúng tôi không biết nó còn sử dụng được hay không, có chứa tài liệu gì bí mật gì hay không” - Abu Ali nhớ lại. Tang vật sau đó được mổ xẻ tại một cơ sở tình báo Mỹ tại Trung Đông.

Chiếc Dell còn chạy tốt và không bị mã khóa. Mục “My Computer” trống rỗng. Tuy nhiên, khi bấm vào “tập tin ẩn” thì 2.367 thư mục chứa 35.347 tập tin có dung lượng tổng cộng 146 gigabyte viết bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp và Ả Rập hiện ra.

Các chuyên gia Mỹ cho rằng đây là một kho bằng chứng cho thấy từ al-Qaeda đến IS đều muốn sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) bao gồm các loại vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học. Trong chiếc laptop có băng ghi hình Osama bin Laden giáo huấn ý thức hệ thánh chiến, sách hướng dẫn chế tạo bom, mẹo ăn cắp xe hơi, cách hóa trang để khỏi bị bắt…


Chiếc laptop của Muhammed S. Ảnh: F.P

Không chỉ có tài liệu tuyên truyền và cẩm nang chiến đấu dành cho chiến binh thánh chiến, nó còn cho thấy chủ nhân chiếc laptop - một người Tunisia tên Muhammed S., từng học vật lý và hóa học ở 2 trường đại học phía Nam Tunisia - đang học cách sử dụng WMD chuẩn bị cho một vụ tấn công gây kinh hoàng cả thế giời. Tài liệu học tập dài 19 trang tiếng Ả Rập dạy cách chế tạo và sử dụng vũ khí hóa học (cụ thể là bom dịch hạch) từ động vật mắc bệnh này. Tài liệu cũng chỉ cách kiểm tra hiệu quả trước khi sử dụng bom tấn công kẻ thù: “tiêm vi khuẩn bệnh dịch hạch vào chuột bạch, triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện trong vòng 24 giờ”.

Cuộc điều tra sau đó xác định Muhammed S. đến Syria năm 2011và gia nhập IS với mục đích phát huy sở học sau khi các lực lượng chống chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad được Mỹ và các nước phương Tây “chống lưng” đồng loạt nổi dậy. Theo bộ trưởng Bộ Nội vụ Tunisia, không chỉ Muhammed S. mà còn có trên dưới 2.400 người Tunisia ồ ạt đến Syria chiến đấu bên cạnh những lực lượng chống chính phủ hoặc IS.

Trong chiếc laptop còn có một Fatwa (sắc lệnh Hồi giáo phái Shia) của giáo sĩ thánh chiến Nasir al-Fahd dài 26 trang. Theo đó, “nếu tín đồ Hồi giáo không thể đánh bại kafir (những kẻ vô đạo) bằng các biện pháp thông thường thì được phép dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt giết hết bọn chúng, quét sạch chúng và con cháu của chúng ra khỏi mặt đất”. Vị giáo sĩ người Saudi này đang bị cầm tù ở Ả Rập Saudi.

Từng thí nghiệm từ năm 2002

Al-Qaeda từng âm mưu sử dụng WMD từ năm 2002. Trong một cuộn băng ghi hình mà phóng viên đài truyền hình CNN ở Afghanistan được phép tiếp cận lúc đó có cảnh quay các thành viên al-Qaeda thử nghiệm khí độc trên 3 con chó khỏe mạnh tại một trại huấn luyện của tổ chức này. Tất cả đều chết trong nháy mắt do các tế bào thần kinh bị khí độc hủy hoại.

Các chuyên gia chống khủng bố Mỹ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy IS đã có trong tay vũ khí WMD cực kỳ nguy hiểm. Tuy vậy, qua việc phát hiện chiếc “laptop của ngày tận thế”, có thể thấy al-Qaeda từng nỗ lực trong cả chục năm tìm cách sở hữu WMD bằng mọi giá. Tiên đoán được âm mưu này, Mỹ cũng nỗ lực không kém huy động nhân lực và tài lực để ngăn chặn al-Qaeda thực hiện những kế hoạch điên rồ.

Việc phát hiện chiếc laptop nêu trên rõ ràng là một lời cảnh báo nghiêm túc, nhắc nhở Mỹ và các nước châu Âu rằng các tổ chức thánh chiến đang kiên trì với ý tưởng dùng những loại vũ khí không chính quy bị cả thế giới lên án vì có khả năng giết hại hàng ngàn sinh linh chỉ với một vụ nổ.

Magnus Ranstorp, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu các mối đe dọa bất xứng - Trường Đại học Quốc phòng Thụy Điển, nhận định: “Trở ngại thật sự trong việc sử dụng các loại vũ khí này là phát triển một hệ thống phát tán khả dụng sát hại hàng loạt con người chỉ với một vụ nổ. Thế nhưng, có một điều khá chắc chắn là IS có khả năng chế tạo các loại vũ khí đáng sợ đó”.

Chiến binh thánh chiến IS không chỉ chiến đấu trên các mặt trận Syria, Iraq. Gần đây, IS đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ 2 nước này. Việc những tín đồ cực đoan như Muhammed S. đang âm thầm chế tạo vũ khí hóa sinh học trong phòng thí nghiệm của Đại học Mosul Iraq hoặc các phòng thí nghiệm ở TP Raqqa - Syria chẳng hạn, mới thật là đáng sợ. Cẩm nang 19 trang tìm thấy trong chiếc laptop nêu trên chỉ cách sử dụng WMD rất cụ thể: “Hãy dùng lựu đạn kèm theo vật chứa virus dịch hạch ném vào ga tàu điện ngầm, sân bóng đá hoặc trung tâm giải trí. Cách tấn công hữu hiệu nhất là thực hiện gần nơi đặt máy lạnh hoặc bằng cách đánh bom liều chết”.

Tóm được kỹ sư hóa học của IS

Tháng 2 vừa qua, đặc nhiệm Mỹ đã bắt được Sleiman Daoud al-Afari, được cho là một trong những kỹ sư chế tạo WMD hàng đầu của IS, trong một cuộc đột kích vào thị trấn Badoosh, Tây Bắc TP Mosul, nằm trong vùng kiểm soát của IS. Nguồn tin tình báo Iraq cho biết al-Afari là kỹ sư đầu ngành của quân đội cựu tổng thống Saddam Hussein, từng là thành viên cấp cao của tổ chức Hồi giáo ở Iraq và Al-sham (ISIS - tiền thân của IS). Al-Afari đang bị Mỹ giam giữ ở một địa điểm bí mật để khai thác trước khi chuyển giao cho chính quyền Iraq.

Cuộc đột kích nằm trong một chiến dịch quân sự bí mật của Mỹ nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng vũ khí WMD của IS. Chiến dịch bao gồm các đợt không kích vào những phòng thí nghiệm và truy bắt các nhà khoa học phục vụ IS ở Iraq.

NGUYỄN CAO
Nguồn: nld.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.