Chuyên mục
Ai đứng sau nhóm người mua cá chết nhiễm độc?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ai đứng sau nhóm người mua cá chết nhiễm độc?

Thứ tư 27/04/2016 11:15 GMT + 7
Dù cá nhiễm độc, người ăn vào phải đi cấp cứu nhưng thương lái vẫn thu mua. Họ mua với động cơ gì?


Người dân nhận ra bà Xuân một người tham gia thu mua cá ở bãi Đá Nhảy ngày 24/4

Sau rất nhiều công sức, cuối cùng PV Báo Giao thông cũng lần ra manh mối những người đứng ra thu mua cá nhiễm độc chết ở Quảng Bình. Kết quả không khác những gì chúng tôi dự doán trước đó. 

Biết cá nhiễm độc nguy hiểm, dân vẫn vớt bán


Ngày 26 và 27/4, từ manh mối ít ỏi của người dân bãi Đá Nhảy cung cấp, chúng tôi tìm về các thôn của xã Thanh Trạch huyện Bố Trạch, nơi những người thu gom cá đang sinh sống. Tại đây câu chuyện về cá chết, thu mua cá chết được người dân giấu kín như bưng. Hầu hết mọi người đều tỏ ra sợ hãi khi nói về việc làm sai trái của mình. Có người còn lo lỡ nói ra sẽ bị chính quyền đến bắt đi.

Phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục chúng tôi mới được người dân chia sẻ những thông tin đầu tiên. Theo những người dân địa phương, cá chết đã diễn ra từ hơn nửa tháng nay, nhưng số lượng chết dạt bờ cứ rải rác, duy chỉ 2 đợt là ngày 19 – 20/4 và ngày 22 – 24/4, cá chết nhiều nhất. Lúc này có người đưa xe đông lạnh tới mua cá số lượng lớn nên người dân mới đổ xô đi vớt.


Cá biển được dân buôn mua bán tấp nập tại cảng cá Sông Gianh

Bà Hoàng Thị Hay (68 tuổi, thôn Thanh Hải) cho biết: Bữa ngày 23 – 24/4 cá nổi trắng bờ biển. Toàn là cá nục với cá trai không thôi. Cá không chết hẳn mà cứ lập lờ mặt nước. Thấy vậy, hàng trăm người dân trong làng, trai gái, già trẻ lớn bé đều đổ hết ra biển vớt cá bán. 

Bà Hay kể: Bữa đó người buôn cá về nhiều, họ cứ đứng ở bờ biển chờ. Dân mình vớt bao nhiêu lên họ phân loại, cân trả tiền ngay. Cá đục thì 40 nghìn đồng/kg, cá chai thì 10 – 20 nghìn/kg, cá tạp thì 5 nghìn/kg. To nhỏ, sống chết họ cân tất, miễn chưa thối là được.

Nhờ việc vớt cá mà nhiều người trong làng kiếm được tiền triệu, tuổi già sức yếu như bà Hay cũng vớt bán được hơn 300 nghìn đồng. Tuy nhiên bà Hay cho biết: Bữa đó đi về bị con cháu mắng ghê lắm, nói già mà ham. Giờ nghĩ cũng dại, nước độc thế mà đàn ông đàn bà lao xuống ráo. Cứ lội ngang bụng ngang ngực rồi vớt cá.

Điều đáng buồn hơn, qua lời kể của những người dân, chúng tôi biết rằng trước khi vớt cá họ đã biết rõ về sự độc hại của nước và cá nhiễm độc. Ông Phan Văn Đức – cán bộ môi trường xã kể: "Bữa trước (cách đây hơn 1 tuần –PV) trong thôn Thanh Khê có ông Trương Veo ăn cá nhiễm độc phải nhập viện cấp cứu 5 ngày. Sau đó lại có, chị Phúc,  thôn Thanh Hải, cũng phải nhập viện do ăn phải cá biển nhiễm độc. Rồi cả chó trong làng ăn xác cá nhiễm độc cũng lăn đùng ra chết".

Ai đứng sau nhóm người thu mua cá chết?


Qua lời bà Hay, chúng tôi tìm đến cháu của bà, anh Nguyễn Văn Trường - một chủ cơ sở chuyên chế biến sứa, người từng tham gia thu mua cá. Anh Trường cho biết: "Thực tình nói là em thu mua cá chết là không đúng. Em chủ yếu mua cá còn sống, cá mắc lưới của những người đi thuyền thả lưới gần bờ. Sau đó, về phân loại đổ cân cho đầu mối lớn hơn ăn chênh giá làm lời thôi. Hôm qua, các bác chính quyền và cả công an cũng tới cơ sở em nói em thu mua cá chết. Đâu phải! Em gỡ cá lưới đó chứ. Việc này ai cấm đâu?”.


Các cơ sở thu mua cá nghi nhiễm độc giờ trong tình trạng cửa đóng then cài.

Tuy nhiên ngay trong sáng 27/4 khi chúng tôi đến cơ sở này thì đã không còn cảnh thu mua tấp nập như những ngày hôm trước. Tất cả các hoạt động đều đã dừng hẳn, ngay cả việc làm sứa cũng không thấy. Một bà cụ già có mặt tại cơ sở này cho biết, năm nay biển nhiễm độc có sứa nữa mô. Hôm qua xã vào không cho thu mua cá nên tụi nó nghỉ cả rồi.

Cảnh cửa đóng then cài cũng diễn ra tương tự tại 2 cơ sở khác ở thôn Thanh Quang là cơ sở thu mua hải sản của Công ty TNHH Hà Linh và Công ty TNHH DV-TM Thanh Quang. Theo lời một vị cán bộ xã Thanh Trạch, tại khu vực này chiều 26/4 vẫn còn diễn ra cảnh tượng mua cá nổi gần bờ, dù xã đã nhắc nhở từ trước.

Tiếp tục lần theo đầu mối các thương lái, chúng tôi đến Cảng cá sông Gianh, nơi được cho là có địa điểm bán cá của tất cả các thương lái kể trên. Tại đây, khi chúng tôi tìm hiểu, rất nhiều người lập tức né tránh, rồi nhanh chóng lẩn trốn. May mắn chúng tôi được tìm được vài người nhiệt tình chỉ tận nơi thu mua loại cá nghi nhiễm độc. Đó là cơ sở thu mua cá của Công ty TNHH – TMTH Phước Sang - một đơn vị thu mua hải sản lớn tại Quảng Bình.

Tại khu vực, thu mua sản phẩm của đơn vị này luôn có đội ngũ người lao động đông đảo sẵn sàng hỗ trợ những ngư dân, thương lái đưa cá vào cân và cấp đông trong thùng xốp. Tuy nhiên, trong buổi sáng chúng tôi không thấy cơ sở này thu mua bất cứ loại cá gần bờ nào. Tất cả các loại cá được nhập đều là cá đánh bắt xa bờ của thuyền lớn. Qua trao đổi, ông Nguyễn Khánh Thành – Chủ kho hàng của công ty Phước Sang cho biết: Mấy ngày trước thì chúng tôi nhập tất cả các loại cá. Cứ tươi là cân tính tiền. Còn từ chiều qua đến giờ, sau khi huyện xã về chỉ đạo dừng thu mua, chúng tôi đã không thu mua cá, hải sản gần bờ nữa.



Cũng theo ông Thành, toàn bộ số cá nhập hôm trước (cá gần bờ, cá nghi nhiễm độc – PV) đã được đóng thùng cho xe chở đi hôm qua rồi. Chủ một số cơ sở thu mua cá cũng tiết lộ thông tin về người mua cá và hành trình của số cá này. 

Văn Thanh

Bắt xe đông lạnh thu mua cá chết

Chủ xe cho biết không mua cá đã chết mà chỉ mua cá sống và cá đang “lờ đờ”. Sau khi mua sẽ đem đi bán lại.


Chiều 26/4, Sở NN&PTNT và cảnh sát môi trường tỉnh Quảng Bình đã về các địa bàn ven biển thì phát hiện một xe đông lạnh của thương lái đang thu mua cá do ngư dân vớt ven biển thuộc phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn.


Cá thiều chết trôi dạt vào bờ biển Quảng Phúc (Quảng Trạch) chiều 26/4

Lập tức, lực lượng này đã yêu cầu chủ xe tiêu hủy toàn bộ số cá vừa mua và không được tiếp tục thu mua cá vớt ven bờ biển.

Xác minh ban đầu, chiếc xe đến từ Hà Tĩnh, chủ xe cho biết không mua cá đã chết mà chỉ mua cá sống và cá đang “lờ đờ”. Sau khi mua sẽ đem đi bán lại.

Thời điểm phát hiện, chiếc xe mới chỉ mua được một ít cá được ngư dân vớt ven bờ lên bán.


Tình trạng cá chết rải rác quay trở lại. Ảnh chụp sáng 27/4 tại bờ biển Đá Nhảy, xã Thanh Trạch, Bố Trạch

Sáng nay, ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch (Bố Trạch) cho biết: “Không có việc ngư dân vớt cá chết bán cho thương lái mà chỉ có các thuyền của Hà Tĩnh vào các vùng biển trên địa bàn xã thả lưới gần bờ nên thương lái thu mua ngay tại chỗ.

Sau khi phát hiện, xã đã báo cáo lên huyện, tỉnh và đã có công văn chỉ đạo không được thu mua kể cả cá sống được đánh bắt gần bờ, sống gần bờ chứ không riêng gì cá chết.

Xã cũng đã có thông báo và có cam kết đến từng hộ không được thu mua của các tàu đánh bắt gần bờ".

Lúng túng xử lý xác cá

Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình cho hay, trong những ngày qua, hàng chục tấn cá chết dạt vào bờ biển tỉnh này đã được tiêu hủy.

Tuy nhiên, việc tiêu hủy chủ yếu là chôn lấp và rắc vôi bột khử trùng. Hiện địa phương không có cách khác dù biết việc tiêu hủy theo cách này là không được an toàn.

"Phải biết là cá bị nhiễm hóa chất gì thì chúng tôi mới biết phải dùng hóa chất gì đề khử độc", ông Du thông tin.


Không được thu mua cá chết gần bờ kể cả còn sống hay đã chết.

Theo ông Nguyễn Văn Lào, xác cá chết thường trôi dạt vào bờ lúc thủy triều lên. Hai ngày gần đây cá chết bắt đầu quay trở lại, nhưng cũng rải rác mà không ồ ạt như trước. Hiện xã đã phối hợp với các lực lượng thu gom xác cá chết rồi tiến hành đào hố sâu để chôn lấp và rắc vôi bột khử trùng.

Nhiều ngư dân xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới), Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), Thanh Trạch (Bố Trạch) cho biết, khoảng 2 ngày nay, tình trạng cá chết trở lại và tiếp tục trôi dạt vào bờ nhưng số lượng ít hơn và kích cỡ nhỏ hơn.

Đặc biệt có rất nhiều cá vẫn còn lờ đờ và cá mới chết dạt vào gần bờ vẫn còn tươi, trong đó chủ yếu loài cá sống tầng đáy như mú, chai, đù, đục, thiều...

Trong khi chờ nguyên nhân cá chết từ các cơ quan chức năng, UBND tỉnh đã khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm, thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc kinh doanh, vận chuyển ra khỏi địa bàn.

Chỉ đạo ngư dân ngừng khai thác thủy sản ven bờ cho đến khi không còn tình trạng cá chết bất thường và môi trường biển trở lại bình thường (khi cơ quan chức năng thông báo); riêng khai thác xa bờ và vùng biển xa vẫn tiếp tục sản xuất bình thường...

Hải Sâm

Ăn cá nục bán ở chợ, một người nhập viện

Sau khi ăn hết nửa bát cơm và phần đuôi cá nục kho, ông La cảm thấy miệng, cổ bị bỏng rát. Sau 1 ngày, phần cổ, mặt sưng phù, nổi ban đỏ, miệng lở loét nên ông La được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

 


Chiều ngày 26/4, bác sỹ Lưu Đình Bình, Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa TP Vinh (Nghệ An), cho biết, sau 4 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Trương Như La (SN 1965, trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An) đang hồi phục, các chỉ số sinh tồn ổn định, bệnh nhân hết sốt, các ban dị ứng mờ dần, toàn trạng đáp ứng tốt.


Bệnh nhân Trương Như La hiện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh với những triệu chứng dị ứng sau khi ăn cá biển.

Trước đó, vào hồi 1h30 ngày 22/4, Bệnh viện đa khoa TP Vinh tiếp nhận bệnh nhân Trương Như La trong tình trạng bị sốt, đau bụng, người nổi ban (đặc biệt ở vùng mặt, cổ), ngứa, miệng bị loét, không nuốt được.

Ông Trương Như La cho biết, vào chiều ngày 20/4, người nhà ông mua 5 con cá nục ở chợ Vinh về kho. Trong bữa cơm, vợ và con ông La ăn hết hai con cá, ông La không ăn. Đến khoảng 12h đêm, do có triệu chứng hen suyễn nên ông La ăn cơm để uống thuốc.

“Khi ăn được nửa bát cơm với phần đuôi cá nục kho thì tôi thấy miệng, má phía trong bỏng rát nên không ăn nữa. Một lát sau thì miệng sưng lên, phồng rộp và có cảm giác ngứa. Sau đó tôi có uống 2 viên thuốc chống hen (thỉnh thoảng ông La vẫn uống thuốc này do có tiền sử bệnh hen – PV). Đến sáng hôm sau tình trạng cũng không đỡ hơn. Mặt, miệng, cổ sưng phù, nổi ban dày đặc. Phía trong miệng và vòm họng bị lở loét”, bệnh nhân Trương Như La cho hay.


Các nốt ban đỏ khắp mặt, cổ, miệng bị lở loét khiến bệnh nhân không thể ăn hay nuốt được.

Sáng ngày 21/4, gia đình đưa ông La đến 1 cơ sở chữa bệnh tư nhân và được truyền dịch. Đến tối, tình trạng sức khỏe không khá lên, ông La được người nhà là nhân viên y tế truyền dịch, cho uống thuốc chống phù nề và tiêm một mũi tiêm. Tuy nhiên, đến nửa đêm, ông La tức ngực, khó thở, cổ họng đau không nuốt được, các vết ban dày đặc lan xuống ngực và lưng nên được đưa gia đình đưa đến bệnh viện.

“Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Khai thác từ người nhà và những biểu hiện bệnh thì chúng tôi nhận định bệnh nhân bị dị ứng, chưa loại trừ dị ứng thực phẩm. Tuy nhiên, vào thời điểm đó bệnh nhân vừa ăn cá biển, vừa uống thuốc chống hen nên khó xác định là dị ứng thuốc hay dị ứng thực phẩm do ăn cá biển”, bác sỹ Lưu Đình Bình cho hay.


Hiện, các nốt ban đang mờ dần, bệnh nhân hết sốt, đã ăn được sau 4 ngày điều trị tại bệnh viện.

Sau khi thấy triệu chứng bất thường của ông Trương Như La, cho rằng có liên quan đến số cá biển vừa kho người nhà ông đã đổ hết cá và đun nước sôi nhiều lần để “khử độc”. Bác sỹ Bình cho rằng do không còn mẫu thức ăn nên việc xác định nguyên nhân có phải là do cá biển bị nhiễm độc tố hay không là rất khó.

Hiện bệnh nhân Trương Như La đang được tiếp tục theo dõi.
Nguồn: baogiaothong.vn, vietnamnet.vn, dantri.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.