Chuyên mục
17 tỉnh không xử vụ tham nhũng nào:Không đúng, chưa đủ...
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

17 tỉnh không xử vụ tham nhũng nào:Không đúng, chưa đủ...

Thứ sáu 17/03/2017 03:13 GMT + 7
Một số lãnh đạo tỉnh thành lên tiếng cho rằng việc không xử trường hợp nào tham nhũng là do không phát hiện, chứ không phải không thực hiện.

Không phát hiện được

Ngày 16/3, tại Hội nghị tổng kết dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, đưa ra thông tin, nhiều địa phương không phát hiện ra trường hợp nào sai phạm về tặng quà và quà tặng, không phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực và có những địa phương không xử lý trường hợp nào về tham nhũng…

Cụ thể, trong năm 2016 có tới 17 tỉnh không xử lý trường hợp tham nhũng nào như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Tình trạng này cho thấy ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng chưa cao, không thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, chiều ngày 16/3, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định: "Không phải chúng tôi không xử lý mà là không phát hiện được trường hợp nào, mà chúng ta không thể không có mà lại biến thành có được.

Với những kết luận của Cục chống tham nhũng hãy gửi cho các địa phương, để xem xét".

Không phát hiện trường hợp nào tham nhũng.

Bên cạnh đó, theo ông Hải, thực tế việc này còn tùy thuộc từng địa phương, không phải chúng tôi không triển khai công tác phòng chống tham nhũng, cũng không phải phát hiện được mà không xử lý. Thiết nghĩ, chỉ khi phát hiện mà không xử lý, dung túng cho nhau mới là vấn đề cần đặt ra.

Ở Cà Mau cũng có chương trình, kế hoạch, kiểm tra, có kê khai tài sản cụ thể, nói chung các quy định về phòng chống tham nhũng, Ban thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo rất cặn kẽ.

"Qua việc không có trường hợp nào bị xử lý, mà nói lãnh đạo tỉnh không có quyết tâm, quy trách nhiệm cho người đứng đầu là tôi thấy chưa ổn.

Thực tế hiện nay chuyện biếu quà tặng, tham nhũng biến tướng nhiều nên việc phát hiện cũng khó khăn, mà nó là cái khó chung, chứ không riêng Cà Mau. Tinh thần là nghiêm túc thực hiện chủ trương chung của Đảng, Chính phủ về vấn đề này", ông Hải lên tiếng.

Trong khi, cũng đưa ra quan điểm về việc này, ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, ở đây chỉ vì địa phương không phát hiện được trường hợp nào để xử lý chứ không phải không xử lý, không có thì không thể bắt họ đè ra để bắt họ nhận là họ tham nhũng.

Còn nếu tỉnh nói, tỉnh làm mà không tin thì mời trung ương vào làm, vào kiểm tra, Luật pháp có quy định rõ ràng, lãnh đạo không chống tham nhũng thì xử lý lãnh đạo, cứ làm theo đúng chủ trương.

Đồng tình quan điểm ông Kim Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cũng nhận định: "Ở đây là không phát hiện chứ không phải không xử lý, phát hiện ra là một chuyện tìm được chứng cứ để xử lý lại là một việc khác.

Chúng tôi vẫn thực hiện theo chủ trương từ trên xuống, Trung ương không tin thì đi kiểm tra. Các địa phương vẫn triển khai rốt ráo, nhưng kết quả còn phụ thuộc nhiều yếu tố".

Không có tham nhũng lại thấy lạ?

Nhìn nhận đánh giá trên ở góc độ khác, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói rõ: "Phòng chống tham nhũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cho nên địa phương nào cũng nhất tâm thực hiện, Cần Thơ cũng vậy, việc này được triển khai rất đầy đủ, chặt chẽ, quyết liệt, nói Cần Thơ không xử lý trường hợp nào, thông tin này chưa chuẩn.

Cần Thơ đã xử lý và đang làm, cho nên chuyện xử lý là có, nhưng theo cách cơ quan tự phát hiện, cơ quan pháp luật làm thì dĩ nhiên chính quyền không can thiệp, nhưng cơ quan pháp luật thì cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền.

Như Cần Thơ năm vừa qua xử lý vấn đề thanh tra giao thông, đó là vụ việc lớn, hiện đang làm kiên quyết. Trách nhiệm của người lãnh đạo để xảy ra việc đó, cũng xử theo quy định của pháp luật, sau khi tòa án xử xong sẽ xác định mức độ nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, không nghiêm trọng, căn cứ vào đó xử lý người đứng đầu.

Việc làm này yêu cầu đảm bảo đúng quy trình từ điều tra, kiểm soát, ra tới tòa án, có kết quả mới giải quyết trách nhiệm người đứng đầu. Và nhiều vụ việc khác chúng ta đang xử lý như giảng viên trường Cao đẳng Cần Thơ bị hai nữ sinh tố vòi tiền, gạ tình.

Có lẽ các vụ án liên quan đến cơ quan điều tra không được đưa vào danh sách, chứ còn đúng ra Cần Thơ có xử lý một số trường hợp, vì có chỉ đạo của Thường vụ và Ủy ban rất rõ ràng".

Riêng việc, đánh giá lãnh đạo địa phương chưa quyết tâm theo ông Thống cũng hơi chủ quan, vì các địa phương phải phát hiện được mới xử lý, vì đây là việc phải có chứng cứ một cách chặt chẽ, chứ không hề đơn giản. Cho nên, không phải địa phương nào không xử lý là địa phương đó thiếu trách nhiệm, suy nghĩ như vậy là chưa khách quan.

Muốn xử lý vấn đề đó cho rút ngắn thì cũng phải quy định của pháp luật, cũng có tiêu chuẩn, không làm khác được, làm khác là sai Luật, rất nguy hiểm, phải làm đàng hoàng, chặt chẽ, thận trọng.

Chia sẻ về kinh nghiệm giải pháp chống tham nhũng, theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thì địa phương đang thực hiện theo quy định chung của chuyên môn, thực hiện triệt để.

"Chúng tôi tập trung vào 2 khâu: thứ nhất, công tác quản lý cán bộ, quản lý con người thực thi nhiệm vụ, phân công, phân cấp cụ thể, đối tượng nào chịu trách nhiệm, các Sở, ban ngành áp dụng triển khai từ lâu.

Vấn đề kê khai tài sản, quản lý tài sản, minh bạch tài sản, thực hiện rất đầy đủ, tuy nhiên chỉ có vấn đề là việc xác minh tài sản, cái này về mặt chủ trương ưu tiên rõ ràng, nhưng chưa làm hết theo yêu cầu hiện nay dư luận đưa ra, cái này tôi nghĩ cũng sẽ làm được, vì nó nằm trong yêu cầu chung.

Thứ hai, vấn đề cải cách hành chính, vấn đề rất quan trọng, phát sinh tiêu cực thường phát sinh nhũng nhiễu, các khu vực dễ xảy ra tham nhũng, như quản lý dự án, đầu tư, tài chính, thuế...cũng có dư luận hết sức chặt chẽ quản lý, xác định trách nhiệm thực thi công vụ.

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói rằng, nếu đưa ra kết luận điều gì cũng phải trên một cơ sở khách quan, nếu không có mà nói cho có cũng không được, cái gì cũng phải có quy trình, theo Luật.

Tôi nghĩ xu hướng bây giờ cái gì cũng có tham nhũng, không có thì nghĩ nó lạ, tại sao không suy nghĩ chỗ nào làm tốt không có, điều đó là mong muốn của toàn Đảng, toàn dân", ông Thống nói rõ.

Châu An
Nguồn: baodatviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.