Chuyên mục
Ốp Saliut - Một thời để nhớ!
BÌNH LUẬN
ban quản trị salut đã làm dược cho bà con nhiều việc, cảm ơn nhiều. ốp và bà con gắn bó keo sơn bao nhiêu năm, ân tình...
salut khong the quen//cam on
Quả thật 1 thời kỷ niệm vui buồn của chúng ta đã sống và làm việc tai xa lút 12345 ( khóc cũng ở đây và rồi cười cũng...

Ốp Saliut - Một thời để nhớ!

Thứ tư 29/11/2017 20:12 GMT + 7
(Kính tặng những bà con đã từng sống và làm ăn ở ốp Saliut1,2,3,4,5 - Moscow, LB Nga - của một thời đã qua…)

Những ai đã sống và làm ăn ở các ốp Saliut 1,2,3,4,5 của những năm tháng 90 về trước hẳn chẳng bao giờ quên bao nhiêu kỉ niệm vui buồn, gian khổ có, sướng vui có…

Chúng ta đã trải qua những năm tháng cực khổ gian nan nhiều khi phải đổi lấy nước mắt và cả máu khi tha hương nơi xứ người! Nhưng với bản chất cần cù, thông minh, chịu thương chịu khó của người dân nước Việt không phân biệt vùng miền, biết đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau mà vượt qua tất cả để đạt được những kết quả mĩ mãn cho mỗi gia đình, bản thân và con cái.

 

Nói đi thì nói lại, chúng ta vẫn phải biết ơn (“ăn quả nhớ kẻ trồng cây”) những người đã mở đường tạo điều kiện cho bà con làm ăn nơi xứ người trong thời buổi nước Nga hậu Liên Xô vô cùng khó khăn về kinh tế, bất ổn về chính trị. Đó là anh Võ Văn Hồng và các đồng nghiệp gắn bó của mình trong ban quản trị ốp, khi buổi đầu sơ khai đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng!

Kỉ niệm về ốp Saliut và con người với thời cuộc khi đó nhiều lắm, khó bút nào kể xiết! 

Anh Võ Văn Hồng (ngoài cùng bên phải).

…Còn nhớ ngày đó vào năm 1992, khi Liên Xô ở thời kỳ tan rã, các nhà máy có công nhân Việt Nam làm việc theo tinh thần Hiệp định Hợp tác lao động ký kết giữa VN – LX, 1980, buộc phải trở về nước. Nhưng những người lao động hợp tác như anh Hoàng Thành Vinh quê ở Nghi Lộc, Nghệ An và bao nhiêu người khác đã chấp nhận ở lại nước Nga tự kiếm kế mưu sinh. Anh Vinh kể: “Ngày đó tôi đến ốp Saliut 1 ở đường Dobroliubova nhà số 16/1 nơi có anh Võ Văn Hồng (quê ở Thanh Chương Nghệ An sang làm nghiên cứu sinh) và mấy người bạn nữa đang thuê ký túc xá (gọi là ốp) để cho một số bà con có nơi ăn ở sinh hoạt. Ốp khi đó còn vắng lắm. Một số người "đánh" hàng thuốc Tây, chó cảnh…về VN là chủ yếu. Còn buôn hàng VN sang trong ốp này thì chưa ai làm. Vì thế, tôi đã chủ động đi lấy hàng ở các nơi khác như ở ốp Búa Liềm, Zil, Nago…về Saliut 1 để bán bởi khi đó trong ốp chưa có ai làm việc này. Họ chỉ đi bán hàng ở chợ sân vận động hay các chợ lẻ nhỏ hoặc ngoài đường phố. Buổi đầu chưa có khách, dần dà nhờ có quảng cáo tốt, nên lác đác khách vào mua. Nhiều người thấy vậy cũng bắt chước và rồi ốp đã có nhiều quầy bán hàng áo quần, đồ dùng sinh hoạt cho người dân Nga quanh vùng. Giá cả phải chăng, khách hàng cũng hài lòng. Anh Hồng rất vui và khen ngợi”. Cũng chính tại ốp Saliut 1 này, anh Vinh và chị Huệ đã làm lễ thành hôn, tới nay anh chị đã có 2 cậu con trai làm ăn thành đạt. 

Vậy là, từ chỗ ốp ở nhỏ đã hình thành nơi bán buôn hàng hóa. Các quầy ăn uống và dịch vụ khác…cũng mọc lên. Nhà ăn Hải Chòi là người đầu tiên. Sau đó có anh Công (quê Quỳnh Lưu) cùng anh Hiến và mấy người nữa mở quán ăn “Quê hương”...không khí của ốp vui vẻ nhộn nhịp hẳn lên! Anh Mai, anh Cảnh Hoàng, anh Châu, anh Cảnh Nam đánh hàng bên Ba Lan về giao cho bà con bán tại ốp hoặc tùy ý. Ban quản trị ốp Saliut 1 cũng mạnh dần với đội ngũ có kiến thức, vì hầu hết các anh sang Nga làm nghiên cứu sinh, một số anh khác như anh Sửu, anh Đề (từ Bulgari sang), chị Nga, anh Thái, anh Lâm, anh Bảo…Ốp từ chỗ chỉ thuê tầng 1, sau khi những nữ công nhân dệt đã về nước hết thì anh Hồng, anh Niên cùng ban quản trị thuê hết tòa nhà 5 tầng và bà con cũng ở khép kín.

 Năm 1993, 94 do nhu cầu ăn ở sinh hoạt ngày càng lớn, các anh đã chủ động thuê thêm ốp Saliut 2 cách ốp Saliut 1 mấy chục mét (nhà số 20/25 cùng tuyến đường Dobroliubova) vốn là khu ký túc xá của sinh viên trường Đại học Giao thông đường sắt. Khi nhắc lại câu chuyện thuê ốp Saliut 2, chúng tôi còn chưa hết rùng mình. Bởi tầng hầm của ốp Saliut 2 là nơi nhóm người Chechenya thuê để sản xuất rượu lậu. Họ đã cử những tay “anh chị” (!) sang đe dọa anh chị em trong ban quản trị ở Saliut 1. Rốt cục, mọi việc êm thấm do sự “dàn xếp” chu đáo của anh Hồng và anh Niên. 

Tầng 1 ốp Saliut 2.

Ốp Saliut 2 buổi đầu còn vắng lắm, bao giờ chả thế? Nhưng rồi người đến mua phòng, thuê phòng tăng lên vì làn sóng người sang Nga từ VN nhiều lên do khó khăn về cuộc sống ở quê nhà lúc đó (trong đó có nhiều người từng làm việc ở Nga – chúng tôi gọi là “Nga quay”) người ở thành phố xa lên, người ở các ốp khác bị vỡ dồn về. Và chỉ khi đôm 5 mới, đôm 11 của ông Trịnh Viết Ngọ bị nhà chức trách Nga buộc phải đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 19.5.1994 thì làn sóng người ồ ạt kéo về ốp Saliut 1 và Saliut 2 tăng lên chóng mặt! Nhìn lên cầu thang của tòa nhà 9 tầng ở Saliut 2 chỉ thấy đầu người nhấp nhô…bước chân cứ rầm rập từ sáng sớm tới tận khuya.

Ốp Saliut 2 trở nên nổi tiếng như cồn khắp Liên Bang Nga và lan tỏa đi muôn phương. Thậm chí khi ta rời khỏi sân bay Domodedovo hay Sheremetyevo 2 các ông tắc-xi Nga đã biết ngay anh chị người Việt này muốn tìm về “tổ ấm” nào! Xung quanh ốp, trong ốp là biển người – ta có, Tây có, Tây các loại nữa! Tôi còn nhớ, có dạo nguời vào mua hàng hóa đông đến nỗi phải bán vé vào cửa (10 rúp) mà dòng người cứ dài dằng dặc ra tận ngoài sân! Bà con mình bán hàng trong phòng, hàng chất tận nóc phòng, tràn ra lối đi ở hành lang, nhiều phòng thuê thợ Việt tận dụng gỗ để làm gác xép có nơi ngủ nghỉ. Giá phòng ốc đắt như “tôm tươi” (cái này là do bà con tự mua đi bán lại cho nhau, còn giá ban đầu của ban quản trị là hữu nghị) Hàng quán, dịch vụ…mọc lên như nấm. Có dạo, cả tầng 5 ở ốp Saliut 2 là dãy quán ăn cơm, phở, bún, miến, lòng lợn tiết canh…quả thật như chợ hàng Đào hàng Ngang vậy – mọi người nói vui khi trà dư tửu hậu.

Ốp Saliut 2 quá tải vì xe chở hàng kéo về ùn ùn, người từ các nơi đổ về lấy hàng khiến giao thông tắc nghẽn. Cầu cần cung – nên các anh Hồng, Niên đã phải khẩn trương mở ngay Saliut 3, rồi Saliut 4 (chỉ cách ốp Saliut 2 và 1 có đoạn đường khoảng 1 km) mới giải tỏa được nhu cầu. Cả 2 khu chợ này có địa bàn rộng lớn hơn nên có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn hàng cho thị trường cả liên bang Nga. Tại 2 địa điểm này chi có bán hàng và cung cấp nguồn hàng phong phú chứ không dành cho ăn ở sinh hoạt, khác hẳn với ốp Saliut 1 và ốp Saliut 2.

Xin nói thêm, ốp (kí túc xá) vừa là nơi ăn ở vừa là nơi dùng để bán hàng. Người Nga khi đó cũng rất dễ dãi, nên có thể nói đó là điều kiện và cơ hội cho bà con người Việt ta làm ăn khá giả. Bao nhiêu người Việt sinh cơ lập nghiệp có của ăn của để, nhiều người tay trắng nên cơ đồ! Tuy nhiên, cũng không phải là không gặp phiền phức từ nhà chức trách (nhất là một số phần tử không tốt) chưa kể bị quấy nhiễu do nạn cướp giật chấn lột, thậm chí nhiều người bỏ mạng nơi xứ người trên đường đi lấy hàng…Tình trạng kiểm tra các loại giấy tờ hộ khẩu, thuế má, bán hàng cũng gây khó khăn không ít cho bà con nhưng về phía bà con cũng phải gánh trách nhiệm trong vấn đề này khi mình làm ăn nơi xứ người.

Ốp Saliut 3.

Thời điểm Saliut 3, 4 phải đóng cửa, lập tức ốp Saliut 5 trở nên sầm uất. Bà con được chuyển sang nơi này làm ăn (khi Saliut 3, 4 vào năm 2003 được phép mở lại, một số bà con đã quay trở lại) tuy nhiên địa bàn ở Saliut 5 và điều kiện làm ăn đã ngày một trở nên khó khăn hơn. 

Ốp Saliut 1 phải đóng cửa do nhà máy lấy lại. Ốp Saliut 5 được mở thêm, ốp nằm ở khu vực cạnh ga xe điện ngầm Xavelovxkaia. Vị trí này ban đầu chỉ là nhà máy bỏ hoang (người có công “tìm ra” là anh Chuyên, chúng tôi hay nói vui “anh là Magienlăng” – tên của nhà thám hiểm tìm ra châu Mỹ, bởi anh Chuyên vốn là một nghiên cứu sinh, anh có công tìm ra nhiều công sở, nhà máy của người Nga không sử dụng nữa để cho người Việt thuê. Nhưng cuộc đời của anh, một con người hiền lành đã gặp phải không ít những sự éo le, vất vả và bất công!) Anh Hồng và ban quản trị đã phải đổ bao nhiêu tiền của, công sức mới cải tạo thành một nơi buôn bán sầm uất và chốn ăn ở sinh hoạt khang trang cho bà con. Tôi còn nhớ, người lăn lộn với công trình này là anh Bùi Văn Ánh (trong ban quản trị) vốn là một kỹ sư ở nhà máy cơ khí Vinh, Nghệ An trở lại Nga sau khi đã về VN một thời gian.

Khi Salut 2, 3 sầm uất nổi như cồn khắp Liên Bang Nga và thế giới (nói chi dư âm về quê nhà) thì chợ Vòm (chợ Cherkizov) còn chưa có tên tuổi! Chúng tôi còn nhớ, hồi đó ở chợ Vòm chỉ là nơi của mấy tay dân “đầu đen” (cách gọi dân Trung Á của bà con ta) dùng làm kho bãi với những container chứa đầy hàng hóa, thậm chí nhiều nơi cỏ dại còn mọc phủ khắp lối đi. Sau đó thì một số người Việt cũng tham gia như chị Tửu, anh Võ Kim Thanh (người có công đưa ông Lê Ngọc Hường khi đó còn hành nghề lái xe tắc-xi ở chợ Saliut 3 vào làm ban quản trị của ông Võ Kim Thanh) chính cái tên chợ KT là từ viết tắt của Kim Thanh.

Saliut 3, 4 đã trải qua “cơn phong ba” do sự cố đáng tiếc nên buộc phải tạm đóng cửa vào năm 2002, sau đó được phép mở lại vào 2003 và đến 2006 thì đóng cửa hẳn. Ốp Saliut 2 vào tháng 5.2000 chỉ còn được ở, không được bán hàng, mọi người phải dồn sang Saliut 3, 4 và 5. Năm 2004, ốp Saliut 2 cũng phải trả lại cho cơ quan chủ quản.


Vậy là, các ốp Saliut 1,2,3,4,5 trải qua bao biến cố thăng trầm biến thiên lịch sử của nước Nga hậu xô-viết với nhiều năm lao tâm khổ tứ, lên thác xuống ghềnh, ban quản trị trung tâm thương mại Bến Thành do anh Võ Văn Hồng làm chủ tịch, người đã tạo điều kiện cho biết bao bà con người Việt nơi xa xứ có nơi ăn chốn ở, sinh cơ lập nghiệp, con cái thành danh. Bao người từ quê nhà sang, từ nơi xa đến rồi từ nơi này ra đi tỏa muôn phương trời hay về lại quê hương! Họ luôn ghi sâu ân tình, nhớ mãi những kỉ niệm của một thời khó quên, của một thời để nhớ…

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)
39 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.