Chuyên mục
Xuân Bắc: Làm việc gì phải 'nét' việc ấy
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Xuân Bắc: Làm việc gì phải 'nét' việc ấy

Chủ nhật 03/02/2013 07:45 GMT + 7
Nổi tiếng với vai Núi trong phim Sóng ở đáy sông, nhưng nghệ sĩ Xuân Bắc lại không gắn bó với màn ảnh nhiều. Có lẽ do bản tính năng động và thừa năng lượng của tuổi trẻ, anh đến với với sân khấu nhiều hơn.

Khán giả vẫn biết Xuân Bắc với vai trò MC trên rất nhiều chương trình truyền hình ăn khách như "Hỏi xoáy đáp xoay", "Đồ rê mí", "Đuổi hình bắt chữ". Anh là diễn viên hài nổi tiếng trong "Gặp nhau cuối tuần", "Gặp nhau cuối năm" và rất nhiều chương trình khác cho thiếu nhi, nhưng ít người biết rằng anh còn là một nhà hoạt động xã hội năng nổ, đặc biệt là đối với các vấn đề liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên. Từ mấy năm nay, anh là Đại sứ của chương trình "Nhảy múa vì cuộc sống" thuộc Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc và mới đây nhất, anh lại được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí của UNICEF. Xuân Bắc còn là Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Những ngày cuối năm, giới báo chí nói rằng hẹn gặp "Nam Tào" Xuân Bắc còn khó hơn gặp... Ngọc Hoàng. Anh cũng như cả ê-kíp "Gặp nhau cuối năm" đang bận rộn thu hình cho show diễn được khán giả cả nước chờ đợi trong đêm giao thừa.

"Gặp nhau cuối năm" năm nay có gì mới? Có thông tin là anh và Công Lý sẽ đổi vai cho nhau, có nghĩa anh sẽ là "cô Đẩu"?

Không, tôi vẫn là Nam Tào, nhưng sẽ ở "định diện" khác, "giao diện" khác. Còn nội dung thì vẫn trong quá trình tập và kịch bản luôn bị "phá", tôi không thể nói trước điều gì, ngoài điều chắc chắn là sẽ đề cập đến các vấn đề mọi người quan tâm. Những điều mọi người quan tâm cũng chính là những điều chúng tôi quan tâm vì chúng tôi đều là những công dân tốt, trăn trở với những điều bất cập trong cuộc sống. Thế nhưng đề cập đến đâu, tiếp cận vấn đề như thế nào thì đang là quá trình xây dựng.

Táo quân năm ngoái đã được tiết chế nhiều về cách đề cập cũng như giải quyết vấn đề khiến cho mọi người không được thỏa mãn lắm vì có cảm giác những người làm chương trình đã né tránh việc phê bình trực diện?

Thứ nhất, như trên đã nói, vấn đề mà mọi người bức xúc thì chúng tôi cũng quan tâm, mà đã quan tâm thì phải nghĩ cách giải quyết vấn đề thôi. Hy vọng rằng, mọi người sẽ yêu mến chương trình. Nhưng có một điều gần như là công thức cho rất nhiều việc, trong đó có Táo quân: Lúc đầu đều cố gắng làm cho thật hay, hay để có thương hiệu, hay để mọi người chú ý. Nhưng hay rồi thì rất khó để hay hơn nữa.

Thứ hai, truyền hình cũng là thể loại báo chí. Ngoài những tiêu chí của báo chí thì phải có một số tiêu chí cho người làm nghề. Do vậy, những người làm chương trình phải làm sao hài hòa được tiêu chí và mục đích. Chúng tôi luôn phải cân nhắc từng câu, từng chữ chứ không phải là thay mặt ai đó để làm cái gì đó được. Kịch bản ban đầu với vở diễn rất khác nhau, bao giờ cũng thế.

Sự khác nhau như thế là do sáng tạo của diễn viên trong quá trình tập luyện hay do nội dung phải thay đổi do có những vấn đề nhạy cảm?

Do nhiều yếu tố. Mỗi sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm trí tuệ tập thể. Có khi, trong lúc tập, đang bí câu nào đó, hoặc cách xử lý tình huống nào đó, thì một người ở ngoài nói "Sao không làm thế này này...", thế là mọi người như bừng tỉnh. Như vậy, có khi chỉ một câu nói thôi mà giải quyết được vấn đề, thậm chí có khi còn làm cho kịch bản quay ngoắt sang một hướng khác.


Tranh Hoàng Tường

Anh có buồn không khi nhiều người nhận xét rằng hài của Việt Nam đang đi vào lối mòn, gây nhàm chán và đôi khi là phản cảm do nội dung đã đành, diễn xuất của diễn viên cứ na ná giống nhau...?

Đương nhiên mọi người nói thế cũng có lý. Chuyện này liên quan đến hai lý do. Trước tiên là liên quan đến phạm trù luôn tương thích với nhau, đó là giữa diễn viên và khán giả. Số lượng diễn viên thì có hạn, đếm trên đầu ngón tay. Khả năng của diễn viên cũng có giới hạn, còn đòi hỏi của khán giả thì ngày càng cao. Điều quan trọng nữa là khán giả luôn là người đánh giá "sản phẩm", đứng ngoài cuộc. Đúng, chúng tôi đang đi vào lối mòn, vui lòng chỉ cho tôi lối "sắc". Làm thế này không hay, vậy làm thế nào thì hay? Không ai trả lời được. Khán giả xem bằng cảm xúc, còn chúng tôi là công việc, công việc ấy phải tính toán tới từng chi tiết cả yếu tố kỹ thuật, yếu tố thực tế sản xuất và cả cảm xúc nữa.

Tôi tin khán giả luôn biết lựa chọn những chương trình, thậm chí là diễn viên yêu thích, phù hợp với mình để xem, tôi xin nhấn mạnh là "phù hợp với mình", chứ trong nghệ thuật rất khó có một tác phẩm nào phù hợp với mọi đối tượng. Nhưng những chương trình một số người không xem thì không có nghĩa là chúng không hay, vì sẽ có những đối tượng khác, người khác cho là hay. Để làm một tiểu phẩm vô cùng gian khổ. Đã có lần tôi nói "cùn" thế này: Chúng tôi vất vả cả một ngày trời để lên sóng ba phút, nhưng nếu bạn khó chịu thì vui lòng chuyển kênh. Có thể đừng xem Xuân Bắc mà chuyển sang xem "Thế giới động vật" nếu thấy "Thế giới động vật" hay hơn. Làm sao có thể thỏa mãn được tất cả mọi người. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng phải chấp nhận thôi, cuộc sống mà - muôn màu lắm.

Mới đây, anh trở lại màn ảnh nhỏ với vai luật sư Minh trong phim Hai phía chân trời đang được phát sóng trên VTV1 và gây được sự quan tâm của khán giả. Từ một diễn viên chuyên diễn các vai hài, vậy việc vào vai một luật sư có là sự "trớ trêu" không, đối với anh?

Có thể mọi người vẫn quen với hình ảnh Xuân Bắc là diễn viên hài hay MC trên sân khấu mà quên mất rằng tôi là người được đào tạo bài bản. Tôi vẫn thường xuyên tiếp xúc với các loại sân khấu được cho là chuyên nghiệp. Có thể tôi không chuyên nghiệp theo nghĩa là tôi không thuộc bộ, ban, ngành nào cả, nhưng ý thức trong nghề nghiệp của tôi là chuyên nghiệp. So sánh diễn xuất thì hoàn toàn do cảm nhận của khán giả. Tất cả các vai diễn đều được đặt ra tính mục đích của nhân vật, họ muốn gì trong hoàn cảnh ấy? Tôi ý thức được điều đó và diễn một cách hồn nhiên như tôi nghĩ chứ không tính toán gì nhiều. Tôi chỉ mong được mọi người nhận xét: Đúng là "nó" vào vai diễn ấy khác hẳn các vai diễn khác, tức là vai diễn ấy "nó" là nhân vật ấy chứ không còn là "thằng Bắc" nữa. Sợ nhất là mọi người lại nói: "Ôi lại thế à, lại na ná như trong phim nọ, phim kia...". Chính vì thế, tôi tin Hai phía chân trời sẽ mang lại cho mọi người cảm nhận đó là Minh chứ không phải là MC Xuân Bắc hay là Nam Tào nữa.

Và đó cũng là một vai "ra tấm ra món" của anh, sau Núi? Đồng thời cũng là sự trở lại với màn ảnh nhỏ, sau một thời gian dài vắng bóng?

Sau Núi, tôi có một vai khá ưng ý trong Con đường sáng. Đó là bộ phim làm công phu về anh hùng tình báo Năm Thu, người đặt nền móng đầu tiên cho nghề tình báo Việt Nam, nhưng có lẽ phim ít được giới thiệu nên mọi người không chú ý. Còn với Minh trong Hai phía chân trời thì cũng có thể coi là đánh dấu sự trở lại của tôi với màn ảnh. Nhưng nói thế thôi, chứ tôi cũng chưa bao giờ ngoảnh mặt đi. Thành ra nói quay trở lại có vẻ không trọn nghĩa lắm. Tôi rất thích phim truyền hình, không phải tôi là diễn viên phim truyền hình mà tôi nói thế, mà nhiều bà con cũng thích phim truyền hình, đặc biệt là phim truyền hình Việt Nam. Nó dung dị và có những nét quyến rũ riêng, đặc biệt là thời gian gần đây bởi vì được đầu tư kỹ càng cả về kỹ thuật lẫn đề tài mà phim đề cập.

Chọn chủ đề phim là thời kỳ "hậu hợp tác lao động" - các anh có khó khăn gì không trong khâu duyệt kịch bản? Và tại sao lại lấy Czech là bối cảnh chứ không phải Nga - nơi có nhiều người Việt sinh sống hơn?

Lấy Czech làm bối cảnh để giảm chi phí làm phim vì phần lớn chúng tôi đều có người nhà bên đó. Trong năm bảy năm gần đây tôi đi nước ngoài nhiều, chủ yếu là diễn cho cộng đồng người Việt. Không hiểu có phải vì quá nhạy cảm hay không, nhưng tôi thấy dân mình ở bên đó đều khổ, kể cả những người giàu có. Nhưng những người giàu có rất ít, chủ yếu là dân lao động. Tôi nghĩ một bộ phim này chưa đủ, còn rất nhiều vấn đề cần đề cập. Ở đâu cũng vất vả nhưng bên đó vất vả hơn chúng ta tưởng. Chủ đề tư tưởng của phim, ngay từ nhan đề cũng đã cho chúng ta thấy phần nào. Để làm phim đó cũng có nhiều trăn trở, nhưng chúng tôi không gặp khó khăn gì. Chỉ có cái khó của tôi là bố trí thời gian để làm việc. Tôi có quá nhiều chương trình phải làm trong nước, "xô chậu" để kiếm tiền mà.

Sao người ta nói Xuân Bắc không phải quá lo đến vấn đề tiền bạc vì có một hậu phương vững chắc, trong đó có gia đình nhà vợ?

Đó là người ta nói, và nếu đó là điều người ta thực sự nghĩ thì cũng rất vui. Nhưng mà kể cả gia đình tôi hay gia đình nhà vợ có hàng nghìn tấn vàng đi chăng nữa thì cũng không quá quan trọng đối với tôi, bởi nhiều người quên rằng, niềm vui và niềm sung sướng nhất của đời người là mình kiếm được tiền bằng công sức của mình và mình tiêu những đồng tiền ấy. Việc cần tiền hay không cần tiền thì chỉ bản thân mỗi người biết được mà thôi. Tôi là người không biết tiêu tiền...

Không biết tiêu tiền hay không có thời gian tiêu tiền, với cường độ làm việc như vậy?

Tôi thực sự không biết tiêu tiền, có lẽ bởi không có nhiều nhu cầu. Tôi chỉ hay mua những thứ lặt vặt thuộc đồ Hi-tech. Tất cả những thứ trà, thuốc, cà phê, bia, rượu... đều không dùng. Cho nên rất ít có cơ hội nhìn thấy Xuân Bắc ở quán bar hay uống cà phê đâu đó. Một phần cũng có thể do không có thời gian để mà vui buồn ngẩn ngơ. Hôm qua tập Gặp nhau cuối năm đến 5 giờ sáng, chạy ù về nhà ngủ đến 7g30, cố dậy, chơi với con một lúc trước khi con đến trường, sau đó lại lăn ra ngủ. Đến 11 giờ đi quay một chương trình, 16 giờ đón con, chở đi loanh quanh một lúc, về nhà giải quyết một đống công việc và giờ lại lên sàn tập, hứa hẹn đến... 5 giờ sáng hôm sau!

Anh có nghĩ là lúc nào đó, mình sẽ đi chậm lại và ra khỏi thế giới ồn ã của sân khấu hài để trở thành một ngôi sao trong điện ảnh?

Tôi nghĩ tôi vẫn đang đi đúng hướng. Tôi là diễn viên, diễn viên thì phải diễn xuất, diễn xuất thông qua các vai diễn, đâu có quan trọng là vai gì, sân khấu hay điện ảnh. Cái chỗ tôi đang có hiện nay là chắc chắn tốt rồi, tại sao lại phải nghĩ đến cái điều mà khả năng "nhỡ đâu" rất cao? Điều này tựa như câu chuyện của La Fontaine về con chó cắp khúc xương đi trên cầu và nhìn xuống sông, thấy khúc xương dưới nước to hơn, thế là bỏ khúc xương trong mồm ra, lao xuống nước... Không ai biết trước được tương lai, tôi cứ làm những điều tôi cho là đúng, tại những thời điểm tôi cho là cần phải làm. Giống như bây giờ, tôi đang nói chuyện với chị, tôi sẽ nói tất cả những điều gì chị thực sự quan tâm và tôi cũng muốn chia sẻ, thế thôi - đó đúng là cảm xúc của tôi, con người tôi. Nói chuyện với chị, cũng như với bất kỳ ai, tôi luôn là chính tôi, chứ không có phân biệt là nói chuyện với báo chí hay nói chuyện với người nọ người kia.

Trong hàng trăm vai diễn đã từng đảm nhiệm, anh thích nhất vai nào?

Điều này rất khó trả lời. Giống như miền Trung có một câu hò "Chào bên ni thì mất lòng bên nớ / Chào quân tử sợ dạ thuyền quyên", vậy nên nếu tôi nói rằng làm đạo diễn, diễn cho trẻ em, làm MC hay diễn hài kịch, hoặc diễn kịch, đóng phim... cái nào hơn thì rất khó. Nhưng điều quan trọng nhất là tất cả những việc tôi đang làm bây giờ vẫn nằm trong khuôn khổ nghề nghiệp của tôi, đều là những việc tôi thích, đó là niềm tự hào của tôi. Tôi cố gắng làm việc nào cũng phải "nét" việc ấy. Quan trọng là mình làm tốt tất cả những việc mình thích ở từng thời điểm. Điều này khá quan trọng đối với tôi, bởi chưa bao giờ tôi "căng thẳng" đặt ra mục tiêu phải bằng người này, người khác. Tôi luôn là tôi và đặt hết khả năng, tâm trí vào công việc, kết quả như thế nào thì vẫn là tôi.

Với vai trò Đại sứ thiện chí, công việc cụ thể của anh là gì?

Ở Quỹ Dân số Thế giới, ngày 29-11 hằng năm chúng tôi có các chương trình tuyên truyền về HIV/AIDS. Tập hợp và hướng dẫn một nhóm đi diễn về các vấn đề như yêu nhau như thế nào cho phải, quan hệ nam nữ ra làm sao cho đúng, cách phòng tránh thai... Trước đó, tôi là giảng viên của Quỹ này về giáo dục sinh sản vị thành niên, do vậy đây là công việc không quá khó đối với tôi. Còn với UNICEF thì chúng tôi kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các chương trình tuyên truyền cho thanh thiếu niên, nhi đồng biết bảo vệ môi trường, tiết kiệm nước, rửa tay trước khi ăn... Năm 2013, chúng tôi tập trung lên kế hoạch ở từng giai đoạn cho việc chống bạo hành đối với trẻ em, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về việc lấy chồng sớm, nhất là đối với các em gái ở vùng cao miền núi, nông thôn...

Chức danh Đại sứ có làm ảnh hưởng tới việc chạy tới, chạy lui "xô, chậu" kiếm tiền của anh không?

Đối với tôi, trong bất kể chương trình nào, điều đầu tiên để tôi nhận lời là do tôi thích thú, chứ không phải là điều người ta mong muốn. Trong trường hợp này, thì điều người ta mong muốn cũng chính là điều tôi cảm thấy thích thú - đó là một niềm vui rồi. Vui hơn nữa là công việc ở Quỹ Dân số hay ở UNICEF đều liên quan đến trẻ em, đối tượng mà tôi luôn quan tâm. Đối với trẻ em bao giờ tôi cũng rất bao dung bởi tôi luôn thấm nhuần câu nói: Đừng trách mắng trẻ em vì bạn đã từng là trẻ em. Đừng khó chịu với người già vì bạn chưa già, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ già.

Nghe nói anh còn mở lớp dạy môn tâm lý cho trẻ?

Nói chính xác là hướng dẫn kỹ năng cho trẻ. Sau một thời gian thử nghiệm, tôi cũng dự định đến hè này sẽ mở trung tâm hẳn hoi. Kỹ năng biểu cảm, khơi gợi cảm xúc rất quan trọng đối với mỗi người, nhất là trẻ em. Tôi tổng hợp tất cả kỹ năng sân khấu, kỹ năng diễn xuất thành một giáo trình "Made in Xuân Bắc". Giáo trình rất đơn giản, từng bước hướng dẫn các em tập trung chú ý. Chú ý sẽ giúp trí tưởng tượng, từ đó có nhiều cảm xúc, rồi biểu cảm cảm xúc và điều quan trọng nữa là dám bày tỏ quan điểm. Sẽ hướng dẫn cho trẻ dám nói ra những điều mình nghĩ và như thế chúng sẽ tự tin hơn trong cuộc sống.

Nhiều việc như thế, liệu anh có thời gian chăm sóc cho con?

Mọi người cũng hay hỏi tôi câu này. Và câu trả lời là đương nhiên tôi phải lo cho con tôi hơn con của người khác. Mặc dù tôi yêu trẻ con, tôi làm nhiều chương trình cho trẻ em, nhưng dứt khoát tôi không có tình thương bao la đến mức lo cho con hàng xóm hơn hoặc bằng con của mình đâu. Tôi là con người thực tế mà.

Xuân Bắc còn nổi tiếng là người giấu kỹ vợ con. "Chị nhà" có phản ứng gì không, về việc hầu như không (được) xuất hiện cùng anh trong các sự kiện của giới showbiz bao giờ?

Vâng, đó là sự thật. Đơn giản là tôi muốn giữ cho vợ con một cuộc sống hoàn toàn bình thường. Điều gì chia sẻ được với mọi người thì cũng đã chia sẻ, rằng, tôi có một vợ và hai con trai khỏe mạnh. Tôi nghĩ, không có người phụ nữ nào dại dột cả. Kể cả những người bị coi là dại dột thì họ cũng rất thông minh trong quyết định của riêng mình. Người phụ nữ quyết định gắn bó cuộc đời với tôi thì chắc hẳn cô ấy đã tính toán rất kỹ càng rồi, cả những niềm vui và những điều phiền muộn...

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất thú vị vào cuối năm.
Nguồn: tuanvietnam.net
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.