Chuyên mục
Người Italia: Nhờ vụ sân Thống Nhất mới biết Việt Nam có… bóng đá
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Người Italia: Nhờ vụ sân Thống Nhất mới biết Việt Nam có… bóng đá

Thứ ba 21/02/2017 15:26 GMT + 7
Khi một đội bóng không thèm đá… thì họ là một ví dụ tiêu biểu của bóng đá cũng như các giá trị của nó cũng chết.

Một thủ môn quay lưng lại đối phương khi đội của anh ta bị quả phạt đền. Đồng đội của anh ta thì đứng bất động trên sân, không thèm tranh chấp và để mặc đối phương ghi hết bàn này đến bàn khác. Họ không quan tâm đến bất cứ điều gì, bất cứ ai khác, mặc kệ các cổ động viên trên sân la ó phản đối, bất chấp các quan chức bóng đá cấp cao trên khán đài.

Họ chỉ cần thỏa mãn sự bức xúc của họ. Sự cố Long An đã gây ra một hiệu ứng lớn, không chỉ với chúng ta, những người đã từng chứng kiến rất nhiều các sự cố khác của bóng đá nội trong những năm qua, mà còn cả truyền thông thế giới. “Không tin nổi”, “thật nực cười”, “thật kì quặc”… họ viết và cùng theo đó là vô số những lời bình luận của độc giả nước ngoài trên mạng.

Các cầu thủ Long An phản ứng trước quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư. Ảnh: IT.

Một người bạn Italia nhắn cho tôi, “nhờ có vụ này mà tôi biết là bóng đá có tồn tại ở nước cậu”. Một bình luận châm biếm, nhưng khá “xoáy”. Họ chỉ biết đến bóng đá chúng ta khi nó có “phốt”.

​Báo chí mấy ngày qua đã nói nhiều đến vụ bê bối ấy, phân tích trên nhiều khía cạnh khác nhau. Có những bài báo chỉ ra những vấn đề của cả một hệ thống mang danh chuyên nghiệp đã gần hai thập kỉ, nhưng không có cách hành xử chuyên nghiệp thực sự.

Họ nói đến những rắc rối đủ kiểu từ nhiều phía, trong đó có những bức xúc do trọng tài gây ra, đã đẩy không chỉ các cầu thủ Long An vào sự bùng nổ ức chế khiến họ có các phản ứng tiêu cực.

Cũng có những bài báo phân tích những sai phạm từ phản ứng của đội bóng ấy, đưa ra những khả năng liên quan đến án phạt. Dù viết theo hướng nào, tất cả đều cảm thấy mông lung về một tương lai trong sạch và yên ả hơn của bóng đá nước nhà, bởi nhìn đâu chúng ta cũng nhìn thấy vấn đề.

Nhưng vấn đề lớn nhất là niềm tin đã bị rạn vỡ từ lâu vào nền bóng đá ấy, giờ gần như trở thành một cuộc chơi của các ông bầu lắm tiền, nhiều của và được quản lí bằng một cơ chế nửa cũ nửa mới, nửa bao cấp, nửa thị trường. Niềm tin ấy không còn nữa khi người ta nhận ra những nền tảng cuối cùng của bóng đá nội đã mất đi.

Nó đã đánh mất đi lượng người hâm mộ lớn lao khi bị quay lưng sau rất nhiều lừa dối, đã trở thành một trò chơi của các quyền lực kinh tế và lợi ích, đã trở nên tha hóa và băng hoại vì rất nhiều tai tiếng liên quan đến cầu thủ, đội bóng hoặc cấp quản lí.

Sự tức giận giáng vào trọng tài chỉ là một minh chứng cho một cuộc phản kháng chống lại các thế lực bóng đá nào đó đã mượn tay các vị áo đen để áp đặt công lí của họ, chống lại một hệ thống quản lí đang ở trên họ và trên hết, chống lại chính bóng đá. Nhưng những phản kháng tiêu cực theo kiểu bỏ bóng không đá sẽ không thể xảy ra ở các nền bóng đá tiên tiến và chuyên nghiêp thực sự, bởi những hậu quả vô cùng nặng nề sẽ phải gánh chịu, kể cả khi việc bỏ đá ấy có lí do đúng đắn từ sai lầm của trọng tài.

Bạn tham gia cuộc chơi, là bạn phải chấp nhận các luật lệ của nó. Bạn không thể đòi hỏi cho mình công lí một khi bạn cư xử theo cách phi thể thao và gạt bỏ các luật lệ để cuộc chơi được tiến hành. Các đội bóng ở xứ văn minh sẽ vẫn chơi bóng đến cùng, dù chịu đủ loại ức chế từ việc họ cho là bị xử ép, và sau trận, họ sẽ thể hiện thái độ của mình theo nhiều cách: chỉ trích trên báo chí hoặc ban bố tình trạng đóng cửa với báo giới để thể hiện sự tức giận, sau đó tìm cách đưa ra một loạt các bằng chứng cần thiết để tái khẳng định sự cần thiết và hợp lí, hợp luật của việc phản đối.

Cư xử như một lũ trẻ hờn dỗi và ngu dốt xét cho cùng chỉ dẫn đến những án phạt nặng nề. Bởi đấy không phải là cách tốt nhất để thể hiện quan điểm. Quy chế của giải luôn ghi rõ điều gì phải làm khi cần phản đối.

​Nhưng những câu chuyện như của Long An đã xảy ra và có lẽ sẽ còn xảy ra nữa trong bóng đá chúng ta, bởi bóng đá hiện tại là sản phẩm của một xã hội không tôn trọng luật pháp. Có cả một rừng luật, nhưng luật được đem ra thực hiện nhiều khi là luật rừng. Xe cứ va chạm nhau thì thường xe to phải đền, bất kể đúng sai. Những kẻ đi ngược chiều hoặc vượt đèn đỏ thậm chí có thể lớn tiếng nạt nộ và đòi hành hung những ai phản đối. Sự giả dối tồn tại một cách ngang nhiên trong một ngôi trường tiểu học ở Hà Nội, khi một bà hiệu trưởng ban hành luật “im lặng” kiểu mafia đối với các học sinh để giữ chiếc ghế của bà sau một tai nạn bà gây ra cho một đứa trẻ.

Ví dụ rất nhiều. Có rất nhiều lời bao biện cho các hành động ấy, nhưng luôn đi đến một cái kết ai cũng biết: thượng bất chính, hạ tắc loạn. Điều tương tự như thế trong bóng đá, khi niềm tin của công chúng vào các cơ quan cao nhất của nền bóng đá nước nhà đã không còn từ lâu, sau quá nhiều bê bối, và việc mất niềm tin ấy giờ luôn được đưa ra như một cái cớ để bao biện cho những hành vi sai trái. Cứ thế, tất cả rơi vào một vòng xoáy luẩn quẩn của những rắc rối, bê bối và những cuộc chiến của các thế lực bóng đá đủ mạnh về tiền bạc để tạo lập cuộc chơi của riêng mình. Cái vòng ấy không thể có lối thoát chỉ bằng cách kêu gọi đạo đức và đưa ra các án kỉ luật, không ít trong số đó gây tranh cãi.

​Bóng đá nội đã mất đi rất nhiều khán giả, và nó khiến cho người ta thêm chán ngán và tẩy chay sau khi có thêm những bê bối mới. Bạo lực đã phủ bóng đen lên nhiều trận đấu. Rất nhiều lời chỉ trích trọng tài đã vang lên. Trái bóng đã và đang lăn trong một bầu không khí nhuốm màu bi quan và tiêu cực. Hình như, đã từ lâu, người ta đã quên mất, bóng đá phục vụ ai và tồn tại vì mục đích gì…

Trương Anh Ngọc
Nguồn: danviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.