Chuyên mục
Ngân hàng AIIB mời VN vay tiền: Phải nhớ những trái đắng
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ngân hàng AIIB mời VN vay tiền: Phải nhớ những trái đắng

Thứ năm 26/01/2017 09:55 GMT + 7
Lời mời về vốn giá rẻ rất hấp dẫn nhưng chúng ta nên có nhận thức đầy đủ và đừng để giá rẻ biến thành giá đắt.

Cơ hội nguồn giá rẻ

Mới đây, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong cuộc gặp gỡ với phía Việt Nam, ông D.J.Pandian, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc khối đầu tư của Ngân hàng cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) đã ngỏ ý cho Việt Nam vay vốn làm hạ tầng.

Cụ thể, phía AIIB cho biết, nếu các dự án của Việt Nam có nhu cầu vốn khoảng 100-230 triệu USD và dự án có điều kiện tài chính rõ ràng, có tính khả thi, AIIB sẵn sàng tham gia, nhanh chóng để đánh giá, thẩm định và triển khai dự án nhanh hơn các tổ chức khác.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng đây cũng là một cơ hội để Việt Nam tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi giá rẻ.

Theo ông Thịnh, AIIB là một trong những ngân hàng mới thành lập từ cuối năm 2015 tuy nhiên lượng vốn của họ tương đối lớn. Thời gian qua cũng có nhiều quốc gia trên thế giới tham gia vào ngân hàng này, trong đó có Việt Nam.

Vị chuyên gia nhận định, phía Trung Quốc thành lập ngân hàng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết nó liên quan đến việc các ngân hàng cũng như các tổ chính tài chính quốc tế như ngân hàng thế giới (WB) bị Mỹ và phương Tây khống chế. Họ cũng theo quan niệm của phương Tây về nhiều thứ, trong đó có dân chủ, tham nhũng, chống sử dụng vốn một cách bừa bãi.

“Trung Quốc xây dựng ngân hàng AIIB nhằm làm đối trọng với các ngân hàng và tổ chức định chế tài chính quốc tế đó. AIIB theo triết lý cho vay giá rẻ với các điều kiện không bị ngặt nghèo và không có cách nhìn theo con mắt của các nhà dân chủ phương Tây. Vì vậy yêu cầu về vay vốn cũng như các yêu cầu khác cũng có những yếu tố giảm nhẹ hơn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tham nhũng, cơ chế quản lý kinh tế hay các yếu tố khác.

Do đó đứng về một phương diện nào đó lời đề nghị trên của AIIB cũng tốt. Thứ nhất nó tạo ra một nguồn vốn giá rẻ. Thứ hai, nó không bị ràng buộc bởi những tư tưởng dân chủ theo cách nhìn của phương Tây. Thứ ba, việc này cũng góp phần phát triển kinh tế của các nước”, PGS.TS Thịnh khẳng định.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định Việt Nam phải cân nhắc thận trọng trước lời đề nghị cho vay vốn từ AIIB

Bên cạnh đó, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) đánh giá, khi Việt Nam đã tham gia AIIB thì việc mở rộng các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, vay vốn là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên không phải bất cứ dự án nào Việt Nam cũng vay mà nên chú trọng vào những công trình đã được thẩm định, tính toán kỹ lưỡng.

“Khi đã tham gia vào AIIB, chúng ta có thể mở rộng quan hệ với ngân hàng này trên phương diện những dự án nào phía Việt Nam đã thẩm định kỹ, làm việc đầy đủ và tính được hiệu quả 1 cách chắc chắn, khi đó chúng ta sẽ vay vốn. Tất nhiên bất kỳ một định chế tài chính quốc tế nào cũng có những vấn đề của nó ở đằng sau. Và cả AIIB cũng thế.

Nó không theo cách nhìn của các nhà dân chủ phương Tây thì lại theo cách nhìn của Trung Quốc. Và chính sự dễ dãi của việc thẩm định dự án, cho vay vốn và quản trị vốn cũng sẽ là một trong những vấn đề mà chúng ta nên cảnh giác và đề phòng”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Nhiều bài học cay đắng

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến, đó là việc dư luận bày tỏ nhiều băn khoăn khi AIIB là Ngân hang do Trung Quốc sáng lập. Trong khi đó, nhiều dự án lớn của Việt Nam đang gặp khó khăn vì nguồn vay từ Trung Quốc: đội vốn, chậm tiến độ, ràng buộc về nhà thầu…

Theo PGS.TS Thịnh, nếu Việt Nam chấp nhận đề nghị trên trong khi chưa có biện pháp xử lý các hạn chế trên thì về lâu dài chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do phía AIIB sẽ đưa ra các điều kiện ràng buộc kèm theo khoản vốn cho vay.

Yếu tố đầu tiên ông Thịnh nhắc đến đó là việc vay vốn trong thời gian dài, nhất là khi đồng nhân dân tệ không ổn định, có thể khiến Việt Nam phải trả với lãi suất cao trong tương lai.

“AIIB sẽ sử dụng những đồng tiền có lợi cho Trung Quốc cũng như các quốc gia chủ yếu trong ngân hàng này, trước hết là đồng nhân dân tệ.

Đứng trong 1 cái nhìn chung tổng thể, thời gian ngắn vừa qua, đồng nhân dân tệ đang xuống giá. Tuy nhiên từ năm 80 đến nay khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách thì đồng nhân dân tệ là đồng tiền lên giá tương đối mạnh trên thế giới. Ở thời điểm ngắn này, có thể đồng nhân dân tệ đang xuống giá, nhưng về lâu dài đồng tiền này có khả năng tăng giá trên thế giới. Khi chúng ta vay vài chục năm là cả 1 vấn đề, từ lãi suất thấp thành lãi suất cao do đồng tiền lên giá”, ông Thịnh lo ngại.

Vấn đề thứ hai vị chuyên gia lưu ý, đó là các khoản vay vốn thường đi kèm với yêu cầu phải sử dụng công nghệ của những người cho vay. Và trong ngân hàng AIIB, Trung Quốc đang nắm một cương vị quan trọng, ở thế cầm trịch nên họ có thể ép các đối tượng vay vốn như Việt Nam sử dụng công nghệ của Trung Quốc.

“Công nghệ Trung Quốc thì chúng ta biết không phải vào dạng hiện đại. Họ cũng đi học lỏm công nghệ của các nước khác trên thế giới. Dù Trung Quốc có trình độ cao hơn chúng ta nhưng nó rất thấp với thế giới và đã trở nên lạc hậu. Đặc biệt, tác động đến môi trường, đến cuộc sống của các khu công nghiệp là cả 1 bài toán mà chúng ta thường cảm thấy đau đầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải chấp nhận các nhà thầu Trung Quốc thi công các dự án. Nhà thầu Trung Quốc thì trình độ năng lực không cao, thời gian thực hiện cũng như kỹ năng quản trị của họ không lớn. Cho nên từ trước đến nay, các công trình thường bị chậm trễ về thời hạn sử dụng, chất lượng thi công không cao và việc kéo dài các dự án có thể dẫn đến tình trạng đội vốn như rất nhiều công trình, dự án mà chúng ta đã biết.

Do chất lượng không cao nên khi thực hiện các dự án xong, việc đưa vào sử dụng cũng như thực hiện đầy đủ các công suất của nhà máy không đạt được như mong muốn. Thậm chí sau 1,2 năm có thể dẫn đến hỏng hóc, không sửa chữa được.

Như vậy có thể chúng ta vay đầu tư với giá rẻ nhưng chúng ta phải chấp nhận các nhà thầu Trung Quốc thì có thể trở thành giá cực kỳ đắt như chúng ta nhìn thấy. Họ là người cho chúng ta vay tiền, bỏ vốn ra nên trong điều kiện đàm phán có rất nhiều vấn đề đằng sau đó”, ông Thịnh dẫn chứng.

Một nguy cơ khác mà Việt Nam có thể gặp khó khi tiếp nhận nguồn đầu tư từ ngân hàng Trung Quốc được ông Thịnh chỉ ra, đó là nguy cơ công nhân của Việt Nam mất việc làm và những hệ lụy xã hội nghiêm trọng khác có thể xảy ra.

Theo ông Thịnh, về mặt nguyên tắc, hầu hết các nước trên thế giới đều đưa các cán bộ công nhân kỹ thuật đến nước sở tại để giúp cán bộ công nhân các nước nhận vốn thực hiện những công đoạn, công việc khó khăn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.

Tuy nhiên với các nhà thầu Trung Quốc việc này lại hoàn toàn khác và mang nhiều toan tính lợi ích kinh tế.

“Trung Quốc không phải mang công nhân có trình độ kỹ thuật cao mà đưa lao động phổ thông và công nhân bình thường sang lao động. Điều này sẽ cướp đoạt việc làm của lao động tại nước sở tại. Và rõ ràng Việt Nam đầu tư, xây dựng mà công nhân của chúng ta không nâng cao được trình độ, không giải quyết được công ăn việc làm thì cũng là điều chúng ta phải xem xét.

Đây là những vấn đề có thể tạo nên những bất ổn về lâu về dài, thậm chí có thể hình thành những vấn đề nhức nhối trong khác.

Lời mời về vốn giá rẻ rất hấp dẫn và chúng ta cũng nên xem xét. Nhưng chúng ta nên có nhận thức đầy đủ và đề phòng trong tất cả mọi vấn đề. Để giá rẻ thật sự rẻ và không biến thành dự án đắt thì chúng ta không được nghĩ đến cái lợi trước mắt”, ông Thịnh chia sẻ.

Nên để thị trường quyết định

Trước việc nhiều người lo lắng về khả năng chúng ta sẽ phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc nếu quá hào hứng với nguồn vốn vay trên, ông Thịnh cho rằng việc này hoàn toàn phụ thuộc vào phía Việt Nam.

Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia láng giềng, có đường biên giới kéo dài thì việc thúc đẩy các hợp tác, giao lưu về chính trị, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực kinh tế là điều tất yếu. Tuy nhiên chúng ta phải cân nhắc và có những quyết định rõ ràng để luôn xuất hiện với tư cách một chủ thể độc lập khi hợp tác với phía Trung Quốc.

“Việt Nam phải xác định và làm thế nào để chúng ta mạnh lên, để trong các quan hệ chính trị, kinh tế xã hội với nước bạn, chúng ta là một chủ thể bình đẳng. Chúng ta có thể được lợi từ mối quan hệ đó, chứ không phải càng quan hệ, càng giao lưu thì chúng ta càng bị thiệt hay trở thành đối tượng phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị chuyên gia còn lưu ý, bài toán đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển doanh nghiệp là vấn đề mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải tính toán, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên đứng ở góc độ nhà nước, ông Thịnh nhìn nhận, khi Việt Nam đã chấp nhận đi theo kinh tế thị trường thì chúng ta nên tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc chung. Đó là nên ưu tiên cho các doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân tiến hành các dự án để đảm bảo hiệu quả cũng như tính thị trường của hoạt động đó.

Đặc biệt, nhà nước chỉ nên tập trung vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội hoặc những ngành nghề mà kinh tế tư nhân không đáp ứng được hoặc không muốn đầu tư do hiệu suất đầu tư thấp, không có lợi nhuận.

“Nếu chúng ta cứ tiếp tục vay vốn về phát triển kinh tế và tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước thì đấy là 1 bài toán phải cân nhắc thận trọng. Từ trước đến nay hoạt động kinh tế nhà nước ở nhiều quốc gia trên thế giới hoạt động đều không hiệu quả. Hầu hết các quốc gia đã thực hiện cổ phần hóa hoặc tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước và nhà nước. Họ chỉ giữ lại 1 số bộ phận doanh nghiệp để thực hiện những cái nhiệm vụ công hoặc những lĩnh vực ngành nghề mà kinh tế tư nhân không được phép hoặc không muốn thực thi.

Đối với Việt Nam, chúng ta đang chuyển từ kinh tế nhà nước tập trung sang kinh tế thị trường nên các doanh nghiệp nhà nước có 1 vị thế rất lớn. Họ nắm giữ 1 tài sản rất lớn nhưng hiệu quả trong những năm vừa qua cho thấy nó không cao như những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân. Đây là cái chúng ta phải xem xét thận trọng”, ông Thịnh cảnh báo.

Hoàng Nam
Nguồn: baodatviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.