Chuyên mục
Màn kịch xin tiền của chú bé khóc trên cầu lúc nửa đêm
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Màn kịch xin tiền của chú bé khóc trên cầu lúc nửa đêm

Thứ năm 24/04/2014 15:55 GMT + 7
Độc giả Lê Công chia sẻ câu chuyện về cậu bé dùng nước mắt để tìm kiếm sự thương hại, tiền bạc từ người đi đường, khách du lịch đến TP Huế.

Chị bạn tôi đến Huế điều tra số liệu để hoàn thành luận án tiến sĩ. Công việc hoàn tất nên chị có một ngày lưu lại thành phố. Khi tôi gặp chị giữa đêm đầu hè oi ả, chị than: "Ở đây ngột ngạt quá, phải rời Huế sớm thôi".

Cả buổi nói chuyện, tôi biết chị đang bức xúc điều gì đó. Khuya về, tôi thấy chị cập nhật một dòng trạng thái khá dài với tiêu đề “Người Huế vô tâm quá!”.

Chị kể, một tối đi dạo trên cầu Trường Tiền, chị thấy chú bé người gầy gò ngồi khóc một góc ở dải phân cách trên cầu. Người đi đường chẳng ai quan tâm, họ xem cậu bé như không tồn tại. Tiếng khóc của chú nấc lên từng hồi. Chị đến gần hỏi thăm, một số người nhìn rồi lắc đầu. Chị hỏi chuyện, chú bé mếu máo kể đi bán phồng tôm bị mất hết tiền, giờ không dám về nhà sợ ba mẹ đánh. Chị vội rút ra tờ 200.000 đồng đưa rồi bảo em về đi.

"Nhìn dáng em thất thểu khuất dần, tôi thấy buồn. Sao người Huế vô tâm thế?”, chị viết.

Vì dòng chia sẻ của chị trên trang cá nhân, tôi cảm thấy chạnh lòng nên quyết đi tìm hiểu thực hư sự việc. Sau một tuần xác minh, tôi gọi câu chuyện chú bé ngồi khóc cầu Trường Tiền là một vở kịch, nó được diễn từ 21h đến 23h hàng ngày. Địa điểm chính là cầu Trường Tiền, thỉnh thoảng thay đổi ở trước cổng trường Đại học sư phạm Huế. Kịch sĩ là chú bé 7 - 8 tuổi, người gầy gầy, đen nhẻm, cặp mắt lanh lợi và diễn xuất rất nhập vai trong câu chuyện cảm động: Bán phồng tôm bị mất hết tiền, không dám về nhà sợ ba mẹ đánh và kèm theo là những giọt nước mắt, những tiếng nấc đáng thương.

 
Kịch sĩ nhỏ tuổi trên cầu Trường Tiền.

Dành thời gian và công sức đi xem vở kịch nhàm chán này suốt 1 tuần, tôi khẳng định, chú bé đang giả vờ. Em lợi dụng lòng tốt của những người giàu lòng trắc ẩn, nhân ái, người đi đường, khách du lịch mới đặt chân đến TP Huế. Người dân hay đi lại trên cầu hàng đêm dường như đã quá quen mặt với kịch sĩ tài ba này.

Tôi đã suy nghĩ thật nhiều trước khi đặt bút viết bài viết này bởi việc vạch trần chiêu trò của một đứa bé khiến tôi có chút áy náy. Thế nhưng, khi tôi đọc status của chị và dòng phản hồi của những người bạn Huế, tôi sợ mọi người hiểu lầm về quê hương mình. Tôi sợ họ bảo: "Người Huế vô tâm".

 
Từ 21h đến 23h các ngày trong tuần, cậu bé đều diễn cùng một vở kịch.

Huế là một trong những thành phố du lịch hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Người dân nơi đây được đánh giá là mộc mạc, gần gũi, hướng thiện. Hình ảnh các bác xe ôm giành nhau hướng dẫn đường cho du khách hay cô bán hàng rong thật thà với giọng Huế ấm áp, dễ thương mãi là hình ảnh đẹp trong lòng của những du khách. Thế nhưng, hình ảnh chú bé giả vờ khóc trên cầu Trường Tiền thật sự làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như hình ảnh của Huế đối với hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan, khám phá.

Tôi mong cơ quan chức năng nên có sự can thiệp kịp thời cũng như đưa ra biện pháp xử lý với những tình huống mang tính chất lừa dối người khác như vậy.

"Bạn Lê Công phản ánh câu chuyện trên cầu Trường Tiền là đúng thực tế. Tôi cũng gặp trường hợp như vậy từ mùa đông năm ngoái. Tối đó trời mưa tầm tã, tôi đi trên đường Lê Lợi, ngay trước Galary Lê Bá Đảng gặp cậu bé.

Khi đó, tôi thấy thương tình nên dừng lại hỏi chuyện để giúp đỡ em và tôi được nghe em kể về hoàn cảnh giống khó khăn như bạn của Lê Công đã nghe. Tuy nhiên, tôi nhận ra ngay lời nói của em không trung thực. Bởi vì khi con người đau khổ và khóc thảm thiết như vậy, không thể trong 5 - 10 giây có thể trả lời những câu hỏi của tôi như "Nhà cháu ở đâu? Cháu bán gì? Mất bao nhiêu tiền?"... với giọng rõ ràng, bình thường, không nấc nghẹn.

Thêm một việc khiến tôi không tin cậu bé là khi tôi đề nghị chở em về nhà, em đã từ chối và bảo có hẹn với anh trai. Tôi quan sát thấy, em vẫn còn túi nylon chứa bánh phồng tôm, nếu bán hết chỗ bánh đó em chỉ thu được 100.000 đồng, nhưng em nói bị mất 200.000 đồng. Tôi nhận ra em không trung thực và hỏi thẳng: "Cháu đang nói xạo, đúng không? Chú đi báo công an". Sau đó tôi bỏ đi và 5 phút sau quay lại thì cậu bé này biến mất. 

Người Huế có thể không có điều kiện kinh tế hơn con người ở những thành phố khác nhưng lòng trắc ẩn không đến nỗi tệ. Tôi nghĩ bạn của Lê Công đã bị cậu bé đó qua mặt. Điều đáng buồn nhất là câu chuyện về cậu bé trên cầu Trường Tiền lại vô tình để lại trong lòng người đó ác cảm về người Huế. Tôi mong cơ quan chức năng nên có biện pháp xử lý để không ảnh hưởng đến hình ảnh đến mảnh đất miền Trung".

Độc giả Trương Đình Lãm



Độc giả Lê Công
Nguồn: news.zing.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.