Chuyên mục
“Chị ơi, chân chống xe kìa!”
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

“Chị ơi, chân chống xe kìa!”

Thứ hai 29/04/2013 09:53 GMT + 7
Buổi sáng trên đường đi làm, tôi gặp một người phụ nữ đang mang bầu quên không gạt chân chống xe máy lên. Định tăng tốc để nhắc chị, thì từ phía sau, một em trai tóc nhuộm sặc sỡ đã phóng vèo lên và gọi: “Chị ơi, chân chống xe kìa!”. Người phụ nữ mặt lạnh te, gạt chân chống lên, không hé một lời. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy như mình đang rơi vào một nỗi buồn không đáy.


Cuộc sống sẽ ấm áp hơn nếu chúng ta quan tâm hơn tới mọi chuyện trên đường (ảnh minh họa)

Có rất nhiều lần như vậy, tôi đi đường và phát hiện ra mọi người quên chân chống xe khá nhiều, có khi là một người bố đang đèo thêm đứa con nhỏ phía sau, có khi là một người chở hàng cồng kềnh- những người này thường hay quên chân chống nhiều nhất. Mỗi lần như thế, tôi đều cố gắng để nhắc họ, vì e sợ một bất trắc nào đó trên đường có thể xảy ra sẽ để lại hậu quả khôn lường. Nào ai có thể biết trước được đâu.

Thế nhưng, điều làm tôi thấy buồn là không nhiều lần trong số đó tôi nhận được một lời cảm ơn nào hết, phần lớn họ đều thò chân xuống, gạt chân chống lên rồi đi tiếp, thậm chí còn chẳng thèm nhìn sang người vừa nhắc mình lấy một nửa ánh mắt. Cứ như thể cái người vừa nhắc nhở kia có nghĩa vụ phải nhắc mình, có nghĩa vụ phải làm “người tốt bụng” vậy.

Tất nhiên chẳng ai đi nhắc chân chống xe cho người khác với mục đích nhăm nhăm chỉ để đổi lấy một lời cảm ơn. Tôi cũng nghĩ thế, nên nhiều khi gặp phải những người “mặt lạnh”, chỉ thấy tái tê một chút trong lòng, rồi cũng lại quên ngay. Và lần sau đi đường, lại tiếp tục nhắc nhở nếu thấy có người đãng trí.

Nhưng tôi cứ nghĩ hoài về những con người ấy, những người xa lạ tôi tình cờ gặp trên đường, đã từng ít nhất một lần trong đời quên chân chống xe, quên chưa kéo khóa ba lô hay túi xách, cái điện thoại, chùm chìa khóa trong túi quần trồi lên và sắp sửa rơi ra… Được một người xa lạ nhắc nhở, tại sao họ lại có thói quen không hé môi nói lấy một lời? Chẳng lẽ sự vô cảm đã tràn lan tới mức đó rồi ư?

Chúng ta cứ thở than sao càng ngày càng có ít người cố gắng làm việc tốt trên đường, chính là bởi vì càng ngày càng có nhiều người bỏ mất thói quen nói những lời “cảm ơn” khi nhận được một sự giúp đỡ tình cờ nào đó. Lời cảm ơn chỉ là một câu nói giản đơn, quá dễ để thốt ra mỗi khi mình nhận được ở ai một sự giúp đỡ, một sự sẻ chia, tuy nhiên, hình như không phải ai cũng có sẵn sàng nói ra. Và cuối cùng lâu dần, họ trở thành một người vô cảm lúc nào không hay.

Con người hiện đại hình như đang ít dần mối quan tâm và hứng thú được giao tiếp với đồng loại, họ càng ngày càng thu vào những vỏ bọc của riêng mình. Đó phải chăng là một dạng phản ứng có tính “phản vệ” để cách ly mình ra khỏi những nguy cơ từ thế giới bên ngoài đang ngày một ít đáng tin hơn? Nhưng liệu có phải vì thế mà họ quên mất cả cách cảm ơn- cách thể hiện tối thiểu của một người hoàn toàn bình thường về nhận thức và giao tiếp xã hội?

Buổi sáng, chứng kiến cảnh người phụ nữ mặt lạnh te với cậu thanh niên vừa giúp mình thoát khỏi một điều không may nào đó có thể xảy đến trong tương lai, tôi chợt cảm thấy buồn ghê gớm. Tôi lo sợ rằng cậu thanh niên kia, sau khi nhận được phản ứng vô cảm đến thế về việc tốt mình vừa làm, có thể dần dần sẽ thấy chán chường. Cậu bé có thể sẽ nhận thấy những nỗ lực làm-việc-tốt của mình (dù nhỏ xíu thôi) cũng chẳng để làm gì. Nên rất có thể lần sau, thấy một người quên gạt chân chống xe, cậu rồi sẽ thờ ơ mặc kệ.

Vì thế nên tôi đã quyết định làm một việc thật trái với tính cách của mình, đến nỗi tới giờ tôi vẫn còn bất ngờ với hành động ấy. Tôi đã nói thật to: “Chị cảm ơn em nhé!”, và cậu con trai “đầu xanh đầu đỏ” mỉm cười thật tươi. Có lẽ lâu lắm rồi tôi mới thấy một nụ cười dễ thương đến thế.

Mỗi ngày, hãy cố gắng mở lòng và tiếp nhận cuộc sống bằng một trái tim nồng ấm hơn, chẳng phải đó là chiếc chìa khóa để mỗi chúng ta mở thêm nhiều cánh cửa để đến được với nhau? Một sự giúp đỡ, một lời sẻ chia, một bàn tay chìa ra vào lúc nguy cấp, có lẽ đó là điều quý giá nhất mà chúng ta có thể nhận được từ đồng loại của mình.

Bạn hãy nói với tôi, có phải bạn sẽ yêu đời và thấy cuộc sống dễ thương hơn nếu mỗi khi đãng trí trên đường, thì có ngay một giọng nói xa lạ thật ân cần: “Anh ơi (chị ơi), chân chống xe kìa!”.

Mi An
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.