Chuyên mục
Quân đội Trung Quốc sẽ gây chiến tranh bằng 6 nguyên tắc...
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Quân đội Trung Quốc sẽ gây chiến tranh bằng 6 nguyên tắc...

Thứ bảy 01/08/2015 01:24 GMT + 7
Sáu nguyên tắc căn bản mà quân đội Trung Quốc đã áp dụng trong cuộc xâm lược Ấn Độ năm 1962 cũng chính là những nguyên tắc mà họ sẽ vận dụng trong tương lai.


Bài viết của Brahma Chellaney - Giáo sư phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu chính trị được tài trợ từ các nguồn tư nhân ở Delhi, tác giả của các cuốn sách Asian Juggernaut do Nhà xuất bản Harper ấn hành năm 2010 và Water: Asia’s New Battlefield do Nhà xuất bản Georgetown University Press ấn hành năm 2011.

Năm 1962, Trung Quốc đã dạy cho Ấn Độ “một bài học” mà đến nay vẫn cần phải nghiên cứu.

Ngày 20/10/1962, ngay trước bình minh, quân đội Trung Quốc bất ngờ xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ. Các đơn vị quân đội Trung Quốc giống như một sức mạnh không thể cưỡng lại đã triển khai tiến công và sau khi vượt qua các khu vực phía đông và phía tây của dãy núi Hymalaya, đã tiến sâu vào vùng phía đông bắc Ấn Độ.

Vào ngày thứ 32 của cuộc chiến, Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố ngừng bắn đơn phương, và chiến tranh kết thúc cũng bất ngờ như như nó đã bắt đầu.

Mười ngày sau đó, Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi miền đông Ấn Độ nằm giữa Bhutan và Myanmar, nhưng họ vẫn chiếm giữ các vùng đất giành được ở phía tây, khu vực trước đây vốn là một phần của công quốc Jammu và Kashmir.

Ấn Độ phải chịu một thất bại hoàn toàn và rất nhục nhã, còn uy tín quốc tế của Trung Quốc tăng mạnh.

Hôm nay, một nửa thế kỷ sau cuộc chiến Trung-Ấn, sự đối đầu địa-chính trị giữa hai gã khổng lồ về dân số lại trở nên gay gắt, bởi vì lại có những bất đồng mới nảy sinh thêm vào những mâu thuẫn hiện đã có. Sự phát triển bùng nổ của thương mại song phương cũng đã không thể dập tắt tinh thần đối đầu và căng thẳng trong lĩnh vực quân sự, bên cạnh đó, Trung Quốc đã tiêu phí phần lớn những thành quả chính trị giành được của chiến thắng cách đây 50 năm.

Tuy nhiên, những hoàn cảnh của cuộc chiến tranh xưa cũ đến nay vẫn không mất đi ý nghĩa của mình, bởi vì chúng đang vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ song phương giữa hai nước. Cuộc xung đột này đã làm bộc lộ những yếu tố then chốt của học thuyết chiến lược của Bắc Kinh, do đó, không chỉ các quốc gia lãng giềng của Trung Quốc mà cả Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cần rút ra những bài học từ cuộc chiến tranh này.

Dưới đây, chúng ta sẽ xem xét 6 nguyên tắc cơ bản mà quân đội Trung Quốc đã áp dụng trong cuộc xâm lược Ấn Độ, và sẽ không có nghi ngờ nữa, chúng được vận dụng cả trong tương lai.

1. Bất ngờ.

Trung Quốc đặc biệt coi trọng yếu tố bất ngờ cho phép làm cho kẻ địch bị bất ngờ. Ý tưởng là ở chỗ làm cho kẻ thù bị bất ngờ về chính trị và tâm lý để giành những chiến thắng nhanh chóng trên chiến trường. Chiến thuật nhấn mạnh tính bất ngờ của cuộc tấn công này bắt nguồn từ quá khứ xa xưa.

Hơn 2.000 năm trước, nhà lý luận quân sự Trung Quốc Tôn Tử đã nêu ra chiến thuật này khi ông khẳng định rằng “sự lừa dối là cơ sở cho mọi phép dùng binh”. Còn đây là những lời khuyên mà ông sẽ đưa ra cho các chiến lược gia: “Tấn công vào nơi kẻ thù không phòng bị, khai chiến lúc kẻ thù không ngờ tới. Đây là những yếu tố then chốt để giành thắng lợi”.

Thật vậy, người Trung Quốc đã bắt đầu và kết thúc cuộc chiến tranh năm 1962, khi Ấn Độ ít ngờ tới nhất.

2. Tập trung toàn lực.

Các tướng lĩnh Trung Quốc cho rằng, cần thực hiện các đòn tấn công càng nhanh, càng mạnh càng tốt. Chính chiến thuật tác chiến này đã được họ thể hiện khi tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng chống Ấn Độ vào năm 1962. Mục đích là áp đặt cho kẻ thù “những trận đánh có kết cục nhanh chóng”.

Sự tập trung như thế vào mục tiêu là điểm đặc trưng cho tất cả các chiến dịch quân sự do nước Trung Hoa tiến hành từ năm 1949.

3. Tấn công trước tiên.

Bắc Kinh chưa bao giờ lưỡng lự sử dụng vũ lực để giải quyết các nhiệm vụ chính trị. Ngược lại, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện là họ luôn sẵn sàng để “dạy một bài học” cho đối phương để đối phương không dám thách thức Bắc Kinh trong tương lai.

Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã giải thích rằng, cuộc chiến năm 1962 có mục đích “dạy Ấn Độ một bài học”. Đặng Tiểu Bình, người đầu tiên trong các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã đến thăm Mỹ, cũng đã sử dụng từ ngữ tương tự vào năm 1979, khi ông ta tuyên bố với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong chuyến thăm Washington rằng, “cần dạy Việt Nam một bài học như Ấn Độ”. Chỉ vài ngày sau, quân Trung Quốc đã xâm lăng lãnh thổ của nước láng giềng.

Điều trớ trêu là chính vào lúc đó, ngoại trưởng Ấn Độ lại đang có mặt ở Bắc Kinh để cố gắng khôi phục quan hệ song phương bị đóng băng từ năm 1962. Cuộc chiến kéo dài 29 ngày, sau đó Trung Quốc đã ngừng chiến và rút quân khỏi Việt Nam.

4. Chờ đợi thời cơ.

Người Trung Quốc cho rằng, cần phải chờ đến thời điểm thích hợp. Chiến tranh năm 1962 là một ví dụ điển hình của chiến thuật này. Cuộc tấn công của Trung Quốc diễn ra trùng về thời gian với cuộc khủng hoảng Caribe vốn đã đặt thế giới bên bờ vực của ngày tận thế hạt nhân.

Bối cảnh đó đã thu hút sự chú ý của những nước có thể hỗ trợ Ấn Độ. Ngay khi Hoa Kỳ tỏ ý cuộc đối đầu với Moskva đã kết thúc, Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố ngừng bắn đơn phương.

Trong thời gian diễn ra chiến tranh Trung-Ấn, sự chú ý quốc tế đổ dồn vào cuộc xung đột Xô-Mỹ, chứ không phải vào cuộc xâm lược Ấn Độ của Trung Quốc đi kèm với sự đổ máu, mặc dù Delhi đã có quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Liên Xô.

Thủ đoạn hành động tương tự đã được Trung Quốc vận dụng cả về sau này. Sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1995, việc Philippines lâm vào tình trạng không được bảo vệ sau khi họ buộc người Mỹ đóng cửa các căn cứ quân sự ở vịnh Subic và các khu vực khác của quần đảo Philippines, đã cho phép Trung Quốc giành lấy quyền kiểm soát đá Vành khăn (rạn san hô Mischief).

5. Biện minh cho các hành động của mình.

Bắc Kinh thích ngụy trang che đậy các hành động xâm lược của họ bằng cái gọi là mục đích tự vệ.

“Trong lịch sử các cuộc chiến tranh của Trung Quốc đương đại có thể tìm thấy nhiều trường hợp, khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã gọi các cuộc tiến công phủ đầu là các chiến dịch phòng vệ (tự vệ) chiến lược”, một báo cáo của Lầu Năm góc đệ trình lên Quốc hội Mỹ năm 2010 viết.

Trong tài liệu này có nhiều ví dụ về cách làm như vậy, trong đó có cuộc chiến tranh năm 1962, cuộc xung đột năm 1969 (khi Trung Quốc khiêu khích các cuộc đụng độ biên giới với Liên Xô), cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979, và thậm chí cả biến cố năm 1950, khi Trung Quốc can thiệp vào cuộc chiến tranh Triều Tiên.

Cuộc tấn công Ấn Độ năm 1962 Bắc Kinh chính thức được gọi là “phản kích tự vệ” và thuật ngữ này cũng được sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược Việt Nam, cũng như việc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, đá Gạc Ma và đá Vành khăn.

6. Sẵn sàng mạo hiểm.

Các hành động mạo hiểm từ lâu đã là yếu tố không tách rời của chiến lược quân sự Trung Quốc. Sự sẵn sàng cho những chiến dịch quân sự như vậy của giới lãnh đạo Trung Quốc là rõ ràng đối với tất cả. Không chỉ ở thời Mao Trạch Đông cầm quyền vốn đầy rẫy những đảo lộn phức tạp trong chính trị mà cả khi một kẻ đầy thực dụng như Đặng Tiểu Bình quyết định xâm lược Việt Nam bất chấp khả năng Liên Xô can thiệp.

Hơn nữa, lần nào thì những hành động mạo hiểm cũng xác đáng và mang lại các kết quả cần thiết. Những thắng lợi đạt được trong quá khứ có thể tạo sự tự tin cho Bắc Kinh, thúc đẩy họ một lần nữa thử thách cơ hội của mình, nhất là hiện nay, khi mà Trung Quốc có khả năng đánh trả hạt nhân và có sức mạnh kinh tế và tiềm lực quân sự chưa từng có.

Cuộc chiến tranh năm 1962 diễn ra vào thời kỳ CHND Trung Hoa còn là một quốc gia nghèo đói, chưa có vũ khí hạt nhân và bị đè nặng bởi những vấn đề nội bộ.

Tuy nhiên, họ đã cho thế giới thấy các tướng lĩnh Trung Quốc tư duy theo những tiêu chí nào và giúp ta hiểu tại sao việc Trung Quốc hiện nay đang tăng cường tiềm lực quân sự của mình với tiến độ nhanh lại không thể không gây ra những lo ngại lớn.

Nguồn: Vietnam Defence

Trung Quốc đang chuẩn bị cho Chiến tranh thế giới thứ III

Một nguyên tắc có từ thời Mao Trạch Đông vẫn bất di, bất dịch là: Sẽ nổ ra chiến tranh thế giới thứ III, và Bắc Kinh sẵn sàng với tình huống như vậy.


“Sách trắng” - luận giải mới cho Học thuyết quân sự lần đầu tiên được công bố tại Trung Quốc. Bằng ngôn ngữ dễ hiểu nó biện minh cho việc, CHND Trung Hoa nhìn nhận thế giới ra sao và quân đội nước này chủ trương hành động theo cách nào trong những điều kiện mới.

Nhưng cũng có nhiều điểm mới, và ngoài những điểm mới là – những tin tức không mấy tốt lành đối với tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga.

Việc giới thiệu “Sách trắng” (hơn nữa giống như một cuộc họp báo, không phải là cốt cách đặc trưng của người Trung Hoa) – là sự thị uy, trước hết nhằm vào người châu Âu và người Mỹ. Đồng thời văn phòng báo chí của Hội đồng nhà nước đã cố gắng trình bày toàn bộ nội dung, sao cho hệ thống khái niệm Trung Hoa phù hợp với hệ thống logic và những hình dung về địa chính trị của châu Âu.

Về tổng thể, có cảm giác, “Sách trắng” – không chỉ là những điểm bổ sung cho học thuyết quân sự, mà còn là sự đáp trả được dự kiến từ lâu của Bắc Kinh trước tình hình đã có nhiều thay đổi, được đưa ra ở hình thức, nhằm làm cho mọi người hiểu được, những điều mà bản thân Trung Quốc muốn nói.

Các học thuyết quân sự trước đây của Trung Quốc, được xây dựng từ dưới thời Mao Trạch Đông, theo cách nhìn nhận của phương Tây đã không thể coi là học thuyết quân sự. Trong đó phần nhiều là những suy tưởng triết học và địa chiến lược về lịch sử thiên niên kỷ, hơn là những định nghĩa chính xác với vô số thuật ngữ kỹ thuật và liệt kê nhiệm vụ của các thứ quân, đã trở nên quen thuộc đối với chúng ta về các mối đe dọa và sự đáp trả với chúng.

Ở Trung Quốc mọi thứ đơn giản hơn, nhưng đồng thời cũng phức tạp hơn. Bắc Kinh từ năm 1946 đã cho rằng, chiến tranh thế giới thứ III là điều không tránh khỏi. Cùng với đó bản thân người Trung Hoa không tự an ủi mình bằng những câu chuyện về việc, sau 10 năm CHND Trung Hoa sẽ vượt toàn thế giới về GDP – họ chẳng việc gì phải hư trương thanh thế, mà vì nó đã từng làm bận tâm các nhà phân tích gần như toàn thế giới.

Người Trung Hoa trong học thuyết quân sự của mình thừa nhận một cách trung thực rằng, trong cuộc chiến tranh thế giới thứ III (dù nó nổ ra khi nào, và do ai phát động) họ sẽ chiến đấu chống lại đối phương được trang bị tốt hơn và tiên tiến hơn về mặt công nghệ, và họ không thể khắc phục được sự lạc hậu về công nghệ trong suốt thế kỷ XXI, nếu châu Âu, Mỹ và Nga không rơi vào trạng thái chết lâm sàng.

Cho tới thời điểm gần đây nhất, họ vẫn dự kiến đối phó với ưu thế về công nghệ của đối tượng tác chiến (bất luận đó là ai, dù rằng có những nghi hoặc mơ hồ) bằng ưu thế về quân số (biển người). Nhưng học thuyết riêng cho hải quân và không quân hoàn toàn không được xây dựng vì trên thực tế chưa có các quân, binh chủng này.

Nói đúng ra, vấn đề hiệp đồng quân, binh chủng trong hành động cũng chưa có. Nhưng việc tái vũ trang quân đội căn bản và cấp tốc, mà Trung Quốc buộc phải bắt đầu cách đây một thập niên, cũng đòi hỏi phải có quan điểm hiện đại hơn đối với các nguyên tắc của chiến tranh và nghệ thuật quân sự, đã có những bước tiến rất xa kể từ thời Lão Tử.

Trong khi đó quan điểm chủ đạo của “Sách trắng” vẫn bất di, bất dịch là – sẽ nổ ra chiến tranh thế giới thứ III. Văn kiện này lý giải rằng, sẽ có 3 nhân tố gây ra nó: chủ nghĩa bá quyền và chính sách vũ lực của một bên, khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo tăng lên và  tranh chấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Học thuyết “chiến tranh nhân dân” hiện nay đã lỗi thời. Nó được thay thế bằng  học thuyết “phòng thủ chủ động”. Nói một cách ngắn gọn. Trung Quốc giữ cho mình quyền thực hiện các cuộc tiến công cục bộ phòng ngừa, nếu hệ thống phòng thủ và các đường biên giới của nước này có nguy cơ bị đe dọa. Tất nhiên với những lời rào đón. Rằng, trước hết dự kiến sử dụng toàn bộ các biện pháp ngoại giao, pháp lý, thông tin và “dân sự” khác. Vẫn giống như trước đây, các nguy cơ được cho là tình hình chưa giải quyết ngã ngũ trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Taiwan và yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

Mối đe dọa thứ yếu đối với Bắc Kinh vẫn là tình hình tại Tân Cương, và nạn hải tặc tại các vùng biển phía Nam, mà từ đó Trung Quốc nhận được 80% lượng dầu mỏ. Các phần tử ly khai Tây Tạng cũng nguy hiểm, nhưng không tới mức như người Duy Ngô Nhĩ. Dầu sao các tín đồ Phật giáo và Lạt Ma giáo cũng ít bị lịch sử ghi nhận về hoạt động khủng bố hơn, so với những người Hồi giáo. Tuy nhiên mọi sự đang thay đổi, bánh xe luân hồi cũng có thể trang bị thuốc nổ dẻo.

Thay đổi đáng kể nhất của học thuyết quân sự liên quan tới hải quân (sẽ đề cập dưới đây). Bắc Kinh đã chuyển từ chiến lược “phòng thủ ven biển” sang chiến lược “phòng thủ các vùng biển gần bờ”.

So với các tàu chiến Mỹ thì tàu Trung Quốc lạc hậu hơn. Trong ảnh: Tàu chiến Mỹ tập trận.

Theo cách hiểu của chúng tôi, tất cả ở đây chỉ nhiều hơn có một chữ tượng hình, mà trên thực tế xác định việc hải quân Trung Quốc tiến lên một cấp độ mới về chất, cho phép lực lượng này thường xuyên hiện diện ở chiều sâu chưa phải là đại dương thế giới, nhưng ở Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây là kết quả của tiến bộ kỹ thuật và công nghệ – tới nửa cuối thập niên 80 Trung Quốc hãy còn chưa có những chiến hạm hoạt động ở vùng biển đúng nghĩa.

Xin nói thêm, một thời nước Nga là cội nguồn tiến bộ duy nhất đối với Trung Quốc, khi thường xuyên đóng cho lực lượng hải quân nước này những chiến hạm hiện đại. Thêm vào đó học thuyết tái vũ trang cho hải quân tại Trung Quốc có sự tiến bộ và nhất quán: trong giai đoạn hiện nay họ đang xây dựng hải quân vùng biển, dựa trên các khu trục hạm Nga kiểu “Sovremenưi” và các tàu ngầm diesel.

Đồng thời người Trung Hoa tự đóng một lượng lớn tàu chiến theo các mẫu thiết kế của mình, và nhìn chung chương trình đóng tàu của họ có lẽ có quy mô lớn nhất thế giới.

Chỉ sau khi phiên chế 3 hải đoàn vùng biển (theo truyền thống tất cả các bộ máy quân sự của Trung Quốc đều được chia thành 3 khu vực địa lý – Bắc, Trung và Nam, trong chuyện này không có bất kỳ biểu hiện nào của Nho giáo). Bắc Kinh đang bắt tay vào xây dựng lực lượng hải quân đại dương, cũng sẽ bao gồm 3 hải đoàn, chỉ có điều trong mỗi hải đoàn sẽ có 1 tàu sân bay.

Không có hải quân đại dương thì không thể giải quyết được vấn đề Taiwan hay Biển Đông, cũng như Senkaku. Nhưng ở thời điểm hiện tại, hải quân Trung Quốc giống như một con ngoáo ộp hơn là một lực lượng chiến đấu thực sự. Ngoài các chiến hạm do Nga đóng, phần lớn số còn lại đang hải hành, được trang bị vũ khí cổ lỗ, và điều đặc biệt quan trọng là trên thực tế không có hệ thống phòng không và phòng thủ chống ngầm hiện đại.

Vì thế mới cần phải có những sân bay nhân tạo trên các đảo ở Biển Đông, nếu thiếu chúng các hải đội của Trung Quốc – sẽ là chiếc bia mỏng đối với máy bay và tàu ngầm của các đối tượng tác chiến tiềm tàng.

Trong vấn đề hạt nhân, Trung Quốc cũng thừa nhận sự tụt hậu về công nghệ của mình và chính thức không có ý định vươn lên ngang tầm các quốc gia dẫn đầu thế giới. Nhưng các lực lượng hạt nhân chiến lược được gắn cho vai trò rất lớn.

Ở đây trong khái niệm của Trung Quốc không hề có gì thay đổi từ thập niên 70: các lực lượng hạt nhân chiến lược phải gây cho đối phương tổn thất không thể chấp nhận được và vì vậy sẽ vẫn phải duy trì ở mức độ đủ đáp ứng nhiệm vụ này về số lượng và kỹ thuật.

Về bản chất thực sự, các lực lượng hạt nhân Trung Quốc – là vũ khí tiến công, nhưng các cam kết quốc tế và chiến lược “phòng thủ chiến thuật” không đặt ra việc sử dụng chúng trước.

Lực lượng không quân hiện đại đối với Trung Quốc – hiện nay mới chỉ là mục tiêu. Chương trình tái vũ trang cấp tốc dự kiến phiên chế các lực lượng không quân và phòng không mới linh hoạt và hiện đại hơn, có tầm hoạt động lớn hơn. Tại thời điểm hiện nay số máy bay hiện đại chiếm không quá 15% đội máy bay của các lực lượng không quân CHND Trung Hoa, lượng vũ khí trang bị phòng không hiện đại trong tổng số vũ khí cũng có tỷ suất giống như vậy.

Đa số là những loại máy bay Nga, hoặc phiên bản Trung Quốc tương tự của chúng mà phần lớn đều thua kém phiên bản gốc, nguyên nhân một lần nữa lại là sự tụt hậu về công nghệ. Ở dạng hiện nay các lực lượng không quân Trung Quốc được định hướng thực hiện những nhiệm vụ hạn hẹp, chủ yếu là bảo vệ các đường biên giới và chi viện cho lục quân. Các phương tiện phát hiện tầm xa chỉ bây giờ mới bắt đầu được đưa vào quân đội, điều này sẽ cho phép mở rộng tầm hoạt động của máy bay Trung Quốc.

Thách thức chủ yếu nhất đối với quân đội Trung Quốc hiện nay (và được mô tả tương đối kỹ lưỡng trong “Sách trắng”) là – việc nhanh chóng chuyển sang các loại hình chỉ huy hiện đại và những phương pháp chiến tranh phức hợp, bỏ qua toàn bộ nửa sau thế kỷ XX với kinh nghiệm của nghệ thuật quân sự gần như đã trở nên vô nghĩa đối với Trung Quốc.

Nói một cách ngắn gọn là, quân đội Trung Quốc cần phải từ trạng thái thập niên 60, trong trường hợp khả quan nhất là – thập niên 70, ngay lập tức tiến vào thế kỷ XXI.

Tuần tự sẽ phải tiến hành vi tính hóa triệt để toàn bộ hệ thống chỉ huy, bao gồm cả lực lượng hạt nhân chiến lược. Đây có thể là điều không ai ngờ tới, nhưng “dất nước của các hacker” cho tới lúc này vẫn chưa thiết lập được các hệ thống hiệp đồng giữa các quân, binh chủng riêng của mình và chưa có khả năng sử dụng vũ khí chính xác cao ở mức độ cần thiết.

Trong “Sách trắng” chỉ rõ, kinh nghiệm của những thập niên gần đây cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng vũ khí chính xác cao, hiệp đồng các quân, binh chúng khác nhau (đây lại là một phát hiện nữa đối với Bắc Kinh kế từ thời Lão Tử – cần phải phối hợp không những chỉ phong thủy, mà cả các quân, binh chủng).

Cuộc chiến tranh tương lai sẽ được tiến hành trong “không gian 3 chiều”, điều này đòi hỏi phải hiệp đồng với cả các lực lượng vũ trụ, các hệ thống trinh sát và chỉ huy tác chiến. Ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương trong những điều kiện như vậy bị xóa nhòa, thậm chí cả biên giới thực tế cũng bị xóa nhòa, vì vậy sự quan tâm đặc biệt trong học thuyết mới phải được dành cho Internet và cuộc chiến tranh mạng.

Sự cần thiết phải tiến hành các cuộc “chiến tranh thông tin” được đặc biệt nhấn mạnh, thậm chí dự kiến thành lập một binh chủng riêng, được hoàn toàn định hướng vào việc tiến hành hoạt động tuyên truyền.

Thông tin hóa và máy tính hóa một đội quân 2,5 triệu người (còn có 800 nghìn quân dự bị chiến lược và 1,5 triệu đơn vị cảnh sát) về tổng thể phải hoàn tất trước năm 2020. Cũng vào thời điểm đó “phải đạt được tiến bộ chung về các hướng hiện đại hóa chủ yếu”.

Và nhiệm vụ chính – “đạt được về cơ bản mục tiêu chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang thông tin hóa” – phải hoàn thành trước năm 2050. Tư duy chiến lược lừng danh không phải là đôi hài vạn dặm đưa người Trung Hoa “tiến được bước tiến thiên niên kỷ về phía trước”, trên thực tế họ không thể hiện đại hóa một đội quân lạc hậu tới mức độ thê thảm trong một thời hạn ngắn hơn.

Quả thật, trong “Sách trắng” thậm chí không đưa ra các đặc điểm chung của việc cải tổ chính lục quân, với số lượng bộ binh khổng lồ. Có sự quan ngại bởi vì quan điểm chủ yếu của chiến lược là – phòng thủ trên bộ chống lại đối tượng tác chiến tiên tiến hơn về công nghệ – ở tầm vĩ mô vẫn không có sự  thay đổi, và việc hiện đại hóa lục quân sẽ diễn ra theo nguyên tắc sử dụng lượng ngân sách dôi dư. Đây là tin tức không mấy tốt lành đối với tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, không biết sẽ phải bán đi đâu không chỉ các loại máy bay và hệ thống phòng không, mà cả xe tăng “Armata”.

Còn Trung Quốc dường như lúc này vẫn chưa sẵn sàng cho việc tiến hành tái vũ trang tổng lực cho lục quân – thậm chí bất chấp vũ khí của lực lượng này cũng đã lạc hậu so với những phiên bản tương tự của thế giới. Nỗ lực tự sản xuất “theo kiểu sao chép” các mẫu vũ khí trang bị nước ngoài, kể cả vũ khí bộ binh hết lần này tới lần khác của CHND Trung Hoa đều thất bại – khi thì nhãn hiệu không phải thế (và nó luôn không phải thế), khi thì viên đạn bị cong vênh.

Có một sự loại trừ đặc biệt duy nhất – đó là lực lượng phản ứng nhanh mà Bắc Kinh thành lập. Đó là đội quân gần 300 ngàn người, cần phải trong khoảng thời gian 10 giờ sau khi nhận lệnh có mặt tại bất kỳ điểm nào của Trung Quốc. Điều này phù hợp với chiến lược “phòng thủ trên bộ” không thay đổi, bởi vì một quân đoàn đổ bộ đường không, 6 sư đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn hải quân đánh bộ không có các phương tiện chuyên chở tới những cự ly xa hơn, hơn nữa được không quân hoặc các tàu đổ bộ hiện đại bảo vệ.

Nếu chúng còn có thể đủ đối với Biển Đông, thì trong trường hợp với Taiwan và các lực lượng Nhật trên quần đảo Senkaku chúng đã không thể cạnh tranh. Cùng với đó các tiểu đoàn đặc nhiệm, về mặt hình thức nằm trong thành phần lực lượng phản ứng nhanh này, nhưng trên thực tế được chuyển thuộc cho các khu vực lãnh thổ, và còn có những nghi ngờ lớn về việc, sau 10 giờ cần thiết có thể tập hợp họ ở 1 địa điểm.

Theo Quốc Phòng an ninh
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.