Chuyên mục
Nga “tái xuất” tại Trung Đông như thế nào?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nga “tái xuất” tại Trung Đông như thế nào?

Thứ bảy 07/10/2017 19:27 GMT + 7
Trong một bài viết mới đây với tiêu đề "Russia's hand is visible everywhere in the Middle East" (tạm dịch: Nga hiện diện tại khắp Trung Đông) đăng trên Tạp chí National Interest, GS Nikolas K.Gvosdev của Đại học Chiến tranh Hải quân (Mỹ) cho rằng Nga đang thể hiện mình là “đối tác khả thi” với các quốc gia Trung Đông.

Theo bài viết, giờ đây Nga hiện diện ở khắp Trung Đông. Moscow đang đi đầu nhằm nỗ lực đưa cuộc nội chiến Syria đến hồi kết trong khi thiết lập các vùng giảm căng thẳng giữa các phe phái và “các nhà bảo trợ bên ngoài”. GS Nikolas K.Gvosdev cho rằng, trong khi đóng vai trò quan trọng vào việc duy trì “một lưỡi liềm Shiite” gồm Iran-Iraq-Syria, Nga cũng tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp với Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh tìm biện pháp duy trì thế cân bằng quyền lực trong khu vực.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong một cuộc gặp tại Moscow hồi tháng 5 vừa qua. Ảnh: AFP. 

Ai Cập và Israel hiện nay đều có đường dây liên lạc riêng với Điện Kremlin và xem Tổng thống Nga Vladimir Putin là một chính khách đáng tin cậy-người luôn thực hiện đúng các cam kết. Moscow đã chủ trì nhiều cuộc gặp của các phe phái Libya, các đảng chính trị Palestine, các đại diện của cộng đồng người Kurd và các thành viên của phe đối lập Syria. Nhiều nhà lãnh đạo Trung Đông cũng thường xuyên tới Moscow để trao đổi với Điện Kremlin. “Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng có chung đánh giá như vậy và dường như sẵn sàng thúc đẩy một trục chiến lược mới với Nga về năng lượng, an ninh Á-Âu và sự liên kết trong tương lai của Trung Đông”, GS Nikolas K.Gvosdev cho biết.

Theo học giả của Đại học Chiến tranh Hải quân, nước Nga đã “tái xuất” tại Trung Đông trên mọi phương diện. Sẽ là sai lầm khi nhìn nhận những động thái trên của Nga dưới lăng kính thời Chiến tranh Lạnh bởi nước Nga ngày nay không phải là Liên Xô trước đây. “Điện Kremlin không còn quan tâm tìm cách buộc các nước trong khu vực phải lựa chọn giữa Moscow và Washington”, GS Nikolas K.Gvosdev khẳng định. Bài viết cho rằng, cách tiếp cận của Nga trong thế kỷ 21 không phải là nhằm “hất cẳng” Mỹ mà là “cân bằng trước những ưu tiên của Mỹ và để có nhiều lựa chọn, tránh bị Mỹ đặt điều kiện”. Điện Kremlin thể hiện vai trò là người trung gian đáng tin cậy hơn so với Washington, đồng thời sẵn sàng cung cấp trang thiết bị và những năng lực mà Mỹ còn do dự chưa trao cho các nước Trung Đông. Đổi lại, điều này đã khiến các cựu thù thời Chiến tranh Lạnh trong khu vực này, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia và Israel, trở nên cởi mở hơn trong việc phát triển mối quan hệ mới với Điện Kremlin.

GS Nikolas K.Gvosdev nhận định Nga có khả năng tái lập sự hiện diện tại Trung Đông vì sau hai thập niên nỗ lực “chuyển hóa” của Mỹ, các quốc gia trong khu vực hiện nay chú trọng hơn đến sự ổn định. “Rõ ràng là Washington không có khả năng theo đuổi đến cùng những cam kết “đao to búa lớn” của mình, nhất là không một chính quyền Tổng thống Mỹ nào cam kết một số lượng lớn nhân sự hay nguồn lực cho khu vực. Moscow đóng vai trò là đối tác thương thuyết bên ngoài chủ chốt thay thế một Washington dễ bị phân tâm, luôn rao giảng về một tầm nhìn thế kỷ 21 mà không gắn với một cam kết nguồn lực thực sự nào”, GS Nikolas K.Gvosdev nhấn mạnh.

Theo bài viết, ngoài việc muốn khẳng định vai trò là một cường quốc toàn cầu, thông qua các nỗ lực của mình, Nga còn mong muốn gặt hái được cả những lợi ích hiện hữu. “Sự tái xuất” với vai trò tích cực hơn trong các vấn đề Trung Đông có thể đem lại nhiều nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ của Nga. GS Nikolas K.Gvosdev khẳng định Trung Đông đóng vai trò trung tâm trong chiến lược địa-kinh tế của Điện Kremlin. Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ thay thế Ukraine trở thành điểm trung chuyển năng lượng của Nga tới châu Âu, trong khi Moscow đầu tư vào Iraq và Libya để tăng cường khả năng cung cấp dầu cho châu Âu. Đồng thời, Moscow muốn lập một tuyến đường Bắc-Nam mới kết nối vùng trung tâm của Nga với Vịnh Persian và Ấn Độ Dương. Ngoài ra, trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây gây khó khăn cho việc tiếp cận các nguồn vốn và hoạt động đầu tư, Nga hy vọng các nguồn tài chính từ Trung Đông tiếp tục đổ vào nền kinh tế của mình. “Thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô nỗ lực cạnh tranh trực diện với Mỹ trong khi nước Nga ngày nay đang theo đuổi một chiến lược tinh tế hơn. Cho đến nay, chiến lược ấy đang đem lại nhiều lợi ích”, bài viết kết luận.

Hoàng Vũ
Nguồn: qdnd.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.