Chuyên mục
Năng lượng, “vũ khí chiến lược” của Nga trong cuộc chơi với châu Âu - Mỹ
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Năng lượng, “vũ khí chiến lược” của Nga trong cuộc chơi với châu Âu - Mỹ

Thứ năm 31/07/2014 10:38 GMT + 7
Hoa Kỳ tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga: hạn chế các hoạt động của các tập đoàn dầu khí như Rosneft, Gazprombank hay Novatek trên thị trường Mỹ.
    

Ảnh minh họa.

Theo RFI, vì khủng hoảng Ukraine, Mỹ mạnh tay hơn châu Âu trong việc trừng phạt các tập đoàn dầu khí Nga. Brussels lúng túng do Nga là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính của châu Âu. Nhờ công nghệ khai thác dầu và khí đá phiến, thế giới không còn bị đe dọa cạn kiệt năng lượng hóa thạch, nhưng Nga vẫn là một đối tác hàng đầu trên bàn cờ năng lượng quốc tế, đặc biệt là đối với châu Âu.

Ngày 16/7/2014 Hoa Kỳ tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga: hạn chế các hoạt động của các tập đoàn dầu khí như Rosneft, Gazprombank hay Novatek trên thị trường Mỹ. 

Cùng lúc, Liên Hiệp Châu Âu mới chỉ tạm dừng các chương trình hợp tác của các doanh nghiệp Nga với Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (BEI), với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu BERD. Brussels nhẹ tay hơn Washington do châu Âu cần mua dầu khí và than đá của Nga.

Trong năm 2013 dầu hỏa và khí đốt chiếm 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. 50% ngân sách của nhà nước liên bang tùy thuộc vào một lĩnh vực kinh tế duy nhất này. Bộ Năng lượng của Mỹ đã căn cứ vào dữ liệu thống kê của Hải quan Nga cho thấy: năm ngoái Nga xuất khẩu tới 174 tỷ USD dầu hỏa và 73 tỷ khí hóa lỏng. Châu Âu là khách hàng số 1 của Nga. Chỉ một mình tập đoàn khí đốt Gazprom bảo đảm đến 30 % nhu cầu tiêu thụ tại 28 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu.

Liên hệ sống còn giữa Nga và Liên Hiệp Châu Âu

Tháng 4/2014 Âu Mỹ bắt đầu đưa ra những biện pháp cụ thể trừng phạt Moscow can thiệp vào Ukraine và thôn tính vùng Crimea của Ukraine. Cùng lúc bộ trưởng Tài chính và Năng lượng Đức, Sigmar Gabriel cảnh cáo: Châu Âu không thể quay lưng lại với các nhà cung cấp dầu khí của Nga và Moscow ít có khả năng khóa van với các khách hàng châu Âu.

Theo thẩm định của công ty tư vấn Mỹ, Sanford C. Berstein & Co, đóng cửa thị trường với khí đốt của Nga sẽ buộc Liên Hiệp Châu Âu phải hoặc là đầu tư thêm 215 tỷ đô la để nhanh chóng tìm một nguồn cung cấp thay thế (năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, than đá, …tìm các nhà cung cấp khác để lấp vào chỗ trống của các tập đoàn Nga) hoặc phải giảm nhu cầu tiêu thụ đến 15 tỷ mét khối /năm.

Năng lượng là một nhược điểm của ông khổng lồ châu Âu. Liên Hiệp nhập vào hơn 50% năng lượng để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của tư nhân và các doanh nghiệp trong toàn khối. Brussels nhìn nhận nếu không nhanh chóng thúc đẩy chính sách năng lượng, chỉ 20 năm nữa mức độ lệ thuộc của khối này vào dầu khí nhập cảng sẽ lên tới 80%.

Mỹ trong chiến lược năng lượng của châu Âu

Trong lúc Brussels lúng túng với Moscow về hồ sơ năng lượng, thì Hoa Kỳ nhân hội nghị thượng đỉnh Âu – Mỹ mùa xuân vừa qua đã đề nghị "sẵn sàng giúp đỡ châu Âu giải tỏa bớt áp lực của Moscow".

Dù luôn xem các nguồn dự trữ của mình là một yếu tố an ninh, chiến lược, nhưng Hoa Kỳ đã làm chủ được các kỹ thuật khai thác mới, hoàn thành một cuộc cách mạng về công nghệ nên đã bắt đầu xuất khẩu dầu đá phiến. Từ năm 2011 tới nay, hàng năm Mỹ sản xuất thêm 1 triệu thùng dầu/ ngày. Như vậy so với ba năm trước đây, mỗi ngày Hoa Kỳ đã bơm thêm 3 triệu thùng dầu vào thị trường quốc tế. Nói cách khác trong ba năm qua, chỉ một mình nước Mỹ đã tung ra thị trường một khối lượng dầu hỏa tương đương với mức cung cấp của Irak trong vòng 1 năm.

Tuy nhiên đề nghị của Washington cung cấp khí đốt cho châu Âu mới chỉ là lời hứa suông, khi biết rằng, đưa khí đốt của Mỹ sang thị trường châu Âu không đơn giản.

Thứ nhất chính sách năng lượng của bản thân Hoa Kỳ vẫn chủ trương bảo vệ các nguồn dự trữ quốc gia, vì đó là một yếu tố an ninh của bản thân nước Mỹ. Thứ hai, việc đưa khí đốt từ Mỹ sang châu Âu đòi hỏi nhiều đầu tư tốn kém. Điều đó có nghĩa là dầu khí của Mỹ bán cho châu Âu sẽ đắt hơn so với giá mà châu Âu đang mua của Nga hiện nay.

Thêm vào đó là vấn đề thời gian: sớm nhất thì cũng phải vài ba năm nữa dầu khí của Hoa Kỳ mới chảy tới Châu Âu. Trả lời đài RFI Thierry Bros, chuyên gia về năng lượng trực thuộc Ủy ban châu Âu và là tác giả của cuốn "After the US shale gas revolution", nhà xuất bản Technip nhắc lại: chính nhờ kỹ thuật khai thác khí đá phiến mà Hoa Kỳ đang trở thành một nguồn cung cấp khí hóa lỏng hàng đầu của thế giới :

"Trở lại với cuộc cách mạng khí đá phiến ở Hoa Kỳ, nhờ cuộc cách mạng này mà từ năm 2010, nước Mỹ đã trở thành nhà sản xuất số 1 thế giới. Vào khoảng năm 2015-2016, tức là chỉ một hoặc hai năm nữa, nước Mỹ sẽ đứng đầu trong số các nguồn xuất khẩu khí hóa lỏng bằng đường thủy. Và chỉ đến cuối thập niên này, Hoa Kỳ sẽ là nhà cung cấp khí đốt quan trọng thứ nhì hay thứ ba toàn cầu. Kèm theo đó là những hậu quả kinh tế hết sức quan trọng. 

Thứ nhất là nhân loại không còn sợ các nguồn năng lượng hóa thạch bị cạn kiệt. Điều đó cũng có nghĩa là giá dầu hỏa và khí đốt không thể tăng mãi. Qua đó các nước đang sống nhờ xuất khẩu dầu khí sẽ phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển của họ. Giá dầu khí trong tương lai sẽ giảm đi chứ không còn là những cái giá ‘trên trời’ như trong 5-6 năm về trước nữa. 

Điển hình là vừa qua, Nga ký hợp đồng 400 tỷ đô la với Trung Quốc. Đôi bên đã thương lượng với nhau về giá cả trong suốt 10 năm trời. Trong thời gian qua, Nga cứ nghĩ là giá khí đốt sẽ còn tăng giá. Nhưng vào thời điểm này, phía Gazprom đã phải nhượng bộ vì ý thức được rằng, càng chờ lâu, giá thành càng có khuynh hướng giảm đi thêm nữa. Nhất là một khi khí đã phiến tràn ngập thị trường".

Về phần mình, trả lời đài RFI giáo sư Samuele Furfari, chuyên gia về Địa chính trị, giảng dậy tại Đại học tự do Brussels ghi nhận thêm: không nhờ dầu khí đá phiến, với chiến sự tại Cận Đông, bất ổn ở Iraq và khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, giá một thùng dầu thô trên thế giới sẽ dao động ở mức trên dưới 200 USD một thùng thay vì vẫn được duy trì ở dưới ngưỡng 110 USD như hiện tại.

Trong thông cáo mới nhất, Gazprom ghi nhận giá khí đốt trên thị trường quốc tế đang trên đà giảm sụt nhưng vẫn dao động từ 300 đến 400 đô la/1000 mét khối ít nhất là trong 5 năm tới. Riêng đối với thị trường châu Âu, theo hợp đồng dài hạn, vào năm 2017 giá khí đốt bán cho các đối tác châu Âu sẽ giảm 17%, rơi xuống còn 320 đô la/1000 m3. Đây là hậu quả trực tiếp từ chính sách đa dạng hóa các nguồn cung cấp của Brussels.

Nga bỏ lỡ cuộc "cách mạng dầu khí"

Công nghệ khai thác dầu và khí đang vẽ lại bản đồ năng lượng thế giới. Từ Achentina đến Pháp, từ Ba Lan đến Anh Quốc, từ Mêhicô đến Trung Quốc, tất cả đều đang làm chủ những khoản dự trữ dầu khí quan trọng. Chỉ riêng ở châu Mỹ, ngoài Hoa Kỳ và Achentina, thì cả Mêhico lẫn Canada đang bắt tay vào công nghệ khai thác dầu khí đá phiến. Thậm chí Canada đã bắt đầu đi chào hàng với khắp mọi nơi.

Trong lúc đó thì những quốc gia xuất khẩu truyền thống như Ả Rập Xê Út, Iran, Venezuela đều sẽ phải xét lại chiến lược phát triển của mình. Chuyên gia về năng lượng làm việc tại Ủy ban Châu Âu Thierry Bros lưu ý : Nga đang mất dần lợi thế trên thị trường khí đốt nhưng dồn nỗ lực vào ngành dầu hỏa. Còn các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh thì đang tìm chìa khóa cho phép mở ra kho báu này :

"Trong trường hợp của Nga, quốc gia này đã hoàn toàn bỏ lỡ cơ hội đối với ngành công nghệ khai thác khí đá phiến. Gazprom độc quyền xuất khẩu khí đốt sang châu Âu tới nay vẫn chưa thực sự tin tưởng vào nguồn năng lượng này. Nga không đầu tư vào khí đá phiến nhưng lại đầu tư vào đá phiến dầu, đặc biệt là tại vùng Barzanov. Chi nhánh Gazprom Neft bắt đầu khai thác dầu khí tại đây và điều thú vị là địa chất ở Barzanov rất giống với địa chất của vùng núi Montana ở Hoa Kỳ. Kỹ thuật khai thác cũng sẽ như nhau thôi. Điều đó giúp cho Gazprom Neft thu ngắn được thời gian.

Riêng Trung Quốc cũng có dầu và khí đá phiến nhưng vấn đề đặt ra là để khai thác được nguồn năng lượng này, thì phải bơm nước xuống lòng đất ở một độ sâu với sức ép cực mạnh. Kỹ thuật đó đòi hỏi phải có nhiều nước, mà đây lại là nhược điểm của Trung Quốc. Trước mắt Trung Quốc bị bó tay. Nhưng một khi giải quyết được vấn đề cung cấp nước, thì Trung Quốc sẽ giảm bớt được áp lực về năng lượng".

Trong lĩnh vực năng lượng ảnh hưởng của các nước trong vùng Trung Đông, cũng như Nga đang bị thu hẹp dần. Nhưng trước mắt, không phải quốc gia nào cũng dễ dàng theo chân Hoa Kỳ để "tiến hành một cuộc cách mạ" về dầu khí. Đành rằng châu Âu đang kiểm soát một nguồn dự trữ dầu và khí đá phiến quan trọng, nhưng việc khai thác đang vấp phải sự chống đối mãnh liệt của một phần công luận. Đặc biệt là trong trường hợp của Pháp.

Tuy nhiên, giới trong ngành cho rằng, Anh Quốc và Ba Lan sẽ tiên phong trong việc đẩy mạnh ngành công nghệ khai thác khí đá phiến để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Nga. Về phần Luân Đôn, chính phủ Anh xem đây là một nguồn thu nhập quý giá đối với ngân sách quốc gia.

Thách thức đặt ra đối với châu Âu chẳng hạn là cho tới nay chưa một công trình nghiên cứu đứng đắn nào cho biết nếu khai thác khí đá phiến, thì giá thành của 1000 mét khối là bao nhiêu. Cũng chưa ai xác định được một cách chính xác giá chuyên chở đưa khí đốt đến tay người tiêu dùng.

Đầu tư nhiều vào công nghệ gạn khí từ đá phiến chắc chắn là sẽ tốn kém và chưa chắc là sẽ có lợi cho người tiêu dùng trên Lục địa Già. Trong khi đó 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu biết chắc rằng họ đang nhập khí của Nga với giá chưa đầy 350 đô la/1000 mét khối.

Một yếu tố khác nữa cần được lưu ý đó là các đối tác Nga hoàn toàn có khả năng hạ giá khí đốt bán ra cho quốc tế xuống thấp tới một mức có thể đe dọa các đối thủ khác trên thế giới, bởi vì Nga đang làm chủ khoảng 48 ngàn tỷ de m3 khí đốt. Hiện nay 20% khí đốt của thế giới xuất phát từ Nga. Trữ lượng nói trên cho phép Moscow liên tục sản xuất như hiện tại trong vòng 74 năm nữa.

Trữ lượng dầu hỏa và khí đốt của Nga cũng như Trung Đông còn rất lớn, nhưng không họ không còn trong thế độc quyền. Chẳng hạn như Iran kiểm soát 18% trữ lượng khí đốt của thế giới, 10% dự trữ dầu hỏa của toàn cầu. Tehran ý thức được là một khi dầu và khí đá phiến trở nên phổ biến hơn, các khoản dự trữ của Iran không còn đủ trọng lượng cho phép nước này mặc cả với quốc tế về hồ sơ hạt nhân nữa.

Về phần các quốc gia trong khối OPEP nhóm này sẽ không thể tiếp tục duy trì các quota xuất khẩu dầu hỏa như hiện tại. Họ cũng phải xét lại giá thành. Chuyên gia về Địa chính trị giảng dậy tại Đại học Tự do Bruxelles, giáo sư Samuele Furfari lưu ý hiện nay giá thành một thùng dầu khai thác tại Trung Đông trung bình là vào khoảng 2 đô. Vậy mà dầu bán ra trên thị trường New York lên tới 108 đô la/thùng. Với sự cảnh tranh của đá phiến dầu, giá vàng đen trên thị trường quốc tế chắc chắn sẽ phải giảm xuống đáng kể.

Đối với Nga thì quốc gia này đã bị Hoa Kỳ qua mặt từ năm 2010 để trở thành nhà cung cấp khí đốt số 1 của thế giới, thành thử Moscow dàn sẵn các con cờ then chốt trong lĩnh vực dầu hỏa.

Nhiều nhà phân tích coi dầu và khí đá phiến là một ngõ thoát, nhất là đối với các quốc gia nghèo đang khát dầu khí. Nhưng trước mắt công nghệ khai thác hãy còn là một ưu đãi, mới do một số ít làm chủ. Sự dư thừa năng lượng hóa thạch hãy còn xa vời.

Các chính khách của châu Âu đủ thực tế để ý thức được rằng, mùa đông tới đây, Liên Hiệp sẽ vô cũng chật vật nếu không có khí đốt của Nga. Dù muốn hay không, Mỹ thì vẫn xa mà Nga thì gần. Khí đốt mà Washington hứa bán cho Brusseles là chuyện của tương lai, còn khí đốt mà Nga đang bán cho châu Âu là chuyện của hiện tại.

T.Hà
Nguồn: bizlive.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.