Chuyên mục
Khi phương Tây chia rẽ vì Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Khi phương Tây chia rẽ vì Nga

Thứ hai 02/03/2015 06:08 GMT + 7
Hiệp hai cuộc xung đột ở Ukraine giữa phương Tây và Nga có vẻ như đã thực sự diễn ra, khi mục tiêu của cả hai phe giờ đây không còn là những xung đột quân sự, mà là những kế hoạch hậu chiến. Cả hai muốn thâu tóm ảnh hưởng với Ukraine qua ván bài kinh tế.


Và Nga có vẻ như đang là người dẫn trước trong khi phương Tây vẫn đang bất đồng hơn bao giờ hết về các biện pháp hỗ trợ cho sự hồi phục của kinh tế Ukraine. Không có gì là khó hiểu về điều đó khi mà chính phương Tây cũng đang có sự chia rẽ về vấn đề Nga và Ukraine.

Sự bất đồng giữa hai cực chính của thế giới phương Tây là Mỹ và EU trong vấn đề tìm cách giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine đã xuất hiện từ lâu, và đã ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện ván bài Ukraine. Trong giai đoạn đầu, khi quan điểm của Mỹ vẫn mang tính quyết định với việc đưa ra giải pháp, cả EU đã ngả theo hướng phản ứng mạnh để trừng phạt Nga với các lệnh cấm vận kinh tế vốn là đề xuất từ phía Mỹ. 

Nhưng khi mà chính sách trừng phạt Nga bằng biện pháp kinh tế đã tỏ ra không hiệu quả, khi Nga đã vượt ra khỏi nguy cơ khủng hoảng kinh tế và các nước thành viên EU mới là người lãnh đủ từ hậu quả của lệnh trừng phạt này, thì Liên minh châu Âu đã chuyển sang ủng hộ giải pháp của Đức là tìm kiếm thỏa thuận với Nga bằng con đường đàm phán. Mỹ tức giận nhưng không thể khiến các nước thành viên EU đổi ý và buộc phải chấp nhận sự gia tăng ảnh hưởng của Đức ở Liên minh Châu Âu dù không phải lúc nào Berlin cũng đồng thuận với quan điểm của Washington.

Sự rạn nứt giữa Mỹ và EU còn đang tiếp tục sâu thêm khi cả hai tỏ ra bất đồng nghiêm trọng về vấn đề triển khai các hoạt động quân sự của NATO trong bối cảnh sự ổn định của Châu Âu đang bị xáo trộn bởi Moscow. Theo đó, trong khi Mỹ vẫn đang kiên trì với quan điểm coi Nga ngày càng là một mối đe dọa với an ninh Châu Âu thì các thành viên Châu Âu của NATO lại đang có quan điểm ngược lại, rằng Nga không phải là một mối đe dọa với Châu Âu ở thời điểm hiện tại. 

Sự bất đồng này đang thể hiện rõ hơn bao giờ hết trong việc đưa ra các chính sách quốc phòng trong giai đoạn sắp tới của các nước thành viên NATO. Trong khi Mỹ vẫn tiếp tục giữ nguyên và có thể sẽ tăng chi phí quốc phòng trong năm nay thì hầu hết các thành viên chủ chốt khác của NATO ở Châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Ý đều gần như chắc chắn sẽ cắt giảm chi tiêu quốc phòng của mình.

Đức, lại một lần nữa đang là người đi đầu trong việc giảm các chi tiêu quốc phòng. Quan điểm chủ đạo của chính phủ Đức và thủ tướng Angela Merkel là giải quyết các vụ xung đột ở Châu Âu bằng con đường đàm phán và hòa giải. Trong hội nghị Minsk bàn về một thỏa thuận ngừng bắn, bà Merkel đã có một hành động mang tính biểu tượng cho quan điểm của Đức về cách giải quyết tình hình Ukraine cũng như các xung đột khác ở Châu Âu khi đã nhìn thẳng vào mắt tổng thống Ukraine Poroshenko và nói rõ rằng Ukraine sẽ không thể giành chiến thắng trong một cuộc đọ sức bằng vũ lực với người Nga.

Vì thế, không khó hiểu khi Đức đang ủng hộ mạnh một sự cắt giảm chi tiêu quốc phòng. Pháp cũng đang nghiêng về phương án giảm chi phí quốc phòng nhất là khi nước này đang đối mặt với mức thâm hụt ngân sách tiêu chuẩn mà EU đưa ra. Thậm chí nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở NATO là Anh cũng đang lên kế hoạch giảm chi tiêu quốc phòng bất kể sức ép từ phía Mỹ để ngăn chặn điều đó. 

Anh là nước không hoàn toàn ủng hộ việc giải quyết vấn đề Ukraine bằng biện pháp đàm phán, thủ tướng David Cameron tuyên bố ông lo ngại rằng quân ly khai miền Đông Ukraine sẽ tiếp tục có những hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và thậm chí sẽ gửi các chuyên viên quân sự đến Kiev để hỗ trợ quân đội Ukraine. Tuy mạnh miệng như vậy, nhưng trên thực tế Cameron vẫn đang tiếp tục cắt giảm chi phí quốc phòng của nước Anh, ước tính sẽ giảm khoảng 1 tỷ USD trong năm nay. 

Anh là nước có chi phí quốc phòng cao nhất Châu Âu và đứng thứ hai ở NATO sau Mỹ với mức chi tiêu quốc phòng đạt khoảng 50 tỷ USD, kém khoảng gần 10 lần so với mức chi gần 500 tỷ USD của Mỹ, và việc Anh cắt giảm chi phí quốc phòng đang giáng một đòn mạnh lên những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn điều này. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố việc Anh không đáp ứng được các yêu cầu về quốc phòng của NATO sẽ gây ra một tiền lệ xấu để các nước thành viên khác.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ tỏ ra bất đồng với các nước thành viên NATO khác ở Châu Âu về các vấn đề chiến lược. Việc Mỹ đưa ra các quan điểm của mình mà không để ý đến tình hình thực tế ở Châu Âu đang khiến các nước EU bất mãn. Các nước EU chính là những người thiệt hại nhiều nhất từ lệnh trừng phạt kinh tế Nga mà Mỹ đã khởi xướng, và giờ đây khi cả Châu Âu đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát và cần thắt chặt chi tiêu để dồn sức cho các gói kích thích kinh tế thì Mỹ lại muốn các nước EU tăng chi tiêu quốc phòng. 

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân hàng đầu khiến các nước thành viên NATO ở EU giảm chi phí quốc phòng là để chuẩn bị đối mặt với khó khăn từ nguy cơ giảm phát. Ngoại trừ một số nước nhỏ ở Đông Âu tăng chi phí quốc phòng để đề phòng tình hình chiến sự ở Ukraine có thể xấu đi và gây ảnh hưởng đến nước mình như Estonia, Latvia hay Lít-va thì ngay cả những nước Đông Âu và Balkan chủ chốt khác như Ba Lan hay Hungary và Bulgaria đều không tăng chi phí quốc phòng, thậm chí là còn đang giảm đi, dù những nước này đang gần điểm diễn ra xung đột ở Ukraine hơn các nước Tây Âu khác.

Điều này xuất phát từ thực tế rằng hầu hết các nước thành viên EU đều không coi Nga là một mối đe dọa thường trực với châu Âu như cách mà người Mỹ đang suy nghĩ. Nga dù vừa mới thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng kinh tế nhưng Moscow vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hồi phục kinh tế và những khoản chi phí tốn kém cần chi trong việc sáp nhập bán đảo Crimea và tình hình chiến sự các tỉnh miền Đông Ukraine. 

Việc Mỹ vẫn đang khăng khăng cho rằng Nga là một mối đe dọa với Châu Âu ở thời điểm hiện tại vì thế là không có căn cứ, và chẳng qua xuất phát từ một sư e ngại cố hữu của Mỹ với Nga mà thôi.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Nguồn: Một thế giới
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.