Chuyên mục
Độc chiếm biển Đông - bước đi trong chiến lược kinh tế “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của TQ
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Độc chiếm biển Đông - bước đi trong chiến lược kinh tế “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của TQ

Thứ năm 27/08/2015 13:47 GMT + 7
Thời gian qua, dư luận quốc tế tỏ ra hết sức quan ngại trước những hành động của TQ trên biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, từ việc TQ đưa ra tuyên bố chủ quyền ở biển Đông bằng “đường lưỡi bò” cho đến nay TQ tiến hành việc xây đắp, cải tạo các bãi đá, đảo với một quy mô, tốc độ chóng mặt và xây dựng các khu quân sự nhằm kiểm soát biển Đông. Đây được coi là một phần trong chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của TQ.


Chiến lược “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “con đường tơ lụa trên biển” (gọi tắt là một vành đai một con đường - One Belt and one road) có vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của TQ. Chiến lược được coi là sự mở rộng của thuyết “giấc mộng Trung Hoa”. Xây dựng chiến lược con đường tơ lụa trên biển mới nhằm thúc đẩy sự trỗi dậy của TQ trong thế kỷ 21 và là biện pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu “hai giấc mộng” và nhằm thúc đẩy ngoại giao kinh tế của quốc gia này. Đối với chiến lược “con đường tơ lụa trên biển”, ban đầu chiến lược này nhằm vào quan hệ với ASEAN, tuy nhiên, sự mở rộng của khái niệm này trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka, theo đó có sự kết nối giữa con đường tơ lụa trên biển với “chuỗi ngọc trai” (String of Pearls - bao gồm đầu tư của TQ ở các cảng biển như cảng Colombo của Sri Lanka và cảng Gwadar ở Pakistan) tạo thành mạng lưới cơ sở hạ tầng của TQ kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Phát biểu tại Diễn đàn ngày hàng hải TQ 2014 diễn ra ngày 11/7/2014 với chủ đề “Xúc tiến con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 và phát triển dịch vụ thủy thủ” ông Hà Kiến Trung - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải TQ cho rằng, TQ là nước lớn về vận chuyển hàng hải, về thủy thủ, về đóng tàu, về ngư nghiệp nên việc tạo ra “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” chiếm vị trí quan trọng và là con đường vận tải chủ yếu trong việc phát triển mậu dịch đối ngoại của TQ, gánh vác gần 90% lượng vận chuyển hàng hóa ngoại thương, 95% lượng dầu thô nhập khẩu và 99% quặng sắt nhập khẩu của TQ. Ngoài ra, thực hiện dự án lớn này không chỉ giúp chấn hưng ngành vận tải viễn dương của TQ mà còn giúp cho TQ giảm bớt những lo ngại về mặt an ninh.

Với việc xác định vị trí chiến lược quan trọng của biển Đông đối với dự án vĩ mô này, chính quyền Bắc Kinh một mặt xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” nhằm thúc đẩy gia tăng hợp tác với các quốc gia dọc tuyến đường này nhằm mở rộng không gian phát triển, mặt khác đẩy mạnh các hoạt động gia tăng kiểm soát thực tế ở biển Đông. 

Theo tờ International policy Digest, TQ tiến hành xây dựng, bồi đắp và cải tạo các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là hành động biến đảo chìm thành đảo nổi của TQ với mục tiêu tạo ra những vùng biển chồng lấn, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và biến không thành có. Ý đồ xây dựng một chuỗi đảo nhân tạo của TQ thực sự là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này tại quần đảo Trường Sa và tiếp đến kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đông. Kể từ năm 1988, TQ đã chiếm đóng trái phép ít nhất 09 bãi đá ngầm, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa và đã có các hành động xây dựng, mở rộng các cấu trúc nhân tạo tại những bãi đá này. Tuy nhiên, phần lớn các cấu trúc này có diện tích quá nhỏ khiến cho TQ không thể tiến hành xây dựng đường băng hay cảng biển, trừ Đá Chữ Thập là có sở chỉ huy và bãi đáp trực thăng. Do đó, mặc dù lớn mạnh hơn nhiều so với hải quân các quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông, lực lượng Hải quân TQ vẫn có một số nhược điểm và bất lợi nhất định trong trường hợp xảy ra chiến sự tại Trường Sa, nhất là khó khăn trong việc triển khai và duy trì một lực lượng lớn tàu và máy bay quân sự tại khu vực này.

Việc tiến hành các hoạt động cải tạo các bãi đá, đảo và xây dựng đường băng, hải cảng, tăng cường sự hiện diện quân sự của TQ tại các “đảo nhân tạo” ở Trường Sa sẽ càng khiến các nước có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông sẽ không dám đối đầu trên thực địa với TQ trong trường hợp TQ tiếp tục có các hành động gây hấn tại khu vực. Từ đó, TQ sẽ kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đông - tuyến vận tải đường biển quốc tế chiến lược từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Tháng 6/2014, Chính phủ Philippines đã công bố những bức ảnh cho thấy TQ nạo vét cát ở đáy biển và tìm cách mở rộng năm bãi đá ngầm mà TQ đã chiếm trước đây ở Trường Sa gồm: Đá Châu Viên (Cuarteron), Đá Én Đất (Eldad), Đá Ga Ven (Gaven), Đá Tư Nghĩa (Hughes) và Đá Gạc Ma (Johnson). Sau đó là bằng chứng rõ ràng về việc TQ tiến hành xây dựng và cải tạo tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) để xây dựng đường băng thứ 4 tại khu vực quần đảo này và gần đây tại Đá Vành khăn (Mischief Reef). Hình ảnh vệ tinh được hãng tin quân sự HIS Jane’s phân tích cho thấy Đá Tư Nghĩa đã trở thành một đảo nhân tạo với diện tích 75.000 m2 và rõ rệt hơn nữa trên Đá Lạc. Ở đây hình ảnh chụp từ vệ tinh vào cuối tháng 8/2014 một hòn đảo nhân tạo đã hình thành kế bên đó và cuối tháng 1/2015 một bãi đáp trực thăng đã được xây kế bên đảo nhân tạo này cũng như những cây cầu nối cả ba cấu trúc với nhau. Cũng theo Jane’s, đảo nhân tạo xây dựng nhanh nhất là Đá Chữ Thập. Từ tháng 8-11/2014, đảo này đã được bồi đắp thành một mảnh đất dài khoảng 3.000m và rộng khoảng 200m, đủ để xây một sân bay.

Nói tóm lại, việc TQ đưa ra chiến lược “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” kết hợp với chiến lược “vành đai kinh tế con đường tơ lụa” là biểu hiện rõ tham vọng hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” về việc phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại theo cách nói của người TQ. Trong chiến lược này, việc kiểm soát biển Đông là khâu then chốt, biến TQ trở thành cường quốc biển hàng đầu thế giới trong thời gian tới.

Việt Anh (tổng hợp)
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.