Chuyên mục
Đồng rúp mất giá, người Việt vất vả bươn chải mưu sinh
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đồng rúp mất giá, người Việt vất vả bươn chải mưu sinh

Thứ tư 08/06/2016 09:17 GMT + 7
Trong chuyến đi này, chúng tôi phải dựa hoàn toàn vào cộng đồng người Việt tại Moscow, phụ thuộc 100% vào họ từ ăn, nghỉ, ngủ. Chính vì thế, khu chợ nơi người Việt kinh doanh đông đúc ở Moscow, cũng là nơi chúng tôi tìm kiếm các thông tin xung quanh số phận những người Việt tại đây.

Được người dẫn đường chắp nối, chúng tôi có dịp mời cơm và cùng trút bầu tâm sự với ông Đỗ Thế Cước, quê tỉnh Nam Định, làm chủ quán Cơm Việt tại khu chợ có đông đúc người Việt đang kinh doanh.
 

Phóng viên NNVN đang trao đổi với ông Đỗ Thế Cước (áo trắng) về cuộc sống người Việt tại Nga
 
Ông Cước vui vẻ cho biết, khi chợ này hình thành năm 2009, ông đã phải bỏ ra 350 ngàn USD để mua được gian hàng rộng khoảng 150 m2 trên tầng 2 để tổ chức kinh doanh hàng ăn uống.

Những ngày đầu, ông bán khoảng 5 tạ phở, 5 tạ bún và hơn 3 tạ thịt bò mỗi ngày. Khách ăn đông đúc, ông cùng nhân viên phục vụ từ sáng sớm đến 9 giờ đêm mới được nghỉ tay. Vất vả là thế nhưng ai cũng vui và chỉ trong mấy năm, ông đã thu hồi gần hết số vốn bỏ ra đầu tư. Hai năm nay, ông cũng như nhiều người Việt Nam đang sinh kế tại Nga bắt đầu rơi vào khó khăn vì đồng rúp mất giá.

Chính vì thế, đang là chủ của 3 cửa hàng kinh doanh ăn uống, ông Cước đành phải duy trì lấy 2 điểm để giữ chân khách quen và tạo việc làm cho người nhà, còn một điểm đành cho thuê để giảm tiền thuế kinh doanh. Chỉ tính riêng tiền thuế tại quầy bán cơm ở chợ này, những năm tháng đồng rúp ổn định, ông phải nộp thuế mỗi tháng là 100 ngàn USD.

Khi đồng rúp mất giá, lượng khác sụt giảm quá nửa, ông đã cố gắng bám trụ mức thuế cao đến hết năm 2015, bước sang năm 2016, ông đã trình bày với Ban quản lý chợ để giảm thuế xuống còn mỗi tháng là 60 ngàn USD.
 

Chợ Moskva, nơi có đông đúc người Việt kinh doanh
 
Mặc dù thuế có giảm gần nửa nhưng cuộc sống của ông cùng 30 nhân viên người Việt tại nhà hàng này vẫn chật vật, từ tiền lương của người phục vụ đều phải giảm từ 500 USD, xuống 400 USD/tháng. Cùng với các khoản phí khác ông phải chi trả từ bao tiêu chỗ ăn, ngủ… tháng nào hòa đã là may mắn.

Tôi đặt câu hỏi: Không có lãi, thậm chí còn bù lỗ cả tiền thuế suốt 2 năm rồi, ông còn cố giữ làm gì? Ông Cước thủng thẳng: “Mình sinh năm 1954, con cái ổn định ở quê cả rồi, chẳng còn ham hố gì nữa. Mình bám cửa hàng ăn này cũng vì những đứa cháu đang làm ở đây.

Chúng toàn là con cháu trong gia đình hoặc bà con hàng xóm đưa nhau sang làm ăn, khi gặp khó khăn trong kinh doanh tôi bàn bạc với chúng nó, mấy đứa quyết tâm cùng mình "kéo cày", có thế mới giữ được cửa hàng chứ. Bây giờ mà không làm hàng ăn, tiếng Nga chúng nó cũng chẳng giỏi, quan hệ không có, nghề nghiệp chẳng có gì chuyên sâu, biết đi đâu về đâu? Mà về quê cũng phải làm mới có ăn, thôi thì ở đây có sẵn bạn hàng, cứ duy trì phục vụ theo phương thức ăn ngon, giá rẻ thì khách sẽ đông và chắc vẫn đủ sống…”.
 

Một quầy hàng ở chợ Moskva
 
Còn chị Lan, quê Thái Bình, đã sang xứ sở bạch dương này từ năm 2007, ban đầu đi trông trẻ cho người nhà, sau khi đứa trẻ lớn đi học, chị lại đi phụ giúp việc bán hàng thuê cho người quen ở chợ, thời kỳ nhiều việc, mỗi tháng chủ hàng cũng cho được khoảng 700 USD gửi về quê nuôi con, còn suốt từ đầu năm 2015 đến nay, đồng rúp trượt giá, chị cũng lật đật tìm việc làm, phải chuyển đến mấy chủ để làm thuê nhưng lương rất thấp, chỉ đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Khi được hỏi về những điểm đẹp ở thủ đô Moscow, chị Lan tiếc nuối vì nghe nhiều nhưng chưa một lần được đến. Ngay cả việc đi tàu điện ngầm là phương tiện phổ biến nhất ở Nga, chị cũng chưa một lần leo lên, còn tiếng Nga cũng chỉ biết mấy câu để bán hàng, xã giao quen thuộc...

Theo những người trong Ban quản lý chợ, sở dĩ có người Việt không biết tiếng Nga vẫn sống được ở chợ vì ban đầu mở chợ vào năm 2009, có khoảng 4.000 gian hàng thì người Việt chiếm tới 90%. Người Việt cùng kinh doanh trong chợ đã giúp đỡ lẫn nhau trong giao tiếp theo phương thức “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cứ thế cùng tồn tại, cùng phát triển...
 

Phóng viên tiếp cận Ban quản lý chợ Mockva

Anh Thắng, quê Nghệ An, đã sinh sống tại Nga hơn 20 năm đưa ra có nhận xét: Mấy năm gần đây, kinh doanh nhỏ lẻ bắt đầu gặp khó khăn vì phía Nga có nhiều quy định chặt chẽ hơn với lao động nước ngoài, khiến nhiều người Việt đã bỏ nghề bán hàng để đi làm công việc khác, như thuê đất để mở trang trại chăn nuôi; trồng rau, củ quả. Cứ vậy, số đông người Việt tại Nga cứ lầm lũi, tần tảo ngày đêm hết thời kỳ bám chợ bán hàng, đến bám đất vườn để mưu sinh. Mặc dù thiếu thốn trăm bề, nhớ quê hương da diết nhưng họ đã tha phương cầu thực nên quyết tâm vượt khó đi lên.

Mặc dù xa quê nhưng người Việt tại Nga vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp là mến khách, nó được thể hiện qua mỗi lần tổ chức tiệc tiếp chúng tôi. Mặc dù chưa một lần biết nhau nhưng nhiều người Việt ở Nga đã để lại trong mỗi chúng tôi những cử chỉ đẹp, đáng nhớ trong những ngày trên đất Nga…
 

Nhóm người Việt tại Nga giao lưu với phóng viên NNVN
 
Trong chuyến công tác tại Liên bang Nga, được một sự may mắn là chúng tôi được gặp gỡ những người đồng hương tốt bụng quê ở Hà Tĩnh, Nam Định... Họ biết chúng tôi cần gì trên xứ người và thèm khát bữa cơm Việt, do đó các bạn người Việt tại Nga đã giúp đỡ chúng tôi trong suốt hành trình khám phá từ cung điện hoành tráng nơi phố phường sầm uất, đến ngôi nhà nhỏ và mảnh vườn của người Nga ở vùng ngoại ô, để chúng tôi biết nhiều về cuộc sống của cộng đồng người Việt cũng như người Nga tại xứ bạch dương.
     
ÂU VƯỢNG 
Nguồn: nongnghiep.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.