Chuyên mục
Hàng chục ngàn người Việt Nam lao động chui ở Trung Quốc
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Hàng chục ngàn người Việt Nam lao động chui ở Trung Quốc

Thứ sáu 07/08/2015 10:44 GMT + 7

Nhà ở cho lao động chui ở TQ

Hãng tin Anh Reuters nêu tình trạng người Việt Nam lao động chui ở Trung Quốc ngày càng tăng, với hàng chục ngàn người đang làm việc trong các xí nghiệp.

Khi làm phóng sự về nạn buôn người Việt Nam sang Trung Quốc lao động chui ngày càng tăng, Reuters cho biết “cò” lao động ước tính có hàng chục ngàn người làm việc ở các xí nghiệp thuộc châu thổ sông Châu Giang giáp Hồng Kông. Không chỉ người Việt Nam, người lao động chui từ các nước Đông Nam Á khác cũng đến đây.

Các xí nghiệp TQ từ lâu lệ thuộc nguồn lao động nội địa lương thấp, để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đạt 2.300 tỉ USD/năm. Nhưng số người TQ tham gia lao động đang giảm, do lương tăng và người già ngày càng nhiều.

Lao động chui Việt Nam không được bảo vệ…

Các chủ xí nghiệp chật vật duy trì hoạt động, phải lựa chọn nên rời khỏi vùng duyên hải vốn buộc họ phải trả lương cao mới hút được nhân công, hay là chuyển đến các tỉnh hoặc đến các nước khác như Việt Nam, Campuchia...

Nhưng họ cũng có thể trả tiền cho bọn buôn người “đầu rắn” và “cò” buôn lao động nước ngoài. Lực lượng lao động này bị trả lương thấp, không được bảo vệ và dễ bị mất việc.

Các tổ chức buôn người TQ “đầu rắn” câu kết với dân xã hội đen người Việt để kiểm soát mảng làm ăn béo bở này, theo “cò” và người lao động ở TQ cho biết.

“Đầu rắn” thường “cắn” vào lương tháng của người lao động trái phép, khoảng 500 nhân dân tệ (80 USD)/tháng. Chúng cũng tính một khoản phí với chủ xí nghiệp, theo một “cò” cho biết.

Một “cò” tên Zhang nói: “Nếu các xí nghiệp “đặt hàng”, chúng tôi có thể cung cấp một lúc hàng trăm lao động chui”.  

Zhang khoe ông ta “làm việc trực tiếp” với bọn buôn người: “Bọn đầu rắn có thể đưa người lao động chui sang đây trong vòng một tuần khi có yêu cầu”.  

Theo Cục thống kê nhà nước TQ, lương nhân viên văn phòng TQ tăng gấp đôi trong 5 năm qua, đạt gần 2.800 NDT (450 USD) mỗi tháng. Nhưng một số người Việt chỉ được trả một nửa mức lương này.  

Một số người Việt khác lãnh mức lương ngang bằng người TQ, nhưng các nhà sản xuất vẫn “lời”, vì họ không phải mua bảo hiểm y tế hoặc đóng trợ cấp cho các nhân công Việt này.

Đối với lao động ở Việt Nam chỉ kiếm được 250 USD/tháng, thì cơ hội lãnh lương cao hơn ở TQ khiến họ bị cuốn hút.

Một nữ lao động người Việt ở thị trấn nọ thuộc tỉnh Phú Thọ cho Reuters biết qua điện thoại: Một nửa số dân trong độ tuổi 30-45 ở thị trấn của cô đã qua TQ, nơi họ hưởng mức lương cao hơn “gấp đôi, thậm chí gấp ba” so với mức lương họ lãnh ở quê nhà.

Ngọc Đức, 30 tuổi, cho biết anh vượt biên qua TQ, thuộc nhóm thợ xây ở thị trấn Đông Hưng gần biên giới Trung-Việt. Mỗi ngày anh lãnh 100 NDT, tương đương 200.000 đồng/ngày công ở Việt Nam. Khi được hỏi có sợ bị chính quyền TQ bắt hay không, anh nói: “TQ là nơi lý tưởng để kiếm tiền. Chúng tôi sẽ còn qua TQ đông hơn”.

Một tài xế xe thồ ở Đông Hưng đã chở phóng viên Reuters đi dọc một tuyến đường mà bọn buôn người thường sử dụng, chỉ cho coi các xe tải nhỏ và xe buýt lớn chở đầy người Việt trốn tránh những chốt kiểm soát của công an biên phòng.

Nhiều lúc các xe này luồn lách qua các làng nhỏ để đến Đông Quản và các thành phố công nghiệp vùng châu thổ sông Châu Giang. Người địa phương cung cấp chốn nghỉ ngơi cho lao động chui, chờ đến khi bờ sông “thoáng” là đưa họ vượt sông. 

Chính quyền TQ khi thì làm ngơ, khi lại bắt bớ

Báo China Daily của TQ hồi tháng 4 nêu chính quyền Quảng Đông năm ngoái đã điều tra ít nhất 5.000 vụ người nước ngoài lao động chui.  

Thành phố Lạng Sơn là một trong hai điểm nóng buôn người vào TQ.  Một lao động chui người Việt ở tỉnh Phúc Kiến cho biết một “hướng dẫn viên” dẫn anh cùng 1.000 lao động khác vượt biên vào TQ hồi năm ngoái, lẩn tránh bộ đội biên phòng Việt Nam, nhưng nhân viên hải quan, biên phòng TQ làm ngơ cho họ.

Người Việt Nam lao động trái phép thường được bọn buôn người dẫn lên thuyền vượt sông biên giới Việt-Trung, ở mỗi bờ có người báo hiệu bằng đèn pin. Tiếp đó, nhóm người Việt được nhiều thanh niên TQ chở bằng xe máy (xe thồ) ngay trước mặt hai công an viên TQ mặc quân phục ở một chốt kiểm soát gần cửa khẩu thị trấn Đông Hưng.  

Một thanh niên TQ cho biết: “Hằng đêm, chúng tôi đến đây chở hàng lậu vào thị trấn, đôi lúc chở người Việt lao động chui”.

“Hàng lậu” mà nhóm xe thồ TQ chở vào một đêm hè 2014 là người lao động trái phép. Họ vượt qua 700km đến tỉnh Quảng Đông, một vùng kinh tế có nhiều xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Phóng viên Reuters đã thăm khoảng 6 xí nghiệp ở miền nam TQ, phát hiện tình trạng người Việt lao động trái phép tràn lan, và chính quyền địa phương thường nhắm mắt làm ngơ. Người Myanmar và Lào cũng làm việc ở các khu vực này.

Reuters nêu chủ lao động đôi khi nhốt lao động chui trong xí nghiệp để giấu chính quyền địa phương. Nhưng tại nhiều nơi mà phóng viên Reuters đến thăm ở miền nam TQ, xem ra lao động chui được tự do đi lại, trước sự thờ ơ của lực lượng dân phòng “Thành quản”.

Chủ xí nghiệp có thể bị phạt 10.000 NDT (1.600 USD) hoặc hơn, do tuyển dụng lao động chui, theo giới truyền thông TQ. Vì vậy họ rất sợ bị chính quyền kiểm tra. Lao động chui có thể bị tạm giữ 30 ngày rồi trục xuất về nước.

Chủ xí nghiệp có “chiêu” phát thẻ chứng minh nhân dân giả với tên TQ giả cho họ, huấn luyện họ cách trả lời công an khi bị khám xét. Chủ xí nghiệp cũng “làm luật” với công an để lực lượng này “lờ” lao động chui. 

Một người chuyên làm thẻ chứng minh nhân dân giả ở Đông Quản cho biết anh ta đã làm thẻ giả cho rất nhiều lao động Myanmar và Việt Nam. Anh ta chỉ cần một cái tên giả và một tấm ảnh là xong việc. Mỗi thẻ giả có giá 100 NDT (16 USD).


Bộ đội biên phòng Việt Nam ở cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Reuters

TQ không công bố bất kỳ số liệu chính thức nào về lao động nước ngoài trái phép. Một “cò” ước tính ít nhất 30.000 người nước ngoài lao động chui ở thành phố công nghiệp Đông Quản 8 triệu dân, nơi có hàng chục ngàn xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Theo Reuters, các quan chức Việt Nam rất lo ngại tình trạng lao động trái phép đổ qua TQ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng nói: Số người Việt vượt biên giới với địa hình phức tạp tăng trong vài năm gần đây, là một thách thức cho cả hai chính phủ Việt-Trung. Bà Hằng không cung cấp số liệu, nhưng nói thêm: “Lợi dụng tình hình này, những phần tử xấu đưa người Việt qua TQ lao động trái phép, gây khó khăn cho cơ quan quản lý người lao động của cả hai quốc gia”.  

Bà Hằng cho biết chính phủ Việt Nam đang phối hợp với TQ để ngăn chặn nạn buôn người”.

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ từ chối bình luận. Bộ Công an TQ và Sở Công an Quảng Đông cũng không trả lời câu mà Reuters gửi cho.   

Vĩnh Thụy (theo Reuters)
Nguồn: motthegioi.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.