Chuyên mục
Mỹ - Nga trong cuộc chiến giành thị trường vũ khí ở châu Á
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Mỹ - Nga trong cuộc chiến giành thị trường vũ khí ở châu Á

Thứ ba 09/06/2015 03:08 GMT + 7
Châu Á và đặc biệt là châu Á Thái Bình Dương đang là khu vực nóng nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại và trong cả tương lai. Những xung đột về địa chính trị và lãnh thổ giữa các quốc gia ở khu vực này cũng đang biến nơi này trở thành khu vực có mức chi tiêu cho lĩnh vực quân sự thuộc diện cao nhất trên thế giới. 


Song song với cuộc chạy đua về địa chính trị, còn là cuộc chạy đua về tăng cường khí tài quân sự. Và nếu như Mỹ và Trung Quốc là hai nhân vật chính trong cuộc chạy đua về địa chính trị, thì Nga và Mỹ lại là hai nhân vật chủ đạo trong cuộc chạy đua tranh giành thị trường vũ khí béo bở này.

Những thống kê về mức độ gia tăng chi tiêu cho lĩnh vực quân sự ở châu Á nói chung và châu Á Thái Bình Dương nói riêng đang nói lên sức nóng ngày càng tăng ở khu vực này. Trong năm 2014, hầu hết các khu vực trên thế giới đều có mức tăng trung bình về chi tiêu quân sự chỉ là từ 0,5% - 1%, thì riêng châu Á Thái Bình Dương con số này là trên 5%. Trong khi nhiều nước trên thế giới chọn cách giảm chi phí đầu tư cho quốc phòng để đối phó với tình trạng kinh tế toàn cầu ảm đạm, thì xu thế này đã không xảy ra ở châu Á.

Không phải là nền kinh tế các quốc gia ở châu Á khởi sắc hơn, mà là những xung đột tiềm tàng ở khu vực này đang nhiều hơn, buộc các quốc gia phải tăng cường chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng dù họ cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về kinh tế. Sự gia tăng chi tiêu quân sự này, đang biến châu Á Thái Bình Dương trở thành một thị trường béo bở cho những cường quốc buôn bán khí tài quân sự trên thế giới, trong đó không thể không nhắc đến hai ông lớn là Nga và Mỹ.

Cho đến trước những năm 2000, Nga là quốc gia chiếm ưu thế vượt trội trong việc tiếp cận thị trường vũ khí ở châu Á Thái Bình Dương và lân cận. Những quốc gia có mức đầu tư cho quốc phòng cao nhất ở khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam hầu như đều tiến hành giao dịch với Nga. Điều này xuất phát từ lịch sử sử dụng khí tài quân sự Liên Xô ở các quốc gia này trong quá khứ, phần lớn các trang thiết bị quân sự ở Trung Quốc hay Ấn Độ đều xuất xứ từ Liên Xô và các nước này chỉ có thể giao dịch với Nga nếu muốn nâng cấp và trang bị thêm cho hệ thống khí tài quân sự của mình. 

Nó cũng bắt nguồn từ việc Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam đều bị Mỹ và NATO cấm vận với các loại vũ khí sát thương cao, dẫn đến việc các nước này không còn nguồn cung nào khác ngoài Nga. Các khách hàng duy nhất của Mỹ ở khu vực là các nước đồng minh như Nhật, Hàn Quốc, Philippins và Thái Lan, nhưng nhu cầu chi tiêu quốc phòng của các nước này lại suy giảm mạnh sau khi chiến tranh lạnh kết thúc.

Xu hướng này bắt đầu thay đổi kể từ khi Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy như một cường quốc lớn về chính trị và quân sự trong khu vực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc tạo ra những kẽ hở trong thị trường vũ khí mà Mỹ nhanh chóng nhận ra và lập tức chen vào. Mục tiêu chiến lược đầu tiên mà Mỹ nhắm đến là Ấn Độ. Lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ tìm cách tăng cường quan hệ với Mỹ, và hiệp định đối tác chiến lược Mỹ Ấn ra đời dưới thời tổng thống George Bush con đã mở cửa cho không chỉ việc tăng cường mối quan hệ giữa hai cường quốc, mà còn mở cửa cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ xâm nhập thị trường béo bở của Ấn Độ. 

Những rào cản về việc bán vũ khí sát thương cho Ấn Độ bị dỡ bỏ, Mỹ ngay lập tức hớt tay trên của Nga trong việc thâu tóm thị trường béo bở này. Doanh số thương mại quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ đã tăng vọt lên 9 tỷ USD, con số này thậm chí còn cao hơn giữa một đồng minh khác của Mỹ là Israel khi tổng doanh số thương mại quốc phòng của nước này với Ấn Độ đã lên tới 10 tỷ USD. Ảnh hưởng của công nghiệp quốc phòng Nga gần như bị đánh bật ra khỏi Ấn Độ.

Điều tương tự cũng đang có xu hướng diễn ra ở một số khách hàng tiềm năng khác của Nga trong khu vực, như Việt Nam. Mỹ đã chính thức bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam và thậm chí còn tài trợ những tàu tuần tra cho quốc gia này. Đây được xem là dấu hiệu dự báo cho việc Mỹ tìm cách làm lại điều tương tự với những gì đã diễn ra với Ấn Độ. Điều này được giải thích là do Trung Quốc vẫn đang sử dụng và mua các khí tài quân sự chủ chốt gần như hoàn toàn đến từ Nga, do Mỹ và EU vẫn đang duy trì các lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho nước này. 

Việc Trung Quốc phụ thuộc vào khí tài của Nga khiến cho các nước như Ấn Độ và Việt Nam hướng đến khí tài Mỹ không chỉ như một sự đa dạng hóa nguồn cung, mà còn như một đối trọng hiệu quả hơn với chiến lược quân sự của Trung Quốc. Nga đang có dấu hiệu xích lại gần Trung Quốc trong thời gian gần đây, và Moscow đã chấp nhận bán cho Bắc Kinh những vũ khí tối tân nhất của mình như máy bay chiến đấu Su-35. Nếu cứ tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí của Nga, Ấn Độ và Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng lạc hậu hơn so với các khí tài quân sự của Trung Quốc.

Nga đang cố gắng cải thiện điều này để tìm cách giành lại những thị trường vũ khí truyền thống của mình. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ các lệnh cấm vận của phương Tây, Nga đang tăng cường xuất khẩu khí tài quân sự như một hướng đi trong tương lai. Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã tăng cường quy mô so với cách đây vài năm, với nhân lực khoảng 2,5 – 3 triệu người so với 2 triệu vài năm trước. Moscow đang cố gắng tìm cách đa dạng hóa các chủng loại vũ khí của mình để đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường châu Á, theo đó với mỗi quốc gia Nga sẽ phát triển và nghiên cứu các phiên bản khác nhau. 

Điều này có thể tránh được tình trạng các nước như Ấn Độ không hài lòng với việc Nga bán cho Trung Quốc các vũ khí cao cấp hơn. Tuy vậy, về lâu dài việc Nga phải san sẻ thị phần cho khí tài quân sự Mỹ trong thị trường châu Á Thái Bình Dương là điều đã được dự báo trước, khi mà nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí ở khu vực đang ngày càng tăng. Đặc biệt là khi số nhà cung cấp tham gia vào thị trường này ngày càng nhiều, như Nhật Bản hay các nước EU như Đức và Pháp.


Nhàn Đàm
Nguồn: motthegioi.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.