Chuyên mục
Kỳ vọng tăng xuất khẩu sang Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Kỳ vọng tăng xuất khẩu sang Nga

Thứ sáu 03/07/2015 14:17 GMT + 7
Là thị trường lớn nhất trong khối Liên minh Kinh tế Á - Âu, có nhu cầu cao về hàng hóa, các doanh nghiệp đang kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU-FTA) được ký kết.

Dệt may được kỳ vọng tăng xuất khẩu sang Nga khi EEU – FTA có hiệu lực.

Nhu cầu hàng hóa vào thị trường Nga rất lớn, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, đồ gỗ, nông lâm thủy sản… Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất khi tiếp cận với thị trường này là mức thuế suất khá cao và những khó khăn trong thủ tục hải quan. Với việc “cởi trói” cho nhiều dòng thuế của các ngành hàng, cộng với việc cải thiện thủ tục hải quan theo hướng đơn giản và thuận lợi hơn, các doanh nghiệp (DN) đang kỳ vọng FTA này sẽ giúp tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nga.

Được cho là hưởng lợi nhiều nhất khi EEU – FTA có hiệu lực, dệt may là ngành hàng đang được kỳ vọng sẽ tạo được “cú huých” lớn khi xuất khẩu (XK) sang thị trường Nga. Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, Nga là thị trường có dung lượng lớn, mỗi năm nhập khẩu khoảng 11 tỷ USD các sản phẩm dệt may. Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam đang XK sang thị trường này khoảng 320 triệu USD mặt hàng dệt may, tương đương hơn 2% dung lượng thị trường. Khi EEU – FTA có hiệu lực, khả năng kim ngạch XK dệt may sang thị trường Nga đạt khoảng hơn một tỷ USD, tương đương 10% dung lượng thị trường là hoàn toàn khả quan.

Cơ hội là thế, tuy nhiên, để Hiệp định này được hiện thực hóa thành những văn bản mang lại lợi ích cụ thể cho DN thì cần một khoảng thời gian khá dài. Ông Lê Tiến Trường phân tích: “Sự thực, điểm xuất phát hiện nay của Việt Nam ở Liên minh Kinh tế Á - Âu giống vị thế của Việt Nam ở Mỹ khi chưa có Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA). BTA có hiệu lực từ năm 2001. Với một quốc gia quy củ và có chuẩn mực như Mỹ cũng phải mất khoảng 10 năm để hàng hóa Việt Nam tận dụng BTA, chiếm lĩnh thị trường thì với một thị trường mới như Nga, việc kỳ vọng có kim ngạch xuất khẩu cao ngay lập tức là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, khi đã có FTA thì sẽ có những tác động nhất định đến việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan cũng như giảm thuế suất nhập khẩu. Từ đó, hàng Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường nhanh chóng hơn”.

Với mặt hàng thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, EEU – FTA được ký kết vào cuối tháng 5 với các cam kết rõ ràng về thuế suất đối với các sản phẩm thủy sản sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn để XK sang thị trường này, đặc biệt trong hoàn cảnh các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là cá ngừ đang rất được lòng thị trường này. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong bốn tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cá ngừ sang Nga đạt 1,65 triệu USD, tăng 218,4% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên liệu cá ngừ đông lạnh vẫn là mặt hàng XK chính sang Nga với giá trị 1,58 triệu USD, chiếm 95% tổng kim ngạch XK sang thị trường này. Nga cũng hiện là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ chín của Việt Nam.

Riêng với mặt hàng gỗ - một trong ba mặt hàng được khuyến khích XK vào thị trường Nga khi các FTA có hiệu lực, ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hiện Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã có chính sách khuyến khích đẩy mạnh XK gỗ vào thị trường Nga. Tuy nhiên, XK vào thị trường này còn nhiều vướng mắc về nguyên liệu, lao động, thủ tục hải quan và thuế…

“FTA được ký kết là cơ hội tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh XK đồ gỗ vào thị trường Nga. Hiện nay, kim ngạch XK đồ gỗ sang thị trường Nga chỉ khoảng 40-50 triệu USD nhưng khi EEU - FTA có hiệu lực, thị trường Nga được dự báo sẽ là thị trường lớn thứ 3 của đồ gỗ Việt sau Mỹ, EU. Nhưng để Hiệp định được hiện thực hóa thành những hướng dẫn, thông tư cụ thể phải mất khoảng hai năm. Hiệp hội đã có kiến nghị với Chính phủ đẩy nhanh việc này nhằm tạo thuận lợi lớn nhất cho các DN” – ông Nguyễn Tôn Quyền khẳng định.

Nếu trong những năm 2005-2009, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt - Nga trung bình vào khoảng 1,1 tỷ USD/năm, thì trong giai đoạn 2010-2014, con số này đã tăng gấp ba lần và đạt gần 3,5 tỷ USD. Thương mại Việt Nga sẽ tăng trưởng nhanh trong thời gian tới khi Hiệp định này có hiệu lực, dự kiến đạt và vượt 10 tỷ USD vào năm 2020.

HÀ ANH
Nguồn: nhandan.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.