Chuyên mục
Bán hàng qua Nga: Ngán nhất vẫn là khâu thanh toán
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Bán hàng qua Nga: Ngán nhất vẫn là khâu thanh toán

Thứ năm 02/10/2014 11:24 GMT + 7
Nhiều mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam vận chuyển bằng tàu biển đang trên đường cập cảng Nga. Thời gian tới, các mặt hàng như cá tra, tôm, hải sản, gạo, tỏi… dự báo sẽ bán chạy tại thị trường Nga. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là khâu thanh toán…

 
Mời đối tác sang kiểm chứng sản phẩm

Sau chuyến đi xúc tiến thương mại tại Liên Bang Nga hồi giữa tháng 9, trở về Việt Nam, ông Lý Thái Hưng - Giám đốc công ty TNHH Hưng Cúc (khu công nghiệp Xuân Quang, Đông Hưng, Thái Bình) bỏ ra hai tuần vào Nha Trang, Ninh Thuận rồi bay sang tận Trung Quốc khảo sát vùng trồng tỏi để chuẩn bị phương án nguyên liệu cung cấp cho đối tác Nga. Qua kiểm tra, ông Hưng nhận thấy chất lượng tỏi đang trồng ở một số vùng đất cát khu vực các tỉnh miền Trung tốt hơn hẳn so với tỏi trồng ở Trung Quốc. Tỏi ở đây có mùi thơm, củ tròn, tép đều, trắng, dễ lột vỏ, nhưng điểm hạn chế nhất là giá bán lại cao hơn hẳn tỏi Trung Quốc. 50.000 đồng/kg so với…8.000 đồng/kg, con số buộc Hưng Cúc phải tín toán lại kế hoạch định giá xuất khẩu.

“Hưng Cúc chuyên làm hàng nông sản, chủ lực là gạo, nhưng chúng tôi nhận thấy thị trường Nga đang cần tỏi, các loại củ quả nên quyết định đi tìm hàng để giao cho họ!”, ông Hưng nói.

Chỉ vỏ vẹn có bốn ngày ở Nga, ông Hưng cùng đồng nghiệp tham dự hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư do bộ Công thương tổ chức đã tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích về nhu cầu thị trường nông sản có dân số khoảng 200 triệu người như Nga. Ngoài ông Hưng, có thêm ít nhất 5 doanh nghiệp Việt Nam được một doanh nghiệp Nga có trụ sở tại Moscow đưa đi tham quan khu chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói và hệ thống kho có tổng diện tích 45 ha, sử dụng 9.450 xe tải giao hàng của họ. “Họ làm rất bài bản, cung cấp hàng nông sản nhập khẩu với đủ các loại đi khắp cả nước Nga”, ông Hưng giới thiệu. Theo ông, công ty Hưng Cúc đã gửi email cho đối tác này, đề nghị họ sang khảo sát vùng trồng tỏi và nguyên liệu lúa 500 ha của công ty tại Đông Hưng, Thái Bình để chuẩn bị kế hoạch xuất hàng.

Thị trường Nga đang sử dụng gạo Ấn Độ, Pakistan có hạt dài và trong, bán phổ biến trong hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Còn gu ăn gạo của cộng đồng Người Việt tại Liên Bang Nga lại là gạo Thái có vị cơm thơm, dẻo. Gạo thương hiệu Việt, theo một số doanh nghiệp làm ăn tại Nga, hầu như không có chỗ đứng. Người Nga không có thói quen ăn gạo, trung bình tuần họ chỉ sử dụng tối đa 2 lần, nên quy mô thị trường không lớn, tuy nhiên giá gạo bán lẻ lại khá cao, quy ra tiền Việt lên đến 50.000-60.000 đồng/kg. Gạo Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được ở mức giá này. Còn về mặt chất lượng, theo ông Hưng nhận định, một số loại giống như jasmine, OM, VD20 hay ST trồng ở ĐBSCL và tạp giao ở ĐB Sông Hồng hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Hơn một tuần nay, giá cá tra tăng liền 1.000 đồng, lên 24.000 đồng/kg ngay sau khi có thông tin doanh nghiệp ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu sang Nga. Thời gian vận chuyển hàng bằng đường biển từ Việt Nam sang Nga mất khoảng một tháng rưỡi, và những lô hàng cá tra xếp tàu hồi giữa tháng 8 vừa qua, nay đã cập cảng Nga để kịp đưa ra thị trường vốn đang khan hiểm nguồn thực phẩm nghiêm trọng. So với giá cá rô phi đang bán phổ biến ở thị trường Nga mức trung bình 4 USD/kg, giá cá tra của Việt Nam cho dù đã được doanh nghiệp nâng lên 10 cen thì biên độ cạnh tranh vẫn còn lớn. Theo ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương, công ty đang đẩy mạnh nuôi trồng, đồng thời liên kết với người nuôi cá bên ngoài để chuẩn bị đủ nguyên liệu cho đơn hàng ký với Nga. Đến hết quý 1 năm sau, Hùng Vương phải giao đủ 20.000 tấn cá tra thành phẩm cho đối tác Nga, nên ông Minh nói nếu không chuẩn bị kỹ càng thì sẽ không đủ nguyên liệu xuất khẩu. “Khó khăn nhất lúc này là tín dụng cho cá tra. Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ và hầu như không giải ngân khoản vay mới ra ngoài dân, trong khi rất ít doanh nghiệp có tiềm lực tự nuôi”, ông Minh nêu thực tế.

Bán hàng xong không biết cách nào lấy tiền?

Mặc dù ông Hưng khá lạc quan về tương lai xuất khẩu nông sản sang Nga của Hưng Cúc, nhưng vẫn lo ngại đến khâu thanh toán ở thị trường này. Hẳn, trăn trở của ông Hưng là có cơ sở, bởi giữa Việt Nam và Liên Bang Nga chưa có cơ chế công nhận giao dịch đồng rúp và VND. “Chuyến sang Nga vừa qua có ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam đi cùng, hy vọng đây sẽ là cơ sở bảo lãnh thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu”, ông Hưng nói.

Một số doanh nghiệp có mối quan hệ làm ăn lâu năm tại thị trường Nga, như thủy sản Hùng Vương đang chọn cách giao dịch bằng đồng USD. Nghĩa là, nhà nhập khẩu Nga muốn mua cá tra từ Việt Nam, không thể chọn cách giao dịch quốc tế thông dụng là mở LC, thanh toán qua ngân hàng, mà phải đổi rúp qua USD để trả trực tiếp vào tài khoản cho doanh nghiệp Việt Nam. Cách giao dịch này vừa rắc rối, tỷ lệ rủi ro cao và dễ vuột mất cơ hội mua bán hàng hóa.

 Trung bình mỗi năm, Nga phải chi ra ít nhất 10 tỷ USD nhập khẩu các mặt hàng nông thủy sản. Riêng thủy hải sản, những nước chiếm thị phần xuất khẩu lớn vào Nga là Thái Lan, Trung Quốc, Na Uy, Chile, trong khi đó, Việt Nam mới chỉ đưa được con cá tra, tôm sú, vài loại cá biển sang Nga với kim ngạch còn “khiêm tốn”.
“Nhà nhập khẩu Nga thường phải chọn lựa thời điểm tỷ giá hoán đổi có lợi nhất giữa đồng rúp và USD. Như vậy là họ không còn chủ động trong vấn đề ký hợp đồng nữa. Việc đầu cơ, dự trữ hàng hóa cũng phải tính toán dựa trên tỷ giá hoái đối nên chúng ta có ít cơ hội xuất khẩu được sản lượng lớn vào thị trường này”, ông Minh nói.

Thái Lan, Trung Quốc và các quốc gia châu Âu xuất khẩu vào Nga đều thành lập hệ thống ngân hàng sở tại nhằm hỗ trợ thanh toán trong vấn đề tài chánh, do đó, hàng hóa của họ thuận lợi khi xuất khẩu vào đây. Trung Quốc và Nga cũng đạt được thỏa thuận công nhận hai đồng tiến rúp và NDT trong thanh toán. Còn đối với Việt Nam, thời gian qua hệ thống ngân hàng chỉ công nhận đồng đô la chứ chưa công nhận đồng rúp, điều này khiến cho các nhà nhập khẩu Nga khi mua hàng từ Việt Nam phải chuyển đổi từ đồng rúp sang đồng đô la.

“Tôi nghĩ rằng ngoài cơ chế hưởng thuế suất ưu đãi từ hiệp định FTA, chúng ta cần phải tạo ra cơ chế thông thoáng về thủ tục tài chính. Ngân hàng Việt Nam và Nga phải có sự hợp tác, công nhận chuyển đổi giữa đồng rúp và VND. Có như vậy hàng hóa xuất khẩu mới tăng trưởng, sự phát triển của thị trường mới nhanh và thông thoáng”, ông Lê Thế Hưng đề nghị.

Minh Khoa 
Thế giới Tiếp thị
Nguồn: danviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.