Chuyên mục
Đã đến lúc người Mỹ cần phải nhấc chân lên
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đã đến lúc người Mỹ cần phải nhấc chân lên

Thứ hai 30/03/2015 04:23 GMT + 7
Đã đến lúc người Mỹ cần phải nhấc chân lên. Đó hẳn đang là lời phàn nàn của khá nhiều các nhà lãnh đạo của không ít quốc gia ở hai bên bờ Thái Bình Dương trước việc hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP vẫn đang tỏ ra rất ì ạch trong việc dứt điểm những cuộc đàm phán khó khăn và mất quá nhiều thời gian. 

 
Người Mỹ được xem là đã chậm chân khoảng 20 năm trong việc thành lập một hiệp ước thương mại đủ lớn để giảm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc với các nước trong khu vực, và giờ đây họ không nên mất thời gian thêm nữa để thực hiện điều này. Đã đến lúc người Mỹ cần phải nhấc chân lên, và hoàn tất TPP đi thôi.

Cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, trong một bài phân tích cách đây vài năm đã đưa ra một nhận định rằng, lẽ ra nước Mỹ cần phải thành lập một khu vực thương mại giữa hai bờ Thái Bình Dương từ đầu những năm 1990 khi mà kinh tế Trung Quốc ở thời điểm đó đã bắt đầu thể hiện những dấu hiệu đầu tiên rằng nó sẽ vươn tầm ảnh hưởng ra khắp các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

 Với quy mô khổng lồ của nền kinh tế và thị trường đông dân nhất thế giới, Trung Quốc đủ khả năng để hút các nước lân cận trong khu vực vào thị trường có quy mô khủng khiếp của mình và một sự lôi kéo về kinh tế với hàng loạt các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là một tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng với người Mỹ về sự cân bằng quyền lực trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Sở dĩ như thế, là vì một khu vực thương mại giữa hai bờ Thái Bình Dương, trong đó lôi kéo được hầu hết các quốc gia ở châu Á Thái Bình Dương vốn nằm cạnh Trung Quốc vào một khu vực thương mại lớn trong đó Mỹ đóng vai trò chủ chốt với một thị trường có sức tiêu thụ lớn nhất thế giới sẽ làm gia tăng sự liên kết về kinh tế giữa Mỹ và các nước này, điều này đồng nghĩa với việc sự lôi kéo của thị trường khổng lồ của Trung Quốc với các nước này sẽ giảm hẳn đi. 

Những năm đầu của thập kỷ 1990 được Lý Quang Diệu xem là thời điểm thích hợp nhất để người Mỹ thực hiện ý tưởng này, khi mà nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm đó vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng lớn nhất và sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam khi đó vẫn còn tương đối khiêm tốn. 

Người Mỹ đã bỏ qua cơ hội đó vì không tin rằng người Trung Quốc có thể đạt được bước tiến nhanh như thế, và chỉ hai mươi năm sau Trung Quốc đã lột xác trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và đang trở thành một cục nam châm khổng lồ hút mọi thứ ở xung quanh nó với một tốc độ dữ dội.

Chính vì thế, việc Mỹ sốt sắng tìm cách thiết lập một khu vực thương mại giữa hai bờ Thái Bình Dương ở thời điểm hiện tại được xem như động tác cần thiết, dù hơi muộn màng, để làm giảm ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Nên, không có gì lạ khi mà Mỹ là nước chủ động nhất trong việc tiến hành đàm phán để hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP được hoàn tất và chóng đi vào hoạt động, nhưng thái độ của người Mỹ thì lại đang khiến hầu hết các nước đang trong quá trình đàm phán ngạc nhiên. 

Những nhà ngoại giao Mỹ đang thực hiện những cuộc đàm phán khiến cho hầu hết các nước nghĩ rằng đây là một hiệp định kinh tế thông thường trong đó Mỹ cũng chỉ đóng vai trò và quyền lợi ngang bằng với hầu hết các thành viên khác thay vì một hiệp định kinh tế trong đó Mỹ là người đứng đầu thiết lập ra với mục đích lớn nhất là làm giảm ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc.

Theo đó, những cuộc đàm phàn theo kiểu mặc cả tay đôi đang được Mỹ tiến hành. Lần lượt là những cuộc đàm phán về việc mở cửa thị trường nông sản của Nhật vốn vẫn khép kín bấy lâu nay cho đến những đòi hỏi quá sòng phẳng khác trong những cuộc đàm phán với các quốc gia khác. Chính những cuộc đàm phán kiểu này đang khiến cho việc thúc đẩy hoàn tất TPP bị kéo dài và bế tắc hơn bao giờ hết, gần như rất khó để Nhật Bản chấp nhận mở cửa thị trường nông sản vốn được bảo hộ bấy lâu của mình cũng như việc các nước khác chấp nhận bỏ hàng rào thuế quan với những mặt hàng chủ lực của họ. 

Trong khi hầu hết các nước đều coi TPP là một cơ hội tốt để có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường Mỹ, thì Mỹ lại cũng đang bị lôi kéo bởi ý tưởng rằng đây cũng là cơ hội để Mỹ phá vỡ hàng rào bảo hộ ở các nước đối tác đối với hàng hóa Mỹ mà quên mất rằng mục tiêu lớn nhất của Mỹ trong TPP là gia tăng mối liên kết kinh tế giữa các nước ở hai bờ Thái Bình Dương để làm giảm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. TPP càng chậm hoàn tất, thì Trung Quốc càng được lợi.

Và nhất là trong bối cảnh mà Trung Quốc đã chính thức thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á AIIB như một động thái cạnh tranh trực tiếp về ảnh hưởng tài chính với Nhật và Mỹ ở khu vực châu Á, thì hơn bao giờ hết việc hoàn tất TPP lại càng quan trọng ở thời điểm hiện tại.

Trung Quốc không giấu giếm ý định sẽ gia tăng ảnh hưởng về tài chính và kinh tế của mình trong khu vực một cách chính thức, và trong khi đó thì quốc hội Mỹ vẫn đang eo xèo về những nhượng bộ mà Mỹ sẽ phải chịu để hoàn tất TPP. TPP sẽ chẳng còn để làm gì nữa nếu như nó không thể hoàn tất và đi vào hoạt động trước khi năm 2015 kết thúc, giờ không phải là lúc để eo xèo và người Mỹ cần nhấc chân lên và làm gì đi.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Nguồn: Một thế giới
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.