Chuyên mục
Chuyện nghe muốn khóc của “ông già Noel Việt”
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Chuyện nghe muốn khóc của “ông già Noel Việt”

Thứ bảy 23/12/2017 15:14 GMT + 7
Mỗi mùa Giáng sinh về, có rất nhiều bạn trẻ nhận được việc làm thêm đặc biệt – hóa thân thành “ông già Noel” để tặng quà, trò chuyện với các em nhỏ. Công việc tưởng chừng như chỉ có niềm vui nhưng cũng có cả những nỗi buồn, trăn trở.

Những tình huống “dở khóc dở cười” của những “ông già Noel”. Ảnh: K.O

Những tình huống “cười ra nước mắt”

Vài năm trở lại đây, dịch vụ thuê “ông già Noel” phát quà đêm giáng sinh ngày càng nở rộ và phổ biến. Nhiều bậc cha mẹ vì muốn tạo cho con sự bất ngờ và cũng là cơ hội để khích lệ tinh thần của con trong suốt một năm đã nhờ đến dịch vụ “mời ông già Noel” về tận nhà tặng quà, trò chuyện cùng các con.

Nhu cầu của các bậc phụ huynh ngày càng tăng khiến cho các “ông già Noel” phải “chạy sô” mỗi khi mùa Noel về. Hơn nữa, để chuyển được những món quà trong đêm giáng sinh giữa thành phố đông đúc đã khiến cho những chuyến đi phát quà gặp nhiều chuyện vui buồn ngoài dự kiến.

Bén duyên với việc làm “ông già noel” đi phát quà trong đêm Giáng sinh đã 7 năm, anh Nguyễn Hoàng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) đã gặp phải không ít câu chuyện dở khóc dở cười khi đi “hành nghề”.

“Vào những ngày Giáng sinh, đường phố đông đúc mà lượng khách tôi phải phục vụ lại tăng cao. Vậy nên, đã có không ít lần “ông già Noel” đã sai hẹn với các cháu. Tôi nhớ có lần, chị khách này hẹn tôi 9h tối phải qua nhà chị để phát quà cho con chị nhưng do đường đông mà mãi gần 10h tối tôi mới đến nhà chị, lúc này cháu bé đã đi ngủ rồi. Bố mẹ có gọi cháu dậy nhưng cháu nhất quyết không chịu gặp “ông già Noel” vì ông không giữ đúng hẹn. Tôi phải giải thích, xin lỗi mãi cháu mới chịu nghe. Rồi lại có năm điện thoại hết pin phải vào sạc nhờ, nếu sạc nhanh thì dù đến muộn cũng không vấn đề, tôi chỉ sợ nhất là gặp sự cố không thể tới phát quà được mà phải thất hứa. Khi gặp phải những tình huống như vậy, thường khách hàng cũng thông cảm cho mình. Trừ khi gặp phải những gia đình khó tính quá, họ cũng nói mình vài câu xong rồi thôi. Nhưng trường hợp không tặng quà được thì mình cảm thấy rất có lỗi với các cháu nhỏ” anh Long tâm sự.

Anh Huynh (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng gặp phải một tình huống trớ trêu khác khi đang đi phát quà thì bị thu mất phương tiện hành nghề. “Lần đầu tiên đi phát quà Noel, do muốn giữ đúng hình ảnh “ông già Noel” mà tôi đã quên đội mũ bảo hiểm. Vừa ra đến đầu đường thì gặp mấy chiến sỹ công an, thế là mất toi luôn cả ngày công rồi bị giữ luôn cả phương tiện. Những năm sau tôi rút kinh nghiệm, khi nào gần đến nơi thì mới chỉnh trang lại trang phục”.

Rồi có lần anh Huynh cũng gặp phải tình huống oái oăm khi phải đi phát quà cho một gia đình người nước ngoài mà vốn Tiếng Anh thì có hạn. “Vào đến nhà, tôi đứng hình khi thấy gia đình họ toàn người nước ngoài, không ai biết Tiếng Việt hết cả. Lúc đó, tôi chỉ biết cười trừ, nói vài câu Merry Chritsmas rồi lặng lẽ rút lui”.

Làm “ông già Noel” đi phát quà, nhiều “ông” gặp phải tình huống “mếu dở” khi sự xuất hiện của “ông” lại làm nhiều cháu bé khóc thét lên vì sợ. Ngược lại, lại có những cháu bé hiếu động, giật phăng chùm râu của ông để xem khuôn mặt của ông như thế nào. Đến khi phát hiện ra không phải “ông già Noel” thật, thì nhất quyết không chịu nhận quà.

Những phút giây nghẹn ngào

“Ông già Noel” Phạm Văn Thịnh trong một lần trao quà cho các trẻ em.

Một công việc tưởng chừng như chỉ mang niềm vui, mang hạnh phúc đến cho người khác nhưng nhiều “ông già Noel” cũng không ít lần rơi nước mắt khi phải chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, khi đọc được những dòng tâm sự, những điều ước của các em nhỏ.

Bén duyên với việc làm “ông già Noel” phát quà đêm Giáng sinh từ khi còn là sinh viên đại học với mong muốn kiếm thêm thu nhập. Nhưng đến nay, dù đã có một công việc ổn định nhưng anh Phạm Văn Thịnh vẫn không từ bỏ được cái nghề mang niềm vui đến cho trẻ em.

“Lần đó, tôi đi phát quà trong Bệnh viện Nhi Trung ương. Lúc đầu tôi cứ nghĩ rằng, gia đình này cũng có điều kiện nhưng khi đến nơi, trước mặt tôi là hình ảnh một người phụ nữ khắc khổ. Với chị, số tiền 300.000 đồng để thuê “ông già Noel” đến tặng quà là rất lớn nhưng chị mong muốn đứa con của chị đang phải chống trọi với căn bệnh ung thư quái ác có thêm niềm tin, có thêm hy vọng để vượt qua bệnh tật. Ánh mắt hạnh phúc của đứa bé khi lần đầu được “ông già Noel” tặng quà đã thôi thúc tôi gắn bó với công việc đến tận bây giờ. Khi ra về, tôi đã dành món quà đó để tặng cho cháu nhỏ mà không lấy tiền”.

Hay có lần, bức thư của một em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ đã khiến anh Thịnh rớt nước mắt. Đó là câu chuyện của một cậu bé bị mồ côi cả cha lẫn mẹ sau một vụ tai nạn. “Lần đó, tôi đang đi phát quà cho một gia đình bên cạnh ngôi nhà của cháu. Thấy cháu cứ lấp ló ở góc cổng, tôi đã tiến lại và hỏi cháu cũng muốn được tặng quà phải không? Nhưng cháu bé lắc đầu và đưa cho tôi một bức thư.

Về nhà mở bức thư ra đọc mà tôi rớt nước mắt. Trong bức thư cháu bé viết, cháu không cần quà Noel như các bạn, chỉ muốn một lần được gặp bố mẹ, được nói với bố mẹ rằng cháu rất nhớ họ. Cháu muốn khoe với bố mẹ rằng, cháu đã cố gắng học thật giỏi... Cậu bé đó muốn nhờ “ông già Noel” đưa bố mẹ cậu bé về với cậu. Lúc đó, tôi không biết làm gì chỉ biết mua một phần quà và đến an ủi cháu. Những ngày sau, tôi cũng thường xuyên đến chơi với cậu bé đó”, anh Thịnh tâm sự.

“Đối với nhiều người, đây có lẽ chỉ là công việc thời vụ nhưng đối với tôi nó lại là một công việc nhiều trải nghiệm, nhiều cảm xúc. Đóng vai “ông già Noel”, tôi hiểu thêm được tâm tư, nguyện vọng của những em nhỏ và nó thôi thúc tôi làm thêm nhiều điều ý nghĩa hơn”, anh Thịnh cho hay.

Dù gặp phải những câu chuyện vui hay buồn nhưng đối với những người như anh Thịnh, anh Long, anh Huynh một lần được hóa thân thành “ông già Noel” là một trải nghiệm thú vị để rồi các anh lại gắn bó với công việc năm này qua năm khác.

Kim Oanh
Nguồn: giadinh.net.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.