Chuyên mục
Bí thư TP.HCM: Làm 9-10 giờ/ngày thì không thể có gia đình hạnh phúc
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Bí thư TP.HCM: Làm 9-10 giờ/ngày thì không thể có gia đình hạnh phúc

Thứ tư 23/10/2019 19:22 GMT + 7
Nhấn mạnh xu hướng giảm giờ làm của các nước, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam nên có lộ trình thực hiện, nếu làm 9-10 giờ mỗi ngày thì không thể có hạnh phúc.

Chiều 23/10, thảo luận tại hội trường Quốc hội về Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành uỷ TP.HCM - dành trọn 7 phút để nói về lịch sử thay đổi nhận thức và giờ làm việc của người lao động tại một số nước và Việt Nam.

Nhắc lại giai đoạn từ thời Karl Marx, Bí thư Nhân cho biết người lao động làm 10-16 giờ/ngày, từ đó hình thành phong trào đấu tranh giảm giờ làm. Tiêu biểu là vào ngày 1/5/1886, cuộc biểu tình ở Chicago (Mỹ) đòi ngày làm việc 8 giờ. Cùng với đó là khẩu hiệu đòi làm 8 giờ nhưng không giảm tiền lương.

Sau đó 3 năm, Hội nghị Quốc tế Cộng sản Paris đã chọn ngày 1/5/1890 trở đi là ngày Quốc tế Lao động.

Việt Nam đi chậm hơn thế giới nửa thế kỷ

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nhắc lại lịch sử cách đây hơn trăm năm, một người nổi tiếng làm xe hơi của Mỹ là Henry Ford cũng thực hiện chế độ mỗi ngày làm 8 giờ, 6 ngày/tuần. Sau đó, người này làm thực nghiệm và rút ra rằng ngày 8 giờ nhưng tuần 5 ngày thì năng suất không giảm mà vẫn tăng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội trường chiều 23/10. Ảnh: Minh Quân.

Bởi vậy, ông Henry Ford là người tư bản đầu tiên chuyển từ 6 ngày sang 5 ngày/tuần. Sau đó nhiều nước làm theo.

Tới 1940, Mỹ ban hành luật của Quốc hội quy định mỗi tuần làm 40 giờ.

Khi nổ ra cuộc tranh luận làm 48 giờ hay 40 giờ, ông Nhân cho biết lịch sử đã chứng minh làm từ 40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng.

Đề cập đến bối cảnh ở Việt Nam, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết từ những năm 1960 ở miền Bắc, công chức đã làm 8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Năm 1999 thì chuyển sang 5 ngày theo thông lệ quốc tế.

“Tức là ta cũng làm theo xu hướng nhưng đã chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ”, ông Nhân nói.

Bí thư TP.HCM cho hay ở Việt Nam hiện có 2 nhóm: Người làm cho Nhà nước thì 5 ngày/tuần, làm cho doanh nghiệp thì 6 ngày, 48 giờ/tuần. “Rõ ràng điều này không bình đẳng”, ông Nhân nhấn mạnh và cho biết ở các nước không có luật lao động nào tách riêng, công chức làm ít giờ và công nhân làm nhiều giờ, họ quy định chung.

Ông cũng thông tin xu hướng thế giới từ năm 2000 tới nay không còn 40 giờ mà giảm dần giờ làm, trong 36-38 nước thuộc tổ chức kinh tế thế giới, chỉ còn 2 nước trên 40 giờ là Mexico 48 giờ/tuần và Hàn Quốc 43 giờ/tuần, còn các nước khác đã xuống dưới 40 giờ.

Ví dụ: Chile 37 giờ, Pháp 38 giờ, Đức 26 giờ/tuần. Trong đó, nước Đức là một trong những nước năng suất cao nhất thế giới.

Làm quanh năm thì không thể hạnh phúc

Từ bối cảnh đã phân tích, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam cần có lộ trình chuyển lao động 48 giờ xuống 40 giờ trong vòng 10 năm, có thể trước mắt xuống 44 giờ, sau 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng thì sẽ làm 5 ngày mỗi tuần với người lao động. Tuy nhiên, như vậy thì chúng ta vẫn đi sau thế giới 80 năm.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Bộ trưởng LĐ-TB&XH cùng các đại biểu trong phòng họp Diên Hồng. Ảnh: Minh Quân.

Phân tích về việc làm thêm giờ, ông Nhân nhận định trong ngắn hạn thì doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động ngắn hạn có thêm thu nhập, nhưng hậu quả trước mắt là sức khỏe người lao động giảm sút. Đồng thời, làm thêm giờ thì năng suất lao động không tăng.

“Vậy người Việt Nam muốn gì?”, Bí thư Nhân đặt vấn đề, đồng thời giơ cao cuốn sách cầm trong tay với nội dung nghiên cứu về hạnh phúc của người Việt Nam.

Qua điều tra, ông cho biết người Việt về kinh tế mong muốn có thu nhập, có việc làm, có nhà. Nhưng về gia đình thì 95,4% mong muốn có gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan và tiến bộ, 60% là sức khoẻ tốt.

“Nếu chúng ta làm việc mỗi ngày 9-10 giờ quanh năm thì không thể có gia đình hạnh phúc. Không có điều đó đâu, trên thế giới từ bỏ điều này 133 năm nay rồi”, ông Nhân nhấn mạnh.

Nhắc đến quan điểm người lao động “tự nguyện làm thêm”, ông Nhân đánh giá “không thực sự như vậy đâu”.

“Ví dụ một dây chuyền may nếu có quá nửa công nhân nghỉ làm thêm thì số còn lại không thể may được cái áo, không làm được đôi giày. Từ đó sẽ có một cuộc đấu tranh trong công nhân, một sức ép làm hay không làm. Nên chúng ta nói tự nguyện đó chỉ là một phần, không phải thực sự tự nguyện”, Bí thư TP.HCM dẫn chứng.

Theo ông, muốn tăng năng suất lao động thì nguồn gốc phải đổi mới công nghệ, còn nếu tăng giờ làm sẽ giảm năng suất lao động. Ông nhấn mạnh mục tiêu của đất nước là muốn tăng năng suất thì hãy đổi mới công nghệ và giảm giờ làm.

Một vấn đề nữa được ông Nhân đề cập là quy định làm thêm 300 giờ/năm. Ông tính toán mỗi năm có 52 tuần, trừ những ngày nghỉ lễ còn 50 tuần, mỗi tuần làm thêm 6 giờ, mỗi ngày làm thêm 1 giờ, làm suốt cả năm.

“Như vậy người lao động có khoẻ không khi một ngày 9 giờ làm mà làm quanh năm 12 tháng”, ông Nhân đặt vấn đề.

Tuy nhiên đến đây, thời gian 7 phút cho đại biểu thảo luận đã hết nên Bí thư TP.HCM xin phép sẽ trình bày nội dung còn lại vào một buổi khác.

Hai luồng ý kiến

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8. Trong dự thảo, Chính phủ đề nghị mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ).

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, "dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu".

Về thời giờ làm việc bình thường, cơ quan thẩm tra Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho biết có một số ý kiến đại biểu Quốc hội và nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần.

Một số ý kiến khác đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay và nên giữ như quy định hiện hành về tuần làm việc 48 giờ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc giảm thời giờ làm việc bình thường là một vấn đề được sự quan tâm rất lớn của xã hội và tác động đối với tất cả các chủ thể liên quan, nhưng cơ quan soạn thảo chưa có đánh giá tác động toàn diện.

Mặt khác, đề xuất này chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo và giới sử dụng lao động. Do đó, cần có thêm thời gian để đánh giá tác động đầy đủ, cũng như cần có quá trình chuẩn bị, thích ứng của nền kinh tế.

Hoài Thu
Nguồn: news.zing.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.