Chuyên mục
Vũ điệu “Huyền diệu” kết nối tình hữu nghị
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Vũ điệu “Huyền diệu” kết nối tình hữu nghị

Thứ năm 21/03/2013 09:46 GMT + 7
Bạn sẽ có được cảm xúc thật “huyền diệu” nếu như một lần được xem những nghệ sĩ tuổi teen của Nhà hát múa đương đại thiếu nhi “Magia” (“Điều huyền diệu”) biểu diễn. Bằng ngôn ngữ hình thể hòa cùng những cung bậc tuyệt vời của âm nhạc, các em đã hóa thân thành những bông hoa, cây cỏ, dòng sông của thiên nhiên nước Nga, hóa thân thành những người lính Nga mạnh mẽ, dũng mãnh, hóa thân thành những đôi trai gái tràn đầy niềm tin, sức sống… Và đặc biệt hơn cả là các em còn hóa thân thành những chàng trai, cô gái Việt Nam vừa duyên dáng, nhẹ nhàng, vừa nhí nhảnh, vui nhộn trong vũ điệu dân gian “Trống cơm” rất nổi tiếng và thật gần gũi với bất cứ ai trong chúng ta.

Thành lập từ năm 1988, Nhà hát múa đương đại thiếu nhi “Magia” đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống để tồn tại cho tới ngày hôm nay. Dường như nền kinh tế thị trường với những vấn đề về cơm áo, gạo tiền, về lời lãi, về cạnh tranh… đã không thể khiến cho tình yêu dành cho múa của cô và trò ở đây bị mai một. Vẫn biết nước Nga là cái nôi của nghệ thuật múa nói chung và nghệ thuật ba lê nói riêng, nhưng từ khi Liên Xô sụp đổ, cái nôi đó đã không thể nhẹ nhàng đung đưa như trước nữa, nó đã bị cơn bão thị trường làm cho điên đảo. Và những người như cô và trò của Nhà hát “Magia” đã phải lao tâm khổ tứ rất nhiều để có thể vẫn đứng vững và hoạt động được cho đến ngày hôm nay. Nhìn cô giáo Anatasia Suvorova tận tụy với trò, còn học trò thì say sưa luyện tập theo những lời chỉ dẫn của cô, cũng đủ thấy rằng tình yêu nghệ thuật múa đã giúp họ vượt lên tất cả. Các học sinh của trường đã từng tham gia nhiều cuộc thi múa tổ chức ở Nga, ở các nước châu Âu và các em đã đoạt được những giải thưởng cao, mang lại vinh dự cho tập thể nhà hát. Và điều đáng nói hơn cả là những gì mà hôm nay nhà hát có được là nhờ công lao của biên đạo múa, nhà chỉ đạo nghệ thuật Marina Nikolaevna Suvorova –  người từng được nhận danh hiệu Cán bộ văn hóa Công huân LB Nga. Biên đạo múa, cô giáo Anatasia Suvorova chính là con gái của bà Marina Suvorova. Cũng như mẹ mình, cô đang dành hết tâm huyết cho việc dạy dỗ những thế hệ diễn viên múa trẻ của Nhà hát.

Thật thú vị khi ở giữa thủ đô nước Nga, bạn được nghe âm điệu quen thuộc của bài dân ca “Trống cơm” nước mình, được chiêm ngưỡng những cô gái Nga tóc vàng, mắt xanh trong trang phục áo dài, tay cầm quạt nhảy múa cùng những chàng trai Nga thân hình cao lớn với chiếc trống nhỏ đeo bên mình. Điệu nhảy “Trống cơm” là một trong những tiết mục mà nhóm múa của Nhà hát múa đương đại “Magia” chuẩn bị giới thiệu trong chuyến du lịch và lưu diễn tại Việt Nam sắp tới. Để chuyển tải được tứ của “Trống cơm”, các em đã phải nhiều lần nghe nhạc, nhờ các bạn Việt Nam dịch lời ca và sau đó cả cô và trò cùng dàn dựng điệu múa. Trong buổi tổng duyệt, các em còn được cô Nguyễn Hằng – giảng viên múa của Trường nghệ thuật quân đội, đang là nghiên cứu sinh tại Matxcova, giúp hoàn thiện và thổi thêm hồn Việt cho các động tác múa. “Vũ đạo đương đại Nga luôn mở, dùng đường nét tự nhiên của thân hình để tạo hàng loạt chuyển động tiếp nối, nhanh và vui nhộn, còn các điệu múa Việt Nam thì nhẹ nhàng hơn, có vẻ kín đáo hơn, bước nhảy không sải dài như những điệu múa của chúng tôi…” - cô giáo Anatasia Suvorova nhận xét về sự khác biệt giữa múa Nga và múa Việt Nam. Tuy nhiên, khi xem “Trống cơm” của nhà hát “Magia”, chắc hẳn ai cũng cảm nhận được sự giao thoa của hai nghệ thuật múa Nga-Việt – vũ điệu vừa nhanh và “mở” đúng như phong cách Nga, nhưng cũng không kém phần uyển chuyển, nhẹ nhàng như các điệu múa Việt. Và dường như các em gái Nga mảnh mai trong bộ áo dài thướt tha đã trở nên “Việt” hơn khi biết dùng chiếc quạt giấy trong tay để thể hiện những khoảnh khắc tình tứ, nhớ nhung mà các đôi trai gái đang yêu dành cho nhau. Thật thú vị khi các em quyết định thể hiện đoạn  “Một đàn tang tình con xít /Ố mấy lội, lội, lội sông / Ố mấy đi tìm, em nhớ thương ai…” bằng cách “rất Nga” là bế các bạn gái trên tay “để các bạn ấy khỏi phải lội sông” như lời các bạn tâm sự.

Sang Việt Nam lần này, các em trong nhóm múa đã phải tiết kiệm tiền trong thời gian dài đủ để mua vé máy bay và chi trả những chi phí khác. Cả cô và trò dự định sẽ biểu diễn chỉ nhằm mục đích giao lưu, phục vụ khán giả ở những nơi đoàn tới. Và trên hết, cô giáo và các em mong muốn tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam, tìm hiểu về vũ đạo Việt và học thêm những điệu múa mới của Việt Nam. Theo kế hoạch đoàn sẽ biểu diễn tại Bình Thuận, giao lưu với một số trường học, trường múa ở TP Hồ Chí Minh. Ban Thanh thiếu niên của HTV9 dự định giới thiệu về những nghệ sĩ múa trẻ tuổi đến từ nước Nga – những con người với khát khao cháy  bỏng mang tới đất nước Việt Nam xa xôi thông điệp của tình hữu nghị.

Múa là nghệ thuật chuyển tải cảm xúc chẳng cần đến lời. Âm nhạc và chuyển động của cơ thể trong nghệ thuật múa giúp con người trở nên gần gũi với nhau hơn, cùng hướng tới cái ĐẸP. Hy vọng rằng nhóm múa của Nhà hát múa đương đại thiếu nhi “Điều huyền diệu” sẽ nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của khán giả Việt Nam./.


Cô giáo Anatasia trong giờ dạy múa


 


























Hải Hà
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.