Chuyên mục
Trò chuyện với hiện tượng
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Trò chuyện với hiện tượng "chấn động nước Nga" Mikhail Samarsky

Thứ hai 02/12/2013 05:09 GMT + 7
Mikhail Samarsky - cậu bé thần đồng văn học Nga, bắt đầu viết lách từ năm 12 - 13 tuổi và trở thành một hiện tượng “chấn động nước Nga”. Hiện tại, cậu bé Misha năm nào đã vào học năm thứ nhất Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva và vẫn viết rất khỏe. Mới đây, công ty First News và NXB Tổng hợp TP.HCM vừa dịch tác phẩm của cậu sang tiếng Việt với tựa đề “Chó dẫn đường phiêu lưu ký” (2 tập). Dịch giả - nhà báo Phạm Bá Thủy, người được Misha nhận làm cha nuôi, đã làm cầu nối cho phóng viên Báo Lao Động được tiếp xúc với nhà văn trẻ này qua email.

 
Nhà văn trẻ Mikhail Samarsky. 

Độc giả VN từng tiếp xúc với không ít  cuốn sách  viết về loài chó, như “Chó Bim trắng tai đen”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Chó hoang Dingo”… nhưng để bắt gặp một  cuốn “tự truyện” hóm hỉnh, hài hước  của loài chó như “Cầu vồng tặng bạn” thì chưa. Vì sao bạn xây dựng một nhân vật chú chó dễ thương, thông minh đến vậy? Câu chuyện xuất phát  từ một nguyên mẫu nào ngoài đời?

- Xin chân thành cảm ơn về sự đánh giá cao này. Là người cầm bút, tôi rất vui khi được nghe những lời nhận xét tốt đẹp như vậy. Điều đó cũng sẽ là nguồn động lực giúp tôi có thêm cảm hứng khi viết những câu chuyện tiếp theo về chú chó dẫn đường Trison. 

Nhân vật Trison có vài nguyên mẫu ngoài đời. Gia đình tôi sống ở ngoại ô Matxcơva, gần nhà tôi có Trường quốc gia đào tạo chó dẫn đường - ngôi trường duy nhất trên cả nước trong lĩnh vực này. Sau khi làm quen với một thanh niên khiếm thị, tôi liền đến trường tìm hiểu về chủng loại chó dẫn đường. Khi đã được biết người khiếm thị sống như thế nào, sinh hoạt ra sao, tôi muốn kể cho mọi người nghe về những chuyện ấy, vì nghĩ rằng chỉ người sáng mắt mới có thể giúp đỡ họ. 

Thế là tôi quyết định viết một cuốn sách theo thể loại tự truyện - hành động, với chủ thể là chú chó Trison. Tôi liên lạc với rất nhiều người khiếm thị có những hoàn cảnh khác nhau, tìm hiểu về đời sống của họ để làm tư liệu cho cuốn sách, quan sát cách huấn luyện chó dẫn đường và tham vấn các huấn luyện viên trong trường dạy chó. Tất nhiên cũng có một số thông tin do tôi tự tìm kiếm trên mạng. Cuối cùng thì cuốn “Cầu vồng tặng bạn” ra đời (bản dịch tiếng Việt có tựa đề là “Chó dẫn đường phiêu lưu ký, tập 1”  - BT). 

Kiến thức của bạn về giống chó Labrador rất phong phú. Bạn khai thác những tư liệu ấy qua mạng, hay nhờ vào đâu?    

- Từ rất nhiều nguồn: Sách vở, báo chí, các chương trình truyền hình, các chuyên gia nuôi dạy chó, và dĩ nhiên cả từ Internet. Thời nay, nếu cần, chúng ta có thể tìm kiếm rất nhiều thông tin chi tiết về bất cứ lĩnh vực vào. 

Tập 1 hay hơn tập 2 ở bố cục, tính hoàn chỉnh, tính nhân văn. Có phải  tập 2 là phần bạn “nối dài” sau khi cuốn thứ nhất khá ăn khách không?

- Vâng, đúng thế. Và ở tập 2, tôi cố tình làm cho nội dung dữ dội hơn, nhiều tình tiết ly kỳ hơn. Rất đáng buồn là ở nước Nga, không phải tất cả mọi người đều thông hiểu, đồng cảm với người khiếm thị. Trong số các độc giả có rất nhiều người cùng lứa tuổi với tôi. Họ cần biết và hiểu rằng cuộc đời không phải là con đường rải đầy hoa. 

Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người khiếm thị và những điều tôi ghi nhận được từ họ không thể chứa nổi chỉ trong vài cuốn sách. Nhưng trong những cuốn sách của mình tôi luôn cố gắng thể hiện chân lý cái thiện luôn mạnh hơn cái ác. Và tất cả chúng ta đều phải cố gắng làm sao để trong cuộc đời này, cái thiện luôn luôn chiến thắng. 

Có cảm giác nhân vật chú chó Trison của bạn là một con người thực sự, một người bạn tri kỷ của con người…

- Ngay cả tôi cũng có cảm giác đó. Có lẽ khi viết, tôi đã tính toán đong đếm quá kỹ, luôn đặt mình vào vị thế của con chó và tự hỏi nếu là mình thì mình sẽ hành động ra sao trong tình huống đang diễn ra. Về cơ bản, chú chó Trison chính là tôi. Để tăng chút hài hước dí dỏm, tôi thêm cho nhân vật đôi nét kiêu căng, tự mãn. Chút ít thôi, vừa đủ để nhân vật trở nên đáng yêu chứ không đáng ghét. Mà thật sự là chú chó này có nhiều điều đáng để khoe. Vậy hãy cứ để chú ấy khoe khoang đôi chút. 

Bạn viết cuốn sách năm 12 - 13 tuổi, mà đã có kiến thức phong phú về văn học, hội họa, vốn sống và xã hội. Đó là nhờ ở đâu? 

- Trước hết là nhờ truyền thống gia đình. Mẹ tôi là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám, bố tôi là nhà soạn kịch đồng thời là nhà thơ. Tôi viết từ năm lớp 1. Thực ra, hồi bé, tôi chỉ viết được những thứ lặt vặt như thơ trẻ con, chuyện kể nhi đồng… 

Nhưng tôi rất ham viết. Tôi luyện dần. Kết quả là năm 12 tuổi, tôi đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay “Đánh đu giữa những sườn đồi”, trong đó thể hiện những xúc cảm của tôi đối với một cô bé cùng tuổi mà tôi rất yêu thích, quý mến. Nhưng đó không phải tự truyện, vì chứa rất nhiều yếu tố hư cấu văn học. 

Dĩ nhiên có nhiều suy tư của tôi được phát ngôn qua lời thoại của các nhân vật. Tôi viết một cách chân thực, với những xúc cảm dâng trào, có lẽ vì thế mà được NXB cho in ngay, không cân nhắc gì. Còn cuốn “Cầu vồng tặng bạn” (Chó dẫn đường phiêu lưu ký, tập 1) là cuốn sách thứ hai của tôi. Hiện tôi đã xuất bản được 6 cuốn sách, đang viết cùng lúc cuốn thứ bảy và thứ tám. Hai cuốn này sẽ là những câu chuyện tiếp theo của chú chó dẫn đường Trison. 

Ý tưởng viết cuốn sách về chó dẫn đường này xuất phát từ đâu?

- “Chúng tôi có đôi mắt đã chết nhưng trái tim vẫn sống” - Tôi nghe được câu nói này lần đầu tiên năm tôi 12 tuổi, từ miệng một thanh niên mù mà tôi tình cờ làm quen trong công viên. Câu chuyện của anh ấy về cuộc đời mình khiến tôi vô cùng xúc động, đến nỗi tôi quyết định thử đóng vai người mù để chiêm nghiệm nỗi đau tinh thần mà anh ấy phải chịu đựng hàng ngày, hàng giờ. Kết quả là tôi sống được ba ngày với dải băng đen bịt mắt. 

Xin nói ngay - rất dễ sợ. Thỉnh thoảng có cảm giác không thể chịu đựng nổi. Có một chuyện tôi không sao lý giải nổi - hoặc đó là ảo ảnh, hoặc chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên: Ngay sau khi tháo băng bịt mắt, tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời và trông thấy một chiếc cầu vồng. Ý nghĩ đầu tiên vụt đến trong đầu: Người bạn của tôi không bao giờ có thể nhìn thấy vẻ đẹp lung linh ấy. Và lúc đó tôi tự hứa với lòng mình: “Một khi còn sống trên đời, tôi còn nỗ lực giúp đỡ người mù!”.

Trong các tác phẩm văn học Nga và thế giới, bạn yêu thích tác phẩm nào? Vì sao? 

- Tôi yêu thích rất nhiều tác phẩm. Chừng vào năm tôi lên 10, cuốn “Thuyền trưởng và đại úy” của V. Kaverin dường như đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đọc đi đọc lại đến nát cả sách. Sau đó, tôi đọc nhiều sách về chiến tranh của Victor Astafiev, Vassili  Grossman, Victor Nekrasov... 

Theo tôi, con trai mới lớn thường thích đọc sách chiến tranh, về lòng dũng cảm, gan dạ, về những chiến công hiển hách. Rồi ở một giai đoạn nào đó tôi bỗng rất yêu thích tác giả Nabokov. Đó chính là thầy nghề của tôi. Văn ông trong sáng đến tuyệt vời, không gì sánh nổi. Đọc ông, ta có cảm giác như đang uống nước suối rừng tươi mát. 

Và tất nhiên tôi cũng đọc nhiều tác giả cổ điển, của Nga cũng như thế giới. Tôi rất mê truyện cổ dân gian. Giờ đây, khi đã làm quen gần hơn với những người bạn Việt Nam, tôi bắt đầu đọc truyện cổ dân gian Việt Nam, bao gồm những truyện của người Kinh, người Chăm, người Mường và các dân tộc ít người khác như Mông, Xê-đăng, Banar, Thái, Nùng… 

Đó là cả một thế giới muôn màu đầy thú vị, hấp dẫn, với nhiều nhân vật chính diện luôn trọng nghĩa khinh tài, biết chiến đấu, hy sinh vì chính nghĩa. Để hiểu được con người thuộc dân tộc khác, cần phải đọc sách của họ, tìm hiểu nền văn hóa của họ. Được vậy loài người trên toàn thế giới sẽ xích lại gần nhau hơn, thông hiểu nhau hơn, và lòng nhân sẽ được nhân lên gấp bội… 

Thời gian gần đây tôi bắt đầu để ý đến mảng sách được gọi là “tiểu thuyết phi lý”. Chẳng hạn “Chúng ta” của Zmiatin, “Lời mời hành quyết” của Nabokov, “1984” của Orwell… Chúng ta thường cười cợt những điều phi lý mà không hề nhận thấy rằng chúng hiện diện thường trực quanh ta, mọi nơi, mọi lúc. Những cuốn sách như vậy buộc chúng ta phải suy ngẫm về cuộc sống hiện tại. Sách ấy cũng rất bổ ích. Và, như một đứa con của nước Nga, tôi luôn đọc đi đọc lại các tác phẩm bất hủ của L.Tolstoi, Gogol, Turgheniev, Puskin, Lermontov…

Tình hình văn hóa đọc ở Nga ra sao? Có lâm vào thời kỳ khủng hoảng trước sự lớn mạnh của Internet?

- Khủng hoảng! Khủng hoảng thấy rõ! Cũng vậy cả thôi, giống như ở khắp nơi trên thế giới. Tôi luôn mong muốn góp phần hạn chế xu hướng này. Hiện tôi cùng bố và mẹ đang có kế hoạch tổ chức những buổi diễn thuyết với những chủ đề như “Làm thế nào để tạo cho trẻ em thói quen đọc sách”, hay “Giáo dục nhân cách sáng tạo”, đồng thời cũng dự định viết một cuốn sách về đề tài này. Chúng tôi có rất nhiều điều có thể chia sẻ. Như tôi chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà tôi có thói quen ham đọc sách. 

Chính bố mẹ tôi “có lỗi” trong chuyện này. Quả thực, tôi rất biết ơn bố mẹ về điều đó. Tất nhiên tôi chủ yếu đọc sách qua bản điện tử, chẳng qua vì sự tiện lợi của nó. Trong iPad của tôi có trên 500 cuốn sách. Nghĩa là tôi luôn theo bên mình cả một thư viện! Tuy nhiên, khi có điều kiện, tôi vẫn rất hào hứng đọc sách in. Đọc sách giấy thú lắm. Tôi nghĩ rằng con người sẽ không bao giờ từ bỏ sách giấy. Đó chính là sân khấu cuộc đời… 

Thời nay có nhiều nhà văn mạng, nghĩa là chỉ lấy tư liệu trên Internet để viết và tưởng tượng mà không cần tốn công sức hay phải đi đâu cả. Bạn nghĩ sao về trào lưu viết văn kiểu này?

- Theo tôi, Internet cũng là một trong những nguồn tư liệu có thể khai thác để làm nên nhiều tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng những tư liệu sống từ cuộc đời thật quanh ta mới cực kỳ cần thiết. Những câu chuyện thật trong đời mới quý giá làm sao, chẳng ai dễ gì hư cấu ra được! 

Đọc và gom tư liệu “chết” là một chuyện, còn tận tai nghe lời kể của một ai đó từng tham gia một sự việc, sự kiện nào đó lại là chuyện khác, không gì có thể thay thế được. Đặc biệt là khi nghe, ta còn cảm nhận được cảm giác, cảm xúc của người đối thoại. Ta nghe được hơi thở của họ, nhìn thấy được ánh mắt của họ, cảm được giọng điệu của họ v.v... 

Khi lên đại học, bạn nhìn cuộc sống có khác trước nhiều không? Sách bạn viết ra thời này cho tuổi thanh niên, hay vẫn cho tuổi nhỏ? Bạn chịu ảnh hưởng của nhà văn nào nhất?

- Dĩ nhiên cái nhìn đã có đổi thay, khác trước. Nói gì thì tôi cũng đã trưởng thành. Nhưng cái nền tảng mà cha mẹ đã giúp tôi định hình thì không bao giờ thay đổi. Một lần cho mãi mãi, tôi tâm niệm: Tội ác lớn nhất trên đời là phản bội cha mẹ mình. Tôi đã thể hiện tâm niệm đó trong một câu văn ở cuốn sách đầu tay của mình, cuốn “Đánh đu giữa những sườn đồi”. Chính câu ấy đã khiến cho biên tập viên NXB phải đọc một mạch cho đến hết bản thảo và quyết định đề nghị xuất bản.

Như đã nói, hiện tôi đang viết thêm hai cuốn về chú chó dẫn đường Trison (những câu chuyện tiếp theo), và cũng có ý định thử sức trong thể loại truyện viễn tưởng. Nhưng tôi cũng muốn tiếp tục khai triển đề tài vốn được khơi mào từ cuốn “Đánh đu giữa những sườn đồi”. Cuốn “12 lần chạm tới chân trời”, nối tiếp cuốn “Đánh đu…” đã viết xong và xuất bản năm ngoái, bây giờ tôi dự định sẽ viết thêm cuốn thứ ba với tựa đề “Có ba điều ước”. 

Thú thực, tôi rất “kết” đề tài tình yêu. Tình yêu của những người cùng lứa tuổi với tôi… Tình yêu nảy sinh, nhen nhóm, cháy lên phần phật, nhưng rồi không hiểu sao cứ lụi tàn dần như đống lửa giữa rừng hoang… 

Được gọi là thần đồng văn học, bạn có thích không? Hay cảm thấy đó là gánh nặng? 

- Xin nói thật - tôi rất không thích thú với danh xưng ấy. Với tôi, không có khái niệm “thần đồng”. Chỉ có những đứa trẻ chăm chỉ, chịu khó, ham học hỏi để tìm hiểu bản thân và thế giới xung quanh. Cũng xin nói thực lòng, tôi chưa coi mình là nhà văn. Mọi chuyện còn đang ở phía trước. Chỉ đến khi sách của tôi được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, may ra tôi mới dám… thử gọi mình là nhà văn (nhưng chắc cũng sẽ ngượng mồm lắm). 

Viết văn, đối với bạn, có ý nghĩa thế nào?

- Tôi có thể khẳng định ngay: Ý nghĩa ấy vô cùng to lớn, quan trọng đối với tôi. Đó là cuộc sống của tôi. Dù mai đây có phải mưu sinh bằng nghề gì đi nữa, tôi vẫn sẽ viết. Hiện tại tôi đang học năm đầu ở Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lomonosov, Khoa Chính trị học. Nhiều người ngạc nhiên: Tại sao tôi lại đi vào các khoa học chính trị? Nhưng tôi cho rằng đây chính là môi trường có nhiều “đất” để mở rộng tầm tư duy. 

Mà suy cho cùng, môn khoa học này chẳng gây hại gì đến những dự định khác của tôi. Đúng không? Tôi mừng vì những sáng tạo văn học nghệ thuật của mình đã được ươm mầm tốt đẹp và có cơ hội phát triển. Mới đây, ở Matxcơva đã công diễn vở kịch “Tôi là chó”, dựa theo cuốn sách “Cầu vồng tặng bạn” của tôi. Vở kịch được công chúng đón nhận rất nhiệt tình. Nữ nghệ sĩ tài năng Natalia Nosova đóng vai chú chó dẫn đường. 

Đến dự buổi công diễn có nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới như nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật Irina Rodnina, ba lần vô địch Olympic, mười lần vô địch thế giới, NSND Philipp Kirkorov… Họ rất hài lòng! Bây tôi đang nghĩ đến chuyện đem đoàn kịch của tôi sang Việt Nam để diễn vở kịch này… Điều quan trọng nhất là không dừng lại mà phải tiến lên phía trước!

Xin cảm ơn bạn!
Nguồn: laodong.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.