Chuyên mục
E. Primakov - Người giúp Nga chấm dứt
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

E. Primakov - Người giúp Nga chấm dứt "Kỷ nguyên ngây thơ"

Thứ bảy 06/02/2016 01:25 GMT + 7
Evgenhi Maksimovich Primakov được coi là một trong những chính trị gia lỗi lạc nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại, có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của nước Nga hiện nay nói chung và với Tổng thống Vladimir Putin nói riêng.

Cố Thủ tướng Nga E.Primakov - một trong những nhà chính trị kiệt xuất của nước Nga hiện đại.

Những đóng góp to lớn đối với tiến trình củng cố vị thế của Nga khiến giới phân tích không ngần ngại ví Evghenhi Primakov như “Henry Kissinger” của Nga.

Sự nghiệp chính trị muộn mằn nhưng vẻ vang

Dù bắt đầu con đường chính trị khá muộn vào năm 1970 (khi đã 41 tuổi) nhưng sự nghiệp chính trị của Evghenhi Primakov (1929-2015) được đánh giá là khá vẻ vang và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Evghenhi Primakov sinh ngày 29/10/1929 tại Kiev, khởi đầu là một phóng viên của Ủy ban phát thanh truyền hình quốc gia trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô từ năm 1956 đến 1962.

Sau đó trở thành bình luận viên thời sự và phóng viên thường trú của báo Sự thật tại Trung Đông. Với tầm nhìn và những đánh giá sắc sảo, ông Primakov được giới chuyên gia về Trung Đông của Nga đánh giá rất cao.

Công tác nghiên cứu khoa học được ông Primakov bắt đầu thực hiện sau khi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc (năm 1970) rồi sau đó là Giám đốc Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô - một cơ quan giữ vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Liên Xô thời bấy giờ.

Năng lực của Primakov trên cương vị này là khởi đầu cho sự nghiệp chính trị nổi tiếng về sau. Ông trở thành cố vấn tin cậy của cựu Tổng thống Mikhail Gorbachev, bất chấp việc đôi khi ông vẫn có những tranh luận đến cùng để có thể tác động lên các quyết định của Gorbachev.

Những đóng góp của Primakov khiến người kế nhiệm Gorbachev là Tổng thống Boris Eltsin tiếp tục trọng dụng và bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cơ quan tình báo đối ngoại trực thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB).

Sau khi Liên Xô tan ra, Boris Eltsin giải thể KGB nhưng vẫn giữ lại Primakov và bổ nhiệm vào vị trí Cục trưởng Cục Tình báo Đối ngoại Nga (SVR).

Sự nghiệp của Primakov tiếp tục thăng tiến sau khi được ông Eltsin bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn là Ngoại trưởng rồi Thủ tướng Nga. Trên mỗi một cương vị, Primakov đều để lại những dấu ấn tích cực khó quên, vạch ra nhiều đường hướng ngoại giao đúng đắn và đã được coi là “Henry Kissinger của Nga”.

Do nhận thấy Primakov là đối thủ chính trị đáng gờm, Tổng thống Eltsin quyết định sa thải Primakov.

Sau khi bị sa thải vào năm 1999, ông Primakov quyết định tiếp tục dấn thân vào hoạt động chính trị khi cho thành lập đảng Tổ quốc - Toàn Nga để chuẩn bị cạnh tranh tham gia bầu cử Tổng thống (đảng này sau đó được sáp nhập với đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất).

Dù không cạnh tranh được với Thủ tướng đương nhiệm Nga khi đó là Vladimir Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga, Primakov vẫn được Tổng thống Putin trọng dụng và bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Nga.

Ở vị trí này, Primakov vẫn tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào chính sách đối nội và đối ngoại của Nga.

Mới đây nhất, trong một phát biểu tại hội nghị cấp cao tháng 1/2015, ông Primakov khẳng định rằng, bất chấp cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine, Nga không thể đủ sức đứng cô lập, và cần phải giữ cánh cửa luôn mở rộng đối với Mỹ và châu Âu.

Suy thoái kinh tế Nga cũng là cơ hội để Nga đa dạng hoá và phân cấp nền kinh tế.

Tổng thống Putin và cố Thủ tướng Primakov (phải)

Cục trưởng SVR Primakov - NATO là mối đe dọa với Nga

Evghenhi Primakov trở nên nổi tiếng sau khi trở thành Viện sỹ khoa học đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại trực thuộc KGB (mùa hè năm 1991) và cũng là quan chức đầu tiên từ chối quân hàm cấp tướng dành cho lãnh đạo SVR.

Evghenhi Primakov lãnh đạo SVR đúng vào giai đoạn khó khăn nhất đối với cơ quan này. Tận dụng sự sụp đổ thành trì của chủ nghĩa xã hội cũng như các khó khăn kinh tế của Moscow, các cơ quan mật vụ phương Tây đã cố gắng để giành được ưu thế tối đa trước các cơ quan tình báo Nga.

Sau khi Primakov lên nắm quyền, SVR đã bắt đầu thay đổi để thích ứng với tình hình mới và dần có những tiếng nói quan trọng trong việc hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Nga.

Dấu ấn được coi là lớn nhất của Primakov trên cương vị Cục trưởng SVR là xuất bản Sách Trắng năm 1993 với tiêu đề: "Sự Phát triển của NATO và Lợi ích Quốc gia của Nga".

Trong cuốn sách này, SVR đã thể hiện sự lo ngại của Nga trước nguy cơ bị Mỹ cô lập, đồng thời khẳng định việc NATO mở rộng về phía Đông Âu là một mối đe doạ đến lợi ích của Nga.

Sau đó, SVR tiếp tục trình lên Eltsin những bản báo cáo với nội dung tương tự. Đây chính là tiền đề để Tổng thống Eltsin cất nhắc Primakov lên chức Ngoại trưởng Nga.

Ngoại trưởng Nga qua các thời kỳ Lavrov (phải), Primakov (giữa), Ivanov (trái)

Ngoại trưởng Primakov - Người đặt nền móng cho chính sách đối ngoại Nga

Trong đám tang ông Primakov hồi tháng 6/2015, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov không ngần ngại ví Primakov là người “đặt nền móng cho chính sách đối ngoại Nga”.

Tư tưởng chủ đạo trong chính sách đối ngoại Primakov theo đuổi là xây dựng một trật tự “thế giới đa cực” (cụm từ mà hiện Tổng thống đương nhiệm V.Putin vẫn thường hay dùng), cũng như thực hiện chính sách đối ngoại cứng rắn trong quan hệ với phương Tây.

Với chính sách này, Primakov được coi là người chấm dứt “kỷ nguyên ngây thơ” của nước Nga trong quan hệ với phương Tây.

Giai đoạn đầu cầm quyền, Tổng thống Eltsin đã coi các nhà lãnh đạo phương Tây là đồng minh và suy nghĩ này chỉ có thể thay đổi sau những đề xuất của Primakov và sau khi ông bổ nhiệm Primakov vào chức vụ Ngoại trưởng Nga.

Sau khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng (nắm quyền từ 1/1996 đến tháng 9/1998), ông Primakov lập tức đẩy mạnh tái thiết quan hệ với các đồng minh lâu năm của Liên Xô tại Arab như Syria và Iraq, đồng thời kịch liệt phản đối Mỹ trong việc giành độc lập cho Kosovo, lên án mạnh mẽ chiến lược hướng Đông của NATO.

Dấu ấn của chính sách xây dựng trật tự thế giới đa cực được thể hiện rõ nét trong chính sách xây dựng “tam giác chiến lược” Nga – Trung - Ấn. Việc đưa ra chiến lược này vào thời điểm nhiều nhà lãnh đạo Nga vẫn đang ảo tưởng với đường hướng hội nhập với phương Tây được coi là hành động rất táo bạo, thậm chí có ý kiến còn đánh giá đây là tư tưởng cấp tiến, không hợp thời.

Tuy nhiên, Primakov vẫn quyết tâm bảo vệ chính kiến của mình và khẳng định rằng, “tam giác chiến lược” Nga – Trung - Ấn sẽ tạo ra lớp bảo vệ cho những quốc gia tự do không đồng minh với phương Tây. Khủng hoảng kinh tế tại Nga là một trong những điều kiện hội tụ hiếm gặp để tạo lập liên minh này.

Chính tư tưởng này của Primakov đã đặt nền móng để hình thành Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) về sau này.

Đối với khu vực Trung Đông và các nước Liên Xô cũ, Primakov chủ trương phải khôi phục và củng cố quan hệ với các nước này để cùng với tam giác “Nga – Trung - Ấn” chống lại thế bao vây của Mỹ và phương Tây.

Chính sách này được gọi là “Học thuyết Primakov” với mục đích là hạn chế sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ, nâng cao ảnh hưởng, vị thế của Nga trên trường quốc tế, nhất là ở Trung Đông và lục địa Á - Âu.

Ngày nay, trong bối cảnh nước Nga tiếp tục bị phương Tây bao vây, cấm vận, người ta phần nào mới thấy được “tầm nhìn xa, trông rộng” của ông Primakov.

Cố Tổng thống Elsin (phải) và ông Primakov

Thủ tướng Primakov - cú “quay đầu lịch sử”

Được Tổng thống Eltsin bổ nhiệm vào cương vị Thủ tướng Nga trong giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Nga (từ 11/9/1998 đến 12/5/1999), ông Primakov đã tiến hành một loạt biện pháp cải cách kinh tế được coi là vô cùng khó khăn.

Tuy nhiên, với tầm nhìn của mình, đa số các cuộc cải cách do Primakov đề xướng và chỉ đạo thực hiện, đều mang lại thành công, điển hình là cải cách thuế.

Về đối ngoại, Primakov vẫn tiếp tục theo đuổi thực hiện chính sách “trật tự thế giới đa cực” trong quan hệ với Mỹ và EU.

Ngày 24/3/1999, Thủ tướng Primakov lên đường thăm chính thức Mỹ. Sau khi nghe được thông tin Tổ chức Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ném bom Nam Tư, một đồng minh của nước Nga tại thời điểm đó, ông Primakov đã ra lệnh cho phi công quay đầu máy bay về Moscow ngay khi máy bay đang ở khu vực Đại Tây Dương. Sự kiện này được gắn với biệt danh “cú quay đầu lịch sử”.

“Cú quay đầu lịch sử” này đã gây ra một số rắc rối trong quan hệ ngoại giao và được xem là bước ngoặt trong quan hệ Nga - Mỹ. Khi đó, Nga đang cần thảo luận với Mỹ để vay khoản tín dụng 15 tỷ USD rất cần cho nền kinh tế Nga lúc bấy giờ.

Do đó, đây được coi là quyết định hết sức dũng cảm và đi vào lịch sử như một biểu tượng của sự chuyển hướng từ chính sách đối ngoại của Eltsin sang chính sách đối ngoại mới, đa phương của nước Nga.

Sự kiện này khiến uy tín của ông Primakov tiếp tục tăng cao và trở thành ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Tổng thống Nga. Nhận thấy Primakov là đối thủ chính trị tiềm tàng, Tổng thống Eltsin đã quyết định cách chức đối với ông Primakov.

Ông Primakov

Lịch sử ghi nhận công trạng

Evghenhi Primakov qua đời ngày ngày 26/6/2015. Những đóng góp của ông đã được lịch sử ghi nhận qua những lời chia buồn của các nhân vật hàng đầu nước Nga và thế giới.

Trong sổ tang chia buồn, Tổng thống Nga khẳng định, ông Primakov là “bạn chiến đấu”, người đã “để lại di sản đồ sộ”.

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov gọi Primakov là “người đặt nền móng cho chính sách đối ngoại Nga”. Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin ví ông Primakov như là người góp phần “tạo ra lịch sử nước Nga”.

Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Nikolai Levichev đề xuất dựng tượng cựu Thủ tướng Nga tại Quảng trường Lubyanka, trung tâm thủ đô Moskva.

Các chính trị gia Mỹ cũng phải lên tiếng bày tỏ sự khâm phục đối với ông Primakov. Tổng thống Mỹ B.Obama ca ngợi ông Primakov đã có đóng góp lớn cho sự hình thành nước Nga hiện đại. Đại sứ Mỹ tại Nga, John Tefft khẳng định rằng Primakov là một trong những chính khách vĩ đại nhất của lịch sử Liên Xô và nước Nga hiện đại.

Về phía giới phân tích chính trị, Aleksey Makarkin, chuyên gia thuộc Trung tâm Công nghệ Chính trị Mosscow ca ngợi khả năng theo đuổi một chính sách cân bằng và khôn ngoan của ông Primakov.

"Primakov là một người khởi xướng chính trị thực dụng, khác xa với chủ nghĩa duy tâm và phô trương sức mạnh".

Trong khi đó, Dmitry Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng, sự ra đi của ông Primakov là tổn thất lớn đúng vào thời điểm Nga đang cần những nhân vật có đầu óc cố vấn cho chính phủ.

"Trên chính trường Nga, cả đối nội và đối ngoại, ông Primakov là một ví dụ về một chính khách tận tụyvới lợi ích quốc gia, và là người khởi xướng mối quan hệ bình đẳng với các nước khác" - ông Trenin khẳng định.

Để ghi nhận công lao của Primakov với nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh 4/12/2015 tưởng nhớ Primakov và lấy tên Primakov đặt cho tàu khu trục đầu tiên của lớp Projekt 23560 Lider.

Ngoài ra, Tổng thống Putin còn khuyến nghị chính phủ xem xét vấn đề gắn bảng tưởng nhiệm ở ngôi nhà ông từng sống và giao nhiệm vụ cấp 10 học bổng Evghenhi Primakov từ năm 2016 cho các sinh viên Khoa Kinh tế, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (MGU) và Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO).
Nguồn: soha.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.