Chuyên mục
Có thật Nga sắp phá sản?
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Có thật Nga sắp phá sản?

Chủ nhật 09/08/2015 03:34 GMT + 7
Thế giới đã khá nhiều lần được nghe điệp khúc “Nga sắp phá sản”. Cũng có nhiều bằng chứng cho thấy đó không phải là dự báo suông. Nhưng tại sao điều đó mãi vẫn chưa xảy ra?

Ảnh minh họa

Có một điều không ai phủ nhận là nền kinh tế Nga đang gặp khủng hoảng, hay chí ít cũng là những khó khăn khá nghiêm trọng. Ngân sách Nga – nguồn thu có gần ½ là gốc gác từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt - đã giảm đáng kể; Đồng ruble mất giá, vốn đầu tư ồ ạt chảy ra nước ngoài (chỉ riêng trong năm 2014 là 120 tỷ USD, tương đương 10% GDP). Chính phủ Nga đã khẩn cấp tăng mạnh lãi suất cơ bản và các biện pháp hỗ trợ trực tiếp đồng ruble để kìm hãm đà mất giá. Thời gian gần đây, Ngân hàng trung ương Nga đã bắt đầu từng bước giảm lãi suất để thu hút đầu tư nhưng việc này cũng góp phần khiến lạm phát trong giai đoạn 2013-2014 đã tăng gấp đôi.

Có lẽ chính vì những yếu tố này mà dự báo về triển vọng kinh tế Nga của các định chế tài chính quốc tế rất khác nhau. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong năm 2015, GDP của Nga sẽ giảm khoảng 3% và ổn định vào năm 2016. Các chuyên gia Bloomberg lại cho rằng Nga phải đối mặt với nguy cơ "suy thoái nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua", hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor thì dự đoán Moscow sẽ vỡ nợ trong 2-3 năm tới. Tờ Le Nouvel Observateur (Pháp) thì cho rằng, trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu còn bận "cãi vã, thảo luận các chi tiết của kế hoạch trong tương lai cứu Hy Lạp" thì tại nước Nga "mối de dọa về một vụ vỡ nợ thảm khốc hơn đang dần hiện ra".

Có những dấu hiệu cho thấy, đây không phải là những nhận định chủ quan, vô căn cứ. Hồi tháng 1/2015, tỉnh Novgorod đã không thể trả nợ vay Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB). Chính quyền tỉnh buộc phải tổ chức đấu giá để có khoản vay mới với lãi suất 23,63%, nhưng đã không thể thu hút các ngân hàng tham gia, do đó tỉnh này đã vỡ nợ "kỹ thuật". Cuối cùng, Bộ Tài chính Nga đã phải giải cứu bằng việc cung cấp một khoản hỗ trợ tài chính trị giá 320 triệu ruble.

Theo số liệu của Trường đại học Kinh tế cao cấp, 20/85 tỉnh của LB Nga, hiện đang ở trạng thái vỡ nợ. Đây là hệ quả của các biện pháp quy mô lớn được chính phủ thông qua sau khi ông Vladimir Putin trở lại làm Tổng thống tháng 5/2012, trong đó có chương trình tăng tỷ lệ sinh nở, tạo 25 triệu việc làm vào năm 2020, cũng như cải cách hệ thống y tế.

Đến năm 2014, tình hình trở nên tồi tệ do giá dầu mỏ và khí đốt giảm mạnh, Moskva phải đối mặt với biện pháp trừng phạt của phương Tây và sự mất giá mạnh của đồng ruble khiến nguồn thu của các khu vực giảm đáng kể, trong khi chi tiêu tiếp tục tăng.

Chính quyền các khu vực còn khó khăn hơn khi Ngân hàng trung ương Nga quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 17%, trong khi chính phủ liên bang ngày càng ít hỗ trợ các khu vực hơn thể hiện ở việc năm 2015 ngân sách liên bang dành cho các khu vực giảm 15% so với năm trước.


Liệu có thể xảy ra tình trạng vỡ nợ địa phương, kéo đến việc chính quyền trung ương Nga cũng vỡ nợ? Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin cho rằng khả năng Moscow vỡ nợ là "rất thấp". Ngoài ra, triển vọng vỡ nợ "là không thể chấp nhận đối với chính quyền, vốn được xây dựng trên những cam kết về ổn định, trái ngược với bầu không khí thời thập niên 1990 của một Tổng thống Boris Yelsin và thông báo phá sản vào năm 1998". 

Thêm vào đó, giới chức Nga cũng nhận thức rõ rằng nguy cơ vỡ nợ là có thực. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 21/7 cho biết đích thân ông sẽ xử lý vấn đề nợ của các khu vực và cam kết chính phủ sẽ chi 310 tỷ ruble dưới các hình thức trợ cấp khác nhau. Tuy nhiên, những biện pháp này có thể chưa đủ: vấn đề nằm ở chỗ cuộc khủng hoảng tại Nga không chỉ là hệ quả của tình hình kinh tế khó khăn, mà còn mang tính cơ cấu. Trong bối cảnh này, ông Kudrin cho rằng cuộc khủng hoảng ở Nga sẽ kéo dài, và sau đó sẽ là giai đoạn dài trì trệ.

Tác giả bài báo đăng trên tờ Le Nouvel Observateur  đặt câu hỏi: "Vậy liệu những triển vọng ảm đạm như vậy có buộc Nga kiềm chế tham vọng của mình trên trường quốc tế?". Theo Phó giáo sư Cyril Bret thuộc Viện Nghiên cứu Chính trị ở Paris một kết cục như vậy khó có thể xảy ra. Ông Cyril Bret nhận xét: "Việc (Nga) từ tháng 3 đã "tạm dừng" giao tranh ở Ukraine không chỉ là tiền đề về kinh tế mà cả chiến thuật - Nga vẫn hy vọng Ukraine sẽ có thêm nhượng bộ".

Theo ông Bret, cuộc khủng hoảng hiện nay không thể tác động tới chính sách đối ngoại của Moscow trong ngắn hạn, song về lâu dài nó có thể gây khó khăn đáng kể cho những sáng kiến nhất định của chính phủ Nga - chẳng hạn như việc tái vũ trang quân đội quy mô lớn. 

Trần Phong
Nguồn: Infonet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.