Chuyên mục
Chuyện kể của một người Nga chuyên buôn hàng Trung quốc
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Chuyện kể của một người Nga chuyên buôn hàng Trung quốc

Thứ tư 03/04/2013 10:50 GMT + 7
Trung Quốc từ lâu đã trở thành công xưởng sản xuất của các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới và đồng thời cũng là cội nguồn sinh ra nhiều vấn đề làm đau đầu các ông chủ thương hiệu. Ngoài "thời trang cao cấp" giá "bèo", các nhà sản xuất Trung Quốc cũng không bỏ qua phân khúc thị trường đại chúng. 

Đã có thời, khi các khu chợ trời ở Nga còn thịnh vượng, mẫu sản phẩm của những nhà thiết kế vô danh Trung Quốc có thể được xem là tiêu biểu của thời trang thế giới. Bằng cách nào quần áo Trung Quốc được nhập ồ ạt vào Nga, thế nào là khái niệm "ca 3", và tại sao hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng khác với hàng tiêu dùng đại trà của Trung Quốc - báo "Tin mới Moskva" (Московские новости) số ra ngày 29.03.13 có bài viết đề cập đến vần đề này. Bài báo dựa theo lời kể của một thương nhân Nga giấu tên, người chuyên mua hàng của những xí nghiệp may Trung Quốc.


          



Nhà thiết kế thời trang Simachev lại không ngờ rằng anh cũng "nổi tiếng" ở Trung Quốc  


Vị thương nhân giấu tên thố lộ:

- Việc buôn bán hàng đã từng bị lộn xộn khi chợ Cherkzov (chợ Vòm) cũ bị sập, còn bây giờ thì hàng hoá dồn vào chợ "Sadovod" và trung tâm thương mại "Moskva" ở khu vực Liublino. Mặt hàng vẫn không thay đổi, Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp chính của chúng tôi. Tại sao? Nguyên nhân rất đơn giản: người Trung Quốc có thể sản xuất tất cả mọi thứ, từ hàng chính hãng, hàng sao chép, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng đến những sản phẩm của các nhà máy không có tiếng tăm, nói chung, từ máy bay đến quần áo. 

Ví dụ, nhà thiết kế thời trang Simachev, chủ sở hữu thương hiệu "Denis Simachev" (thương hiệu có tiếng của Nga), lại không ngờ rằng nhiều người ở Trung Quốc biết đến tiếng tăm của anh. Về nguyên tắc, đây là một vinh dự, tôi rất mừng cho nhà thời trang Nga. Ngoài ra, người Trung Quốc cũng tích cực sao chép mẫu mã các mặt hàng dưới thương hiệu "MaxChernitsov". Hàng với nhãn hiệu "Kira Plastinina" cũng được may ở đây. Có thể, các loại quần áo may sẵn (đang bày bán ở Nga) được may ở Moskva hoặc Milan, nhưng số đó chỉ chiếm 10%, phần còn lại là hàng Trung Quốc. 


Người Trung Quốc biết tạo ra những đường may thẳng tắp, biết may tốt những lớp đệm tạo dáng thời trang, phụ liệu may của họ tuyệt vời, vải vóc cũng không tệ

Mọi người cho rằng sức lao động Trung Quốc rất rẻ. Tuy nhiên, quan điểm này đã lỗi thời. Từ 10 năm trước, người Trung Quốc đã vùng lên và tự tin hơn. Ví dụ, ở Moskva có khu phố Tretyakov proezd (passage), nơi từng bán các loại hàng hiệu, còn ở Trung Quốc, các con phố dạng này có mặt trong mỗi khu vực. 

Hiện nay, có nhiều tập đoàn chuyển đến Ấn độ, Bangladesh, Cam-pu-chia. Nhưng chưa chắc các nước này có thể đạt được những thành tựu như Trung Quốc đã đạt được. Người Trung Quốc biết chạy những đường may thẳng tắp, biết may tốt những lớp đệm tạo dáng thời trang, phụ liệu may của họ tuyệt vời, vải vóc cũng không tệ. Điều duy nhất - hàng không có ai mua bởi vì đắt tiền.

Ở Trung Quốc và trên toàn thế giới, có khái niệm "ca 3". Nói chung, ở các xí nghiệp chính thức có 2 ca - ca sáng và ca chiều. Đại diện chủ sở hữu thương hiệu thường có mặt trong khoảng thời gian 2 ca chính thức. Tối đến, khi xí nghiệp đóng cửa, các vị đại diện đi thư giãn tại các quán bar, nhà hàng, vũ trường hay nghỉ ngơi ở nhà, đèn đóm trong xưởng lại được thắp sáng lên, ca 3 được bắt đầu và kéo dài cho đến sáng. Nếu như trong cả 2 ca đầu chỉ có khoảng 10 nghìn chiếc túi được may, thì trong ca 3 phải có thêm 10 - 20 nghìn chiếc nữa. Trong ca này, chẳng ai kiểm tra chất lượng hàng hoá. Những lô hàng ra lò (trong ca 3) được bán nhanh gọn ở những nơi đặc biệt, nhờ những người được đào tạo bài bản. Sau đó, 20 nghìn chiếc túi này được chia thành những lô nhỏ hơn và phân phối đi khắp nơi trên thế giới.

Cả lô hàng được mua với giá "bèo", và sau đó được trộn với sản phẩm hợp pháp với tỷ lệ 80% hàng chính hãng và 20% hàng giả mạo.

Làm sao để mua được hàng? Xí nghiệp sẽ gọi điện báo cho những người cần hàng. Tuy nhiên, không dễ dàng lọt được vào danh sách khách hàng có chọn lọc này. Chỉ một nhóm nhỏ những người đã từng sống đủ lâu ở Trung Quốc, từng uống không ít hơn vài chục lít rượu Tàu có mùi vị không dễ chịu với các đối tác người Hoa, mới có thể được liệt kê vào danh sách. Hiện nay, người Trung Quốc đang ở trong một thời kỳ giống như những năm 1990 mà người Nga đã trải qua - thời kỳ mọi công việc làm ăn đều được giải quyết trong nhà tắm hơi. Thông thường, cả lô hàng được mua với giá rẻ mạt, và sau đó được trộn với sản phẩm hợp pháp với tỷ lệ 80% hàng chính hãng và 20% hàng giả mạo. 

Tôi sẽ không nêu ra tên các cửa hàng, tuy nhiên, tôi cho các bạn biết, đó là những chuỗi cửa hàng lớn. Các cửa hàng sẽ bỏ túi phần chênh lệch. Nếu bạn vận chuyển hàng hoá (và làm thủ tục hải quan) một cách hợp pháp, phụ phí sẽ lên đến gần bằng 300% giá hàng. Nếu bạn vận chuyển theo cách "xám" hoặc "đen", chi phí vận chuyển chỉ vào khoảng 50% tổng giá trị lô hàng. Rất dễ hiểu, chẳng ai có lợi khi tự trả thuế hải quan 67$, trong khi có thể trả 33$ nếu sử dụng dịch vụ bất hợp pháp của những người "chuyên nghiệp". Mọi việc đều phụ thuộc vào người mua hàng. Nếu anh ta keo kiệt, anh ta sẽ chất hàng hoá vào vali, đóng gói thật chặt và tự mình mang qua hải quan. Thông thường, họ đã nhẵn mặt ở các cửa khẩu và thường bị hải quan "xích" lại. 

Ở Nga, bạn có thể mang theo người hành lý cá nhân có trị giá không quá 10 nghìn Euro, hay có trọng lượng không hơn 50 kg. Nếu vượt quá những con số này, bạn cần phải khai báo hải quan và trả thuế. Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn cụ thể nào quy định hành lý bạn mang theo là hàng để buôn bán, như các nhân viên hải quan thường hoạnh hoẹ hành khách. Đối với các cá nhân, thường có một số hạn chế đối với hành lý theo người. Ví dụ, bạn không thể mang theo cả một lố quần jean đủ kích cỡ, hải quan sẽ nói đây là lô hàng thương mại, rõ ràng là bạn mang vào (Nga) để bán. Nhưng bạn có thể chứng minh rằng toàn bộ số hàng này là quà tặng cho bà con, cho người quen, và cả lô hàng chỉ được sử dụng cho mục đích cá nhân. 

Đôi khi, người mua hàng đến Trung Quốc và dạo chợ. Ở Bắc Kinh và những thành phố lớn khác có cả những khu riêng biệt chuyên buôn bán sỉ và lẻ. Ở đây, mọi người lựa chọn hàng hoá, thoả thuận với chủ các quầy hàng ở chợ để họ tự gửi hàng đến Novosibirsk, Yekaterinburg, Moscow hay St Petersburg. Sau đó đến lượt các hãng cargo làm việc. Người bán chỉ việc mang hàng đến các kho cargo, và người ta sẽ gửi hàng đến Nga bằng con đường riêng của mình. Thông thường, hàng đi đường biển đến Moskva mất khoảng 60 ngày, đường sắt - 40 ngày. 

Chợ "Sadovod" và trung tâm thương mại "Moskva" ở Liublino không phải là những nơi có thể bán được hàng với "giá trên trời" (với mức phụ phí lên đến 300%). Nếu chủ hàng bán giá này sẽ không có người mua, vì khách hàng những nơi đó đến từ nhiều vùng miền trên nước Nga để mua rồi bán lại. Ở các khu thương mại này, người bán cũng chia thành nhiều cấp - không chỉ những người bán hàng "ca 3" mà còn có những người bán hàng sao chép, hàng nhái mác được sản xuất theo các mẫu độc quyền, nhưng tại các xí nghiệp thật bình thường. 

Theo luật pháp Trung Quốc, việc sản xuất và buôn bán hàng "ca 3" là phạm tội. Tuy nhiên, mọi người đều muốn mua hàng với giá rẻ nhất nên họ nhập vào Nga mọi thứ. 

Tại sao đại diện các thương hiệu không theo dõi sự khác biệt giữa số lượng hàng được sản xuất hợp pháp dưới nhãn mác của mình và lượng hàng thực sự được bán ra thị trường - câu hỏi này không dành cho tôi (người kể chuyện giấu tên). Ở đâu cũng có người khôn khéo, không ai đành lòng trả số tiền thuế điên rồ.  

Nguồn tham khảo: http://mn.ru/society/20130329/341968492.html  

Nguồn: mn.ru
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.